Ngân hàng thế giới giục TP HCM giải ngân 95 triệu USD
“Bất kỳ khoản tiền nào không kịp giải ngân sẽ bị hủy sau khi kết thúc thời gian ân hạn. Khi đó TP HCM phải dùng đến ngân sách để chi trả cho những hợp đồng dang dở”, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) khuyến cáo.
Trong thông báo gửi UBND TP HCM, đại diện WB cho biết còn số tiền hơn 95,3 triệu USD đối với tiểu dự án Nâng cấp đô thị TP HCM sẽ phải giải ngân vì thời gian ân hạn đã sắp hết.
Theo WB, dù chủ đầu tư tiểu dự án là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị thành phố (HUUI – IMU) đã làm việc rất cố gắng, nhưng khối lượng công việc cần được xem xét cụ thể và quy trình thanh toán cũng còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Cầu Lê Văn Sỹ mới bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được thông xe dịp 30/4 năm nay là một trong những dự án thành phần thuộc tiểu dự án Nâng cấp đô thị TP HCM. Ảnh: H.C.
Video đang HOT
Vì vậy, WB đề nghị UBND thành phố và chủ đầu tư cần tập trung mọi nhân lực, vật lực có sẵn để tăng tốc và hoàn thành việc giải ngân như kế hoạch đề ra. “Bất kỳ khoản tiền nào không kịp giải ngân sẽ bị hủy sau khi kết thúc thời gian ân hạn. Khi đó TP HCM phải dùng đến ngân sách để chi trả cho những hợp đồng dang dở”, WB cảnh báo và cho biết sẵn sàng hỗ trợ chủ đầu tư bằng bất kỳ cách nào có thể.
Trước đề nghị này, UBND TP HCM đã yêu cầu HUUI – IMU rà soát, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu nhưng phải đảm bảo chất lượng các công trình của tiểu dự án Nâng cấp đô thị TP HCM. Đồng thời, khẩn trương lập kế hoạch tổ chức chương trình Tổng kết dự án Nâng cấp đô thị do WB, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng thành phố phối hợp.
Tiểu dự án Nâng cấp đô thị thành phố thuộc dự án Nâng cấp đô thị Việt Nam với mục tiêu là xóa đói nghèo tại TP HCM, Cần Thơ, Hải Phòng và tỉnh Nam Định bằng cách cải thiện đời sống và môi trường sống cho người thu nhập thấp thông qua việc nâng cấp hạ tầng cơ sở cấp 1, 2 và cấp 3; cung cấp nhà ở cho người thu nhập thấp; xây dựng quỹ cho vay nhà ở. Tại TP HCM, tiểu dự án có tổng mức đầu tư hơn 590 triệu USD; trong đó có 267,8 triệu USD là từ nguồn vốn vay ODA của WB (còn lại là vốn đối ứng của thành phố) và được triển khai từ năm 2004.
Tiểu dự án có 6 hạng mục, 9 dự án thành phần gồm: Nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp ba cho các khu dân cư thu nhập thấp (dự án thành phần số 1 và 2); Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp một, hai (dự án thành phần số 3; 4; 5 và 6); ầu tư xây dựng khu dân cư Vĩnh Lộc B tại huyện Bình Chánh (dự án thành phần số bảy); Quỹ quay vòng vốn nâng cấp nhà ở và cải thiện thu nhập cho các hộ dân thu nhập thấp (dự án thành phần số 8); Tăng cường năng lực quản lý nhà đất trên địa bàn thành phố (dự án thành phần số 9) và Hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực quản lý dự án nâng cấp đô thị TP HCM. Về sau có bổ sung thêm dự án xây dựng 4 cây cầu là cầu Bông, cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu và cầu Hậu Giang.
Trung Sơn
Theo VNE
Công chức sẽ được vay tiền xây nhà
Ngày 18-4, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) đã họp phiên đầu tiên của năm 2014. Nhiều cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ thị trường BĐS đã được các bộ, ngành đề xuất tại phiên họp.
Tín dụng sẽ được tập trung cho giải quyết tồn kho bất động sản
Mở rộng diện vay gói 30.000 tỷ đồng
Thông tin về tình hình triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn của chương trình, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nới một số điều kiện để được vay tiền. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thống nhất với Bộ Xây dựng đề xuất, cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ từ 10 năm lên 15 năm để phù hợp với khả năng trả nợ của đối tượng thu nhập thấp; cho phép vay đối với các đối tượng khách hàng cá nhân mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán nhà tối đa 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá) để phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương; đồng thời, kiến nghị bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần có nhu cầu được tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở để đẩy mạnh việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở.
Cũng tại cuộc họp sáng 18-4, Ngân hàng Nhà nước còn đề xuất bổ sung đối tượng là các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 300 triệu đồng cũng như cho phép các đối tượng ký hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở trước ngày 7-1-2013 (ngày Nghị quyết 02/NQ-CP có hiệu lực) được vay trong gói hỗ trợ này.
Hạn chế cấp phép dự án mới
Theo Bộ Xây dựng, tổng hợp từ các địa phương cho thấy, hiện có 287 dự án BĐS đang phải tạm dừng với diện tích đất 14.819ha (14,5%), diện tích đất xây dựng nhà ở 4.395ha (12,9%). Các dự án tạm dừng chủ yếu là do chủ đầu tư không huy động được thêm nguôn vôn để triển khai tiếp. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, số dự án được cấp phép quá lớn so với nhu cầu thực và khả năng chi trả. Vì vậy, cần tập trung xử lý lượng hàng hóa tồn kho này. Bộ trưởng cho rằng, các nhà đầu tư hiện hết sức tỉnh táo. Họ chưa triển khai dự án vì chưa có thị trường.
Đến thời điểm này, tồn kho BĐS đã giảm mạnh. Tuy nhiên, con số tồn đọng vẫn còn rất lớn (khoảng 94.458 tỷ đồng), để tập trung giải quyết vấn đề tồn kho, tạo điều kiện cho các dự án đang triển khai dở dang, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, các địa phương cần hạn chế cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong thời gian trước mắt, nhất là các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như nhu cầu của địa phương. Phó Thủ tướng nói: "Nguồn tín dụng nên để dành cho việc "gỡ" hàng tồn kho, phân khúc nhà phục vụ cho các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp".
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu sản phẩm. Đặc biệt, nguồn cung sản phẩm nên hướng vào phân khúc bình dân, diện tích vừa và nhỏ, với giá bán phù hợp với đa số người tiêu dùng, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà cho thuê... Phó Thủ tướng nói: "Các địa phương, ngành chức năng cần tập trung đôn đốc, khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhằm đưa ra nhiều hơn nữa hàng hóa thuộc phân khúc bình dân. Đồng thời, cần xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nhà ở thương mại có nhu cầu điều chỉnh cơ cấu căn hộ, hoặc chuyển sang xây dựng nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người dân...".
Theo ANTD