Ngân hàng Quốc Dân: Lợi nhuận quý 3 tăng gấp hơn 4 lần cùng kỳ, đạt gần 1,7 tỷ
Các hoạt động đều khá lên song do ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, kết hợp với xử lý các khoản theo đề án tái cấu trúc nên lợi nhuận chẳng còn được là bao.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân ( NCB) vừa có báo cáo tài chính về hoạt động kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2017.
Theo đó, trong các hoạt động, ngoại trừ thu nhập từ lãi ít hơn, các hoạt động khác đều khởi sắc hơn cùng kỳ năm trước, từ dịch vụ, kinh doanh ngoại hối cho đến mua bán chứng khoán. Tuy nhiên do tỷ trọng thu nhập từ lãi quá lớn nên kết quả kinh doanh chung cải thiện không đáng kể so với năm trước.
Trong quý 3, tổng thu nhập từ hoạt động của NCB sau khi trừ đi chi phí đạt hơn 27,8 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước và 9 tháng thu nhập hoạt động đạt gần 108 tỷ đồng, so với 94,5 tỷ của 9 tháng đầu năm 2016.
Song do ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, kết hợp với xử lý các khoản theo đề án tái cấu trúc (9 tháng xử lý 42,5 tỷ) nên lợi nhuận chẳng còn được là bao. Quý 3/2017 ngân hàng mẹ lãi trước thuế 1,687 tỷ đồng và sau thuế 1,350 tỷ; Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt 9,752 tỷ đồng trước thuế và sau thuế là 7,290 tỷ đồng.
Dẫu vậy, sự tăng trưởng về lợi nhuận bước đầu đã được ghi nhận. So với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận quý 3 năm nay đã tăng gấp hơn 4 lần.
Như đã đề cập, NCB đang là ngân hàng còn khó khăn do phải tái cơ cấu do vậy thu nhập của người lao động cũng ở mức thấp so với mặt bằng chung.
Video đang HOT
Tại thời điểm cuối tháng 9 năm nay, mức thu nhập trung bình của người lao động là 12,34 triệu đồng/tháng trong khi tiền lương bình quân là 12,26 triệu đồng/tháng. So với cùng kỳ năm trước thì lương năm nay cao hơn 360 nghìn đồng/tháng nhưng thu nhập lại thấp hơn 240 nghìn đồng/người/tháng.
Còn nếu tính chung cả công ty con thì lương lương bình quân của cán bộ ngân hàng hợp nhất chỉ còn 11,3 triệu đồng/người/tháng và thu nhập thì cao hơn lương 100 nghìn đồng/tháng. Dẫu vậy so với cùng kỳ năm ngoái, lương của NCB và công ty con đã tăng hơn 10% (năm ngoái lương bình quân 10 triệu đồng chẵn/tháng và thu nhập là 10,1 triệu đồng/tháng tính bình quân 9 tháng).
So với mặt bằng chung, thu nhập của cán bộ NCB chỉ bằng phân nửa so với thu nhập của các ngân hàng nhóm trên như VIB, Techcombank, MB, VPBank, Vietcombank, BIDV…Song nếu so với các ngân hàng cùng quy mô thì vẫn còn khá hơn nhiều, ví dụ thu nhập của người làm ở PGBank chỉ 9 triệu đồng/tháng hay ở Kienlongbank là 11-12 triệu đồng/tháng.
Về nhân sự, đến 30/9 ngân hàng này có 2.402 nhân sự, giảm 146 người so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhân sự của ngân hàng mẹ giảm 109 người xuống 2.178 cán bộ nhân viên. Xu hướng này ở NCB là đang đi ngược so với bức tranh chung của ngành.
Theo Trí thức trẻ
'Canh bạc' của Xây dựng Hòa Bình
Ổn định hiệu quả hoạt động là cái giá mà Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phải trả để đánh đổi quá trình tăng trưởng "nóng".
Ngày 30/10, khi báo cáo tài chính cho quý gần nhất của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã CK: HBC) được công bố, trên thị trường chứng khoán cổ phiếu HBC giảm sàn gần 7%. Sau 4 phiên giao dịch tiếp theo, tổng cộng mã cổ phiếu này mất 16,5% giá trị, tương đương vốn hóa bốc hơi hơn 1.100 tỷ đồng.
Theo lẽ thường, cổ phiếu giảm sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính thường đi kèm với kết quả kinh doanh không mấy tích cực, nhưng với Hòa Bình lại hoàn toàn khác.
Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng này vừa báo lãi quý III tăng hơn 30% so với cùng kỳ, trong đó lũy kế 9 tháng lợi nhuận của Hòa Bình cũng tăng tới gần 60%. Bản thân doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp cũng tăng mạnh, đạt gần 11.000 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm so với mức 7.000 tỷ cùng kỳ năm trước.
Tại sao HBC liên tục giảm, thậm chí giảm sàn? Nhiều nhà đầu tư cho rằng, bản chất của sự việc là do những điểm bất thường cũng lộ diện trong báo cáo tài chính của Hòa Bình, bên cạnh những con số tích cực về kết quả kinh doanh. Những yếu tố này đang cho thấy tính không bền vững của một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng.
Sự gia tăng của các khoản phải thu khiến Hòa Bình phải sử dụng vay nợ để bù đắp vốn lưu động.
"Chúng tôi cho rằng ổn định hiệu quả hoạt động là cái giá mà HBC phải trả khi tăng trưởng doanh thu 'nóng. Các thay đổi trong vốn lưu động có thể mang lại rủi ro cho dòng tiền tương lai. Trong khi dòng tiền của công ty mang màu sắc tương phản với kết quả kinh doanh do cách ghi nhận doanh thu'", báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận xét về hoạt động của Hòa Bình thời gian gần đây.
Lý giải điều này, VDSC cho rằng doanh thu của Hòa Bình tăng nhưng kéo theo đó là khoản phải thu tăng mạnh. Tăng khoản nợ phải thu sẽ tạo áp lực lên vốn lưu động ròng. Trong khi Hòa Bình không còn nhiều lợi thế mua trả chậm từ các nhà cung cấp, khiến doanh nghiệp này phải tìm đến nợ vay ngân hàng để bù đắp.
Thực tế, đi cùng với tốc độ tăng của doanh thu trong 9 tháng đầu năm của Hòa Bình là sự gia tăng các khoản phải thu, đặc biệt là phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng. Tại thời điểm kết thúc quý III, Hòa Bình ghi nhận hơn 5.150 tỷ đồng tại khoản mục này, tăng 77% so với đầu năm, trong khi doanh thu chỉ tăng 56%.
Vấn đề ở chỗ việc ước tính doanh thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng khiến cho doanh thu của HBC tăng mạnh nhưng mang lại rủi ro tăng nợ khó đòi. Mới đây Hòa Bình cũng phải trích lập dự phòng với một doanh nghiệp bất động sản khi 2 bên không thống nhất được giá trị khoản phải thu liên quan đến tiến độ xây dựng thực hiện.
Theo VDSC, trong số gần 6.300 tỷ đồng phải thu và phải thu theo tiến độ xây dựng tại thời điểm kết thúc quý II, 56% là khối lượng đang triển khai, 20% là tiền đặt cọc có thể được thu hồi lại, 12% là nợ phải thu khó đòi và 12% còn lại khoản phải thu theo điểm dừng kỹ thuật.
Việc ghi nhận các khoản phải thu theo tiến độ này bản chất đã tiềm ẩn rủi ro, nhưng Hòa Bình lại sử dụng chính những khoản này để thế chấp các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng để bổ sung vốn lưu động. Hay nói cách khác, Hòa Bình đang phải sử dụng các khoản vay từ ngân hàng để thực hiện các hợp đồng xây dựng, thay vì sử dụng nguồn vốn từ đối tác.
Báo cáo tài chính quý III không thuyết minh chi tiết về khoản mục này. Tuy nhiên, theo báo cáo đã kiểm toán bán niên của Hòa Bình tại thời điểm kết thúc quý II, doanh nghiệp này đã vay ngắn hạn gần 3.400 tỷ đồng dưới dạng tín chấp và thế chấp các khoản phải thu theo tiến độ xây dựng.
Không chỉ ảnh hưởng bởi rủi ro từ các khoản phải thu, bản thân các khoản vay này cũng gia tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Chi phí lãi vay ghi nhận trong quý III của Hòa Bình đạt gần 70 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, khoản chi phí này ghi nhận hơn 185 tỷ, tăng trên 80%.
Điều này dẫn tới thực tế là lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng này không chỉ phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh, mà còn phụ thuộc vào diễn biến của lãi suất. Đây cũng là nguyên nhân sự lệch pha về tốc độ tăng giữa doanh thu và lợi nhuận ngày càng rõ nét.
"Do tỷ lệ nợ của HBC luôn ở mức cao, nên lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào mức lãi suất. Theo phân tích độ nhạy, trường hợp khả quan bao gồm cả lãi suất ngắn hạn và dài hạn giảm 2 điểm phần trăm và trường hợp xấu nhất là cả hai tỷ lệ tăng thêm 2 điểm phần trăm. Kết quả là lợi nhuận sau thuế của HBC tăng hoặc giảm trên 9%", báo cáo của VDSC viết.
Hòa Bình đang củng cố uy tín trên thị trường xây dựng nội địa nhờ năng lực và kinh nghiệm so với các đối thủ cùng ngành. Khối lượng công việc chuyển giao và doanh thu của HBC đang trong giai đoạn tăng mạnh, cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang có những tín hiệu cải thiện.
Tuy nhiên, bài toán quản lý dòng tiền lại đang cho thấy một chiều hướng ngược lại khi bộc lộ những rủi ro mà doanh nghiệp này đã "đánh đổi" trong quá trình tăng trưởng. Bản thân nhà đầu tư và thị trường không vô lý khi phản ứng tiêu cực.
"Hòa Bình cần cơ cấu lại các khoản phải thu" là điều nhiều công ty chứng khoán đưa ra khi đánh giá về triển vọng trong dài hạn về doanh nghiệp này. Câu chuyện đánh đổi giữa tăng trưởng và rủi ro là bài toán mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt, và riêng với Hòa Bình, doanh nghiệp này cần đưa ra lời giải thỏa đáng để tiếp tục củng cố vị thế.
Theo VNE
Một chỉ tiêu tái cơ cấu ngân hàng bất ngờ chuyển biến Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thông tin về tình hình hoạt động ngân hàng 7 tháng đầu năm 2016. Nhưng tuyệt nhiên không có cập nhật các dữ liệu cơ bản về tăng trưởng tín dụng, huy động vốn và tổng phương tiện thanh toán. Với sự cải thiện này, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bớt chông chênh hơn....