Ngân hàng ồ ạt thay ‘tướng’
3 ngân hàng 0 đồng có Tổng giám đốc mới. Nhiều nhà băng khác cũng thay CEO như MaritimeBank, Nam Á, Eximbank, NCB, ABBank và tới đây có thể là LienVietPostbank.
Hai “trụ cột” của MaritimeBank sang làm lãnh đạo Ngân hàng Quốc Dân
Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành và Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị – hai vị trí quan trọng trong ban lãnh đạo của Ngân hàng MaritimeBank – đã chuyển sang công tác tại Ngân hàng Quốc dân.
Ngân hàng Quốc Dân (NCB) cho hay bà Trần Hải Anh thôi làm Tổng giám đốc. Thay vị trí của bà Hải Anh là ông Đào Trọng Khanh – nguyên Phó chủ tịch thường trực của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank – MSB). Việc bổ nhiệm này đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận từ ngày 11/12/2015.
Ông Đào Trọng Khanh được bầu vào Hội đồng quản trị MaritimeBank tại ĐHCĐ hồi tháng 2/2012, nhiệm kỳ 2012 – 2016, và từ nhiệm tại Đại hội cổ đông thường niên 2015 của nhà băng này.
Trước đó, hồi tháng 10/2015, ông Tạ Ngọc Đa – người được giao trọng trách làm Phó Tổng giám đốc điều hành của MaritimeBank giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10, thay cho ông Atul Malik, một CEO ngoại hiếm hoi của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam – cũng bất ngờ “đầu quân” cho Ngân hàng Quốc dân với vị trí Phó Tổng giám đốc.
MaritimeBank, Eximbank, Nam Á, ABBank đổi CEO
Video đang HOT
Tại MaritimeBank, sau vài tháng phụ trách công tác điều hành, ông Tạ Ngọc Đa không được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, mà nhà băng này bổ nhiệm người mới là ông Huỳnh Bửu Quang – một nhân sự cấp cao giàu kinh nghiệm từ ngân hàng HSBC chuyển sang.
Trước MaritimeBank, Ngân hàng Nam Á cũng đã thay Tổng giám đốc. Hồi tháng 3 năm nay, ông Trần Ngô Phúc Vũ thôi làm Tổng giám đốc để tham gia ứng cử vào Hội đồng quản trị của Eximbank và bà Lương Thị Cẩm Tú (35 tuổi) được bổ nhiệm thay thế.
Đến tháng 5, ngân hàng An Bình (ABBank) cũng bất ngờ thay đổi CEO khi ông Phạm Duy Hiếu – Tổng giám đốc – từ nhiệm vì lý do cá nhân. Thay vào đó, ngân hàng bổ nhiệm ông Cù Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc, lên thay. Trước khi gia nhập ABBank thì ông Cù Anh Tuấn công tác tại Techcombank.
Và mới đây, ngày 10/12, ngân hàng Eximbank cũng thay Tổng giám đốc khi ông Phạm Hữu Phú từ nhiệm và ông Trần Tấn Lộc lên thay với vai trò là Quyền Tổng giám đốc. Việc ông Lộc có làm Tổng giám đốc Eximbank hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ vì chỉ còn vài ngày nữa nhà băng này sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, và không loại trừ cũng sẽ bổ nhiệm mới vị trí Tổng giám đốc.
LienVietPostBank cũng có kế hoạch đổi Tổng giám đốc
Tiếp sau Eximbank, ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank) cũng sẽ có sự thay đổi quan trọng trong ban điều hành. Ngày 6/1/2016 ngân hàng sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị. Theo nội dung được gửi tới cổ đông hồi tháng 10, LienVietPostBank sẽ thay đổi Tổng giám đốc. Cụ thể, ngân hàng sẽ bầu ông Phạm Doãn Sơn, hiện đang là Tổng giám đốc, vào Hội đồng quản trị. Sau khi ông Sơn được bầu vào HĐQT, ngân hàng sẽ tìm người khác thay thế để bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc.
Ngân hàng Sacombank cũng sắp đại hội cổ đông bất thường theo quy định sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank. Với việc ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN của ông Trầm Bê – nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank, nhà băng này chắc chắn cũng sẽ có sự thay đổi về nhân sự cấp cao với sự có mặt của đại diện Ngân hàng Nhà nước.
3 “ngân hàng 0 đồng” có Tổng giám đốc mới
Ngoài các trường hợp kể trên thì sự thay đổi tất yếu cũng diễn ra ở 3 ngân hàng bị mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng và chuyển thành ngân hàng 100% sở hữu của NHNN.
Tại DongABank, sau khi ông Trần Phương Bình bị đình chỉ chức Tổng giám đốc thì ông Võ Hải Nam, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro tín dụng – Ngân hàng BIDV được Ngân hàng Nhà nước chỉ định làm Tổng Giám đốc DAB thay thế ông Trần Phương Bình.
Ở Ngân hàng GP.Bank, sau khi mua lại bắt buộc giá 0 đồng, ngày 7/7/2015, ông Phạm Huy Thông, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Vietinbank đã được điều động và bổ nhiệm giữ chức thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc của GP.Bank.
Và ở Oceanbank, hồi tháng 5, ông Ngô Anh Tuấn, Trưởng phòng Tín dụng và đầu tư VietinBank cũng được điều động giữ chức Tổng giám đốc, thành viên HĐTV OceanBank.
Khó tránh làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao
Làn sóng thay đổi nhân sự ngân hàng diễn ra khá mạnh mẽ trong vài năm qua. Tuy nhiên 2015 được đánh giá là năm có sự thay đổi nhiều nhất ở nhóm nhân sự cấp cao. Sự thay đổi ấy một phần do chủ quan của các ngân hàng trong định hướng phát triển của họ, phần khác do đòi hỏi của quá trình tái cơ cấu. Và với nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới, đặc biệt là xu thế hội nhập, theo các chuyên gia, thị trường sẽ còn tiếp tục chứng kiến làn sóng biến động nhân sự mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Theo_VietNamNet
Đã có ngân hàng đề nghị hỗ trợ VN huy động vốn quốc tế
Ông Ajay Kanwal - Tổng Giám đốc khu vực ASEAN và Nam Á, Thành viên Ban điều hành Tập đoàn Standard Chartered đã chính thức ngỏ lời với Bộ Tài chính hỗ trợ Việt Nam kế hoạch huy động vốn quốc tế năm 2015 và 2016.
Standard Chartered ngày 13.11 cho biết, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chiều qua, ông Ajay Kanwal đã đưa ra nguyện vọng và cam kết hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và Bộ Tài Chính trong một số vấn đề như hỗ trợ kế hoạch huy động vốn quốc tế năm 2015 và 2016, triển khai chương trình quản lý nợ trung hạn, cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia...
Riêng về đề nghị hỗ trợ Việt Nam kế hoạch huy động vốn quốc tế năm 2015 và 2016 của Standard Chartered, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trao đổi với lãnh đạo Standard Chartered rằng: Trong tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã thông qua Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020. Ngày 11.11.2015, Quốc hội đã thông qua chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ trong nước của Chính phủ trong 2 năm 2015 và 2016. Bộ Tài chính đang tính toán, cân nhắc lại hiệu quả của đợt phát hành, đặc biệt trong tương quan so sánh với các phương án huy động nguồn lực trong nước nên Bộ trưởng đề nghị Standard Chartered tiếp tục phối hợp để cập nhật thông tin diễn biến thị trường vốn quốc tế và xây dựng lộ trình phát hành để đạt được được yêu cầu "đảm bảo lợi ích quốc gia" như Quốc hội đã đề ra.
Trước đó, Quốc hội đã cho phép Chính phủ phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong năm nay và 2016 để cơ cấu lại nợ trong nước trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3 tỷ USD. Quốc hội cũng đồng ý đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2015 và năm 2016, trong đó, chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành, 70% đảm bảo từ 5 năm trở lên.
Liên quan đến việc phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 3 tỷ USD, trước đó, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo cuối tháng 10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, việc phát hành này không làm thay đổi nợ, chỉ thay đổi chủ nợ và lãi suất và cam kết khi thực hiện phải cân đối đảm bảo an ninh tài chính hiệu quả nhất. Thư trương Bộ Tai chinh bô sung thêm: "Công tác chuẩn bị phat hanh la khả thi và dưa trên nguyên tắc nhu cầu đến đâu sử dụng đến đó. Ca 3 tỷ USD la trần cho cả giai đoạn 2015-2016 chứ không phải bức bách cho môt thời điểm".
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ mới đạt gần 127.500 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch. Trong đó, kỳ hạn 5 năm là hơn 64.000 tỷ đồng, 10 năm trở lên đạt hơn 63.400 tỷ đồng, và riêng kỳ hạn 20 năm là 4.230 tỷ đồng.
Trong khi đó, khối lượng thanh toán gốc và lãi trái phiếu Chính phủ trong 9 tháng là gần 160.700 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng vốn huy động mới không đủ để thanh toán trả nợ khối lượng gốc và lãi nợ đến hạn, thiếu hụt hơn 33.200 tỷ đồng. Trước diễn biến này, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phát hành trái phiếu quốc tế nhằm tái cơ cấu nợ, đồng thời khẳng định vẫn duy trì tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% dư nợ, theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030. Trước đó vào cuối năm 2014, Bộ Tài chính cũng đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế nhằm đảo nợ các khoản vay đến hạn vào năm 2016 và 2020.
Theo_24h
Ngân hàng 'giành giật' khách hàng cuối năm Tuy mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) đã giảm so với trước đây, song trước áp lực chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhất là khi nhu cầu vốn của khách hàng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm tăng cao, các nhà băng vẫn ra sức cạnh tranh hạ lãi suất để giành thị phần tín dụng...