Ngân hàng nhỏ khó hoàn thành kế hoạch lên sàn trong năm nay
Từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng nhỏ đã khởi sắc hơn, tạo nền tảng để ngân hàng tăng vốn, cải thiện sức cạnh tranh và đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán theo lộ trình. Tuy nhiên, trên thực tế, kế hoạch này khó có thể hoàn thành trong 1,5 tháng cuối năm…
Tính đến hiện tại, mới có 19 ngân hàng trong tổng số 31 ngân hàng thương mại cổ phần đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán.
Nhọc nhằn tăng vốn
VietBank vừa hoàn tất việc phát hành thêm hơn 100,7 triệu cổ phiếu theo phương thức chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (91 triệu cổ phiếu) và người lao động trong Công ty – ESOP (hơn 9,7 triệu cổ phiếu), qua đó nâng vốn điều lệ từ 3.249 tỷ đồng lên hơn 4.256 tỷ đồng.
Tương tự, Nam A Bank cũng đã tăng vốn điều lệ lên hơn 3.353 tỷ đồng sau khi hoàn tất việc trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 11% cho cổ đông, số vốn tăng thêm là 332 tỷ đồng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có thông báo chấp thuận cho Viet
Capital Bank tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng theo phương án tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thông qua.
Có thể thấy, nhiều ngân hàng nhỏ đang gấp rút hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ đã đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng tăng vốn thuận lợi trong thời gian cuối năm.
Chẳng hạn, tại ĐHCĐ thường niên 2018, các cổ đông của Viet Capital Bank đã thông qua 2 phương án tăng vốn điều lệ với quy mô lần lượt là 200 tỷ đồng và 500 tỷ đồng để tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng.
Đợt 1, Viet Capital Bank sẽ phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với quy mô 20 triệu cổ phần, theo tỷ lệ 15:1 (cổ đông sở hữu 15 cổ phần sẽ nhận thêm 1 cổ phần mới). Đợt 2, Ngân hàng sẽ chào bán 50 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 6:1 (cổ đông sở hữu 6 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới), với mức giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần. Như vậy, Viet Capital Bank chưa được chấp thuận phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Với Nam A Bank, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức chỉ là 1 trong 2 phương án để tăng vốn. Ngân hàng này còn có kế hoạch chào bán hơn 164,6 triệu cổ phần với giá không thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần), dự kiến thu về tối thiểu 1.646 tỷ đồng để tiếp tục nâng vốn điều lệ lên khoảng 5.000 tỷ đồng.
Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu (dự kiến 906 tỷ đồng); cán bộ nhân viên Ngân hàng (dự kiến hơn 45 tỷ đồng) và phát hành ra bên ngoài (khoảng 695 tỷ đồng). Hiện NHNN mới chấp thuận cho Nam A Bank tăng vốn lên 3.353 tỷ đồng, nên kế hoạch chào bán này sẽ còn phải chờ phê duyệt.
Video đang HOT
Khó đưa cổ phiếu lên sàn vào cuối năm
Theo Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM không muộn hơn ngày 31/12/2016.
Từ đó đến nay, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy không bắt buộc phải niêm yết trên 2 sàn chính thức, nhưng tất cả ngân hàng, không phân biệt là công ty đại chúng hay chưa đại chúng, đều phải đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM nhằm nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu, cũng như về các báo cáo tài chính.
Để đảm bảo tính tuân thủ, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần có công văn nhắc nhở các ngân hàng đưa ra lộ trình lên sàn cụ thể và bám sát chủ trương này. Dù vậy, trong 3 năm qua chỉ một số ngân hàng có quy mô là đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, trong khi hầu hết các ngân hàng nhỏ vì nhiều nguyên nhân mà chưa thực hiện được chủ trương này.
Ngày 24/10 vừa qua, sau 3 năm lỡ hẹn, Nam A Bank đã thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch hơn 335 triệu cổ phần trên UPCoM, trước khi niêm yết trên sàn HOSE. Theo đó, sau ngày 22/10, Nam A Bank sẽ tạm dừng các thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu để chuẩn bị cho việc đăng ký giao dịch. Tuy vậy, thời gian chính thức giao dịch trên UPCoM chưa được Nam A Bank công bố.
Tại VietBank, theo Nghị quyết HĐQT Ngân hàng, VietBank đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán là VBB. Tuy nhiên, việc giao dịch cổ phiếu sẽ chỉ thực hiện sau khi hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ. Được biết, sau khi tăng vốn lên 4.256 tỷ đồng, Vietbank dự tính sẽ tiếp tục tăng vốn lên 5.300 tỷ đồng trong năm 2020. Như vậy, khả năng cổ phiếu VBB sẽ lên sàn UPCoM trong năm nay không được đánh giá cao.
Không chỉ các ngân hàng trên, nhiều ngân hàng nhỏ khác cũng đang “gặp khó” trong việc đưa cổ phiếu lên sàn, dù đã có sự chuẩn bị. Chẳng hạn, tại ĐHCĐ thường niên vào cuối tháng 3/2018, ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB cho biết sẽ niêm yết cổ phiếu OCB trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) trong năm nay, chậm nhất là cuối quý III – đầu quý IV. Hiện quý IV đã đi được nửa chặng đường mà OCB vẫn chưa có động tĩnh nào về việc lên sàn.
ABBank dự kiến lên sàn UPCoM trong năm 2018, đến năm 2020 sẽ niêm yết trên sàn HOSE; Viet A Bank, SeABank cũng tính niêm yết trên thị trường chứng khoán giai đoạn 2018-2020…, song tất cả cũng chỉ dừng ở… ý định. Với Viet Capital Bank, ngân hàng này thậm chí còn chưa có kế hoạch đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán.
Hiện tại, trong tổng số 31 ngân hàng thương mại cổ phần, mới có 16 ngân hàng giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, trong đó có 9 ngân hàng hàng niêm yết trên HOSE, 3 ngân hàng niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) và 4 ngân hàng đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tính riêng từ đầu năm đến nay, một số ít ngân hàng tiến hành niêm yết cổ phiếu như Techcombank, HDBank, TPBank…
Theo giới chuyên gia, việc niêm yết trên sàn chứng khoán đòi hỏi các ngân hàng phải minh bạch về thông tin, công khai báo cáo tài chính. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong quản trị, điều hành nên chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Mặt khác, những ngân hàng thương mại quy mô nhỏ khi lên sàn, ngoài việc minh bạch thông tin, còn phải chú ý đến vấn đề tăng hiệu quả hoạt động để cổ phiếu có sức hút với nhà đầu tư, tạo nền tảng để có thể hút vốn ngoại qua kênh chứng khoán…, song trên thực tế, chưa nhiều ngân hàng thực sự cải thiện được hiệu quả hoạt động.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một ngân hàng quy mô nhỏ cho biết, ngân hàng ông không ngại việc đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà theo phong trào sẽ không đánh giá hết được tiềm năng của ngân hàng, ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động khó lường như hiện nay.
Vân Linh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Giật mình khi nợ xấu của các ngân hàng bất ngờ tăng mạnh
Nhiều ngân hàng báo lãi khởi sắc nhưng cùng với đó là nợ xấu cũng gia tăng mạnh.
Nhiều ngân hàng báo lãi khởi sắc
9 tháng năm 2018, các ngân hàng đều đạt lợi nhuận ở mức cao dù tăng trưởng tín dụng không "thoải mái", do không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới room như những năm trước.
Hiện tại, 26 ngân hàng đã hoàn thành được 77% kế hoạch cả năm 2018. Một số ngân hàng lớn đã hoàn thành gần 90% kế hoạch năm nay chỉ trong 9 tháng. Các ngân hàng tăng trưởng mạnh nhất là VIB (175%), ACB (147%), EIB (142%), TPB (109%).
Trong đó, Vietcombank giữ vị trí đầu bảng với lãi hợp nhất trước thuế đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Techcombank với lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Xếp thứ ba về lợi nhuận là VietinBank với lũy kế 9 tháng đạt 7.596 tỷ đồng trước thuế, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. BIDV xếp vị trí thứ tư khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mức 7.254 tỷ đồng...
Nợ xấu bất ngờ tăng mạnh
Bên cạnh những điểm sáng, trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong 9 tháng qua nổi lên một "điểm tối", đó là tại nhiều ngân hàng thương mại, nợ xấu có xu hướng tăng lên, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh.
Dư nợ xấu tại 23 ngân hàng tính đến cuối quý III. Đơn vị: tỷ đồng
Trong số 17 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, có 13 nhà băng tăng tỷ lệ nợ xấu. Trong đó, một số cái tên có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh là: VPB tăng từ 4,07% quý 2 lên 4,7% quý 3, VIB tăng từ 2,33% lên 2,5%, BID tăng từ 1,49% lên 1,76%, CTG tăng từ 1,29% lên 1,36%.
Cụ thể, trong khối ngân hàng cổ phần Nhà nước, nợ xấu cuối quý 3 của VietinBank là 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 34,6% so với đầu năm 2018.
Tỷ lệ tăng dư nợ xấu của các ngân hàng tại thời điểm cuối quý 3 so với đầu năm. Đơn vị: %
Còn tại BIDV, tính đến hết quý 3, ngân hàng này có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu tại BIDV chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Hay tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...
Tương tự, Ngân hàng Quân đội mặc dù có kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng ấn tượng, nhưng số dư nợ xấu của ngân hàng này cũng ghi nhận sự tăng vọt. Cụ thể, nợ xấu của MB sau 9 tháng đầu năm tăng đến 45% so với hồi đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng so với đầu năm. Đỏ: 30/9/2018; Xanh: 31/12/2017. Đơn vị: %
Đối với các ngân hàng thương mại tư nhân, VPBank dẫn đầu mức tăng nợ xấu với hơn 3.200 tỷ (tương đương 51,7%) lên 9.401 tỷ đồng. Tại ngân hàng VIB, tính đến hết tháng 9/2018, nợ có khả năng mất vốn tăng lên hơn hơn 7% so với cuối 2017. Với ngân hàng Bắc Á, nợ xấu cũng tăng 23% so với đầu năm, lên 431 tỷ đồng....
Một số ngân hàng có nợ xấu sụt giảm đó là Sacombank, Eximbank, ABBank và NamABank.
Theo lý giải của nhiều nhà băng, nguyên nhân nợ xấu tăng là do mua lại số nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trước đó. Đây là điều bình thường trong hoạt động của ngành ngân hàng, chưa phải là vấn đề đáng lo ngại, dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%.
Quang Sơn
Theo danviet.vn
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ giữ nguyên lãi suất Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sau cuộc họp kéo dài hai ngày 7-8/11, đã quyết định giữ nguyên tỷ lệ lãi suất, song vẫn đánh đi tín hiệu về việc tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất./. Theo vietnamplus.vn