Ngân hàng Nhà nước nói về Mobile Money vừa được Thủ tướng cho phép thí điểm
Vụ trưởng Vụ Thanh toán ( Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh, quyền mở tài khoản Mobile Money là của khách hàng, không có chuyện mở tài khoản tự động.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2020, định hướng những tháng cuối năm.
Tại buổi họp này, ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), cho biết ngày 24/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình dự thảo Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money) tới Thủ tướng. Về quy trình, sau khi Thủ tướng phê duyệt thì doanh nghiệp viễn thông sẽ gửi đề án về đầu mối quản lý, sau khi được cấp phép thì mới triển khai được dịch vụ Mobile Money.
Ông Dũng nhấn mạnh, quyền mở tài khoản Mobile Money là của khách hàng, không có chuyện mở tài khoản tự động. Sau khi khách hàng quyết định mở tài khoản thì việc có nộp tiền hay không và sau đó là có tiêu tiền qua dịch vụ Mobile Money hay không hoàn toàn nằm ở quyết định của khách hàng. “ Không có chuyện sau một đêm có 60 triệu tài khoản Mobile Money“, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, bản chất ở đây là việc sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh mở tài khoản di động nên không cần lo lắng sim rác.
Về hoạt động ngân hàng, theo thông tin từ NHNN, trong 5 tháng đầu năm 2020, thời điểm gắn với đại dịch COVID-19, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
Video đang HOT
Người dân sắp có thể thanh toán không tiền mặt mà không cần phải có tài khoản ngân hàng với Mobile Money.
Trong điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay, NHNN điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ, hiện ở mức 5,0%/năm, để giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm.
Cũng theo NHNN, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt, tổ chức tín dụng mua ròng từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Đến cuối tháng 5/2020, tỷ giá trung tâm tăng 0,46%, tỷ giá liên ngân hàng tăng 0,49% so với đầu năm.
Dưới tác động của dịch COVID-19, do cầu tín dụng tăng thấp, đến ngày 29/5/2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng đã vào cuộc triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Lãi suất cho vay giảm mạnh từ 0,5-2,5%, thậm chí có ngân hàng còn giảm lãi suất cho vay tới 3-4%/năm.
Đến 25/5, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224 nghìn khách, hạ lãi suất cho hơn 326 nghìn người và cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay cho 196.369 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.
Đặc biệt, các thủ tục vay vốn cũng được đơn giản hóa, nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp.
Cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết, đồng ý cấp phép thí điểm dùng Mobile Money. Với sự đồng ý của Chính phủ, người dân sắp có thể thanh toán không tiền mặt mà không cần phải có tài khoản ngân hàng. Theo đánh giá của các chuyên gia, Mobile Money được triển khai sẽ là một “cú hích” với thanh toán không tiền mặt, đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa.
Dịch vụ Mobile Money sắp được cấp phép, triển khai trên toàn quốc
Theo thông tin mới đây của Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông sẽ sớm được cấp phép dịch vụ Mobile Money, dự kiến trong tháng 6 tới đây.
Theo thông tin mới đây tại cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền Thông, Mobile Money mặc dù đã chậm so với dự kiến nhưng sẽ cố gắng triển khai trong tháng 6/2020, Ngân hàng Nhà nước và Bộ TT&TT sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông, đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án cũng như cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép (Thủ tướng đã đồng ý để cho phép triển khai trên toàn quốc).
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian vừa qua, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Mobile money có thể được hiểu ngắn gọn là tiếp cận dịch vụ tài chính qua điện thoại di động, có các đặc điểm như việc chuyển tiền, thanh toán được thực hiện qua điện thoại di động; khách hàng chính là những cá nhân chưa có tài khoản ngân hàng (unbanked). Các dịch vụ chính bao gồm thanh toán (giao dịch bán lẻ, thanh toán hoá đơn), chuyển tiền, giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản, nộp và rút tiền tại đại lý...
Theo báo cáo của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, về bản chất, Mobile Money tương tự như Ví điện tử (cũng là một dạng tiền điện tử e-money), nhưng khác so với Mobile Banking (dịch vụ ngân hàng qua di động) ở chỗ Mobile banking là công cụ của ngân hàng, kết nối với tài khoản khách hàng để thực hiện các dịch vụ truyền thống như gửi tiền, cho vay, thanh toán...Trong khi, Mobile money có thể không kết nối với tài khoản ngân hàng, chủ yếu để thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền với giá trị giao dịch nhỏ.
Tuy nhiên, việc phát triển Mobile Money tại Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức đầu tiên là thói quen thanh toán dùng tiền mặt ở Việt Nam không dễ dàng thay đổi một sớm một chiều.
Với đặc thù là sản phẩm công nghệ cao, được cung cấp chủ yếu qua các nhà mạng, việc giám sát và quản lý mobile money cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công An...Bên cạnh đó, nếu việc định danh khách hàng, quản lý sim rác và giao dịch ẩn danh không được thự hiện chặt chẽ, Mobile money có thể là kênh để "Rửa giao dịch", ảnh hưởng đến công tác phòng chống rửa tiền.
Việc phát triển mạng lưới đại lý sẽ phát sinh rủi ro liên quan đến trình độ, năng lực, nhận thức và trách nhiệm của mạng lưới này. Và nếu không có phương án quản lý và bảo mật phù hợp, tiền của khách hàng nguy cơ bị mất, có thể bắt nguồn từ phía nhà cung cấp, đại lý, tội phạm công nghệ thông tin hoặc thậm chí là những người thân.
Môi trường pháp lý hiện nay cho Mobile money còn chưa hoàn thiện, đồng bộ. Theo GSMA, mức điểm cho môi trường pháp lý Việt Nam về lĩnh vực này (năm 2018) là 69,96/100 điểm, khá thấp so với Thái Lan (93,15 điểm), Malaysia (89,7 điểm); Campuchia (86,05 điểm),...do 3 yếu điểm chính là: (i) Quy định về mạng lưới đại lý Mobile money chưa có nên chưa thể đánh giá được (0/100 điểm); (ii) Quy định về xác thực và định danh khách hàng - KYC ở mức trung bình (50/100 điểm) do Việt Nam chưa hoàn thiện việc cấp mã công dân, các quy định về giao dịch ẩn danh và cho phép nhà cung cấp dịch vụ linh hoạt thiết lập các yêu cầu về định danh tối thiểu; và (iii) Cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư ở mức trung bình khá (65/100 điểm) do Việt Nam chưa có CSDL quốc gia về dân cư và quy định cho phép sử dụng, phân phối lãi cho các tài khoản tiền di động.
Cơ hội bùng nổ mobile money Tiền di động đang được Chính phủ thúc đẩy đưa vào hoạt động nhằm giảm tiếp xúc xã hội và lưu thông tiền mặt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong năm 2019, loại hình này tăng trưởng 22% về số lượng và 26% về giá trị giao dịch, đang hiện diện tại 95 quốc gia. Môi trường pháp lý...