Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 33.400 tỷ đồng trong quý III
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút tiền khá mạnh trên thị trường mở. Ngoại trừ tháng 2 và tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng trong tất cả các tháng còn lại của năm nay.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện đang khá dồi dào
Thanh khoản quý III/2015 của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, bất chấp tín dụng tăng trưởng mạnh ở mức 10,78%, trong khi tăng trưởng tiền gửi thấp hơn, ở mức 8,88% kể từ đầu năm tới cuối tháng 9.
Thanh khoản cao là nhờ lượng lớn trái phiếu và tín phiếu trị giá 35.300 tỷ đồng đáo hạn trong giai đoạn này, trong khi các ngân hàng không thực sự mạnh tay đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Ngân hàng vốn là các nhà đầu tư chính của thị trường trái phiếu, nhưng phát hành trái phiếu chính phủ đã giảm 46,3% trong quý III so với cùng kỳ, chủ yếu là do tỷ lệ trúng thầu trong quý chỉ đạt 31,7%. Trong khi đó, vào thời điểm cuối tháng 8, vốn cấp 1 và vốn cấp 2 của hệ thống ngân hàng đã tăng 10,2% kể từ đầu năm.
Thanh khoản dư thừa cho phép các ngân hàng tăng dự trữ USD, đầu cơ theo sự mất giá của VND, vì Mỹ dự kiến tăng lãi suất vào tháng 9. Khối lượng tín phiếu lớn đã được phát hành trong quý III để giúp Ngân hàng Nhà nước hút tiền từ hệ thống ngân hàng và hạn chế tình trạng đầu cơ. Tổng khối lượng giao dịch outright trong quý III đạt 307.000 tỷ đồng, tăng 53% so với quý II.
Tuy nhiên, trong tháng 8, dòng vốn ngoại khổng lồ đã rút khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu Việt Nam do lo sợ VND có thể tiếp tục giảm khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) và kỳ vọng lãi suất USD sẽ tăng vào tháng 9. Nhu cầu vay vốn ngắn hạn để mua USD do vậy cũng tăng lên, thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng tăng cao từ ngày 10/8 đến 20/8. Các ngân hàng thương mại vay vốn từ cả thị trường liên ngân hàng và thị trường mở. Vì vậy, trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 21.908 tỷ đồng.
Video đang HOT
Trong tháng 9, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu hút tiền để hỗ trợ VND trên thị trường tiền tệ, sau khi điều chỉnh tỷ giá thêm 1% và nới rộng biên độ giao dịch lên mức /- 3%. Để phản ứng với sự phá giá bất ngờ của đồng NDT, Ngân hàng Nhà nước cũng hạ giá VND. Đến cuối tháng 9, VND đã được điều chỉnh giảm hơn 5% so với đầu năm, bao gồm cả việc tăng sát đến hết biên độ giao dịch.
Điều này đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về một lần giảm giá mạnh hơn của VND khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẽ không phá giá VND từ nay đến cuối năm. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã hút VND ra khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm giảm bớt những áp lực lên đồng nội tệ và ngăn chặn nguồn vốn dư thừa được sử dụng để mua đồng bạc xanh.
Trong quý III, tổng lượng tín phiếu kho bạc nhà nước đáo hạn đạt 273.000 tỷ đồng, trong khi giao dịch reverse repo đáo hạn đạt 44.100 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch reverse repo đạt 45.400 tỷ đồng, chỉ tăng 15% so với quý trước. Tổng cộng, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 33.400 tỷ đồng trong quý III.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng giá trị giao dịch reverse repo và tín phiếu phát hành trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 937.000 tỷ đồng, giảm 9,48% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị cho vay thông qua giao dịch reverse repo đạt 248.000 tỷ đồng, trong khi khối lượng tín phiếu kho bạc nhà nước phát hành trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt tổng cộng 689.000 tỷ đồng. Tín phiếu kho bạc nhà nước được phát hành chủ yếu ở kỳ hạn ngắn: 2 tuần (chiếm 23,4% tổng lượng phát hành), 4 tuần (30,5%) và 8 tuần (24,5%).
Theo Ngọc Anh
baodautu.vn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Dòng tiền USD dịch chuyển sang VND: Có nhưng không mạnh
Lãi suất huy động USD xuống 0-0,25%/năm sẽ giúp dòng tiền USD dịch chuyển sang VND nhưng việc dịch chuyển này sẽ không mạnh. Tuy nhiên, động thái giảm lãi suất là bước tiến quan trọng trong trong lộ trình chống đô-la hóa.
Kể từ này 28/9, lãi suất tiền gửi USD được điều chỉnh giảm 0,25%-0,5%, xuống còn 0% đối với tổ chức và 0,25%/năm đối với cá nhân. Với động thái này, những người đang có USD sẽ phải tính toán kỹ sự thiệt hơn giữa việc gửi tiết kiệm bằng USD hay bằng VND bởi chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền này đã giãn rộng ra, lên đến 5%.
Đón nhận thông tin về giảm lãi suất tiền gửi USD, lãnh đạo một doanh nghiệp về ống đồng (vừa nhập khẩu vừa xuất nguyên vật liệu) cho biết, trước chính sách này, doanh nghiệp sẽ không găm giữ USD nữa mà sẽ tăng tính luân chuyển từ đồng USD sang VND, từ đó sẽ đẩy nhiều nguồn tiền Việt vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Còn bác Hoàng Thị Hiền (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, gia đình bác có người thân ở nước ngoài, mỗi năm 2 lần gửi tiền về, vừa để biếu vừa nhờ giữ hộ. Sau khi lãi suất tiền gửi USD giảm, bác đang tính chuyển số tiền người nhà mới gửi sang VND để hưởng lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý định như hai trường hợp trên. Chị Nguyễn Thanh Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, từ lâu chị đã có thói quen tích trữ USD, dù lãi suất thấp nhưng chị vẫn được lợi qua các lần điều chỉnh tỷ giá. Đó là chưa kể USD còn giúp bảo toàn vốn khi lạm phát ở mức cao. Vì thế, tạm thời chị chưa có ý định chuyển USD sang VND.
(ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giảm lãi suất huy động USD chủ yếu tác động đến người dân và tổ chức găm giữ USD để hưởng lãi suất và chờ khi tỷ giá biến động rút ra bán USD hưởng lợi, còn với những cá nhân và tổ chức kinh tế như công ty xuất nhập khẩu giữ USD tại tài khoản không phải để kiếm lời mà để đáp ứng nhu cầu thanh toán khi cần, thì việc giảm lãi suất sẽ không tác động nhiều.
Đồng quan điểm trên, một chuyên gia kinh tế khác nhận định, lãi suất tiền gửi USD của tổ chức trước đó chỉ ở mức 0,25%/năm nên giờ giảm xuống 0% thì các tổ chức vẫn có xu hướng để USD trong tài khoản để thanh toán khi cần và tránh rủi ro tỷ giá. Vì vậy, sự dịch chuyển dòng tiền từ USD sang VND sẽ không nhiều.
Qua khảo sát của chúng tôi cho thấy, thị trường chưa có phản ứng mạnh sau khi lãi suất tiền gửi USD giảm, không xuất hiện nhiều hiện tượng người dân hay doanh nghiệp đến rút USD để chuyển sang VND hoặc đầu tư ở kênh khác.
Điều này cũng dễ hiểu khi mà suất huy động USD của cá nhận thời gian vừa qua đã thấp (0,75%/năm) nên giảm thêm không tác động nhiều đến tâm lý người dân. Bên cạnh đó, USD vẫn là đồng tiền mạnh trên thế giới, nhiều người gửi tiết kiệm USD để phòng ngừa lạm phát và giữ hộ là chính.
Ngoài ra, lãi suất tiền gửi USD mới giảm được hơn 2 ngày, theo tâm lý, người dân thường xem xét, nghe ngóng tình hình thực tế mới có động thái cụ thể chứ không hành động tức thì. Với những người có ý định rút USD để chuyển sang VND hoặc kênh đầu tư khác, họ đợi khi sổ đến ngày đáo hạn chứ không rút trước hạn nhằm tránh thiệt hại.
Có thể dòng tiền USD chuyển dịch sang VND không nhiều nhưng việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra động thái giảm lãi suất tiền gửi USD sẽ giúp giảm tâm lý găm giữ USD, giảm sức hấp dẫn của USD, giảm bớt áp lực tỷ giá nếu có, đặc biệt là nhằm thực hiện lộ trình chống đô-la hóa.
Được biết, theo lộ trình chống đô-la hóa của Chính phủ, hệ thống ngân hàng sẽ tiến tới không huy động bằng ngoại tệ và không cho vay bằng ngoại tệ. Việc giảm lãi suất tiền gửi USD của tổ chức về mức 0% là bước quan trọng trong lộ trình chống đô-la hóa của Ngân hàng Nhà nước.
Còn nhớ, Ngân hàng Nhà nước đã loại bỏ thành công vốn vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng khi mà tình trạng vàng hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế qua những cơn sốt giá. Nếu như trước đây, người dân gửi vàng tại ngân hàng được hưởng lãi suất đến 4%/năm thì hiện nay ngân hàng không còn huy động vàng, người dân phải trả phí nếu muốn nhà băng giữ hộ. Thị trường vàng đã đi vào ổn định, không còn bị "làm giá", không còn những đợt sốt giá kể từ khi vốn vàng được đưa ra khỏi hệ thống ngân hàng. Thanh Hương
Theo_Hà Nội Mới
Thận trọng nới lỏng chính sách tiền tệ Lạm phát 9 tháng đầu năm nay ở mức rất thấp (0%), cộng thêm 70% doanh nghiệp (DN) kinh doanh hiện không có lãi khiến cộng đồng DN đang chờ đợi hệ thống ngân hàng sớm giảm lãi suất, nới rộng room tín dụng. Thế nhưng, hệ thống ngân hàng lại tỏ ra vô cùng thận trọng với việc nới lỏng thêm chính...