Ngân hàng mạnh tay xử lý nợ xấu
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đến cuối tháng 12.2018 đã về mức 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Nợ xấu toàn hệ thống giảm đồng nghĩa với việc nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đều có xu hướng giảm trong năm qua.
Nhiều ngân hàng thể hiện quyết tâm xóa sạch nợ tại VAMC càng nhanh càng tốt, thậm chí có thể phải hy sinh tăng trưởng lợi nhuận để thực hiện điều này
Trong khối NHTM, ACB là một trong những ngân hàng đang nhẹ đầu với vấn đề nợ xấu sau nhiều năm mạnh tay trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu phát sinh từ giai đoạn trước, đến nay ACB đã thu quả ngọt với tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 lần lượt chỉ còn 0,73% và 0,17%.
So với toàn bộ các ngân hàng hiện nay thì tỷ lệ nợ xấu của ACB cũng ở mức thấp nhất toàn hệ thống. Vietcombank là ngân hàng thứ hai niêm yết giữ được tỷ lê nợ xâu dưới 1% và tỷ lê nợ nhóm 2 cũng ở mức thâp 0,5%. Nhóm ở giữa có tỷ lê nợ xâu dưới 2% gồm có là TPBank, MBBank, HDBank, VietinBank, BIDV, Techcombank, Eximbank.
Tuy nhiên, nhìn chung ngành ngân hàng vẫn còn một số NHTM có tỷ lê nợ xâu khá cao so với ngành như Sacombank (2,11%), NCB (2,12%) và SHB (2,4%). Tại thời điểm cuối năm 2018, Sacombank là ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất, lên tới 40.233 tỉ đồng, giảm nhẹ 7,5% so với đầu năm 2018.
Theo sau là SCB với dư nợ hơn 26.600 tỉ đồng, tăng 10,6%; BIDV với hơn 14.100 tỉ đồng, giảm mạnh 36,8%. Đặc biệt trong danh sách về nợ xấu tại VAMC, VietinBank là một trường hợp đáng lưu tâm khi có số nợ xấu tại đây hơn 13.400 tỉ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng này đã từng sạch nợ tại VAMC vào thời điểm cuối quí 2.2018. Điều đó có nghĩa, chỉ trong sáu tháng cuối năm 2018, VietinBank quay trở lại bán thêm hơn 13.400 tỉ đồng nợ xấu sang VAMC.
Trong năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149.220 tỉ đồng nợ xấu, trong đó các TCTD sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý chiếm tỷ trọng 46,68%, thu nợ của khách hàng chiếm tỷ trọng 26,78%, bán nợ cho VAMC chiếm tỷ trọng 20,1%, bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác chiếm tỷ trọng 6,44%.
Nói riêng về nợ bán cho VAMC, tính đến cuối năm 2018, đã có sáu ngân hàng không còn trái phiếu đặc biệt VAMC là Vietcombank, Techcombank, MB, ACB, VIB và OCB. Điểm nhấn trong kế hoạch kinh doanh năm 2019 là nhiều ngân hàng thể hiện quyết tâm xóa sạch nợ tại VAMC càng nhanh càng tốt, thậm chí có thể phải hy sinh tăng trưởng lợi nhuận để thực hiện điều này. Đơn cử như VietinBank, ngân hàng mới bán 13.400 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2018, cũng đã trích lập luôn 16,6% dự phòng cho các trái phiếu này trong năm 2018.
Quyết tâm xử lý nợ xấu còn được thể hiện rõ khi mới đây Thống đốc NHNN đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% từ nay đến năm 2020.
Video đang HOT
Đây sẽ là một thách thức không nhỏ bởi tỷ lệ này hiện lên tới hơn 6%. Ngoài ra, NHNN đang dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư 19/2013/TT-NHNN, trong đó bổ sung thêm điều khoản các TCTD bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
Nếu dự thảo này được áp dụng, tất cả các ngân hàng đang còn số dư trái phiếu đặc biệt của VAMC sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt.
GIA MIÊU
Theo laodong.vn
Nợ xấu không còn là điểm nóng tại Đại hội 2019
Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao, sạch nợ tại VAMC hay những kế hoạch cụ thể cho việc xử lý nợ xấu trong năm 2019 được trình bày tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 khiến cổ đông của nhiều ngân hàng không còn quan tâm nhiều về nợ xấu...
Nợ xấu không những "nguội" mà còn "lạnh"
Trước khi Đại hội 2019 diễn ra, báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, năm 2018, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank vẫn gia tăng, ở mức 3,21%, cao hơn so với mức 2,89% năm 2017, trong đó, ngân hàng mẹ nợ xấu là 2,41% so với 2,33% năm 2017 và tại FE Credit là 5,98% so với 5% năm 2017.
Điều này lý giải tại sao chi phí dự phòng của Ngân hàng tăng tới 41%, lên 11.250 tỷ đồng. Nợ xấu vẫn tăng dù Ngân hàng đã mạnh tay xóa tới 10.676 tỷ đồng nợ xấu, tăng gần 63% so với năm 2017, trong đó, ngân hàng mẹ đã xóa 3.240 tỷ đồng (tăng 99%) và FE Credit đã xóa 7.430 tỷ đồng (tăng gần 51% so với năm 2017).
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là VPBank cũng thu hồi được 3.200 tỷ đồng nợ xấu đã xoá từ năm 2016 với tỷ lệ thu hồi tương ứng là 51% đối với ngân hàng mẹ và 75% đối với FE Credit, chiếm 10,3% tổng thu nhập từ hoạt động. Trong đó, ngân hàng mẹ đóng góp 982 tỷ đồng, FE Credit đóng góp 2.210 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông 2019, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, trong năm 2019, Ngân hàng có kế hoạch mua lại toàn bộ nợ xấu từ VAMC, tính đến cuối năm 2018, VPBank còn hơn 3.100 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC.
"Trong 3.100 tỷ đồng nợ xấu đã có gần 1.500 tỷ đồng đưa vào trích lập dự phòng nên phần còn lại chỉ còn khoảng 1.600 tỷ đồng. Để tạo tâm lý cũng như sức ép tiếp tục thu hồi nợ, Ngân hàng chưa "clean" nợ và vẫn tiếp tục để nợ xấu tại VAMC. Ngân hàng không vội vàng xử lý nợ tại VAMC", ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ thêm.
Tại LienVietPostBank, điểm sáng trong vấn đề nợ là tổng nợ xấu của ngân hàng này tính cuối quý I/2019 suýt soát so với hồi đầu năm, ở mức 1,682 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 giảm đến 31% và nợ nhóm 5 giảm 15%, mặc dù nợ nhóm 4 lại gấp 2,3 lần đầu năm. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm từ mức 1,41% tại ngày 31/12/2018 xuống còn 1,36%.
Tại Ngân hàng VIB, không có câu hỏi từ cổ đông về vấn đề nợ xấu tại Đại hội 2019 là bởi VIB là một trong những ngân hàng đầu tiên mua lại nợ xấu từ VAMC và đến ngày 31/7/2018, Ngân hàng Nhà nước và VAMC đã phê duyệt và ghi nhận VIB là ngân hàng tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC. Được biết, tỷ lệ nợ xấu của VIB năm 2018 là 2,24%, kế hoạch 2019 là dưới 2%.
Còn tại Vietcombank, kể từ khi cổ phần hóa, năm 2018 là năm đầu tiên Vietcombank đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1%. Dư nợ xấu nội bảng là 6.223 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,97%, trong khi dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 10.294 tỷ đồng.
Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng là 165%, đạt mức cao nhất trong hoạt động của Ngân hàng. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 3.272 tỷ đồng, hoàn thành 116,8% kế hoạch HĐQT giao. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: "Với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đến gần 170% (tức là 100 đồng nợ xấu thì dự phòng đến gần 170 đồng), Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất trong số các TCTD. Vietcombank đã rất thận trọng, an toàn theo chuẩn mực quốc tế và không còn nợ xấu ở VAMC".
Và những kế hoạch cụ thể xử lý nợ
Tại BIDV, theo báo cáo tài chính kiểm toán 2018, số liệu nợ xấu tăng từ 16.697 tỷ đồng lên 18.802 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 4 nâng từ 4.680 tỷ đồng lên 6.182 tỷ đồng và nợ nhóm 3 từ 4.847 tỷ đồng lên 5.450 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 không đổi sau kiểm toán, chiếm 38% tổng nợ xấu.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của BIDV tăng từ 1,69% lên 1,9%. Đối với vấn đề nợ xấu tăng, Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Phan Đức Tú cho biết: "Dự phòng rủi ro không ảnh hưởng nhiều do kỳ trích lập dự phòng rủi ro là 30/1, nên phần chuyển từ nợ nhóm 2 sang nhóm 3, 4 không chuyển sang hệ nhóm 5, nên tỷ lệ nợ nhóm 5 số lượng cụ thể nợ tuyệt đối của nhóm 5 chuyển qua trước và sau kiểm toán bằng nhau nên số tăng thêm không đáng kể. Do đó, không ảnh hưởng nhiều đến tổng thu nhập và lợi nhuận ngân hàng".
Ban lãnh đạo BIDV cho hay, sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp thu hồi các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC, phấn đấu mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019.
Cụ thể, ông Tú thông tin, dự kiến tổng doanh thu riêng lẻ đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, trích dự phòng khoảng 22.200 tỷ đồng. Ngân hàng đặt mục tiêu 4.500 tỷ đồng thu hồi nợ xấu ngoại bảng.
Dư nợ tại VAMC hiện tại là hơn 14.000 tỷ đồng, đã trích lập được 7.600 tỷ đồng, ngoài ra còn một quỹ với số dư hơn 1.900 tỷ đồng, theo đó, chỉ còn phải xử lý 4.500 tỷ đồng. Năm nay, BIDV dự kiến sẽ xử lý 2.500 tỷ đồng và trích dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng.
Còn tại SHB, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, trong quá trình xử lý nợ xấu Habubank có nợ của Vinashin, theo đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt, riêng khoản nợ của Vinashin bán cho VAMC có thời gian trích lập là 8 năm. NHNN có Thông tư 08 quy định những tổ chức tín dụng có trái phiếu VAMC trên 5 năm sẽ không được chia cổ tức.
Ban điều hành sẽ trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, giảm thời hạn trái phiếu này xuống 5 năm để đủ điều kiện chia cổ tức từ nay đến tháng 9. Theo đó, đến tháng 10 có thể chốt danh sách chia cổ tức. Được biết, tại thời điểm sáp nhập Habubank có khoảng 13.134 tỷ đồng nợ xấu, sau hơn 3 năm xử lý còn nợ tồn đọng lại là 8.591 tỷ đồng.
"Cũng trong năm nay, Ngân hàng dự kiến sẽ thu hồi 3.500 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc hoàn nhập dự phòng, điều này sẽ cải thiện con số lợi nhuận của SHB", ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB nói.
Tại Đại hội TPBank, Ban lãnh đạo Ngân hàng trình cổ đông thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng Tiên Phong (Công ty AMC). Lý giải về kế hoạch này, TPBank cho biết, trong thời gian tới hoạt động tín dụng sẽ tiếp tục được mở rộng, mặc dù tỷ lệ nợ xấu của TPBank vẫn được kiểm soát ở mức thấp nhưng số lượng nợ khó thu hồi có thể tăng lên và các khoản nợ đọng này cần được xử lý nhanh chóng, dứt điểm để đảm bảo kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo mục tiêu đề ra dưới 1,5%.
Còn hoạt động xử lý nợ tại Ngân hàng MSB cho thấy một số kết quả tích cực. Cụ thể, thu hoàn nhập dự phòng của các khoản nợ đã xử lý từ trước tăng 393%. Tỷ lệ nợ xấu luôn được kiểm soát tốt ở mức 2,21%, dưới mức 3% theo quy định. Lãnh đạo MSB cho biết, năm 2019 sẽ tập trung xử lý nợ xấu, xoá sạch hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC bằng cách xử lý tài sản bảo đảm và trích lập dự phòng. Ngân hàng tự tin đủ để trích lập dự phòng vẫn đạt lợi nhuận 1.860 tỷ đồng theo kế hoạch.
Nhuệ Mẫn
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Nợ xấu dềnh lên, ngân hàng tăng chi phí dự phòng Trong khi tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành giảm, thì nợ xấu của nhiều ngân hàng lại có dấu hiệu tăng lên do các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quay về. Mục tiêu của ngành ngân hàng năm 2019 là đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ...