Ngân hàng lương thực ở Nhật Bản gặp khó do suy thoái kinh tế
Nhiều năm qua, những người nghèo nhất trong xã hội Nhật Bản đã phải sống trong cảnh khốn khó, bất an khi nền kinh tế không ổn định do COVID-19 và tác động nghiêm trọng của đại dịch đến thị trường việc làm.
Người dân Nhật Bản xếp hàng chờ phát đồ ăn ở Tokyo vào đầu năm ngoái. Ảnh: AFP
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, khi Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới đang rơi vào suy thoái do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, giới chức lại phải gánh thêm mối lo khác, đó là nhu cầu của những người nghèo nhất sẽ vượt quá mức hỗ trợ của các ngân hàng lương thực.
Các ngân hàng lương thực cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp bán lẻ nhất quyết tiêu hủy thực phẩm không bán được trước hạn sử dụng, trong khi chúng có thể dùng để cứu đói cho một bộ phận người nghèo.
Ông Iruma Tanaka – thành viên Hội đồng quản trị của Liên minh các ngân hàng lương thực Nhật Bản, liên minh tập hợp 11 tổ chức cùng mục đích trên khắp đất nước – cho biết: “Về cơ bản, không có mạng lưới đảm bảo an ninh lương thực cho những người nghèo nhất ở Nhật Bản. Có quá nhiều người không thể tiếp cận thực phẩm vì có rất ít các tổ chức hay cơ quan giúp đỡ. Mặc dù có những sự trợ giúp từ chính phủ như các khoản an sinh xã hội, nhưng chẳng có tổ chức nào hỗ trợ lương thực”.
Ông Tanaka nhận định dù thị trường việc làm ở Nhật Bản trước khi đại dịch bùng phát tương đối khả quan. Ông giải thích rằng với dân số già, thiếu lao động, nhu cầu việc làm đã bùng nổ. Tuy nhiên, phần lớn các công việc tuyển dụng lại là bán thời gian với lợi ích cơ bản, dễ dàng bị mất việc khi đại dịch hay khủng hoảng bùng phát.
“Những công việc bán thời gian này thường do những người có trình độ học vấn thấp đảm nhiệm, họ cần được xã hội giúp đỡ khi họ thất nghiệp. Giờ đây, họ không biết làm thế nào để nhận phúc lợi xã hội vì họ chỉ đơn giản là thiếu kiến thức về điều đó”, ông nói.
Phần lớn những người nghèo thất nghiệp ở Nhật Bản sẽ tìm đến các ngân hàng lương thực, nhất là vào thời điểm lạm phát leo thang, tồi tệ hơn do đồng yên mất giá khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ, thực phẩm thiết yếu là một trong những loại hàng hóa có giá tăng cao.
Thông thường, các siêu thị nhỏ là nhà quyên góp lương thực nhiều nhất cho các ngân hàng cứu trợ. Đó có thể là những sản phẩm bị lỗi do liên quan đến nhãn mác, hoa quả có chút dập nát hay hàng đã gần hết hạn sử dụng hoặc khó bán. Thế nhưng hiện nay, những sản phẩm này đã bị các siêu thị tự tiêu thụ thay vì quyên góp.
Người đàn ông cầm túi thức ăn từ một tổ chức từ thiện ở Tokyo. Ảnh: AFP
Các nhà phân tích kinh tế tại Teikoku Databank đã thực hiện nghiên cứu trên 105 nhà sản xuất thực phẩm. Kết quả công bố vào đầu tháng 9 cho thấy 10.000 mặt hàng thực phẩm sẽ tăng giá trong ba tháng tới. Trên thực tế, giá của 10.000 sản phẩm lương thực này vốn đã tăng giá kể từ đầu năm nay do xung đột Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và nguồn cung thực phẩm.
Ông Tanaka nói: “Giá thực phẩm tăng cao đang khiến nhiều người nghèo gặp khó khăn và mọi người đang tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn, mặc dù điều đó đang trở nên khó khăn hơn. Nhiều người đã tìm đến các ngân hàng lương thực để nhờ hỗ trợ”.
Video đang HOT
Ông Charles McJilton, người sáng lập Second Harvest Japan, cho biết đã có thay đổi về đối tượng đến ngân hàng lương thực. Trước đây, những người tị nạn và người nước ngoài phải vật lộn để kiếm sống ở Tokyo là đối tượng thường xuyên cần giúp đỡ, nhưng giờ đây các bà mẹ đơn thân và người già có xu hướng đến nhờ hỗ trợ nhiều hơn.
Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi vào năm 2019, Nhật Bản đã điều chỉnh luật buộc các chuỗi siêu thị lớn phải giảm tiêu hủy thực phẩm. Thay vì quyên góp cho các ngân hàng thực phẩm, các nhà bán lẻ đã lách luật bằng cách hạ giá các mặt hàng này trong nỗ lực đảm bảo doanh số.
Ông McJilton cho biết trước đây, Walmart là nhà quyên góp nhiều nhất cho Second Harvest Japan. Thậm chí họ còn được trao giải thưởng về thành tựu quyên góp này khi các nhân viên tích cực tham gia những hoạt động cứu tế. Tuy nhiên, mọi chuyện đã chấm dứt kể từ khi Tập đoàn nội địa Seiyn GK – một phần sở hữu thuộc Rakuten – đã mua lại Walmart Nhật Bản. Cả 2 tập đoàn này đều là những thương hiệu nổi tiếng có nhiều chi nhánh ở các quốc gia khác nhau với số lượng hàng nghìn nhân viên.
Đô vật sumo Nhật Bản đã nghỉ hưu tập luyện cùng một cụ bà ở Tokyo. Ảnh: AFP
Sau khi bị mua lại, hoạt động quyên góp đã bị dừng hoàn toàn. Nhà sáng lập McJlton tỏ ra khá thất vọng khi các siêu thị này luôn nhắc đến phát triển bền vững nhưng lại từ bỏ con đường giúp đỡ người nghèo Nhật Bản. Ông cũng cho biết cơ sở hạ tầng được thiết lập đặc biệt để hỗ trợ việc chuyển thực phẩm quyên góp tại 160 cửa hàng trên khắp đất nước đã bị “phá hủy”.
Ông nói: “Thật hoang mang khi họ cố tình phá hủy một hệ thống giúp đỡ người nghèo được thiết lập trong nhiều năm chỉ nhằm đáp ứng mục tiêu bền vững”.
Phía Rakuten tuyên bố việc chấm dứt các hoạt động hỗ trợ không phải quyết định của Rakuten hay một hành động có chủ đích nào cả. Câu chuyện đơn giản là tập đoàn đang tái cấu trúc lại hoạt động trên mọi mặt và họ đã quyết định dừng chương trình quyên góp lương thực để đánh giá xem có phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của hãng hay không.
Trong khi đó, nhà sáng lập McJilton khẳng định sáng kiến quyên góp lương thực sắp hết hạn không tốn quá nhiều chi phí của công ty Đây cũng được coi là một cách để quảng cáo cũng như nâng cao hình ảnh thương hiệu với cả xã hội lẫn những nhân viên trong công ty.
“Vậy nhưng giờ đây chúng tôi lại phải đi tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ khác”, ông McJilton chia sẻ. Ông bày tỏ lo ngại những rắc rối của nền kinh tế vĩ mô đang rình rập sẽ khiến ngày càng nhiều người nghèo Nhật Bản xin giúp đỡ, trong khi nguồn cung lương thực cứu tế có hạn.
“Chúng tôi đang chứng kiến nhu cầu cần cứu trợ của người nghèo ngày một cao. Theo ước tính thì chỉ 3-4 tháng nữa thôi, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều người cần cứu trợ lương thực hơn rất rất nhiều”, ông McJilton nói thêm.
Nhật Bản lo thiếu lương thực khi người dân thay đổi chế độ ăn uống
Trong hàng chục năm, khi chế độ ăn thay đổi, người Nhật Bản đã chuyển sang ăn nhiều bánh mì, thịt hơn là gạo và cá.
Người nông dân thu hoạch lúa từ một cánh đồng gần núi Phú Sĩ, Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg
Điều này đã khiến tỷ lệ tự cung tự cấp thực phẩm của nước này giảm từ mức 73% trong năm 1965 xuống 37% vào năm 2020 - mức thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Ông Toshiyuki Ito, Phó Đô đốc đã về hưu thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, cho biết việc chính phủ bỏ bê ruộng lúa và các loại đất nông nghiệp khác đang khiến nước này dễ bị tổn thương trước một cuộc khủng khoảng lương thực, thực phẩm hơn bao giờ hết.
"Họ không làm bất cứ điều gì vì an ninh quốc gia. Thay vào đó, họ chỉ nghĩ đến hiệu quả kinh tế", ông Ito nói về các bộ ngành chịu trách nhiệm về sản xuất lương thực của Nhật Bản.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tác động của giá lương thực toàn cầu tăng cao, tình trạng thiếu hụt phân bón và lạm phát nhiên liệu, cùng đồng yên yếu hơn đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng Nhật Bản trong những tháng gần đây.
Không giống như Mỹ và Liên minh châu Âu, Nhật Bản có rất ít lựa chọn trong trường hợp lương thực, thực phẩm nhập khẩu trở nên khan hiếm.
Theo ông Nobuhiro Suzuki - Giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Tokyo, để đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia, Nhật Bản cần tăng lượng gạo và lúa mì trồng trong nước.
"Về mặt an ninh quốc gia, lương thực nên đi trước vũ khí. Nếu bạn không có thức ăn, bạn không thể chiến đấu", Giáo sư Suzuki chỉ ra.
Việc Nhật Bản thay đổi chế độ ăn, từ chủ yếu là gạo, cá sang bánh mì, thịt nhập khẩu một phần do thu nhập bình quân đầu người cao hơn. Nhật Bản có nhiều thực phẩm nhập khẩu hơn nhờ mở rộng thương mại toàn cầu. Người Nhật Bản cũng có thói quen ăn đa dạng hơn thông qua du lịch và quảng cáo trên truyền hình. Số lượng phụ nữ đi làm và người độc thân ngày càng tăng cũng dẫn đến những thay đổi về lối sống và xu hướng đón nhận thức ăn nhanh. Nhật Bản là quốc gia có số lượng cửa hàng McDonald's lớn thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc.
Theo số liệu của chính phủ, tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người đã giảm xuống dưới 25kg một năm so với hơn 40kg cách đó hai thập kỷ. Bên cạnh đó, nhưng ai vẫn ăn cá thì chọn cá nhập khẩu nhiều chất béo hơn, như cá thu và cá hồi từ Na Uy và Chile.
Một yếu tố khác đằng sau tình trạng sụt giảm tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực là phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ngũ cốc nhập khẩu làm thức ăn gia súc. Sự phụ thuộc này đồng nghĩa với việc hầu hết thịt bò nuôi trong nước không được tính vào tỷ lệ thực phẩm tự cung tự cấp của chính phủ.
Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Hiroshi Moriyama đã từng bày tỏ lo ngại về xu hướng gia tăng phụ thuộc vào lương thực, thực phẩm nhập khẩu. Vào tháng 6, ông dẫn đầu một nhóm các nhà lập pháp đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đệ trình báo cáo lên Thủ tướng Fumio Kishida, kêu gọi chính phủ hành động nhiều hơn về an ninh lương thực.
Lượng tiêu thụ lương thực truyền thống như gạo đã giảm đáng kể trong hàng chục năm, trong khi tỷ lệ lúa mì được sản xuất trong nước cũng giảm một nửa sau 50 năm, xuống còn khoảng 13%. Hầu hết lúa mì tiêu thụ ở Nhật Bản có nguồn gốc từ các nước như Mỹ, Canada và Australia.
Chính phủ đang trong quá trình thiết lập ngân sách mới cho an ninh lương thực như một phần chi tiêu của năm tới. Văn phòng Nội các gần đây đã đề ra một kế hoạch kinh tế mới, kêu gọi tăng sản lượng thức ăn chăn nuôi trong nước cùng với lúa mì, gạo và các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên, để bắt tay vào thực hiện cũng còn gặp rất nhiều thách thức.
Một lý do khiến sản lượng lúa mì trong nước giảm là do dân số làm nông đang già đi, thiếu hụt lao động khiến người nông dân không có thời gian cho hai vụ mùa trong năm. Hầu hết các cánh đồng lúa không được sử dụng trong phần lớn thời gian trong năm.
"Tôi trồng lúa từ tháng 5 đến tháng 10. Từ tháng 11 đến tháng 4, tuyết rơi, vì vậy tôi không thể làm gì khác ", Itsuo Kenmochi, một nông dân trồng lúa thế hệ thứ ba ở Niigata, miền bắc Nhật Bản cho biết. Anh nói anh vẫn phải vật lộn để kiếm sống ngoài làm nông nghiệp khi chi phí sản xuất và giá gạo tăng.
Mizuho Kaido, 36 tuổi, một chủ trang trại trồng lúa ở tỉnh Toyama, cách Tokyo khoảng 250km, bày tỏ lo ngại về tương lai của nghề trồng lúa. "Mọi người đang buông bỏ đất đai do tuổi già. Tôi không lo lắng vào thời điểm hiện tại, nhưng tôi có cảm giác khủng hoảng về thế hệ tiếp theo".
Các quan chức chính phủ và ngành nông nghiệp đã nhiều lần nỗ lực khuyến khích người tiêu dùng ăn nhiều gạo hơn.
Cho đến nay, nỗ lực đó vẫn chưa thành công. Hiện tại, một người Nhật trung bình ăn 53kg gạo mỗi năm, ít hơn một nửa so với tỷ lệ ghi nhận vào giữa những năm 1960. Các cuộc khảo sát đã chỉ ra mọi người đang tránh nạp nhiều carbohydrate vì lý do sức khỏe. Dân số già có nghĩa là ít người thèm ăn hơn.
Bữa ăn quen thuộc của người Nhật Bản trước đây. Ảnh: epicurious
Nhiều người trẻ cũng nói rằng nấu cơm Nhật Bản đúng cách, bao gồm việc ngâm các loại ngũ cốc trước đó đến một giờ, quá tốn thời gian. Ngày nay, mọi người có xu hướng bắt đầu ngày mới với bánh mì nướng và sữa chua hơn là với cơm, súp miso và cá nướng.
Đối mặt với xu hướng tiêu thụ gạo ngày càng giảm và nhu cầu hỗ trợ giá cả từ khối nông nghiệp, chính phủ đã sử dụng nhiều biện pháp để giảm sản lượng gạo kể từ khoảng năm 1970. Hiện chính phủ cũng trợ cấp cho những nông dân chuyển từ sản xuất gạo ăn sang các loại cây trồng khác bao gồm gạo chất lượng thấp hơn và gạo dùng làm bột.
Cựu quan chức Bộ Nông nghiệp Yamashita cho rằng một trong những giải pháp để thay đổi thực trạng này là bỏ chính sách giảm sản lượng và để giá giảm.
Bằng cách nâng cao năng suất và mở rộng diện tích canh tác, sản lượng gạo thực sự có thể tăng lên 16 triệu tấn một năm so với mức 7 triệu hiện nay. Kết quả là giá thấp hơn sẽ làm cho gạo Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn khi là sản phẩm xuất khẩu. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, chính phủ có thể tạm dừng xuất khẩu và người dân có thể tồn tại ít nhất một thời gian bằng gạo.
IMF xem xét cung cấp khoản tài trợ bổ sung khẩn cấp mới cho Ukraine Ban lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ xem xét yêu cầu của Ukraine về khoản tài trợ bổ sung khẩn cấp trị giá 1,3 tỷ USD vào ngày 7/10 tới, giữa lúc cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine. Ảnh: THX/TTXVN IMF đã chuẩn...