Ngân hàng không thể làm thay cơ quan thuế
Một số nội dung trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được phân tích dưới đây rất cần được thảo luận tại Quốc hội kể từ hôm nay trước khi dự luật được thông qua vào đầu năm 2019.
Không phải cơ quan thuế muốn thông tin gì của khách hàng sẽ được các TCTD đáp ứng. Ảnh: THÀNH HOA
Ngày 8-11, Chính phủ tiếp tục trình ra Quốc hội dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tại những lần lấy ý kiến trước, việc dự thảo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc phối hợp với cơ quan quản lý thuế định kỳ trong việc thu, nộp thuế, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ của người nộp thuế, cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản… theo đề nghị của cơ quan quản lý đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản ứng vì cho rằng các quy định quá rộng này có thể không phù hợp với yêu cầu về bảo mật thông tin được quy định tại khoản 2, điều 14, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).
Tuy nhiên, khi Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) bỏ đi chữ “định kỳ” trong các dự thảo sau khi bị phản ứng thì Nghị định 117/2018 của Chính phủ quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã cho phép từ cấp Tổng cục trưởng Tổng cục thuế đến Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu các TCTD cung cấp thông tin của khách hàng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Tuy nhiên, muốn nhận được thông tin của khách hàng tại các ngân hàng (từ thông tin tài khoản trở đi…) cơ quan quản lý thuế hay cơ quan khác cũng phải tuân thủ quy định: phải có căn cứ pháp lý cụ thể quy định thẩm quyền được yêu cầu cung cấp thông tin, lý do cần cung cấp cũng như nội dung và phạm vi thông tin khách hàng, thời hạn cung cấp… Nghĩa là không phải cơ quan thuế muốn thông tin gì của khách hàng sẽ được các TCTD đáp ứng.
Nghị định trên đã hợp thức hóa một phần việc các cơ quan thuế lấy thông tin của khách hàng như mong muốn của các nhà soạn luật thời gian qua. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được trình lên Quốc hội để các đại biểu cho ý kiến kể từ ngày 8/11 tới, Bộ Tài chính vẫn để lại những quy định tại điều 27: “NHTM có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc thu, nộp thuế, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản… theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế”
Video đang HOT
Lý giải về quy định này, theo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự luật, Bộ Tài chính cho rằng cơ bản là kế thừa Luật Quản lý thuế hiện hành, đồng thời bổ sung các quy định như khấu trừ, nộp thay tổ chức cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử… Đồng thời quy định dự kiến còn yêu cầu NHTM trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo đề nghị của cơ quan thuế. Thêm nữa là NHTM phải nộp thay người nộp thuế có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nếu bên bị bảo lãnh không nộp đúng hạn.
Phía soạn thảo cho rằng, sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với cơ quan quản lý thuế giúp người nộp thuế thuận tiện, giảm hồ sơ, đồng thời giúp quản lý về thuế đúng quy định của pháp luật. Làm như vậy lại không trái với Hiến pháp và không xung đột với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Nhưng trên thực tế ngay từ Nghị định 117 về cung cấp thông tin cũng giới hạn phạm vi cung cấp thông tin và trường hợp được cung cấp thông tin. Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi phải quy định rõ những trường hợp như thế nào cơ quan quản lý thuế mới được yêu cầu cung cấp thông tin và căn cứ cung cấp, chứ không phải mở rộng phạm vi cung cấp thông tin thiếu rõ ràng.
Mặt khác, cũng không có quy định nào cho phép ngành thuế yêu cầu NHTM tự động khấu trừ, trích tiền từ tài khoản của khách hàng để chuyển giao cho cơ quan thuế, cho dù là mục đích thu về ngân sách nhà nước. Các luật sư từng lên tiếng rất mạnh về vấn đề này vì Luật các tổ chức tín dụng có quy định, ngân hàng có nghĩa vụ tôn trọng và đảm bảo các quyền của khách hàng, có quyền từ chối việc điều tra, phong tỏa, trích tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được khách hàng chấp nhận.
Nếu làm như đề xuất của dự luật, thực chất là một hình thức cưỡng chế thuế mức độ cao. Bởi hiện nay, ngay cả tòa án cũng chỉ được lệnh phong tỏa tài khoản của khách hàng, còn việc chuyển tiền, khấu trừ tài khoản của khách hàng phải kèm theo các phán quyết khác của tòa án.
Mặt khác, việc cơ quan soạn thảo vẫn trình ra Quốc hội quy định NHTM nộp thay tổ chức cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử khi có phát sinh thu nhập ở Việt Nam càng khó chấp nhận vì NHTM không có chức năng nộp thay doanh nghiệp. Kể cả những trường hợp doanh nghiệp được ngân hàng bảo lãnh thì các hợp đồng bảo lãnh đều có mục đích, nội dung cụ thể và có thời hạn bảo lãnh rõ ràng. Ngoài thời hạn bảo lãnh thì ngân hàng không thể thực hiện thay các quyền của doanh nghiệp, kể cả quyền nộp thuế hay khấu trừ thuế.
Lan Nhi
Theo .thesaigontimes.vn
Nhà thuế 'đòi' ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản
Dự thảo sửa đổi, bổ sung luật quản lý thuế đưa quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế khiến dư luận lo lắng.
Theo dự thảo mới, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin khách hàng định kỳ cho cơ quan thuế
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Cung cấp thông tin định kỳ
Cụ thể, dự thảo luật quản lý thuế đề cập ngân hàng thương mại (NHTM) định kỳ cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế mở tại ngân hàng (NH) cho cơ quan quản lý thuế. NHTM có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế. Đồng thời khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ VN theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và NH Nhà nước VN...
Thực tế từ nhiều năm trở lại đây, nhờ NH cung cấp thông tin hỗ trợ, cơ quan thuế đã truy thu thuế nhiều trường hợp. Chẳng hạn, cơ quan thuế phát hiện một cá nhân tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM) kinh doanh mỹ phẩm trên Facebook với doanh thu chỉ riêng năm 2016 lên 344 tỉ đồng, các năm trước là 95 tỉ và 9,6 tỉ đồng. Cá nhân này đã bị truy thu 9,1 tỉ đồng tiền thuế.
Từ tài khoản cá nhân này, cơ quan thuế còn mời nhiều cá nhân khác lên làm việc và truy thu thêm thuế một vài người. Cũng thông qua hệ thống NHTM, cơ quan thuế tại TP.HCM phát hiện chỉ riêng một NH có trụ sở tại TP.HCM trong năm 2016 đã có 15.088 người mua dịch vụ của Google với 248.396 giao dịch, tổng số tiền thanh toán 222,4 tỉ đồng và Facebook là 15.637 người cho 175.391 giao dịch với tổng số tiền 450,4 tỉ đồng. Mới nhất, cơ quan thuế phát hiện trường hợp một cá nhân sống tại Quảng Nam nhận được thu nhập 727.000 USD (tương ứng 17 tỉ đồng) từ Google trong giai đoạn từ 2014 - 2017 nhưng không nộp thuế... Thế nhưng, việc quy định phải cung cấp thông tin định kỳ lại khác.
Coi chừng tình trạng bán thông tin khách hàng
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, nhận xét việc cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho phía cơ quan thuế thật sự là gánh nặng cho phía NH. Nếu quy định này được áp dụng, nhu cầu cung cấp thông tin cho cơ quan thuế ngày càng cao sẽ tạo thêm chi phí cho các NH. Việc chia sẻ thông tin giữa cơ quan thuế và NHTM trong quản lý thuế là cần thiết, nhưng cần có hệ thống kết nối dữ liệu để không tạo thêm chi phí cho phía NH. Hơn nữa, dự thảo cần nêu rõ ai được phép truy cập dữ liệu này, nếu không tình trạng bán thông tin khách hàng sẽ xảy ra.
Hiện nay, cơ quan công an điều tra khi cần nắm thông tin tài khoản của cá nhân nào tại NH sẽ chuyển công văn đề nghị kèm theo lý do. Còn trong trường hợp này, NHTM phải cung cấp luôn cả nội dung giao dịch của tài khoản cho cơ quan thuế là điều cần xem xét lại. Bởi tài khoản giao dịch của khách hàng là bí mật nên nếu cần thì quy định chỉ nên cung cấp số dư tài khoản.
Luật sư Bùi Quang Tín, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng trong các quy định hiện nay, cao nhất là Hiến pháp đều đề cập đến thông tin khách hàng cần được bảo mật. Dự thảo đề cập NHTM cung cấp thông tin định kỳ cho cơ quan thuế, nhưng cung cấp thông tin như thế nào, được phối hợp ra sao, thủ tục chi phí phát sinh và ai chịu... Cơ quan thuế không thể đẩy hết tất cả cho phía NHTM thực hiện công việc của mình. Họ có nhu cầu nắm bắt thông tin nhưng nếu không quy định rõ sẽ dễ dẫn đến việc thực hiện tùy tiện. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều trường hợp tài khoản của khách hàng bị mất tiền đang khá nhạy cảm thì liệu khi nguồn thông tin tài khoản khách hàng bị lộ ra ngoài, ai sẽ chịu trách nhiệm? Hơn nữa, đề án thanh toán không dùng tiền mặt đang khá tích cực hiện nay thì việc cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản của khách hàng tại NHTM cho cơ quan thuế không khéo sẽ tạo tâm lý hoang mang thêm.
Thanh Xuân
Theo thanhnien.vn
Trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT và Quyền Tổng giám đốc VietinBank Ngày 5/11 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã tổ chức Lễ công bố các quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT và Quyền Tổng giám đốc tại VietinBank. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trao Quyết định đại diện phần vốn Nhà nước tại VietinBank cho ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT và tặng hoa...