Ngân hàng – khách hàng, ai sẽ “gánh” chi phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip?
Chi phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là khá lớn khi chi phí phôi thẻ chip gấp từ 7-8 lần so với phôi thẻ từ.
100% thẻ ATM sẽ chuyển sang thẻ chip vào năm 2021
Sau thời gian chuẩn bị trên mọi phương diện, ngày 28/5 vừa qua, 7 ngân hàng đầu tiên gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank đã chính thức công bố ra mắt thẻ chip nội địa đầu tiên. Dự kiến đến hết 2021, toàn bộ thẻ nội địa của các ngân hàng sẽ đều chuyển sang thẻ chip.
Chia sẻ về lộ trình chuyển đổi thẻ, ông Đào Minh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết trong năm 2019, ngân hàng này đặt mục tiêu chuyển đổi 30% số lượng thẻ chip nội địa, 30% ATM và 50% đơn vị chấp nhận thẻ POS.
“Hiện nay, Vietcombank có khoảng 14 triệu thẻ ghi nợ nội địa đang lưu hành trên thị trường. Với mục tiêu gia tăng sự an toàn bảo mật, gia tăng tiện ích cho khách hàng trong thanh toán, Vietcombank cam kết sẽ tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc hoàn thành chuyển đổi 100% thẻ nội địa của Vietcombank sang thẻ chip vào 31/12/2021″ – ông Đào Minh Tuấn khẳng định.
Ông Tuấn cũng cho biêt, hiện tại, Vietcombank đang triển khai thí điểm phát hành và thanh toán thẻ ghi nợ nội địa chíp không tiếp xúc Vietcombank Connect 24. “Vietcombank sẽ thông báo kế hoạch phát hành thẻ chíp nội địa cho tất cả các khách hàng mới và kế hoạch chuyển đổi cho các khách hàng hiện hữu sang thẻ chíp trong thời gian sớm nhất” – lãnh đạo Vietcombank nói.
Tại Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), không chỉ đăng ký mở thẻ tại các điểm giao dịch, khách hàng còn có thể đăng ký mở thẻ chip nội địa có tích hợp contactless (thanh toán phi tiếp xúc) mới ngay tại điểm giao dịch LiveBank của TPBank.
Thời gian để nhận thẻ sau khi đăng ký phát hành là 10 phút và khách hàng cũng sẽ nhận được mã PIN điện tử cũng như có thể chủ động kích hoạt thẻ ngay lập tức.
Đại diện TPBank cho biêt, hiện các máy POS/mPOS của TPBank đều đã chấp nhận tính năng contactless của thẻ TPBank và thẻ của các ngân hàng khác trong Napas.
Video đang HOT
Những chiếc thẻ chip có chi phí phát hành cao gấp nhiều lần thẻ từ
Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước, đến hết năm nay phải chuyển đổi ít nhất 30% thẻ từ nội địa sang thẻ chip, 35% số lượng ATM, 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc.
Chi phí “nặng”, ai chịu?
Tuy nhiên, vấn đề các ngân hàng đang gặp phải là chi phí phát hành thẻ chip khá lớn. Tổng Giám đốc ABBank, ông Phạm Duy Hiếu cho biết, việc đầu tư cho một hệ thống thanh toán mới và hiện đại thì ngân hàng phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho hạ tầng, hệ thống quản lý thẻ, hệ thống ATM, POS…
Tuy nhiên, lãnh đạo ABBank khẳng định ngân hàng sẵn sàng đầu tư để mang lại những trải nghiệm mới cho khách hàng. Mục tiêu của ABBank là đến giữa năm 2020 sẽ chuyển đổi 100% thẻ từ sang thẻ chip, sớm hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Còn ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank thì cho biết mặc dù chi phí chuyển đổi khá lớn khi chi phí phôi thẻ chip gấp 7-8 lần so với phôi thẻ từ nhưng ngân hàng sẽ cân nhắc để hài hòa. Theo đó, có thể sẽ có một số chương trình miễn phí cho khách hàng cũ trong giai đoạn đầu chuyển đổi.
Tương tự, phía Vietcombank cũng cho biết, chi phí chuyển đổi thẻ chip sẽ được các ngân hàng miễn phí giai đoạn đầu khi thực hiện. Còn thời gian cụ thể áp dụng việc miễn phí chuyển đổi thẻ thì ngân hàng đang tính toán.
Lãnh đạo Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng ( VPBank), cũng cho hay, dù ngân hàng hiện đang có khoảng 500 máy POS và khoảng 1,5 triệu thẻ nội địa cần phải nâng cấp nhưng ngân hàng này khẳng định sẽ chi trả toàn bộ chi phí chuyển đổi sang thẻ chip cho khách.
“Dù chi phí nâng cấp cũng như chuyển thẻ từ sang thẻ chip tương đối lớn, nhưng đây là một trong những trọng tâm của ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như cho chính ngân hàng” – ông Chu Hồng Ngọc, Giám đốc Khối Vận hành VPBank cho biết.
Phía Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia (Napas), bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Napas cũng cho biết, hiện Napas hỗ trợ 80% phí chuyển mạch cho các ngân hàng khi chuyển đổi thẻ chip nội địa.
Theo anninhthudo.vn
Năm 2019, 21 triệu thẻ ATM sẽ chuyển đổi sang thẻ chip
Theo kế hoạch của ngành Ngân hàng đến cuối năm 2019 sẽ có khoảng hơn 21 triệu thẻ thanh toán (ATM) sẽ được chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Việc chuyển đổi sang thẻ chip sẽ gia tăng tính an toàn, bảo mật trong thanh toán, thẻ ngân hàng còn có thể tích hợp dùng để thanh toán đa dịch vụ.
Vietconbank là 1 trong 7 ngân hàng tiên phong thí điểm chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), tính đến nay có 7 ngân hàng đang thực hiện triển khai chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa. Một số ngân hàng khác đã đăng ký với Napas để thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Dự kiến, trong năm 2019 sẽ chuyển đổi khoảng 30% lượng thẻ từ sang thẻ chip. Kế hoạch đến hết năm 2021 sẽ chuyển đổi thành công cho toàn bộ thị trường.
Cũng theo Napas, số lượng thẻ từ hiện tại khoảng 75 triệu thẻ, theo kế hoạch có khoảng hơn 21 triệu thẻ sẽ được chuyển đổi trong năm nay. Số lượng POS (đầu đọc thẻ - PV) khoảng 300.000 máy, tuy nhiên phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc nâng cấp để hỗ trợ Tiêu chuẩn thẻ nội địa không quá phức tạp.
Napas đang hỗ trợ triển khai chuyển đổi cho 7 ngân hàng đầu tiên trong đó có 4 ngân hàng lớn, gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và TPBank, ABBank, Sacombank. Việc chuyển đổi bao gồm triển khai hệ thống phát hành thẻ, hệ thống chấp nhận thẻ, các ứng dụng phía backend để kết nối với Napas. 7 ngân hàng này chiếm khoảng 50% thị phần thẻ nội địa.
Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa là mục tiêu chiến lược của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo hướng tiết kiệm chi phí cho xã hội, tiện lợi cho người dân trong thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là nhiệm vụ mà ngành Ngân hàng đã bắt tay triển khai từ năm 2016 tới nay.
Lợi ích lớn nhất của việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ chip, theo đại diện của Napas, các ngân hàng sẽ hạn chế được rủi ro các giao dịch giả mạo, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng, chống gian lận trong giao dịch thanh toán, gia tăng tính cạnh tranh của thẻ thanh toán tại thị trường Việt Nam.
Về phía người dùng khi chuyển sang dùng thẻ chip sẽ có lợi hơn dùng thẻ từ, vì tính an toàn, bảo mật thẻ cao hơn. Thẻ chip tiện dụng hơn khi sử dụng thẻ từ ở tốc độ giao dịch nhanh chỉ 1/3 giây là xử lý xong giao dịch, khách hàng khi quẹt thẻ thanh toán cũng không cần nhập mã PIN hay ký xác nhận giao dịch (tương tự như khi sử dụng thẻ tín dụng VISA hay MasterCard). Bên cạnh đó, thẻ chip về bản chất là một máy tính thu nhỏ nên sẵn sàng cho việc tích hợp đa ứng dụng nên chip. Khi các doanh nghiệp triển khai thành phố thông minh, thẻ chip có thể tích hợp các ứng dụng y tế, trường học, hay thanh toán phí giao thông, có thể thanh toán nhiều dịch vụ công ngay trên thẻ. Đặc biệt do tốc độ giao dịch nhanh nên thẻ chip sẵn sàng cho thanh toán phí giao thông, hiện nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ứng dụng thẻ chip cho thanh toán phí giao thông ngày càng phổ biến. Thẻ thanh toán có thể thay thế cho thẻ giao thông để thanh toán vé đi xe bus chẳng hạn, người dùng sẽ không phải mua thẻ xe bus, hoặc mua vé do các đơn vị cung ứng dịch vụ giao thông công cộng phát hành nữa mà dùng ngay thẻ ngân hàng để trả phí.
Theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, khó khăn lớn nhất là quá trình chuyển đổi sang thẻ chip nếu bị kéo dài, vượt quá ra lộ trình đặt ra ban đầu, dẫn đến hạ tầng không đồng bộ và không xử lý triệt để được vấn đề bảo mật, chống gian lận trong giao dịch thanh toán. Do vậy các bên tham gia cần cam kết việc chuyển đổi bám sát theo lộ trình đã được đưa ra của NHNN.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, chuẩn bị cho lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, NHNN cũng đã ban hành bộ tiêu chuẩn chung để các đơn vị cùng tham gia vào hệ sinh thái ngân hàng thực hiện.
Tháng 1/2018 Napas hoàn thành xây dựng bộ tiêu chuẩn, xây dựng thành công Bộ tiêu chuẩn thẻ chip VN (VCCS - tiêu chuẩn kỹ thuật thẻ chip Việt Nam) và triển khai thí điểm thành công. Trên cơ sở triển khai thí điểm thành công đã trình NHNN để ban hành Bộ tiêu chuẩn.
Ngày 5/10/2018 NHNN ban hành tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Tại thời điểm này, Napas không còn là đơn vị xây dựng bộ tiêu chuẩn nữa mà là đơn vị nằm trong hệ sinh thái về dịch vụ thẻ Việt Nam và bị điều chỉnh bởi bộ tiêu chuẩn cơ sở này. Có đơn vị phát hành thẻ, thanh toán thẻ, vai trò của Napas là chuyển mạch thẻ, bù trừ giao dịch.
Napas và các ngân hàng sẽ phối hợp để thực hiện chuyển đổi thẻ và thiết bị chấp nhận thẻ theo lộ trình đặt ra của NHNN. Về phía Napas, đã hoàn thành và triển khai thí điểm thành công chương trình chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn VCCS theo đúng thông lệ quốc tế và các tổ chức thẻ nội địa ở các quốc gia trong khu vực và thế giới, sẵn sàng để đánh giá cho các sản phẩm thẻ, thiết bị chấp nhận thẻ và hệ thống xử lý giao dịch (host) của các hãng sản xuất và ngân hàng.
Napas hoàn toàn sẵn sàng cho việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip của các ngân hàng theo lộ trình chuyển đổi được NHNN ban hành tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN, sửa đổi Thông tư 19 về hoạt động thẻ ngân hàng. Napas đã sẽ bảo đảm nguồn lực về nhân lực, công nghệ để hỗ trợ các Ngân hàng chuyển đổi được thuận tiện nhất.
Đến thời điểm hiện tại Napas hoàn toàn tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở do NHNN ban hành. Về hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống chuyển mạch, xử lý giao dịch đảm bảo tuân thủ. Vai trò Napas là đơn vị chuyển mạch bù trừ đảm bao tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở. Napas có nhiệm vụ phải hỗ trợ về kỹ thuật với các ngân hàng trong việc triển khai bộ kỹ thuật và đến nay đã sẵn sàng triển khai.
Đình Anh
Theo ictnews.vn
Thấy gì qua bức tranh kế hoạch lợi nhuận 2019 của các ngân hàng (P.2) Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở nhóm 6 ngân hàng có tổng tài sản 100.000 tỷ đồng trở xuống phân hóa rõ rệt, với sự bứt phá mạnh OCB và ABBANK. Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của các Ngân hàng đã gần như kết thúc, khi hầu hết các ngân hàng đã tổ chức thành công. Năm...