Ngân hàng ‘kết hôn’ chặt với địa ốc
Dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản liên tục tăng trưởng trong thời gian qua.
VietinBank và Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền vừa ký kết hợp tác chiến lược.
Theo đó, ngân hàng này sẽ tài trợ cho các dự án, bảo lãnh cho các nhà thầu thi công, cung cấp dịch vụ tài chính ưu đãi cho khách hàng mua nhà.
Gần 360.000 tỉ đổ vào bất động sản
Không chỉ VietinBank mà hàng loạt ngân hàng khác như BIDV, Sacombank, HDbank… cũng “kết hôn” cùng các công ty địa ốc trong việc bảo lãnh dự án, tài trợ cho các dự án của các doanh nghiệp (DN) và tài trợ cho khách hàng mua trên chính dự án đó.
Tính đến cuối tháng 9 năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố danh sách 38 ngân hàng có đủ điều kiện bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Điều này vừa đảm bảo tiến độ cho dự án địa ốc và người mua nhà cũng có thể yên tâm sẽ không còn tình trạng dự án chậm trễ, phải chờ dài cổ mới nhận được nhà như những năm trước.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cũng vừa công bố báo cáo cho hay tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh lĩnh vực này trong chín tháng đầu năm nay đạt 14,59%, cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS tính đến tháng 9-2015 ước khoảng 358.377 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết thêm: “Hiện nay dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS khoảng 12,7%. Nhìn chung tỉ lệ tăng trưởng của lĩnh vực này từ đầu năm đến nay khá đều so với các lĩnh vực khác nhưng không tăng đột biến. Tuy nhiên, tính trên con số tuyệt đối thì lượng tiền đổ vào lĩnh vực này lên tới khoảng 20.000 tỉ đồng. Đây là con số không nhỏ” – ông Minh cho hay.
Video đang HOT
Chương trình tư vấn giữa Vietcombank, chủ đầu tư dự án và khách hàng mua nhà ở. Ảnh: HTD
Liệu có rủi ro?
Mức tăng trưởng tín dụng từ lĩnh vực địa ốc như trên liệu có tạo nợ xấu, tạo ra bong bóng nhà, đất như những năm trước đây?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng dòng vốn đi vào sản xuất, kinh doanh là chính, chiếm trên 80% nên không đáng lo ngại.
Ông Đặng Quốc Tiến, chuyên gia tài chính, nhìn nhận không lo ngại về việc xảy ra nợ xấu BĐS như những năm trước. Lý do là trước đây chỉ cần có giấy phép dự án, DN đem tới ngân hàng là được vay. Còn bây giờ nhiều dự án triển khai rồi mới đi vay và bản thân ngân hàng thẩm định khá chặt chẽ.
Nhiều công ty địa ốc cũng có quan điểm tương tự. Tuy vậy, một số chuyên gia lại cảnh báo vốn ngân hàng đổ mạnh vào BĐS tiềm ẩn nguy cơ tạo ra nợ xấu.
Trước lo ngại trên và để giảm thiểu rủi ro, Chính phủ đã yêu cầu NHNN phải giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, dự án thu hồi vốn thời gian dài… NHNN cũng đã yêu cầu tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này. Chẳng hạn như hạn chế cho vay đối với các dự án tiềm ẩn rủi ro hoặc có mục đích đầu cơ.
Thêm hàng loạt dự án bất động sản Theo nghiên cứu của Công ty CBRE, nếu như tổng số căn hộ bán được cả năm 2010 của TP.HCM là 13.700 căn thì chỉ tính đến quý III-2015 đã có tới 24.000 căn hộ được tiêu thụ. Hàng loạt công ty địa ốc cho biết sắp tới sẽ tung ra nhiều dự án mới. Riêng khu vực quận Tân Phú (TP.HCM) hiện nay đã có khoảng 28 DN địa ốc đang có dự án. Trong đó có 13 dự án đã hoàn thành (như Sacomreal, Âu Cơ Tower, Mbbay) và 11 dự án đang triển khai có giá dao động 14-25 triệu đồng/m2 như Topaza Garden, Idico Tân Phú, 8X Đầm Sen của Hưng Thịnh….
Theo_PLO
Tiền đổ vào nhà đất, liệu có tái diễn 'bong bóng' bất động sản?
Cuối năm, phong trào mua nhà, xây, sửa nhà đón Tết đang vào mùa. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều ngân hàng (NH) tung ra thị trường gói khuyến mại dành cho cá nhân vay mua, xây sửa nhà.
Tín dụng bất động sản tăng cao
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), vừa triển khai chương trình ưu đãi vay mua nhà, mua xe và tiêu dùng với lãi suất tối thiểu chỉ từ 1%/năm dành cho các khách hàng cá nhân trên toàn quốc. Với chương trình ưu đãi này, khách hàng còn được quyền lựa chọn mức lãi suất vay ưu đãi phù hợp với khả năng tài chính của mình.
Một NH khác, NHTMCP Hàng hải (Maritime Bank) cũng triển khai chương trình hỗ trợ tài chính phục vụ đa dạng các nhu cầu như xây sửa nhà, mua sắm vật dụng gia đình, đồ nội thất, du lịch, học tập trong dịp cuối năm... áp dụng cho khách hàng có mức thu nhập thường xuyên chỉ từ 4 triệu đồng/tháng, chứng thực đơn giản qua hợp đồng lao động và sao kê lương. Khách hàng có thể vay tới 500 triệu đồng, thời gian giải ngân chỉ trong vòng 2-3 ngày làm việc...
Trước đó, rải rác trong cả năm, các chương trình khuyến mãi nhằm vào đối tượng là khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà cũng được các nhà băng thực hiện. Ngay từ đầu tháng 4, Vietcombank đã triển khai chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất chỉ từ 7%/năm, quy mô lên tới 10.000 tỷ đồng. Đối tượng ưu đãi là khách hàng cá nhân vay mua nhà, xây sửa nhà, mua ôtô, sản xuất kinh doanh và khách hàng SME vay mua ôtô. Hay tại BIDV, Techcombank... đều có những ưu đãi riêng dành cho tín dụng bất động sản (BĐS).
Với nhiều ưu đãi như thế, tín dụng BĐS năm 2015 đã tăng trưởng khá tốt. Tính tới tháng 9, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay. Trong đó, tín dụng BĐS tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn hệ thống.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN, tính đến đầu tháng 9, tín dụng BĐS tăng 13%. Số liệu từ các NH cũng cho biết, tín dụng tăng trưởng và cải thiện trong hơn 3 quý qua chủ yếu đến từ phân khúc khách hàng cá nhân, trong đó phải kể đến là nhu cầu vay mua nhà, tiêu dùng cuối năm.
Thị trường BĐS sẽ đón một lượng kiều hối rất lớn vào cuối năm.
Nguy cơ "bong bóng" bất động sản là có thực
Rõ ràng tín dụng BĐS đang được "ưu ái". Nhìn một cách lạc quan, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng mặc dù tiền cho vay BĐS liên tục tăng trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa đáng lo ngại "bong bóng" BĐS, bởi hiện nay, dư nợ tín dụng mới là 17%, trong khi mức tăng trưởng tín dụng năm 2007, năm đỉnh điểm của "bong bóng" BĐS, lên đến 37,80%. Đại diện các NH cũng khẳng định, dù đẩy mạnh cho vay mua BĐS, nhưng khâu thẩm định điều kiện vay vẫn rất gắt gao.
Tuy nhiên, những lo ngại về "bong bóng" BĐS vẫn được nhiều người đặt ra. Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III-2015 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố đưa ra cảnh báo rằng: "Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và "bong bóng" tài sản trong giai đoạn sau".
Với riêng thị trường BĐS, các chuyên gia từ VEPR nhấn mạnh: "Cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường BĐS và ngăn ngừa sự hình thành "bong bóng" BĐS có tính chu kỳ. Tín dụng cho BĐS đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay BĐS".
Không thể chủ quan với thị trường BĐS, khi thực tế, dòng vốn "đổ bộ" vào kênh đầu tư này không chỉ đến từ các NH. Một kênh khác cũng góp phần rất quan trọng để đẩy BĐS lâm vào cảnh "bong bóng" là kiều hối-đặc biệt khi mùa kiều hối cuối năm đang ngày càng đến gần.
Theo báo cáo của WB, Việt Nam là một trong mười nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Số liệu của năm 2013 cho thấy tổng giá trị kiều hối là 11 tỷ USD, chiếm đến 8% GDP cả nước, trong đó 17% được đầu tư vào BĐS.
Theo ước tính, lượng kiều hối năm 2015 sẽ đạt khoảng 12 tỉ USD. Khi dòng tiền này về Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ có một lượng lớn đổ vào BĐS, vì hiện nay, lãi suất huy động đồng USD tại các NH chỉ ở mức 0,25 %/ năm-không đủ sức hút dòng kiều hối. Thị trường vàng và chứng khoán trong những năm gần đây luôn trồi sụt thất thường, tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Trong bối cảnh đó, địa ốc được dự đoán là một kênh thu hút lượng kiều hối lớn nhất trong năm 2015. Nắm bắt được xu hướng này, để đón đầu dòng kiều hối, chủ đầu tư ồ ạt tung ra các dự án BĐS để hút dòng tiền này.
Chuyên gia kinh tế-TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện CIEM cho đây là một điều đáng ngại. Ngược lại lịch sử vào năm 2006-2007, dù kiều hối không lớn như bây giờ, nhưng có tới 50% trong số đó đã được người dân đầu tư vào BĐS và chứng khoán- đây chính là một nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng "bong bóng" BĐS mà đến thời điểm này, nền kinh tế vẫn đang phải gánh chịu hậu quả.
Theo Công an Nhân dân
Ngân hàng 'giành giật' khách hàng cuối năm Tuy mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) đã giảm so với trước đây, song trước áp lực chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhất là khi nhu cầu vốn của khách hàng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm tăng cao, các nhà băng vẫn ra sức cạnh tranh hạ lãi suất để giành thị phần tín dụng...