Ngân hàng gọi vốn ngoại
Nhiều ngân hàng vẫn kỳ vọng giải pháp tăng vốn thông qua các thương vụ với đối tác nước ngoài.
Sau cuộc đua tăng vốn của nhóm ngân hàng quốc doanh, ước tính còn khoảng 1/3 ngân hàng chịu áp lực tăng vốn cao, nhất là ngân hàng có nợ xấu tăng nhanh. Ảnh: Quý Hoà
Ngân hàng OCB đã gọi vốn thành công từ Aozora Bank (Nhật) theo thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai bên. Trước đó là thương vụ kỷ lục giữa KEB Hana Bank và BIDV… Các thương vụ này cho thấy dấu hiệu khả quan của các ngân hàng trong nỗ lực thu hút vốn ngoại, đồng thời cũng cho thấy nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng Việt vẫn chưa dừng lại.
Sau cuộc đua tăng vốn của nhóm ngân hàng quốc doanh, ước tính còn khoảng 1/3 ngân hàng chịu áp lực tăng vốn cao, nhất là ngân hàng có nợ xấu tăng nhanh. Thực tế, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng hợp từ báo cáo tài chính 19 ngân hàng thương mại đã công bố, đến ngày 30.9.2020, tổng nợ xấu của nhóm đã hơn 101.100 tỉ đồng, tăng tới 29,7% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn, tính đến cuối tháng 9 tăng 7,6% so với đầu năm, lên mức 49.600 tỉ đồng, chiếm 49,1% tổng nợ xấu.
“Mặc dù thời gian qua một số ngân hàng đã thực hiện tăng vốn, nhưng để đảm bảo đủ vốn kinh doanh cũng như an toàn hoạt động, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục tăng vốn trong giai đoạn tới”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định.
Làn sóng tăng vốn của các ngân hàng vẫn tiếp diễn ngay trong bối cảnh những khó khăn do đại dịch COVID-19 chưa dừng lại. Chẳng hạn, MB được sửa mức vốn điều lệ ghi trong giấy phép là gần 27.988 tỉ đồng; HDBank tăng từ gần 12.708 tỉ đồng lên hơn 16.088 tỉ đồng; LienVietPostBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 9.769 tỉ đồng lên 10.746 tỉ đồng; ACB hoàn tất tăng vốn từ hơn 16.627 tỉ đồng lên hơn 21.615 tỉ đồng.
Các ngân hàng có nhiều giải pháp tăng vốn như từ nguồn lợi nhuận để lại thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu; huy động từ các cổ đông hiện hữu; phát hành thêm cổ phần. Giới đầu tư đang kỳ vọng có thêm những kế hoạch tăng vốn bằng các phương án phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài trước tiềm năng tăng trưởng dài hạn của kinh tế Việt Nam.
World Bank và Ngân hàng ADB đều có chung nhận định Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác; triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu.
Video đang HOT
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital, cho biết, về ngắn hạn kỳ vọng chỉ số vĩ mô (tỉ giá hối đoái, lãi suất, lạm phát) sẽ ổn định, GDP dự báo sẽ tăng trưởng dương trong năm 2020. Đại diện của VinaCapital cũng kỳ vọng, dòng thu sẽ đủ để các ngân hàng giảm được nợ xấu trong vòng vài năm tới. Không thể phủ nhận, tổng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2020 sẽ thấp hơn so với năm 2019, đây là xu hướng chung của khu vực. Tuy nhiên, kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp sang năm 2021 sẽ tăng trung bình 28%. Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 9% năm 2020 và phục hồi ở mức 13% vào năm 2021.
Hiện nay, theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam, một số ứng viên tiềm năng có thể được xem xét nới room ngoại theo đề xuất của ngân hàng châu Âu nhìn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là VIB, VPBank, Techcombank, ACB… Đặc biệt, với EVFTA, có một điều khoản đặc biệt đã cho phép các ngân hàng châu Âu nâng mức trần giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49% đối với 2 ngân hàng Việt Nam.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng cũng mạnh dạn phát hành trái phiếu quốc tế để gọi vốn nước ngoài. Chẳng hạn, vào đầu tháng 9, HDBank triển khai kế hoạch phát hành 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế kỳ hạn 5 năm với mục đích bổ sung vào nguồn vốn tự có của ngân hàng này. SeABank lên kế hoạch phát hành 400 triệu USD trái phiếu quốc tế. ACB cũng có phương án phát hành trái phiếu quốc tế bằng đồng USD… Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HDBank, việc phát hành 1 tỉ USD trái phiếu tại nước ngoài nhằm đón đầu dòng vốn giá rẻ mà các nước trên thế giới tung ra để hỗ trợ nền kinh tế hậu COVID-19.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, nhận định, đầu tư cổ phần vào ngân hàng nhỏ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Các nhà đầu tư ngoại nhìn thấy nền tảng công nghệ Việt Nam còn yếu nên họ muốn hợp tác với ngân hàng Việt Nam để đầu tư phát triển đẩy mạnh số hóa, dịch vụ thanh toán điện tử. Ông Nghĩa đề xuất, cần tạo thuận lợi cho ngân hàng thương mại nhỏ và vừa, thậm chí là ngân hàng quốc doanh có điều kiện tăng vốn. Chẳng hạn, nới lỏng các quy định cổ đông nước ngoài nhỏ, khuyến khích ngân hàng nhỏ lên sàn chứng khoán để mở rộng đầu tư trong nước và nước ngoài.
Tỷ lệ vốn rẻ CASA giảm tại nhiều nhà băng
Điều này một phần được lý giải bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, cùng hướng dịch chuyển của dòng tiền nhàn rỗi.
Ảnh minh họa.
Với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ.
Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, cùng tiền gửi ký quỹ trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường.
Mặt khác, CASA càng cao càng phản ánh nền tảng phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, vì nhiều sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác gắn với tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng.
Dù vậy, những biến động vĩ mô trong 9 tháng đầu năm đã ảnh hưởng khá lớn đến khoản mục này trên BCTC của các nhà băng.
Khảo sát của BizLIVE tại 23 ngân hàng đã công bố BCTC quý 3/2020 cho thấy, dù tiền gửi khách hàng vẫn có sự tăng trưởng nhưng tiền gửi không kỳ hạn tại một số ngân hàng đã có sự sụt giảm.
Saigonbank là một ví dụ. Mặc dù tiền gửi khách hàng vẫn tăng trưởng tới 13,25% trong 9 tháng đầu năm nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn lại sụt giảm mạnh tới 36,1%, xuống còn vỏn vẹn hơn 1,1 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ CASA của Saigonbank theo đó giảm mạnh từ 11,2% hồi đầu năm xuống chỉ còn 6,3% vào cuối tháng 9/2020, nằm trong nhóm những nhà băng có CASA giảm mạnh nhất và ở mức thấp nhất trong nhóm khảo sát.
Tương tự, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại SeABank đã giảm tới 32,6% trong 9 tháng qua, khiến CASA giảm xuống chỉ còn 6,6%, so với mức 10,4% hồi đầu năm.
Một số thành viên khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi này giảm mạnh bao gồm Kienlongbank (-16%), Eximbank (-14,7%), NCB (-13,9%)...
Lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm khiến CASA của nhà băng đi xuống. Khảo sát cho thấy có tới 13/23 thành viên ghi nhận CASA sụt giảm trong 9 tháng qua.
Trong đó, SaigonBank và SeABank là hai ngân hàng ghi nhận CASA sụt giảm mạnh trong kỳ qua với mức giảm lần lượt 4,9 điểm % và 3,9 điểm %.
Tại LienVietPostBank, CASA cũng giảm 2,1 điểm %, xuống còn 12,4%; NCB giảm 1,8 điểm %, xuống còn 6,5%.
Ngoài lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm, tỷ lệ CASA tại một số thành viên đi xuống còn do tỷ trọng tiền gửi có kỳ hạn tăng lên và lấn át hơn trong tổng quy mô chung. Điều này củng cố tính bền vững cơ cấu nguồn nhưng lại đi ngược về chi phí huy động vốn.
Ngay cả thành viên vốn có thế mạnh về CASA là MBB cũng ghi nhận tỷ lệ này đi xuống với việc đạt 36,1%, giảm nhẹ so với mức 36,7% hồi đầu năm. Tỷ lệ CASA tại Vietcombank ghi nhận 29,5%, cao thứ ba trong nhóm khảo sát.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Techcombank vẫn tiếp tục gia tăng được tỷ lệ CASA, giữa vị trí "vô địch" với 38,6% tính đến 30/9/2020 theo tiền gửi không kỳ hạn và ký quỹ trên tổng tiền gửi, tăng 4,1 điểm % so với đầu năm.
Đáng chú ý, tại MSB, trong khi tiền gửi khách hàng có xu hướng giảm nhẹ 1% so với đầu năm thì lượng tiền gửi không kỳ hạn lại tăng mạnh tới 23,3%, kéo tỷ lệ CASA lên tới 23,3%, cải thiện mạnh so với mức 20,3% hồi đầu năm.
VPBank và NamABank cũng là hai thành viên có tỷ lệ CASA tăng khá tốt trong kỳ qua với mức tăng lần lượt 2,4 điểm % và 2,1 điểm %.
Như trên, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA cao sẽ giành được lợi thế.
Trước đây, lợi thế huy động tiền gửi không kỳ hạn thuộc về các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, do có được nguồn tiền gửi dồi dào từ các tập đoàn, tổng công ty lớn, đặc biệt là có nguồn tiền gửi thanh toán lớn của Kho bạc Nhà nước.
Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2019, nguồn tiền ngân sách này đã được kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước theo quy định mới khiến các "ông lớn" hụt đi một lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn.
Trong khi đó, trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc huy động tiền gửi không kỳ hạn để giải tỏa áp lực phải giữ lãi suất cạnh tranh so với các nhà băng khác và dần chiếm lĩnh vị trí đầu bảng về tỷ lệ CASA.
Để làm được điều này, các nhà băng tập trung chuyển dịch sang cho vay bán lẻ, liên tục đưa ra các chính sách miễn các loại phí giao dịch, miễn phí chuyển tiền và rút tiền...
Đặc biệt, nhiều thành viên chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là phát triển hệ thống ngân hàng giao dịch và gia tăng các sản phẩm và chính sách tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng nhằm thu hút được tệp khách hàng lớn.
Tuy nhiên, như trên, số liệu về tỷ lệ CASA của toàn hệ thống trong 9 tháng đầu năm không mấy khả quan.
Điều này một phần được lý giải bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của người dân sụt giảm khiến nhiều người dân để ít tiền trong tài khoản ngân hàng hơn, thậm chí rút tiền ra để chi tiêu, còn doanh nghiệp bị giảm doanh thu cũng phải hạn chế để tiền gửi thanh toán tại các ngân hàng.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán ghi nhận số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới cao kỷ lục, cùng những đợt sóng lớn trên thị trường vàng cũng có thể là những yếu tố chia sẻ nguồn tiền nhàn rỗi tại các nhà băng.
Điểm tên những ngân hàng hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II Đến nay, hầu hết các ngân hàng đã áp chuẩn Basel II, song trong số đó chỉ mới có một số nhà băng hoàn tất 3 trụ cột của Basel II. Chuẩn mực vốn Basel II được quy định theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn...