Ngân hàng đồng loạt siết tín dụng bất động sản
Cạn room tín dụng và trước yêu cầu của cơ quan quản lý về việc siết tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, nhiều ngân hàng đã buộc phải thắt chặt các khoản vay chứng khoán, bất động sản bằng cách thẩm định chặt chẽ hơn, nâng lãi suất vay các lĩnh vực này.
Tăng lãi suất, thẩm định kỹ khoản vay
Chị Nguyễn Thị Hường (Đống Đa, Hà Nội) đang vay 700 triệu tại một ngân hàng để mua nhà với lãi suất ưu đãi 1 năm đầu là 9,5%. Sau 1 năm, lãi suất được tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 3,5%, tức là chị phải trả mức lãi suất 9,8%/năm.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 10, chị được ngân hàng thông báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng tăng thêm 0,3%, nâng lãi suất mà chị phải trả lên mức 10,1%/năm.
Tương tự, anh Đặng Ngọc Đức (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết đang tìm hiểu một khoản vay để mua nhà vào cuối năm nay. Phía ngân hàng cho biết vì khoản vay của anh trên 1 tỷ đồng nên nếu anh vay cố định trong vòng 24 tháng thì lãi suất là 11%/năm. Trong khi nếu vay quá thời gian này anh sẽ phải trả lãi suất 12%.
Theo khảo sát của Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) cách đây ít lâu, nhiều ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất cho vay mua nhà trong những tháng gần đây thêm 1 – 2% lên mưc 11 – 12%. Trong khi đó, lãi suất cho vay các chủ đầu tư lớn của các ngân hàng cũng tăng khoảng 0,5% lên 10 – 11%/năm.
Lý giải xu hướng tăng lãi suất lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia cho rằng chủ yếu do nhiều ngân hàng sắp hết hạn mức tín dụng nên buộc phải siết lại các khoản vay như vay nhiều rủi ro bất động sản, chứng khoán, mua ô tô…
Video đang HOT
Cùng với đó là lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn từ mức 45% xuống 40% chỉ còn vài tháng, trong khi Ngân hàng Nhà nước nhiều lần yêu cầu siết tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro cũng khiến các khoản vay bất động sản gặp khó hơn.
“Ngân hàng chúng tôi vừa tăng lãi suất các khoản vay mới có giá trị trên 2 tỷ từ 11,5% lên 12,5%. Ngoài việc tăng lãi suất thì ngân hàng cũng phải sàng lọc kỹ hơn các khoản vay bất động sản giá trị cao để hạn chế tình trạng người vay vay để đầu cơ nhà đất” – Trưởng khối Khách hàng cá nhân một ngân hàng cho hay.
Tạo áp lực tích cực cho thị trường
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng với kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 8/2018 tăng 5,2% so với đầu năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành, tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng khoảng 7,4%. Trong khi cùng kỳ năm 2017 tín dụng bất động sản tăng 9,79% và chiếm tỷ trọng khoảng 6,7%.
Các khoản vay liên quan bất động sản đang bị siết chặt hơn
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, cơ quan này đã thực hiện rất nhất quán và kiên định việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thông qua ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản, kiểm soát chặt chẽ dư nợ và tập trung thanh tra cảnh báo các TCTD tiềm ẩn rủi ro.
Theo lý giải của lãnh đạo NHNN, việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng do các quy định pháp luật hiện hành đối với lĩnh vực này còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình bất động sản mới.
Việc định giá tài sản đảm bảo là BĐS gặp khó khăn do đây là tài sản đặc biệt, có lợi nhuận kỳ vọng cao, có nhiều hoạt động đầu cơ, thao túng giá thị trường nên dẫn đến giá cả không phản ánh đúng giá trị tài sản; sự chênh lệch về kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn huy động và cho vay; hệ thống thông tin chính thức về thị trường bất động sản còn hạn chế dẫn đến các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong dự báo nguồn cung, trong đánh giá sự phù hợp về giá, phân khúc khách hàng…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, lộ trình giảm dần sự phụ thuộc của thị trường bất động sản vào nguồn tín dụng ngân hàng là phù hợp với phương thức hoạt động của thị trường bất động sản. “Như tại các nước có nền kinh tế phát triển minh bạch, lành mạnh thì các Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ tín thác bất động sản, thị trường chứng khoán là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản” – ông Châu cho biết.
Vì vậy, theo ông Châu, điều này đã tạo áp lực có tính tích cực, lành mạnh, buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng dù việc các ngân hàng siết tín dụng bất động sản thời gian gần đây phần nào gây khó khăn cho người có nhu cầu mua nhà để ở, tuy nhiên cũng mang lại những hiệu ứng tích cực, như tạo sức ép buộc các chủ đầu tư phải tính toán lại phương án đầu tư, tập trung vào các phân khúc thanh khoản cao.
Theo anninhthudo.vn
Ngân hàng siết vốn, công ty chứng khoán cắt giảm cho vay
Trả lời chất vấn tại Quốc hội phiên chất vấn mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản đã được kiểm soát chặt chẽ. Dư nợ tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán tăng 1,7% so với đầu năm 2018 và chỉ chiếm tỷ trọng 0,36%.
Đối với các lĩnh vực khác, tốc độ tăng cho vay cũng đã chậm lại. Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản cuối tháng 8 năm nay tăng 5,2% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành và chiếm tỷ trọng 7,4%. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2017, tín dụng lĩnh vực này tăng 9,79% và chiếm 6,7% tổng dư nợ. Tín dụng lĩnh vực BT, BOT tăng 6,5%, chiếm 1,6% tổng tín dụng, trong khi cùng kỳ năm trước tăng trưởng 9% và chiếm 1,57%.
Ông Hưng khẳng định: NHNN đã thực hiện nhất quán chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội trong việc kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thông qua tăng hệ số rủi ro với BĐS và kiểm soát tín dụng, tăng thanh tra và cảnh báo với các tổ chức.
Theo thống kê, hiện việc vay mượn trên thị trường chứng khoán (TTCK) đa số được thông qua hình thức cho vay cấp margin, ứng tiền bán trước. Với đa số các công ty chứng khoán lớn, lãi từ hoạt động cho vay này đang trở thành một trong những nguồn thu quan trọng nhất. Thống kê cho thấy, tổng cộng 25 công ty có số dư cho vay lớn nhất tại thời điểm 30/9/2018 đạt 44.763 tỷ đồng - tăng hơn 3.000 tỷ so với cuối quý 2 nhưng vẫn thấp hơn con số 47.000 tỷ đồng của cuối quý 1.
Dẫn đầu là SSI với hơn 5.400 tỷ, tiếp đến là HSC: 4.300 tỷ, VCSC: 4.070 tỷ và VNDirect với gần 3.400 tỷ đồng. 3 công ty khác có dư nợ trên 2.000 tỷ gồm MBS, SHS, Mirae Asset cùng 10 công ty khác có dư nợ trên 1.000 tỷ. Những công ty đứng cuối trong danh sách có dư nợ hơn 400 tỷ đồng. Ngoài Top 25 này, dư nợ cho vay của các công ty còn lại khá nhỏ, chỉ từ vài chục tỷ đến 200 tỷ đồng.
Giới đầu tư thừa nhận: Việc dư nợ cho vay tại thời điểm cuối quý 1 rất cao do đây là thời kỳ chứng khoán Việt Nam vẫn đang trên đà đi lên (VN-Index lập đỉnh vào tuần đầu tháng 4). Tuy nhiên, với việc TTCK Việt Nam cũng như thế giới sụt mạnh trong cả tháng 10 (bốc hơi 17 tỷ USD vốn hoá), hiện đa số nhà đầu tư đã chủ động giảm vay nợ, bản thân các CTCK cũng chủ động cắt giảm hoạt động này.
KHÁNH HUYỀN
Theo tienphong.vn
Cạn room, nhiều ngân hàng xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Sau khi Techcombank được 'nới room' tín dụng, nhiều ngân hàng khác cũng đã nộp đơn xin thêm chỉ tiêu. Tuy nhiên, cánh cửa sẽ không rộng mở với tất cả các ngân hàng. Chật vật vì "cạn room" Theo báo cáo tài chính quý 3 của các ngân hàng thì tính đến hết tháng 9/2018, tăng trưởng dư nợ tín dụng nhiều...