Ngân hàng dồn dập báo lãi vượt kế hoạch nửa đầu năm
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm 2022 đã dần hé lộ với những con số tăng trưởng ấn tượng, vượt kế hoạch đề ra.
Khách hàng giao dịch tại VPBank Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Theo đó, dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế trong số các ngân hàng đã công bố tính đến thời điểm hiện tại đang là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) với 15.300 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh đến 70% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương hoàn thành 52% kế hoạch năm.
VPBank cho biết kết quả này có được từ sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, trong khi đó, chi phí hoạt động lại tiếp tục được tối ưu hóa, kiểm soát ở mức thấp.
Cụ thể, thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank tính đến ngày 30/6/2022 đạt 31.600 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ lãi tăng ổn định, nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021. Bên cạnh đó, thu nhập từ nợ đã xử lý đạt kết quả khả quan, tăng 26% so với cùng kỳ với trên 1.700 tỷ đồng.
Chỉ số chi phí trên thu nhập của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 là 20,6%. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản lần lượt là 23,4% và 3,5%.
Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) với lợi nhuận trước thuế đạt 14.100 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 của Techcombank tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 21.100 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động lại tăng 24,3% so với cùng kỳ với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,3%. Techcombank lý giải nguyên nhân chi phí hoạt động tăng là để đầu tư vào 3 lĩnh vực: số hóa, dữ liệu và nhân tài theo kế hoạch chiến lược của ngân hàng.
Trong khi đó, chi phí dự phòng giảm đáng kể 56,1% so với cùng kỳ năm trước, do tình hình tài chính của nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi, dẫn đến một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập.
Cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng, Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank, mã chứng khoán: LPB) vừa công bố lợi nhuận 6 tháng đạt 3.588 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc hoạt động kinh doanh cốt lõi có lãi tăng mạnh và ngân hàng lãi đột biến từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư. Riêng quý II/2022, LienVietPostBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.793 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB, mã chứng khoán: VIB) cho biết trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường.
Video đang HOT
Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Nguồn thu nhập ngoài lãi đạt hơn 1.500 tỷ đồng, đóng góp hơn 18% vào tổng thu nhập hoạt động. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm về mức 34%.
Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm của VIB đạt 9,7%; trong đó 90% danh mục tín dụng là cho vay bán lẻ và 93% khoản vay bán lẻ đều có tài sản đảm bảo. Nguồn vốn huy động cũng tăng nhanh đạt 11,8% so với cuối năm ngoái.
Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB, mã chứng khoán: SHB), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt gần 5.900 tỷ đồng, tăng tới 84% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh dự kiến đạt hơn 9.400 tỷ đồng, tăng gần 113% so với cùng kỳ. Các chỉ số đều tăng trưởng khả quan.
Dự kiến trong quý III/2022, SHB sẽ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để hoàn thành giao dịch bán công ty tài chính SHBFC thu về nguồn thặng dư vốn đáng kể trong năm nay và 3 năm tiếp theo.
Tăng trưởng ấn tượng đến 180% so với cùng kỳ năm 2021, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 2.806 tỷ đồng, hoàn thành 115% kế hoạch nửa đầu năm.
Là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB) đạt lợi nhuận trước thuế gần 3.800 tỷ đồng, tăng gần 26% cùng kỳ. Tính riêng quý II, lợi nhuận TPBank tăng trưởng mạnh tới 73% so với cùng kỳ, đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với kết quả của quý I.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) cũng ước tính sẽ đạt khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay, tăng 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính riêng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022, Eximbank dự báo tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021.
Tuy chưa công bố con số cụ thể nhưng Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB) cũng cho biết tổng thu nhập hoạt động, lợi nhuận cùng các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động đạt mức cao và vượt kế hoạch 6 tháng đầu năm. Kết quả này đến từ sự tăng trưởng mạnh của mảng dịch vụ với thu nhập thuần ước đạt gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) cũng dự báo lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Không khó để thấy, tín dụng tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm cùng với sự tăng trưởng ấn tượng các nguồn thu từ phí khác đã giúp các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận bứt phá trong quý II nói riêng và trong 6 tháng đầu năm nói chung.
Trung tâm phân tích của Công ty Cổ phần chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, nhiều ngân hàng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý II cao trên 50% so với cùng kỳ như: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB)…
Dự báo về lợi nhuận nửa cuối năm 2022, SSI Research cho rằng mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận nửa cuối năm 2021 tương đối thấp.
Nhiều ngân hàng báo lãi, vẫn 'ngóng' room tín dụng
Nhờ kiểm soát tốt chi phí, tăng trưởng tín dụng khả quan nên nhiều ngân hàng vừa đồng loạt báo lãi trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, một số chuyên gia ngân hàng cho rằng: Triển vọng tăng trưởng của hệ thống ngân hàng những tháng cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào việc cấp room tín dụng.
Nhờ tăng trưởng mạnh về doanh thu và kiểm soát tốt chi phí, lợi nhuận trước thuế của nhiều ngân hàng đã có tốc độ tăng trưởng khá. Ảnh: ABBank.
Nhu cầu vay vốn tăng; tiếp tục kiểm soát nợ xấu
Nhiều ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm nay với mức lãi ngàn tỷ đồng, giá cổ phiếu ngân hàng cũng dần hồi phục.
Đại diện ABBank cho biết: Ngân hàng đạt 1.632 tỷ đồng lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm nay, hoàn thành 53% kế hoạch năm; huy động vốn từ khách hàng đạt 85.655 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 85.370 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,07% và 8,56% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng cá nhân của ABBank đạt 40.495 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đạt 18.574 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch năm 2022; thu từ phí dịch vụ đạt 321 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021.
Nợ xấu trên tổng dư nợ tiếp tục được ABBank kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,64%, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); hệ số an toàn vốn (CAR) được duy trì ở mức 12,89%, cao hơn so với yêu cầu của NHNN và đảm bảo cho ngân hàng có mức đệm vốn vững chắc khi đánh giá mức đủ vốn nội bộ.
"Từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam đang phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh có nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Ngoài mảng tín dụng, ngân hàng đang dần mở rộng sang phục vụ các nhu cầu phi tín dụng để tăng thu nhập từ phí; đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng số, hướng tới mục tiêu tăng vị thế trong phân khúc bán lẻ", ông Nguyễn Mạnh Quân - Quyền Tổng Giám đốc ABBank cho biết.
Techcombank vừa công bố kết quả kinh doanh vượt trội trong 6 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng thu nhập hoạt động tăng 16,6% so với cùng kỳ, đạt 21,1 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở vị thế đầu ngành, đạt 47,5% và 3,6%.
Trên báo cáo hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 59,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 205,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,6% danh mục tín dụng của ngân hàng; dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 20,8% so với cuối quý II/2021, đạt 69,4 nghìn tỷ đồng.
"Những nguồn doanh thu cốt lõi của Techcombank vẫn đạt kết quả rất tích cực với nhu cầu tín dụng và biên lãi thuần đều ở mức cao. Chúng tôi đã đẩy nhanh việc đa dạng hóa dư nợ tín dụng, hướng tới các khách hàng cá nhân - phân khúc chiếm 46,6% dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6/2022, tăng từ mức 38,8% vào cuối tháng 3/2022. Techcombank tiếp tục đẩy mạnh một số sáng kiến kỹ thuật số được thiết kế để mang đến giải pháp "Ngân hàng trong tầm tay"; triển khai ứng dụng di động mới cho khách hàng doanh nghiệp và hoàn thành chuyển đổi cho hơn 70% khách hàng cá nhân hoạt động sang ứng dụng mới", ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ.
LienVietPostBank (mã chứng khoán LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 4.537 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ và thực hiện 94% kế hoạch năm (4.800 tỷ đồng). Trong đó, thu nhập thuần từ lãi tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ nhờ quy mô tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao và thu lãi khoản vay cơ cấu COVID-19 của khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 33%, đạt 520 tỷ đồng nhờ các dịch vụ như bảo hiểm, thẻ, ngân hàng số. Các hoạt động kinh doanh khác cũng mang về cho ngân hàng hơn 206 tỷ đồng lãi thuần, tăng 430% so với cùng cùng kỳ.
Đáng chú ý, hoạt động chứng khoán đầu tư tăng đột biến so với cùng kỳ lên hơn 346 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của LienVietPostBank. Mặt khác, hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng lại không mấy thuận lợi khi giảm gần 67% so với cùng kỳ xuống còn 37,8 tỷ đồng.
Dù chưa có con số cụ thể, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, ông Phạm Mạnh Thắng dự báo: Ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá sau 2 năm chấp nhận giảm lãi hỗ trợ khách hàng. "Tín dụng phục hồi mạnh mẽ trong khi huy động tiền gửi không kỳ hạn tiếp tục tăng ấn tượng, giúp Vietcombank tăng trưởng lợi nhuận cao. Hiện, Vietcombank là một trong số ít ngân hàng trên thị trường chưa tăng lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay," đại diện Vietcombank cho biết.
Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận bình quân 6 tháng đầu năm của các ngân hàng có thể đạt bình quân 26 - 29% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, biên độ lợi nhuận (NIM) tăng và áp lực trích lập dự phòng ở mức vừa phải. Tuy nhiên, SSI cũng lưu ý lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 của một vài ngân hàng có khả năng giảm so với quý trước. Áp lực lạm phát toàn cầu cùng với các quy định chặt chẽ hơn trong ngành bất động sản và an toàn trong hoạt động ngân hàng có thể dần thể hiện rõ hơn từ cuối năm 2022, sẽ tác động tới lợi nhuận ngân hàng
Hưởng ứng gói hỗ trợ lãi suất 2%
Song song với việc đảm bảo kinh doanh có hiệu quả và bền vững, trong quý 2/2022, ABBank đã đăng ký Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối các khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng trong đại dịch.
Theo đó, hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất của ABBank là 572 tỷ đồng, tương đương với quy mô 28.600 tỷ đồng dư nợ cho vay bình quân trong vòng 2 năm (2022 & 2023) cho các khách hàng đáp ứng đủ điều kiện. NHNN đã chấp thuận cho ABBank sử dụng hạn mức hỗ trợ lãi suất là 264 tỷ đồng trong năm 2022.
Phía Vietcombank cũng triển khai khá sớm chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022 - 2023. Theo đó, mức hỗ trợ lãi suất là 2%/năm bằng VND. Khoản vay được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023 hoặc khi đến hết hạn mức hỗ trợ lãi suất. Hạn mức hỗ trợ lãi suất trong phạm vi được NHNN phân bổ cho ngân hàng. "Vietcombank cam kết triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 và Thông tư 03 công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định vì mục tiêu góp phần nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế", đại diện Vietcombank cho biết.
Phía NCB đã đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất gần 300 tỷ đồng đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong 2 năm 2022 - 2023 theo chỉ đạo của NHNN về chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31. Trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của NCB đạt 6,5% so với hồi đầu năm, tập trung vào các lĩnh vực cho vay lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao...; hạn chế cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Kỳ vọng nới room tín dụng
Tăng trưởng gần hết room tín dụng của cả năm chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng kỳ vọng: NHNN nới room tín dụng để có dư địa tăng trưởng những tháng cuối năm.
Báo cáo ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2022 của Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán SSI cho rằng: Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Bên cạnh đó, mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận tương đối thấp trong 6 tháng cuối năm 2021.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết: Tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Như vậy, nửa đầu năm nay, các ngân hàng đã sử dụng hết 2/3 chỉ tiêu tín dụng cả năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã sử dụng hết room tín dụng cả năm.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBank, nửa đầu năm nay, ngân hàng này đã dùng hết hơn 99% room tín dụng cả năm. Trong khi đó, lãnh đạo Agribank cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đã lên tới 6%, trong khi room tín dụng cả năm chỉ được NHNN cấp cho 7%. Hiện, ABBank và nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã có công văn đề nghị NHNN nới room tín dụng để có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
"NHNN hiện chịu nhiều áp lực bởi lạm phát tăng cao trên thế giới. Tuy nhiên, dư địa nới lỏng thêm tín dụng vẫn đang còn. Do lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát tốt, lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn còn dư địa so với mục tiêu 14%, tín dụng thời gian qua đã được nắn vào lĩnh vực ưu tiên. Hơn nữa, năng lực quản trị, năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại thời gian qua đã được tăng cường", lãnh đạo ABBank chia sẻ.
Về vấn đề room tín dụng, tính đến thời điểm này, phía NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14%, không nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung cả năm. Lãnh đạo NHNN khuyến cáo: Từ nay tới cuối năm, các tổ chức tín dụng cần chọn lọc, thẩm định, cho vay các dự án hiệu quả, có khả năng trả nợ, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao để đảm bảo an toàn hệ thống.
"Tăng trưởng tín dụng kiểm soát trước áp lực lạm phát nên thời gian tới khó có thể tăng mạnh như nửa sau của các năm gần đây. NHNN nhiều khả năng sẽ chỉ nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14% như đầu năm đề ra", Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhìn nhận.
Bán hàng online, cho thuê nhà... vào 'tầm ngắm' cơ quan thuế So với doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) chưa tương xứng, Tổng cục Thuế xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động TMĐT. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 18...