Ngân hàng dồn dập áp lực dự phòng cuối năm
Đến nay, hầu hết ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2020. Một điểm dễ nhận thấy là nhiều ngân hàng đã phải tăng trích lập dự phòng khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Dẫu vậy, áp lực trích lập vẫn dồn dập trong quý cuối năm.
Cả ngân hàng lớn cũng phải “căng mình” trích lập dự phòng để bao nợ xấu
Dự phòng tăng, bào mòn lợi nhuận
Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank, ông Vũ Quang Lãm cho rằng, nếu không có đại dịch Covid-19, có lẽ năm nay Saigonbank sẽ “cất cánh” về lợi nhuận. Thế nhưng, tác động của dịch bệnh buộc Ngân hàng phải tăng trích dự phòng rủi ro, trong khi tín dụng tăng chậm khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Cụ thể, lợi nhuận quý III/2020 của Saigonbank chỉ đạt 52,2 tỷ đồng, giảm tới 60,5% so với cùng kỳ 2019. Nguồn thu chính của Saigonbank là thu nhập lãi thuần đã giảm 35,7%, mang về 135 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tăng lên 20,9 tỷ đồng, gần gấp đôi mức 10,8 tỷ đồng của cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 177 tỷ đồng, giảm 19,7% so với cùng kỳ 2019, nhưng vẫn vượt chỉ tiêu cả năm là 130 tỷ đồng.
Tại Vietbank, lợi nhuận trước và sau thuế quý III/2020 cũng giảm đến 52% và 54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn gần 86 tỷ đồng và 66 tỷ đồng. Nguyên nhân do nợ xấu tăng, Ngân hàng phải mạnh tay trích dự phòng rủi ro.
Khi nợ xấu tăng, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, bên cạnh các biện pháp giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay… cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận. Theo đó, ước tính lợi nhuận toàn ngành sẽ giảm khoảng 20-25% trong năm 2020.
TS. Cấn Văn Lực
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietbank trong kỳ tăng 65%, đạt 25 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, dự phòng rủi ro tín dụng tăng 80% lên mức 65,92 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng quy mô nhỏ khác cũng có lợi nhuận giảm trong quý III/2020 do dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh là BAC A BANK, ABBank…
Bên cạnh những ngân hàng nhỏ, không ít ngân hàng lớn cũng trong tình cảnh phải tăng trích dự phòng để bao nợ xấu khiến lợi nhuận giảm đáng kể. Đơn cử, báo cáo tài chính quý III/2020 của Vietcombank cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt 4.983 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 3.996 tỷ đồng, giảm 20,9%. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là những nguồn thu chính đều giảm sút, trong khi chi phí tăng lên.
Theo đó, 2 nguồn thu chính của Vietcombank là thu nhập lãi thuần và thu từ hoạt động dịch vụ lần lượt giảm 1,5% và 1,6% xuống tương ứng 8.723 tỷ đồng và 1.257 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng giảm 38,9% xuống 540 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 9,5% lên 4.579 tỷ đồng, chi phí dự phòng tăng còn tăng mạnh hơn, ở mức 34,7% lên 2.025 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Vietcombank đạt 15.965 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ 2019.
Hay tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế quý III/2020 của ngân hàng này giảm 12,9% so với cùng kỳ 2019, đạt hơn 897 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận còn lại là 716 tỷ đồng, giảm 7,2%. Chính việc tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro là lý do dẫn tới sụt giảm lợi nhuận. Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ đã lên tới hơn 1.287 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, khoản chi phí này ở mức 2.853 tỷ đồng, tăng 69,4%.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, đó là Ngân hàng đã nỗ lực xử lý được trên 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong 9 tháng qua, nếu không con số trích lập sẽ còn cao hơn. Trong quý cuối năm, Sacombank sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu để hoàn nhập dự phòng rủi ro, qua đó cố gắng đạt mức lợi nhuận bằng năm 2019.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ giảm trong năm nay. Theo ông Lực, khi nợ xấu tăng, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, bên cạnh các biện pháp giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi vay… cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận. Theo đó, ước tính lợi nhuận toàn ngành sẽ giảm 20-25% trong năm 2020.
Video đang HOT
Kỳ vọng tín dụng tăng dần
Theo đánh giá của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, cầu tín dụng sẽ tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, giúp cải thiện lợi nhuận. Tại Sacombank, tăng trưởng dư nợ đang có chiều hướng tăng dần, khi mà lãi suất huy động trong xu hướng giảm nên Ngân hàng có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay.
“Ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên và tùy từng phân khúc khách hàng khác nhau, nhìn chung lãi vay tại Sacombank hiện đã giảm nhiều so với trước đây. Tính đến 30/9/2020, cho vay khách hàng đạt 320.215 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm, trong khi hạn mức được cấp là 13,5%, tức là Ngân hàng còn nhiều dư địa để cho vay quý cuối năm”, bà Diễm chia sẻ thêm.
Tại VIB, cho vay khách hàng đạt gần 150.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2020, tăng 15,3% so với đầu năm nay. Đây là mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung hiện nay.
VPBank cũng nằm trong nhóm có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao trong 9 tháng qua, ở mức 16,5%.
Với Vietcombank, dư nợ cho vay khách hàng 9 tháng đầu năm 2020 tăng 6,7%, đạt 783.757 tỷ đồng. Còn dư nợ tín dụng của TPBank đạt trên 124.000 tỷ đồng, nằm trong giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, sau 2 quý tăng trưởng chậm, tín dụng toàn nền kinh tế đã cải thiện dần, từ mức 4,03% của tháng 7, đã tăng lên 4,75% trong tháng 8 và đạt 6,09% trong tháng 9.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nhìn nhận, nếu như giai đoạn trước đây tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào một số biến số chính như lãi suất, tăng trưởng kinh tế…, thì nay phụ thuộc thêm một yếu tố rất quan trọng là dịch Covid-19. Ở thời điểm này, dù có tác động nhất định, nhưng lãi suất không còn chiếm vai trò lớn đối với tăng trưởng tín dụng như trước đây, mà quan trọng hơn là việc kiểm soát dịch bệnh. Từ đó, hoạt động kinh doanh mới ổn định, tác động lên tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ tăng tích cực.
Về kết quả kinh doanh của OCB, ông Tùng cho biết, chí phí dự phòng của Ngân hàng tăng 49% nên lợi nhuận trước và sau thuế quý III/2020 giảm 22% so với cùng kỳ, đạt tương ứng 647 tỷ đồng và 517 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, OCB đạt hơn 2.511 tỷ đồng và gần 2.009 tỷ đồng lãi trước và sau thuế, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm là 4.400 tỷ đồng.
Cùng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cải thiện, các ngân hàng cho biết đang từng bước đẩy mạnh xử lý nợ xấu để tăng hoàn nhập dự phòng để cùng tác động tích cực lên lợi nhuận và hoàn tất kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Lãnh đạo Kienlongbank cho hay, ngân hàng này sẽ hoàn tất xử lý món nợ xấu có tài sản thế chấp là cổ phiếu STB của Sacombank vào cuối năm nay. Nếu xử lý xong sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận năm 2020 của Kienlongbank đặt ra ở mức 750 tỷ đồng trước thuế. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước và sau thuế của Kienlongbank giảm 39% và 38%, xuống mức gần 145 tỷ đồng và 116 tỷ đồng, do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro lên mức 83,2 tỷ đồng, tức tăng 96%.
Theo tính toán của SSI Research thuộc Công ty Chứng khoán SSI, lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm 2020 của ngành ngân hàng ước giảm 22,1% so với cùng kỳ 2019 do thu nhập hoạt động (TOI) giảm 4% và chi phí dự phòng tăng 47,8%.
Nguyên nhân giảm còn do lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, BIDV và VietinBank) ước giảm 35,7% so với cùng kỳ 2019 bởi chi phí dự phòng tăng 58,8% khi các khoản nợ xấu từ hoạt động tái cơ cấu tăng.
Tuy nhiên, sang năm 2021, khi hoàn thành việc hỗ trợ khách hàng, lợi nhuận của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối ước tăng trở lại 23%, còn nhóm ngân hàng cổ phần tăng 11,2%.
Nhiều ngân hàng chấp nhận tăng trưởng tín dụng âm
Không phát triển khách mới, tập trung hỗ trợ khách cũ khiến dư nợ cho vay giảm.
Dư nợ của Vietinbank hết quý I giảm 1,25% so với đầu năm.
Đồng loạt tăng trưởng tín dụng âm
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của VietinBank đạt 1,22 triệu tỷ đồng, giảm 1,46% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay giảm 1,25% xuống 923.623 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ hơn 2.900 tỷ lên 895.750 tỷ đồng.
Saigonbank vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với nhiều chỉ tiêu kinh doanh công bố giảm so với cùng kỳ 2019.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, Saigonbank không tăng trưởng được tiền gửi khách hàng vào ngân hàng khiến nguồn tiền này sụt giảm 0,8%, về mức 15.543 tỷ đồng.
Trong khi đó, hoạt động cho vay khách hàng cũng giảm 2,3%, về mức 14.215 tỷ đồng. Tổng tài sản của Ngân hàng cũng theo đó giảm gần 11%, về mức 20.308 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2020, Saigonbank ghi nhận lãi thuần từ hoạt động cho vay giảm 4,4% còn 152 tỷ đồng, do tín dụng khó tăng quý đầu năm. Lãi từ dịch vụ cũng giảm 24%, đạt 7,6 tỷ đồng.
Tổng tài sản đến cuối tháng 3/2020 của MB ở mức 406.802 tỷ đồng, giảm hơn 1% so với đầu năm. Cho vay khách hàng giảm 1,3%, xuống 244.072 tỷ đồng, trong khi tiền gửi giảm 12%, còn 240.737 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2020, tổng tài sản có của NCB sụt giảm hơn 12%, xuống mức 70.458 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng cũng suy giảm 0,27% về 37.806,6 tỷ đồng. Ngược lại, tiền gửi khách hàng lại tăng 2,4%, lên mức 60.547 tỷ đồng.
Nếu nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng, vẫn có ngân hàng đạt được mức tăng trưởng dương, song con số cũng chỉ trên dưới 1% trong quý đầu năm nay so với cùng kỳ.
Chẳng hạn tại TPBank, huy động tiền gửi giảm 3% trong quý đầu năm 2020, nhưng cho vay khách hàng tăng 5% so với đầu năm 2020.
Tương tự tại KienlongBank, huy động vốn tăng 4% trong 3 tháng đầu năm nay, đạt 34.243 tỷ đồng, nhưng dư nợ cho vay của Ngân hàng chỉ tăng trưởng 1% (tương ứng 351 tỷ đồng), đạt 33.830 tỷ đồng.
Lý do của tình trạng trên không mới và lạ, dịch Covid-19 khiến nhu cầu vay vốn chững lại, chưa kể các ngân hàng buộc phải chủ động cân nhắc các khoản vay mới do tình hình kinh doanh vẫn khó khăn, điểm xếp hạng tín dụng của các khách hàng sụt giảm khiến rủi ro nếu cho vay mới tăng lên.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tính đến giữa tháng 4/2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng cả nước chỉ còn 0,8%.
Trước đó, báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị Chính phủ trực tuyến ngày 10/4, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay, tín dụng 3 tháng đầu năm, tín dụng tăng 1,3%. Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4, tín dụng sụt giảm 0,5%. Con số này sụt giảm so với tháng 3/2020 (tín dụng tháng 3 tăng 1,1%).
Giải thích lý do tín dụng sụt giảm mạnh, ông Hùng cho hay, hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh do không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, tiêu dùng và xuất khẩu đều giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra đều khó khăn.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp.
"Bốn ngân hàng quốc doanh muốn đẩy mạnh vốn vay mà không thể cho vay được", ông Hùng cho biết thêm.
Lãi suất sẽ tiếp tục theo chiều hướng hạ
Lãi suất là giá của dòng vốn, quyết định chính bởi cung - cầu. Thời điểm hiện tại, cầu vốn thấp sẽ khiến giá vốn giảm, thể hiện ở lãi suất sẽ giảm dần (cả huy động và cho vay).
Theo thông tin từ NHNN, hiện các ngân hàng thương mại đang tập trung cơ cấu nợ cho doanh nghiệp.
Đối với cho vay mới, nhu cầu vay tập trung vào các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (tăng 1%), cho vay lĩnh vực nông nghiệp chỉ tăng 0,3%, trong khi dư nợ nhiều ngành như thương mại - dịch vụ - du lịch, tiêu dùng... đều giảm mạnh. Nhu cầu vay vốn của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng giảm hơn 1%.
Đối với gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng, NHNN cho hay, hiện các ngân hàng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gần 30.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi với dư nợ 160.000 tỷ đồng (số tiền miễn giảm lãi thực chất khoảng 360 tỷ đồng), cho vay mới 180.000 tỷ đồng.
Lãi suất không còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp, nhưng khách hàng không có nhu cầu vay bởi cung và cầu đều sụt giảm. Đó cũng là lý do các ngân hàng cắt giảm dần chi phí huy động vốn đầu vào gần đây.
Lãi suất cho vay có sự phân hóa giữa các nhóm khách hàng khác nhau, các lĩnh vực ưu tiên có lãi suất thấp và ngược lại. Để nhìn vào xu hướng lãi suất, có thể đánh giá qua biểu lãi suất huy động mà các ngân hàng đang áp dụng.
Tính đến đầu tháng 4/2020, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) đều có sự điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng về mức 5,1%/năm, giảm 0,2 điểm % so với tháng 3/2020.
Với các kỳ hạn dài từ 12 - 60 tháng, lãi suất chỉ còn từ 6,6 - 6,8%/năm, giảm từ 0,2 - 0,3 điểm % so với cuối tháng 3/2020.
Với các ngân hàng cổ phần tư nhân, lãi suất cũng giảm ở nhiều kỳ hạn. Tại Techcombank, lãi suất tiền gửi tại quầy các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng dao động từ 3,95% tới 6,2%/năm, tùy theo từng phương thức lĩnh lãi và điều kiện của khách hàng.
Còn tại Eximbank, lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn từ 1-60 tháng lĩnh lãi cuối kỳ, dao động từ 4,7%/năm đến 8,4%/năm.
Trong đó, kỳ hạn 6 - 11 tháng từ 5,6 - 5,8%/năm; kỳ hạn 12 - 18 tháng từ 7,2 - 7,4%/năm, giảm 0,2 điểm phần % so với tháng 3/2020.
Không chỉ các kỳ hạn tiền gửi ngắn giảm khá sâu, các kỳ hạn dài vốn được các nhà băng ưu ái đặt lãi suất cao để khuyến khích khách gửi dài hạn cũng đã được điều chỉnh thời gian qua.
Khảo sát trên thị trường của Đầu tư Chứng khoán, mức lãi suất cao nhất vẫn là 8,4%/năm, áp dụng đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng trở lên, nhưng điều kiện kèm theo là với số tiền gửi từ 100 tỷ đồng do một ngân hàng cổ phần áp dụng, còn hầu hết đã về mức dưới 8%/năm.
Lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm mạnh trong quý I-2020 Giảm suất, tăng trưởng tín dụng thấp và tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng do nợ xấu tăng có thể làm lợi nhuận các ngân hàng giảm mạnh trong thời gian tới. Nhiều ngân hàng giảm lợi nhuận Tính đến hôm nay 22/4 đã có 11 ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý I/2020, bao gồm:...