Ngân hàng đẩy mạnh thoái vốn sở hữu chéo
Cổ phiếu ngân hàng đã lấy lại vị thế cổ phiếu “vua” và là cổ phiếu đang dẫn dắt thị trường.
Giao dịch ngân hàng Ảnh: HUY ANH
Do vậy, thời gian gần đây, các ngân hàng đẩy mạnh việc thoái vốn sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng khác, sau gần 3 năm trễ hẹn trong lộ trình thực hiện Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – quy định các tổ chức tín dụng không được sở hữu quá 5% cổ phần tại đơn vị cùng ngành khác.
Nắm bắt cơ hội
Sau khi đã hoàn thành việc thoái vốn tại SaigonBank và Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC) trong năm 2017 và vừa hoàn tất việc thoái hoàn toàn vốn tại Ngân hàng (NH) Phương Đông (OCB) trong tháng 9-2018, trong tháng 10, Vietcombank tiếp tục thực hiện bán đấu giá cổ phần tại Eximbank và MBBank.
Tương tự, VietinBank cũng vừa công bố thông tin về việc sẽ thoái toàn bộ hơn 15 triệu cổ phần còn lại, tương đương 4,91% vốn sở hữu tại SaigonBank, mặc dù chi tiết thời gian và mức giá chào bán chưa được công bố. Trước đó, VietinBank cũng đã rao bán 16,8 triệu cổ phiếu, tương đương 5,48% vốn SaigonBank. Cổ phiếu SaigonBank hiện chưa được giao dịch trên sàn nhưng vào tháng 11-2017, Vietcombank đã bán 13,2 triệu cổ phiếu của NH này với giá bình quân là 20.100 đồng/cổ phiếu. Từ cuối năm 2017 đến hết tháng 1-2018, Eximbank cũng đã thoái xong toàn bộ gần 9% vốn tại Sacombank….
Nắm bắt cơ hội này, các NH cũng đã có nguồn thu rất lớn từ hoạt động thoái vốn. Cụ thể, ước tính của các công ty chứng khoán, việc thoái vốn khỏi các NH OCB, Eximbank, MBBank và Vietnam Airlines, Vietcombank sẽ đóng góp tăng trưởng 16% với khoản lợi nhuận tổng cộng là 1.600 tỷ đồng được ghi nhận vào thu nhập ngoài lãi trong năm 2018. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 của Eximbank cũng đạt 921 tỷ đồng trước thuế, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, cũng có sự đóng góp lớn từ nguồn thu bán cổ phiếu tại Sacombank, thu về khoảng 400 tỷ đồng lợi nhuận sau khi thoái xong toàn bộ gần 9% vốn tại NH này.
Việc các ngân hàng đua nhau thoái vốn là tận dụng “đỉnh” của cổ phiếu NH thoái vốn, qua đó có thêm nguồn để tăng vốn nhằm đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) trong bối cảnh các NH áp dụng tiêu chuẩn Basel II trong thời gian tới. Cùng với đó, Chính phủ cũng đang chủ trương giảm sở hữu nhà nước, tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các NH quốc doanh lên mức trên 30%. Do vậy, việc làm sạch tỷ lệ sở hữu, tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính, cải thiện chỉ số tài chính… sẽ giúp các NH quốc doanh gọi vốn dễ thành công hơn.
Tiếp tục M&A
Video đang HOT
Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán khởi sắc đã tạo cơ hội để các NH đẩy mạnh việc thoái vốn. Theo nhận định của các công ty chứng khoán, cổ phiếu NH đang có mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua, P/E (thị giá trên thu nhập mỗi cổ phần) của ngành này đang tiệm cận đỉnh và có thể năm 2018 hoặc 2019 sẽ là đỉnh của cổ phiếu NH. Đây cũng là lý do khiến các nhà băng cấp tập tận dụng “đỉnh” để thoái vốn. Tuy nhiên, việc thoái vốn sôi động mới chỉ diễn ra ở các NH lớn, còn đối với NH nhỏ, năng lực tài chính yếu, việc thoái vốn không dễ dàng. Chẳng hạn như Maritime Bank đang sở hữu gần 10% vốn PGBank nhưng trong đại hội đồng cổ đông năm 2018, NH này vẫn chưa đá động đến việc thoái vốn. Cùng với đó, các doanh nghiệp khác như VNPT, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã vài lần đăng ký đấu giá cổ phần của Maritime Bank, nhưng hiện vẫn chưa bán thành công cổ phần nào vì không đủ nhà đầu tư tham gia.
Chính vì thế, các chuyên gia trong ngành cho rằng, một trong những giải pháp tốt nhất là tìm kiếm đối tác để tiến hành mua bán và sáp nhập (M&A). Đây là giải pháp phù hợp để các NH nhỏ nâng cao năng lực, đồng thời xóa được tình trạng sở hữu chéo vẫn đang tồn tại trong hệ thống hiện nay. Theo TS Trần Du Lịch, để hạn chế việc cổ đông lớn thao túng NH vì lượng cổ phần nắm giữ lớn, các tổ chức tín dụng cần tăng cường hoạt động M&A, đẩy mạnh việc thoái vốn trong hệ thống, thoái vốn đầu tư ngoài ngành… Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, để chặt “vòi bạch tuộc” của sở hữu chéo nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của toàn hệ thống NH trong tình hình mới, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của tổ chức tín dụng, buộc tổ chức tín dụng vi phạm phải cơ cấu lại hoạt động thông qua việc sáp nhập. Trong chỉ thị về đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu NH mới đây, NHNN cũng đã yêu cầu các NH chuyển nhượng bớt cổ phần, thoái vốn khỏi các tổ chức tín dụng khác hay thực hiện M&A để giúp hệ thống lành mạnh, minh bạch hơn.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, NHNN đã thực hiện đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm sở hữu chéo. Về cơ bản, tình trạng này đã được giải quyết, các NH minh bạch và đại chúng hơn, tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng đã được nhận diện và xử lý. Cụ thể, tính đến tháng 11-2017, không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn trong hệ thống NH. Số cặp sở hữu chéo cũng giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống chỉ còn 2 cặp trong năm 2017. Sở hữu NH với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp. Số tổ chức tín dụng sở hữu hơn 15% vốn tại các tổ chức tín dụng khác chỉ còn 3 – 4 trường hợp, so với 19 trường hợp vào năm 2012 và NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng này đẩy nhanh việc thoái vốn về dưới 5% trong năm 2018.
Đấu giá cổ phần ngân hàng ế ẩm do thị trường chứng khoán sụt giảm
Việc thoái vốn ngân hàng thời gian gần đây trở nên ế ẩm so với sự sôi động của vài tháng trước do cú giảm “sốc” của thị trường chứng khoán (TTCK) từ cuối tuần qua. Theo kế hoạch, ngày 22-10, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức phiên đấu giá bán 45,6 triệu cổ phần Eximbank do Vietcombank sở hữu với giá khởi điểm 14.497 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, HNX vừa thông báo sẽ không tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của Eximbank do Vietcombank sở hữu vào ngày 22-10. Nguyên nhân do đã hết thời hạn đặt cọc (ngày 15-10) nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá nên cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức. Trước đó, ngày 15-10, Vietcombank bán đấu giá thoái vốn 53,4 triệu cổ phần Ngân hàng Quân đội (MBB) mà Vietcombank đang nắm giữ với giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, số cổ phần nhà đầu tư đăng ký mua chỉ là 5,93 triệu cổ phần, bằng khoảng 10% khối lượng cổ phần chào bán.
Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia trong ngành cho rằng, việc TTCK Việt Nam sau phiên giảm mạnh gần 50 điểm vào ngày “thứ năm đen tối” 11-10 và liên tục rung lắc trong các phiên gần đây khiến cổ phiếu ngành ngân hàng giảm khá mạnh nên nhà đầu tư thận trọng hơn. Đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết, ngoài thời gian đấu giá bị rơi vào thời điểm TTCK không thuận lợi, việc chào bán một lượng cổ phần lớn phải có các nhà đầu tư lớn tham gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh TTCK đang chịu sức ép chiến tranh thương mại Trung – Mỹ leo thang, FED tăng lãi suất và áp lực tỷ giá trong nước đang lớn dần nên các nhà đầu tư lớn chưa sẵn sàng tham gia. Hơn nữa, dòng tiền lớn chưa thực sự trở lại thị trường, những phiên giao dịch gần đây thanh khoản thấp, chủ yếu là dòng tiền nhỏ lẻ hoạt động. Cùng với đó, sau một thời gian cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh nên nhà đầu tư muốn mua ở mức giá thấp hơn, nên chờ khi số cổ phần này được bán trên sàn chứng khoán, giá trên sàn xuống thấp hơn.
Thực tế cho thấy, trong phiên đấu giá MBB của Vietcombank vào ngày 15-10, theo quy định, giá trúng không được thấp hơn giá đóng cửa trên sàn giao dịch của cổ phiếu MBB tại ngày đấu giá. Giá đóng cửa của MBB tại ngày diễn ra phiên đấu giá là 21.300 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá chỉ bán được 10.000 cổ phần (tương đương 0,018% số cổ phần đưa ra đấu giá) cho 1 nhà đầu tư cá nhân với giá đấu thành công bình quân đạt 21.900 đồng/cổ phần. Số cổ phần MBB còn lại Vietcombank sẽ bán khớp lệnh trên sàn. Tương tự, Vietcombank thông báo bán đấu giá 45,6 triệu cổ phần Eximbank với giá khởi điểm 14.497 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch gần đây, giá cổ phiếu của Eximbank (EIB) liên tục được giao dịch dưới mức 14.000 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch ngày 18-10, EIB chỉ ở mức 13.900 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch ngày 18-10, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đồng loạt lao dốc gây ra áp lực rất lớn lên thị trường chung khiến VN-Index giảm gần 9 điểm. Cụ thể, các cổ phiếu ngân hàng như ACB, CTG, MBB, SHB hay VCB đều giảm giá mạnh. Trong đó, ACB chốt phiên giảm 1,6% xuống 31.000 đồng/CP, VCB giảm 2% xuống 58.000 đồng/CP, MBB giảm sâu 2,3% xuống 21.150 đồng/CP. Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,13 điểm (0,84%) xuống 963,47 điểm. HNX-Index cũng giảm 1,48 điểm (1,35%) xuống 107,91 điểm. Thanh khoản thị trường rất thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 186 triệu cổ phiếu, trị giá chỉ 3.800 tỷ đồng.
NHUNG NGUYỄN
Theo sggp.org.vn
Thoái vốn ngân hàng vì sao không còn dễ dàng?
Ngày càng nhiều ngân hàng triển khai thực hiện việc thoái vốn tại các ngân hàng. Thị trường chứng khoán vẫn đang khá thuận lợi nhưng việc thoái vốn hiện nay được cho rằng sẽ không còn dễ dàng như giai đoạn trước. Đâu là nguyên nhân?
Dễ khó tùy trường hợp?
Ngân hàng Vietinbank vừa thông báo đấu giá toàn bộ hơn 15 triệu cổ phần, tương ứng 4,91% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SGB). Trước đó hồi năm 2016, VietinBank đã bán gần 17 triệu cổ phần tương đương 5.48% vốn cổ phần Saigonbank với mức giá khởi điểm là 10,800 đồng/cổ phiếu; giảm sở hữu tại Saigonbank xuống 4.91% như hiện nay.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang sôi động như hiện nay, ngày càng nhiều tổ chức muốn thoái vốn ra khỏi các tổ chức tín dụng. Hồi tháng 9 Vietcombank cũng cho biết sẽ thoái vốn tại ngân hàng Eximbank (EIB) và Quân đội (MBB), đưa tỷ lệ sở hữu về thấp hơn mức quy định 5%, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ sở hữu chéo.
Tuy nhiên, một thực tế cần phải nhìn nhận là dù thị trường chứng khoán đang diễn biến khá thuận lợi, nhưng việc thoái vốn hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Đối với những ngân hàng đang hoạt động hiệu quả và niêm yết sẵn trên sàn như MBB thì việc bán vốn là khả thi, và có thể giúp những tổ chức sở hữu như Vietcombank thu được lợi nhuận lớn.
Có thể thấy giá cổ phiếu của MBB kể từ sau thông tin Vietcombank thoái vốn thì đã tăng hơn 10% trong vòng 2 tuần qua. Cổ phiếu EIB cũng đã ghi nhận mức tăng gần 15% trong cùng khoảng thời gian. Theo đó giá giao dịch trên sàn của 2 cổ phiếu trên hiện đã tăng lên cao hơn mức giá chào bán khởi điểm của Vietcombank.
Ngược lại, với những ngân hàng chưa niêm yết thì việc thoái vốn có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, khi không chỉ đối tượng nhà đầu tư mua sẽ có những hạn chế nhất định, mà còn vì những ngân hàng chưa niêm yết đến thời điểm này thường là những ngân hàng nhỏ, hiệu quả kinh doanh không cao nên cũng khó thu hút người mua.
Như tại SGB, vốn điều lệ hiện nay của ngân hàng này ở mức khá thấp là 3.080 tỷ đồng, cận kề với mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng. Dù báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay công bố mức lợi nhuận trước thuế đạt 112 tỷ đồng, hoàn thành đến 75% kế hoạch năm nay, nhưng so với cùng kỳ giảm đến 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, huy động vốn và tín dụng đều sụt giảm so với đầu năm, với tăng trưởng tín dụng âm 1,79%. Chằng những vậy, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 6,48%, với con số tuyệt đối là 897 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 là 201 tỷ đồng, nợ nhóm 4 là 238 tỷ đồng và nợ nhóm 5 lên đến 459 tỷ đồng.
Hồi năm 2015, cũng đã có những thông tin về việc SGB sẽ sáp nhập vào Vietcombank, tuy nhiên thương vụ này cho đến nay dường như đã thất bại khi không có thêm diễn tiến nào khác. Thậm chí hồi cuối năm 2017, Vietcombank đã thoái 13,2 triệu cổ phần tại SGB và thu về hơn 266 tỷ đồng, với mức đấu giá thành công bình quân là 20.100 đồng/cp, cao hơn rất nhiều so với mức giá khởi điểm 12.550 đồng/cp.
Thương vụ sáp nhập giữa Vietcombank và Saigonbank được đồn đoán một thời đã không đi tới đâu
Đến lúc khó khăn?
Nếu nhìn vào mức giá khởi điểm mà Vietinbank đưa ra chỉ ở mức 10.800 đồng/cp mới thấy, cho thấy sự tự tin của tổ chức muốn thoái vốn đã ít nhiều giảm xuống, nhất là khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của SGB không mấy tích cực như đã nói, cũng như thị trường chứng khoán tuy vẫn còn thuận lợi nhưng tiềm năng tăng trưởng đã giảm xuống so với giai đoạn năm 2017, sau khi phải trải qua đợt điều chỉnh mạnh mẽ vừa rồi.
Đơn cử như trường hợp của của ngân hàng Tiên Phong (TPB). Gần đây MobiFone đã đăng ký bán hơn 5,5 triệu cp TPB ứng với 0.95% vốn điều lệ tại TPBank, giá khởi điểm là 29,510 đồng/cp. Tuy nhiên, do tình hình thị trường chứng khoán biến động không thuận lợi dẫn đến giá cổ phiếu TPB dao động trong khoảng từ 23.900 đến 27.500 đồng (tính khoảng thời gian từ khi MobiFone công bố thông tin trên HOSE), thấp hơn so với mức giá khởi điểm mà MobiFone đưa ra, do đó, Tổng Công ty chưa thực hiện việc thoái vốn tại TPB.
Có thể thấy TPB đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm chung của thị trường, dù ngân hàng này gần đây trở thành một trong những ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ, tập trung phát triển mảng ngân hàng số và hiệu quả kinh doanh cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm cho rằng Mobifone hiện không hoàn toàn muốn thoái vốn khỏi TPB do hiệu quả kinh doanh của ngân hàng này đang rất tốt, chính vì vậy mới đặt giá giá chào bán khởi điểm được đưa ra cao hơn so với thị giá của cổ phiếu TPB trên sàn HOSE.
Cụ thể, kết thúc tháng 9/2018, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 4,035 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1,613 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ và đạt 75% mục tiêu kế hoạch, hệ số an toàn vốn CAR đạt chuẩn ở mức trên 11%. Cũng theo đà của kết quả kinh doanh này, đại diện TPBank tin tưởng năm nay nhà băng sẽ hoàn thành mục tiêu thách thức đại hội đồng cổ đông đề ra đầu năm là 2,200 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng của TPB được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát tốt ở mức trên dưới 1%. Các chỉ số về hiệu quả hoạt động của TPB cho thấy ngân hàng đang có sự tăng trưởng đột phá, đúng định hướng chiến lược đã đề ra.
Tháng 8 vừa qua, TPB cũng đã được Tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's nâng mức xếp hạng lên B1 với triển vọng ổn định. Và mới đây nhất, NHNN đã có văn bản chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ của TPBank từ 6,718 tỷ đồng lên mức 8,566 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng.
MẪN NHI
Theo thegioitiepthi.vn
'Ế' gần 48 triệu cổ phiếu Ngân hàng Quân đội do Vietcombank chào bán Chỉ có hơn 10% số lượng cổ phiếu MBB chào bán được nhà đầu tư đặt mua. Gần 48 triệu cổ phiếu MBB do Vietcombank sở hữu chưa bán được NGỌC THẮNG Chiều 15.10, buổi đấu giá 53,4 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân Đội do ngân hàng Vietcombank chào bán diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội....