Ngân hàng đặt mục tiêu thế nào trong giai đoạn Covid-19?
Thay vì quan tâm đến lợi nhuận, các nhà băng chú trọng đến các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, các kịch bản đối phó với Covid-19 và trên hết là việc đảm bảo khả năng hoạt động liên tục, hiệu quả và an toàn.
Đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp từ trung tuần tháng 3 đã tàn phá các nền kinh tế, các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh doanh. Được ví như “mạch máu” của nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài “cơn bão”.
Theo đánh giá của SSI Research, tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng sẽ trở nên rõ rệt hơn trong quý II, khi thu nhập lãi, thu nhập từ phí, và thu hồi nợ xấu có khả năng giảm mạnh. Trong kịch bản cơ sở nếu Covid-19 được kiểm soát sớm, nhóm phân tích ước tính lợi nhuận các ngân hàng chỉ tăng khoảng 7% trong năm nay. Trong kịch bản xấu hơn nếu đại dịch kéo dài tới cuối năm, con số này có thể chưa tới 1%.
Trong bối cảnh như vậy, vấn đề được giới phân tích và đầu tư quan tâm là các ngân hàng đang đối mặt với thách thức này như thế nào và kế hoạch năm nay sẽ thay đổi ra sao. Dù các tiếp cận vấn đề là khác nhau giữa những nhà băng, nhưng có một điểm chung lớn nhất là lợi nhuận cao không còn là ưu tiên hàng đầu hiện nay.
VPBank – một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất quý I vừa qua – cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo duy trì khả năng hoạt động liên tục, hiệu quả và an toàn.
“Chúng tôi hy vọng kịch bản lạc quan nhất sẽ xảy ra, nhưng cũng chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là đại dịch có thể kéo dài đến cuối năm”, đại diện VPBank cho biết. “Theo đó, việc quản lý chi phí, đảm bảo tính thanh khoản là những ưu tiên hàng đầu. Trước khi nói về những kế hoạch tăng trưởng trong tương lai, chúng ta phải trụ vững qua giai đoạn khó khăn”.
Video đang HOT
Là một ngân hàng tham gia vào nhiều phân khúc thị trường, VPBank cho biết sẽ đánh giá lại một cách tổng thể, xác định những thay đổi trong hành vi của khách hàng để có những kế hoạch phù hợp. Ngân hàng cũng chuẩn bị kịch bản cho quá trình phục hồi khác nhau giữa các phân khúc khách hàng, thực hiện các biện pháp nhằm giảm chi phí, đưa ra các chính sách tín dụng phù hợp.
Đặc biệt, VPBank cũng cho biết vẫn ưu tiên đầu tư vào những sáng kiến công nghệ, nhằm chuẩn bị nền tảng vững chắc cho giai đoạn phục hồi. Đơn cử như việc hỗ trợ, cơ cấu nợ cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, VPBank là một trong những nhà băng đầu tiên áp dụng các giải pháp trực tuyến vào quá trình này.
Nhằm giải quyết lượng hồ sơ khổng lồ, giảm bớt gánh nặng vay của khách hàng, VPBank triển khai nhiều biện pháp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, sử dụng hệ thống phân loại, xử lý tự động. “Nếu như trong tháng 3, thời gian trung bình để giải quyết một bộ hồ sơ hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể mất tới 4 ngày làm việc, thì nay rút ngắn còn 1 ngày”, đại diện ngân hàng cho biết. Thậm chí, với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, thời gian giải quyết chỉ trong vòng 4 tiếng.
Về vấn đề hiệu suất hoạt động, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ tập trung nhiều vào năng lực thu hồi nợ để đảm bảo có thể kiểm soát được tình hình nợ xấu.
Đến cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất giảm từ 2,95% còn 2,59%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm từ 2,18% xuống 2,15%. Trong khi đó, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, với ngân hàng riêng lẻ tăng 111% và 90% đối với FE Credit.
Chi phí dự phòng của VPBank cũng tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm trước khi loại trừ ảnh hưởng dự phòng đã trích cho dư nợ trái phiếu VAMC trong 2019. Riêng ngân hàng mẹ, chính sách thận trọng trong trích lập dự phòng được thể hiện rõ nét trong việc tăng chi phí dự phòng cho vay khách hàng lên 50% trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Với kế hoạch kinh doanh cả năm, ban lãnh đạo VPBank cho biết đã có những cân nhắc thận trọng về con số tăng trưởng, dù quý I lợi nhuận đã tăng hơn 60%. Theo đó, VPBank đặt mục tiêu cao ở một số phân khúc, đặc biệt là thu từ phí nhờ vào chiến lược ngân hàng giao dịch, thanh toán, dịch vụ bảo hiểm và thẻ. Nợ xấu ngân hàng có thể tăng, nhưng nhờ những hành động thiết thực như tối ưu chi phí, điều chỉnh ưu tiên tăng trưởng, con số lợi nhuận cuối năm ở ngân hàng mẹ có thể tăng thêm 1.000 tỷ đồng.
“Có thể chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế. Ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm tình hình tăng trưởng sẽ khả quan hơn. Dù dự báo chỉ là những ước đoán, nhưng chúng tôi kỳ vọng với những chiến lược phù hợp, VPBank sẽ tiếp tục duy trì được tăng trưởng”, đại diện ngân hàng chia sẻ.
HDBank công bố báo cáo kiểm toán 2019, lợi nhuận đạt kỷ lục 5.018 tỷ đồng
Nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ tiếp tục duy trì dưới 1%. Lợi nhuận tăng mạnh đến từ cả gia tăng trong thu nhập dịch vụ lẫn cho vay.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh - HDBank (mã HDB) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019.
Theo đó, kết thúc năm 2019, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.018 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tăng 25,3% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.020 tỷ đồng, tăng 25,6%. Nhờ vậy, các chỉ số về tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) đạt lần lượt 1,8% và 21,6%, tăng mạnh so với năm trước và ở mức cao so với toàn ngành.
Cùng với lợi nhuận tăng trưởng mạnh, chất lượng tài sản của ngân hàng tiếp tục vượt trội, khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ được kiểm soát ở mức 0,98%,
Lợi nhuận của HDBank năm qua đạt mức tăng trưởng tốt nhờ sự gia tăng của cả thu nhập từ cho vay và thu dịch vụ, đồng thời chi phí được quản lý hiệu quả. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 9.747 tỷ đồng, tăng 27,5%; lãi thuần từ dịch vụ đạt 626 tỷ cao hơn 42,8% so với năm 2018. Thu nhập lãi thuần tăng mạnh dù tăng trưởng tín dụng của ngân hàng năm 2019 chỉ ở mức 18% nhờ biên lãi thuần (NIM) được mở rộng mạnh, tăng từ mức 4,2% cuối năm 2018 lên 4,8%. Đây là mức NIM dẫn đầu trong các ngân hàng.
Đối với thu dịch vụ, theo thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán, đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng ấn tượng nêu trên là các khoản thu từ dịch vụ bảo hiểm, tăng 54,5%, và thu từ dịch vụ thanh toán tăng 67,9%.
Lãnh đạo HDBank cho biết, dư địa tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ của ngân hàng còn rất lớn và tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới tiếp tục ở mức cao. Trong đó bancassurance đang trong giai đoạn tuyển chọn đối tác, hứa hẹn đầy tiềm năng. Các dịch vụ ngân hàng được cung cấp trên các kênh ngân hàng số hiện đại sẽ được đặc biệt đẩy mạnh, nhằm mang đến thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ ngân hàng hữu ích, khai thác hiệu quả hệ sinh thái khách hàng rộng lớn, đa dạng với cơ sở dữ liệu hơn 30 triệu khách hàng.
Sự tăng trưởng mạnh của các nguồn thu nhập nêu trên đã giúp TOI lần đầu tiên trong lịch sử HDBank đạt 11.388 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2018. Trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được kiểm soát ở mức thấp nhờ chất lượng tài sản thuộc nhóm tốt nhất toàn ngành. Hệ số chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) đạt 44,6%, tốt hơn đáng kể mức 47% của năm 2018.
Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản hợp nhất đạt 229.477 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 20.381 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp hệ số an toàn vốn CAR (theo Basel II) đạt 11,2% - cao hơn nhiều mức tối thiểu 8% theo quy định của NHNN.
Dư nợ tín dụng đạt 153.004 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng của ngân hàng mẹ đạt 140.422 tỷ đồng. Cơ cấu danh mục cho vay của HDBank có sự cân đối cao về đối tượng khách hàng và hướng đến những sản phẩm được quản trị rủi ro tốt, hiệu quả như nông nghiệp công nghệ cao, tín dụng xanh, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình có nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Theo Trí thức trẻ
Lãi từ hoạt động dịch vụ: VPBank, Techcombank và nhóm ngân hàng nhỏ bứt phá Quý I, lãi từ hoạt động dịch vụ của nhiều ngân hàng tăng, đóng góp vào tổng thu nhập.Ngân hàng tăng thu nhập ngoài lãi, bao gồm thu nhập dịch vụ hướng đến đa dạng hóa nguồn thu, giảm phụ thuộc vào tín dụng. Thu nhập dịch vụ sẽ tăng cao, đóng góp nhiều hơn vào thu nhập hoạt động, nhất là khi...