Ngân hàng chỉ ‘nhìn giấy’ khi duyệt cho đại gia vay hàng trăm tỷ
Trả lời toà về việc duyệt cho Công ty Phương Nam vay hàng trăm tỷ đồng, nhiều cán bộ ngân hàng ở miền Tây thừa nhận chỉ dựa vào báo cáo xuất, nhập hàng tồn kho… của công ty này và “làm theo lệnh cấp trên”.
Trong ngày làm việc thứ 3 về sai phạm của Công ty thủy sản Phương Nam (ông Lâm Ngọc Khuân là Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty Phương Nam, đang bị truy nã) gây thiệt hại gần 800 tỷ đồng, TAND tỉnh Sóc Trăng tập trung xét hỏi một số cán bộ ngân hàng của ABBank Bạc Liêu và Vietcombank Sóc Trăng… về thủ tục xét duyệt, kiểm tra hồ sơ vay, hàng tồn kho do Phương Nam thế chấp.
Bà Nguyễn Thị Bích Dung (nguyên phó giám đốc phụ trách toàn bộ tín dụng ngân hàng Vietcombank Sóc Trăng) bị cáo buộc biết vi phạm của cấp dưới khi thực hiện các khâu giải ngân, kiểm tra sau giải ngân nhưng không chỉ đạo chấn chỉnh và ngăn chặn… gây thiệt hại hơn 77 tỷ đồng.
Đại gia thuỷ sản Lâm Ngọc Khuân (phải) và con gái.
Trả lời HĐXX, bị cáo Dung cho biết từ năm 2008 đến 2013, do Phương Nam cần vay vốn nên phân công Lâm Quốc Tuấn (nguyên Trưởng phòng khách hàng) chỉ đạo Huỳnh Thị Ngọc Huệ (cán bộ phòng khách hàng) thực hiện thẩm định tài sản của công ty này. Tuy nhiên, bà Dung cho rằng bị truy tố tội Vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tín dụng là không đúng. Bởi khi thẩm định hồ sơ, thủ tục để cho vay… đều thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của ngân hàng.
Về thất thoát hơn 77 tỷ đồng không có khả năng thu hồi do Phương Nam chiếm đoạt, bị cáo Dung khẳng định: “VCB Sóc Trăng không bị thiệt hại, chỉ đang trong giai đoạn thu hồi nợ. Riêng số hàng tồn kho trị giá gần 41 tỷ đồng của Phương Nam, yêu cầu HĐXX giải quyết cho ngân hàng VCB Sóc Trăng vì Phương Nam thế chấp cho VCB Sóc Trăng đầu tiên”.
Ngược lại, bị cáo Huệ lại thừa nhận có nhiều thiếu sót trong hoạt động kiểm tra tài sản thực tế, chỉ dựa vào báo cáo xuất, nhập hàng tồn kho; chỉ bốc mẫu hàng tồn kho kiểm tra chứ không kiểm đếm số lượng cụ thể…
Trong khi đó, Kim Hoàng Minh Tân (nguyên trưởng phòng quản lý tín dụng ngân hàng ABBank Bạc Liêu) cũng thừa nhận một phần tội theo cáo buộc. Bị cáo nói rằng khi thẩm định hồ sơ vay vốn của Phương Nam đã không xác minh thông tin về giao dịch bảo đảm nên không phát hiện hoàng hóa tồn kho của Phương Nam đã được thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng khác; tham gia kiểm tra kho và sử dụng vốn sau khi cho vay chỉ dựa vào báo cáo và bản kê của Phương Nam… gây thiệt hại cho ngân hàng gần 40 tỷ đồng. Nhưng bị cáo Tân cho biết mình làm theo sự chỉ đạo của cấp trên.
Video đang HOT
Cuối buổi xét xử, toà cũng lần lượt thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thế Thắng (nguyên giám đốc Ngân hàng VDB Sóc Trăng); Đỗ Hùng Sở (nguyên giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, hội sở Hậu Giang); Nguyễn Văn Sơn (nguyên giám đốc Ngân hàng An Bình) chi nhánh Bạc Liêu; Nguyễn Thanh Long (nguyên giám đốc Sacombank chi nhánh Sóc Trăng); Lưu Quốc Cường (nguyên Phó giám đốc Sacombank chi nhánh Sóc Trăng) và Nguyễn Thị Bích Dung (nguyên Phó giám đốc ngân hàng TMCP Ngọai thương Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng…)
Trong tổng số tiền thiệt hại từ vụ án, ngân hàng VDBank chi nhánh Sóc Trăng được xác định gây thiệt hại lớn nhất với số tiền hơn 343 tỷ đồng; ngân hàng An Bình chi nhánh Bạc Liêu không thu hồi được hơn 53 tỷ, Sacombank Sóc Trăng hơn 132 tỷ…
Bị cáo Trịnh Hồng Phượng và Lâm Minh Mẫn. Ảnh: Phúc Hưng.
Trước đó, cho rằng mình ký hợp đồng với ngân hàng là vay vốn cho doanh nghiệp chứ không phải cá nhân ông Lâm Ngọc Khuân, bị cáo Trịnh Hồng Phượng – nguyên Phó giám đốc Công ty Phương Nam – không thừa nhận tội lừa đảo như cáo trạng truy tố.
“Các hợp đồng mà bị cáo ký với các ngân hàng là vay vốn cho công ty, không phải vay cho cá nhân ông Khuân. Do đó bản thân bị cáo không thực hiện hành vi lừa đảo”, Phượng nói.
Bị cáo Lâm Minh Mẫn (nguyên kế toán trưởng của Công ty Phương Nam) tuy có thừa nhận tội nhưng lập luận bản thân làm theo sự chỉ đạo của ông Khuân. “Bị cáo là lao động chính trong gia đình, nếu không làm sẽ bị đuổi việc”, Mẫn nói. Nam bị cáo bảo biết giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp dao động từ 111 đến 285 tỷ đồng, bị ép phải lập bản báo cáo tài chính khống nâng giá trị hàng tồn kho lên 1.700 tỷ đồng.
“Số tiền công ty không khả năng chi trả là do công ty làm ăn thua lỗ, không phải ông Khuân chiếm đoạt. Do vậy, bị cáo không phải là đồng phạm lừa đảo”, Mẫn nói tiếp.
Ngoài ra, nguyên kế toán trưởng cũng khai rằng, các con số hàng tồn kho từ ít “biến” thành nhiều, kinh doanh từ lỗ thành lãi đều lo ông Khuân quyết định. Còn các ngân hàng khi đến thẩm định cũng chụp ảnh kho hàng qua loa rồi làm thủ tục giải ngân cho vay vốn, vì công ty trước nay có uy tín và giá trị bằng tài sản.
Đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân cùng một số thành viên trong gia đình bỏ trốn ra nước ngoài từ 2 năm trước. Ông này được xác định chiếm đoạt của các ngân hàng 785 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đang truy nã ông Khuân và con gái.
Đây là một trong 10 “đại án” được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xử lý.
Dự kiến phiên tòa kéo dài trong 8 ngày nữa.
Phúc Hưng
Theo VNE
'Đại gia thủy sản' trốn ra nước ngoài: 784 tỉ đã bốc hơi như thế nào?
Ngày 22.7, TAND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục xét xử sơ thẩm ngày thứ 3 vụ 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' xảy ra tại Công ty CP chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là công ty Phương Nam, địa chỉ phường 7, TP.Sóc Trăng), làm rõ hành vi của 5 ngân hàng làm thất thoát số tiền trên 784 tỉ đồng.
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng tại phiên xét xử sơ thẩm - Ảnh Trần Thanh Phong
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã hỏi bị cáo Nguyễn Thị Bích Dung (nguyên phó giám đốc phụ trách tín dụng) về số tiền mà Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Sóc Trăng bị công ty Phương Nam lừa đảo chiếm đoạt hơn 77 tỉ đồng.
Bị cáo Dung khai từ năm 2008 - 2012, khi công ty Phương Nam liên hệ có nhu cầu vay vốn, Dung đã phân công bị cáo Lâm Quốc Tuấn (nguyên trưởng phòng khách hàng) chỉ đạo cho bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Huệ (cán bộ phòng khách hàng cùng thuộc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Sóc Trăng) thực hiện việc thẩm định tài sản để giải quyết cho công ty Phương Nam vay vốn.
Bị cáo Dung cũng cho rằng mình không "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" như cáo trạng đã truy tố. Bị cáo Dung khẳng định quá trình thẩm định hồ sơ, thủ tục để giải quyết cho công ty Phương Nam vay vốn được thực hiện chặt chẽ, đúng theo quy định, hướng dẫn của ngân hàng mình.
Trả lời HĐXX về việc bị cáo có làm tròn trách nhiệm được lãnh đạo ngân hàng phân công hay "chỉ đi thẩm định qua loa", bị cáo Huệ nói khi đi thẩm tra bị cáo dựa vào các số liệu tài chính do công ty Phương Nam cung cấp và tham khảo các thông tin thống kê thương mại chính thống khác.
Tuy nhiên, bị cáo Huệ cũng thừa nhận trước HĐXX là mình vẫn còn một số thiếu sót như chỉ dựa vào báo cáo nhập, xuất, hàng tồn kho của công ty Phương Nam; không kiểm tra thực tế tài sản đảm bảo tiền vay, chỉ bốc mẫu hàng tồn kho kiểm tra chứ không kiểm điếm số lượng cụ thể.
Trả lời HĐXX về khoản thất thoát hơn 77 tỉ đồng vì không có khả năng thu hồi, bị cáo Dung và đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Sóc Trăng khẳng định ngân hàng không bị thiệt.
Bị cáo Dung lý giải đó chỉ là nợ quá hạn, ngân hàng đang cơ cấu lại nợ nên có thể thu hồi được vốn từ công ty Phương Nam vay.
Mặc khác giá trị hàng tồn kho gần 41 tỉ đồng, bị cáo Dung nói đó là tài sản đảm bảm hàng tồn kho do công ty Phương Nam đầu tiên thế chấp cho ngân hàng (trước 4 ngân hàng còn lại). Do đó, bị cáo Dung yêu cầu HĐXX giải quyết số tiền gần 41 tỉ đồng hàng tồn kho giao cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Sóc Trăng.
Chiều cùng ngày (22.7), HĐXX tiếp tục xét hỏi các ngân hàng về số tiền thiệt hại do công ty Phương Nam lừa đảo chiếm đoạt hơn 784 tỉ đồng.
Tin, ảnh: Trần Thanh Phong
Theo Thanhnien
'Đại gia thủy sản' trốn ra nước ngoài: Nâng khống từ 111 lên 1.700 tỉ đồng Ngày 21.7, ngày thứ 2, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa ra xét xử sơ thẩm vụ "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Phương Nam (P.7, TP.Sóc Trăng). HĐXX làm rõ các giấy tờ nâng khống hàng tồn kho, báo cáo kinh doanh từ lỗ thành lãi để công ty vay vốn chiếm đoạt số tiền trên 784 tỉ...