Ngân hàng cần thận trọng với nợ xấu
Tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 9-10% trong năm 2020, nhưng nợ xấu có thể tăng nhanh do khó khăn từ đại dịch. Đó là nhận định của bà Trần Thị Khánh Hiền, quyền Giám đốc Khối Phân tích, CTCK VNDirect.
Những ngân hàng tập trung vào bán lẻ và có thanh khoản cao sẽ ít chịu tác động suy giảm NIM hơn.
Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của khối ngân hàng nhìn từ báo cáo tài chính bán niên 2020?
Nhìn chung, dịch bệnh Covid-19 đang phủ bóng đen lên triển vọng của nền kinh tế, trong đó ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của ngành ngân hàng.
Tính tới thời điểm này, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2020 của các ngân hàng niêm yết tăng 12,6% – thấp hơn đáng kể so với con số 17% của so với cùng kỳ 2019.
Bà Trần Thị Khánh Hiền.
Nếu tính trên cơ sở tăng trưởng theo quý thì kết quả kinh doanh quý II khởi sắc hơn so với quý I, cho dù dịch bệnh và việc áp dụng giãn cách xã hội diễn ra trong thời gian này.
Cụ thể, lợi nhuận ròng quý II của các ngân hàng niêm yết tăng xấp xỉ 22% – thấp hơn mức 26% của cùng kỳ, nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng truởng 3,4% của quý I/2020.
Chúng tôi nhận thấy sự phân hóa rõ ràng trong bức tranh lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 giữa các nhóm ngân hàng niêm yết. Nhóm ngân hàng tư nhân vẫn duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận cao như VPBank (tăng 51,7%), HDBank (tăng 32,4%), VIB (tăng 30%), TPB (tăng 26%).
Video đang HOT
Đây là nhóm tập trung chủ yếu mảng bán lẻ và có sự tích cực trong việc đầu tư công nghệ nhằm tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và giảm thiểu chi phí.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối chịu ảnh hưởng nặng nề hơn dưới tác động của dịch bệnh. Ngoại trừ CTG ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 39%, các ngân hàng khác như BID giảm 6% lợi nhuận, VCB giảm 3% lợi nhuận.
Yếu tố dịch bệnh được đề cập chủ yếu khi nói về nguyên nhân lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các ngân hàng giảm. Số liệu nào minh chứng cho nguyên nhân này?
Chúng tôi cho rằng dịch bệnh Covid-19 tác động lên lợi nhuận của ngành qua 3 yếu tố: Suy yếu nhu cầu tín dụng, biên lãi ròng (NIM) chịu áp lực giảm và nợ xấu gia tăng.
Về yếu tố thứ nhất, sự bùng phát của Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, du lịch, khách sạn, giáo dục, giao thông vận tải và bán lẻ. Sự gián đoạn các hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp gây ra sự sụt giảm về nhu cầu tín dụng.
Theo đó, tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 3,26%, bằng một nửa so với cùng kỳ. Tổng thu nhập lãi thuần ở các ngân hàng niêm yết tăng 6,3% trong nửa đầu năm 2020, trong khi con số cùng kỳ là 18,3%.
Cầu tín dụng giảm kéo theo sự suy yếu của các dịch vụ tài chính khác. Tổng thu nhập từ dịch vụ ở các ngân hàng niêm yết chỉ tăng 10,7% trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ đạt tới 40,5% – một phần do ngân hàng cắt giảm các phí dịch vụ thanh toán.
Thứ hai, NIM suy giảm do lợi suất tài sản giảm nhiều hơn chi phí vốn bởi 2 lý do: Ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới để thúc đẩy tín dụng trong bối cảnh nhu cầu thấp và việc miễn giảm lãi đối với các khoản nợ hiện hữu dẫn tới việc thoái thu nhập lãi, làm giảm thu nhập từ hoạt động này.
Chúng tôi cho rằng, rất ít ngân hàng niêm yết có thể cải thiện NIM trong thời điểm này. Trung bình NIM của nhóm này giảm nhẹ 2 điểm cơ bản, từ 3,88% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 3,86% trong 6 tháng đầu năm nay.
Thứ ba, nợ xấu gia tăng bắt buộc các ngân hàng phải quyết liệt hơn trong việc trích lập dự phòng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận. Nợ xấu trung bình các ngân hàng niêm yết đang tăng lên, từ mức 1,4% cuối năm 2019 lên mức 1,6% cuối quý II/2020.
Hầu hết các ngân hàng niêm yết đều chủ động trích lập dự phòng, tăng tỷ lệ bao nợ xấu nhằm chuẩn bị cho những tình huống xấu khi nợ xấu phát sinh trong các quý tiếp theo.
Theo đó, tỷ lệ bao nợ xấu trung bình đã tăng từ mức 90,7% cuối năm 2019 lên mức 92,6% cuối quý II/2020.
Trong đó, ACB và Vietcombank là các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu (NPL) thấp nhất (0,7% và 0,8%) và tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) cao nhất (144,1% và 254,5%), một số ngân hàng tăng trích lập dự phòng giúp cải thiện chất lượng tài sản như Techcombank với tỷ lệ NPL giảm còn 0,9% và tỷ lệ LLR đạt 108,6%.
Tỷ lệ NPL ở VPBank cải thiện nhẹ về mức 3,2% cuối tháng 6/2020 từ mức 3,4% của tháng 6/2019, trong khi tỷ lệ LLR tăng từ 48,5% lên 49,1%.
Dịch bệnh được nhận định đã quay trở lại và tiếp tục tác động xấu đến các tổ chức tín dụng. Theo bà, bức tranh kết quả kinh doanh của các ngân hàng 6 tháng cuối năm và cả năm 2020 sẽ ra sao?
Ở thời điểm này, diễn biến dịch bệnh trong nước đang rất khó đoán, những dự báo phụ thuộc nhiều vào việc TP.HCM và Hà Nội có thực hiện giãn cách xã hội hay không, nếu giãn cách thì sẽ trong vòng bao lâu?
Trên kịch bản cơ sở, chúng tôi dự báo, đợt dịch này có thể kiểm soát được trong tháng 8. Theo đó, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 9-10% trong năm 2020, trên cơ sở nhu cầu vốn được đẩy mạnh vào cuối năm.
Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ như cắt giảm lãi suất, cho phép hoãn thời hạn nộp thuế, yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch… đã giúp tăng trưởng tín dụng có chút khởi sắc từ tháng 6 trở đi.
Bên cạnh đó việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhu cầu tín dụng những tháng cuối năm. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 203.000 tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ 2019 (bằng 41,6% và tăng 4,7%).
NIM sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng tới trong bối cảnh cầu tín dụng yếu. Tuy nhiên, xu hướng giảm NIM sẽ khác nhau giữa các ngân hàng. Do đó, những ngân hàng tập trung vào bán lẻ và có thanh khoản cao (tỷ lệ cho vay/huy động thấp) sẽ ít chịu tác động suy giảm NIM hơn.
Điểm sáng là các ngân hàng niêm yết đang tích cực tối ưu hóa chi phí bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ, chuyển đổi số và nâng cao bảo mật, thể hiện qua tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập đã giảm, từ mức trung bình 44,8% năm 2019 xuống mức 43,3% nửa đầu năm nay.
Điều gì các ngân hàng cần thận trọng trong 2 quý cuối năm?
Theo chúng tôi, nợ xấu là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ vì khi nợ xấu tăng nhanh có thể ảnh hưởng rộng ra nền kinh tế và tác động tới lợi nhuận ngân hàng trong nhiều năm.
Sau khi dịch bệnh qua đi, tăng trưởng tín dụng sẽ dần phục hồi và NIM có thể được cải thiện nhờ thay đổi cơ cấu cho vay và huy động, nhưng nợ xấu chỉ có thể được giải quyết nhanh nếu ngân hàng thận trọng trong cho vay, xếp hạng nợ và dự phòng.
Lãi suất huy động khó giảm sâu
NIM ngân hàng sẽ giảm do lợi suất tài sản giảm nhiều hơn chi phí vốn. Lãi suất huy động khó giảm sâu do ngân hàng cần duy trì nguồn vốn huy động dài hạn để đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung/dài hạn.Những ngân hàng có tỷ lệ thâm nhập thấp trong phân khúc bán lẻ và có tỷ lệ cho vay/huy động thấp sẽ ít bị áp lực về NIM.
Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, CTCK VNDirect dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ làm giảm tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) do lợi suất tài sản giảm nhiều hơn chi phí vốn. Lợi suất tài sản giảm bởi 2 lý do, ngân hàng hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới để thúc đẩy tín dụng trong bối cảnh nhu cầu thấp và việc miễn giảm lãi đối với các khoản nợ hiện hữu dẫn tới việc thoái thu thu nhập lãi, do đó làm giảm thu nhập từ hoạt động này.
Để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ đã hạ lãi suất điều hành từ 50 đến 100 điểm cơ bản và giảm trần lãi suất huy động từ 25 tới 30 điểm cơ bản đối với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng. Do đó, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm 30-40 điểm cơ bản cho tiền gửi dưới 6 tháng và giảm 20-30 điểm cơ bản đối với tiền gửi trên 6 tháng. Tuy nhiên, theo VNDirect, lãi suất huy động khó giảm sâu do ngân hàng cần duy trì nguồn vốn huy động dài hạn để đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung/dài hạn.
Về mặt bằng lãi suất cho vay, Chính phủ ra chỉ thị yêu cầu ngân hàng giảm 50 điểm cơ bản lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, ngân hàng cũng được khuyến khích giảm thêm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, dựa theo đánh giá của ngân hàng về hoạt động của khách hàng.
Một số ngân hàng đã giảm lãi suất tới 2%. Tuy nhiên, lãi suất ưu đãi thường được áp dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và mức độ giảm lãi suất khác nhau giữa mỗi khách hàng. CTCK kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trung bình 1% cho các khách hàng bị ảnh hưởng, nhưng lãi suất sẽ dần tăng trở lại sau khi dịch bệnh qua đi. Dịch bệnh được dự báo sẽ kết thúc vào giữa năm 2020, do đó lãi suất cho vay kỳ vọng giảm 50 điểm cơ bản trong năm 2020.
Do mức độ điều chỉnh giảm của lãi suất cho vay lớn hơn lãi suất huy động, NIM được dự báo sẽ đi xuống trong năm 2020. Bên cạnh đó, miễn giảm lãi vay sẽ tạo thêm áp lực cho NIM. Việc thoái thu thu nhập lãi có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2021 do hiện nay ngân hàng được phép giãn nợ tới tối đa 12 tháng, vì thế sẽ có độ trễ trong việc hình thành nợ xấu. Sau khi dịch bệnh kết thúc, xu hướng của NIM sẽ khác nhau giữa các ngân hàng.
3 nhóm sẽ chịu ít áp lực về NIM hơn. Thứ nhất là những ngân hàng có tỷ lệ thâm nhập thấp trong phân khúc bán lẻ. Việc tiếp tục mở rộng mảng cho vay cá nhân với lãi suất cao hơn sẽ giúp cải thiện lợi suất tài sản, nhờ đó giảm áp lực lên NIM gây ra bởi dịch bệnh.
Thứ hai là các ngân hàng có tỷ lệ cho vay/huy động thấp. Những nhà băng này có thanh khoản tốt hơn và đây là yếu tố quan trọng trong thời kỳ khó khăn. Họ cũng chịu ít áp lực hơn trong việc huy động thêm nguồn vốn mới để đảm bảo thanh khoản khi khách hàng không trả được nợ đúng hạn.
Thứ ba là ngân hàng với khẩu vị rủi ro thấp. Nhóm này sẽ có nợ xấu tăng chậm hơn, do đó giảm nguy cơ phải thoái thu thu nhập lãi.
Lê Hải
Thiếu cơ chế bảo vệ người cho vay Cái nhìn thiếu tích cực của xã hội, dư luận đối với các tổ chức tín dụng là một trong những nguyên nhân quan trọng 'nuôi dưỡng' sự tồn tại của tín dụng đen, đồng thời không thể kéo mặt bằng lãi suất giảm xuống. Vòng luẩn quẩn của nợ xấu và lãi suất Gần đây, có rất nhiều thông tin về việc...