Ngân hàng cam kết đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn để doanh nghiệp phát triển
Trong những năm qua, cùng với các Bộ, ngành thực hiện chủ trương tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước của Chính phủ, ngành ngân hàng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, hỗ trợ DN phát triển, đặc biệt là khơi thông nguồn vốn đầu tư sản xuất – kinh doanh bền vững cho DN.
Khơi thông nguồn vốn giúp DN đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, trong những năm qua, bên cạnh việc giữ ổn định lãi suất và tỷ giá, tạo nền tảng vĩ mô ổn định (lạm phát bình quân và lạm phát cơ bản bình quân tương ứng qua các năm: năm 2016: 2,66% và 1,83%; năm 2017: 3,53% và 1,41%; năm 2018: 3,54% và 1,48%; năm 2019: 2,57% và 1,94%), điều hành linh hoạt, thận trọng, chủ động theo sát và dự kiến những tác động phức tạp từ bên ngoài để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới biến động mạnh… ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn và tăng khả năng tiếp cận tín dụng, hỗ trợ DN phát triển sản xuất-kinh doanh
Ngành ngân hàng cam kết đồng hành, hỗ trợ DN phát triển sản xuất – kinh doanh bền vững. Ảnh minh hoạ
Đến nay, quy mô tín dụng đạt khoảng trên 8 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ đối với khối DN đạt khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, chiếm 53,03% tổng dư nợ nền kinh tế, riêng khối DN tư nhân đạt 3,4 triệu tỷ, bằng 43,46% tổng dư nợ nền kinh tế; DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 327 ngàn tỷ, chiếm 4,08%; DN nhà nước đạt 439 ngàn tỷ, chiếm 5,49%); hộ kinh doanh, cá nhân đạt trên 3,6 triệu tỷ, chiếm 45,77%; hợp tác xã và liên hợ tác xã đạt trên 6 nghìn tỷ, chiếm 0,08% và các đơn vị hành chính sự nghiệp, đảng đoàn thể và hiệp hội,… đạt trên 90 nghìn tỷ, chiếm 1,12%.
Đặc biệt, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong đó tín dụng đối với ngành công nghiệp đạt trên 1,5 triệu tỷ, chiếm 19,31% dư nợ toàn nền kinh tế (công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,25%, chiếm 14,7%); nông nghiệp nông thôn tăng 9,6%, chiếm 24,6%; xuất khẩu tăng 8,65%, chiếm 2,95%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,91%, chiếm 0,37%; DNNVV tăng 15,6%, chiếm 18,77%.
Bên cạnh tăng trưởng tín dụng, nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của DN, NHNN đã chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, toàn diện nhiệm vụ cải cách hành chính, thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng cải tiến, đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho DN khi vay vốn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thẩm định để tăng cường cho vay tín chấp, trong đó một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã xây dựng thành công các mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ, tối ưu hóa việc phân tích, đánh giá, xếp hạng tín dụng DN trước khi ra quyết định cho vay.
Video đang HOT
Với chủ trương tăng cường đối thoại, kết nối giữa ngân hàng với DN, chỉ riêng trong năm 2019, NHNN đã tổ chức 6 hội nghị lớn về công tác tín dụng tại 3 thành phố lớn và 3 khu vực kinh tế trọng điểm (Tây Nam bộ, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng), cùng với khoảng 300 cuộc gặp gỡ, đối thoại trên cả nước do NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
“Hệ thống các TCTD hiện nay có đầy đủ nguồn vốn và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Các DN gặp khó khăn luôn được các TCTD đồng hành, chia sẻ thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay…” – ông Lê Minh Hưng khẳng định.
Hiện đại hoá ngân hàng, tạo thuận lợi hơn trong giao dịch với doanh nghiệp
Với mục tiêu tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN tiếp cận vốn, phát triển sản xuất – kinh doanh, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá ổn định, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường. Đồng thời, mở rộng tín dụng hiệu quả, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN tiếp cận vốn ngân hàng, đặc biệt là tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – DN.
Đặc biệt, để tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện các giao dịch giữa ngân hàng – DN và người dân, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới sáng tạo nhưng vẫn chú trọng tới công tác bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế rủi ro.
Cụ thể, trước xu thế ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, NHNN đã nghiên cứu, ban hành quy định, tiêu chuẩn đáp ứng các mô hình kinh doanh mới, như: tiền điện tử, Ví điện tử; tiền di động; chuyển mạch điện tử; QR code; tiêu chuẩn thẻ chíp nội địa; tiêu chuẩn an ninh an toàn giao dịch điện tử; đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (FinTech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược phát triển ngân hàng số trên nền tảng công nghệ 4.0, thực hiện cung ứng dịch vụ tín dụng số dựa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I), robot và dữ liệu lớn (Bigdata) để đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân,.. nhằm rút ngắn thủ tục cho vay từ nhiều ngày xuống trong ngày.
Các TCTD cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán, phục vụ hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm.
Theo thống kê đến cuối tháng 10/2019, số lượng máy ATM trên cả nước đã đạt hơn 18.900 máy, còn số máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS – Point of Sale) đạt 282.900 máy, số lượng thẻ đang lưu hành đạt 98,2 triệu (tăng tương ứng 17,3%; 44,5% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2018). Cùng đó, giá trị giao dịch bình quân qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) đạt gần 375 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 17 tỷ USD/ngày); giá trị giao dịch qua POS đạt 491 nghìn tỷ đồng; qua điện thoại di động đạt 4,264 nghìn tỷ đồng; qua Internet đạt 17.729 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 66,3%; 221,2% và 36,6% so với cùng kỳ năm 2018).
“Ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng cộng đồng DN, tiếp nhận và xử lý kịp thời các ý kiến, kiến nghị của DN, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển” – Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Hoàng Châu
Theo congthuong.vn
Cuối tuần, giá vàng SJC bật tăng mạnh mẽ
Dù thị trường thế giới nghỉ giao dịch cuối tuần nhưng giá vàng trong nước vẫn bật tăng mạnh, chạm mốc 41,55 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước bật tăng ngày cuối tuần. Ảnh: Linh Anh
Ngày 15-12, các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TP HCM niêm yết giá vàng mua vào 41,4 triệu đồng/lượng, bán ra 41,55 triệu đồng/lượng. Trong vòng 2 ngày qua, giá vàng đã tăng thêm khoảng 150.000 đồng/lượng.
Tại Hà Nội, giá vàng được giao dịch ở mức thấp hơn 41,35 triệu đồng/lượng mua vào, 41,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng trong nước bật tăng mạnh vào ngày cuối tuần dù thị trường vàng thế giới đang đóng cửa ở mức 1.475 USD/ounce. Mỗi ounce vàng thế giới hiện cao hơn khoảng 15 USD/ounce (tương đương mức tăng 400.000 đồng/lượng) so với hôm thứ sáu.
Giá vàng trong nước tăng chậm hơn đà đi lên của giá thế giới, giúp khoảng cách chênh lệch giá vàng nội - ngoại thu hẹp xuống còn khoảng 200.000 đồng/lượng.
Về xu hướng giá vàng trong tuần tới, các nhà đầu tư kỳ vọng kim loại quý tiếp tục tăng giá. Cuộc khảo sát giá vàng do trang vàng Kitco.com thực hiện cho thấy trong hơn 700 nhà đầu tư tham gia khảo sát, khoảng 65% người dự báo giá vàng sẽ tăng tiếp trong tuần tới; khoảng 20% nhà đầu tư nói giá vàng thấp hơn và số còn lại dự báo giá vàng đi ngang.
Trên thị trường ngoại tệ, giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục thấp hơn hồi đầu năm, quanh mức 23.130 đồng/USD mua vào, 23.230 đồng/USD bán ra.
T.Phương
Theo nld.com.vn
Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt Ngày 1/10, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ nhiều vấn đề nóng trong lĩnh vực ngân hàng. Dữ liệu thống kê cho biết, đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018....