Ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất tiền gửi
Một số ngân hàng có động thái giảm lãi suất tiền gửi, điều hiếm thấy trong dịp cuối năm
Ngân hàng TMCP Bản Việt công bố biểu lãi suất huy động mới theo hướng giảm nhẹ so với biểu lãi suất cũ từ 0,1%-0,2%/năm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng còn 7,3%/năm; kỳ hạn 8-11 tháng còn 7,8%/năm… Mức lãi suất cao nhất đang áp dụng tại Bản Việt là 8,5%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm từ 24-60 tháng.
Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam ( Eximbank), trong biểu lãi suất huy động mới vừa công bố, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15-18 tháng tại quầy giảm xuống 8,1%/năm từ mức 8,3%/năm trước đó; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1%/năm xuống còn 7,7%/năm.
Hay tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng ( VPBank), biểu lãi suất vừa áp dụng từ ngày 8-11, khách hàng gửi tại quầy kỳ hạn 6 tháng lãi suất từ 7,2%-7,5%/năm, giảm 0,1%/năm so với trước; hay khi gửi online cùng kỳ hạn này lãi suất cao nhất cũng chỉ 7,5%/năm thấp hơn so với mức 7,6%/năm trước đó…
Lãi suất biến động trái chiều ở một số ngân hàng. Ảnh: Linh Anh
Đại diện một ngân hàng cho biết việc điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất nhằm phù hợp nhu cầu vốn của ngân hàng ở từng thời điểm, cũng nhằm đi đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại khác tiếp tục nhích nhẹ lãi suất để tăng cường huy động vốn, chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm.
Video đang HOT
Cụ thể, ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đang triển khai chương trình khuyến mại nhằm thu hút người gửi tiết kiệm trực tuyến. Khách hàng gửi kỳ hạn 6-12 tháng sẽ hưởng lãi suất cao nhất tới 7,9%/năm, với mức lãi suất cộng thêm tới 0,8%/năm so với biểu lãi suất thông thường. Đối với kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, khách hàng sẽ được cộng thêm 0,5 – 0,8%/năm tùy kỳ hạn; lãi suất cao nhất 8%/năm.
Theo Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê, hiện các ngân hàng trên thị trường đang đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là các kỳ hạn dài nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm.
Trong báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô 10 tháng năm 2019 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, các chuyên gia phân tích cho biết tháng 10, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động nhằm hút tiền gửi, nhất là kỳ hạn dài khiến mặt bằng lãi suất ước tăng khoảng 0,4%/năm so với đầu năm,
Nguyên nhân lãi suất đầu vào tăng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, nhất là tín dụng trung dài hạn thường tăng cao dịp cuối năm; đáp ứng các yêu cầu về hệ số an toàn vốn đáp ứng tiêu chuẩn Basel 2 năm 2020 và quy định giảm dần vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn…
Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cũng nhìn nhận xu hướng lãi suất đầu vào nhích lên trong những tháng cuối năm là khó tránh, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng thương mại phải tuân thủ và đáp ứng các quy định mới của cơ quan quản lý. Câu chuyện ngân hàng tăng lãi suất huy động thời điểm này không phải nguyên nhân từ thanh khoản.
Dù vậy, điểm đáng lưu ý theo các chuyên gia kinh tế, là mặt bằng lãi suất cho vay vẫn khá ổn định.
Thái Phương
Theo Nld.com.vn
"Không thể lấy tỷ giá làm công cụ để đẩy mạnh xuất khẩu"
Đây là khẳng định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước liên quan đến công tác điều hành tỷ giá.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2019 tổ chức sáng nay (1/10), ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018, tăng trưởng tín dụng đạt 8,64%, tăng trưởng huy động đạt khoảng 9% so với cuối năm trước.
Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường, thanh khoản được đảm bảo.
"Việc phá giá hay tăng giá tiền đồng phải được tính toán dựa trên tổng thể của nền kinh tế để điều hành hợp lý và có lợi ích cao nhất với quốc gia, tạo ổn định tâm lý với thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng cần giảm giá tiền đồng để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không thể lấy tỷ giá làm công cụ để đẩy xuất khẩu, chúng ta còn phải tính đến nhập khẩu và các cân đối vĩ mô", ông Tú nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thông tư, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước mua ròng ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Về quyết định giảm lãi suất điều hành hồi giữa tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, động thái này nhằm đưa ra thông điệp nền kinh tế đang ổn định, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhất là những tháng cuối năm.
"Với việc giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại sẽ căn cứ vào đó để điều chỉnh lãi suất cho vay", Phó Thống đốc nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, lãi suất hiện nay là một trong những bài toán khó nhất trong điều hành chính sách tiền tệ, phải làm sao để có thể hài hòa giữa lợi ích của người cho vay và người đi vay, hài hòa được lạm phát và đảm bảo lợi nhuận của các ngân hàng thương mại..
Về quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, mục tiêu đến 2021 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, nhìn chung các ngân hàng đang đi đúng hướng và đạt những kết quả tích cực. Đến thời điểm hiện tại đã có 11 ngân hàng đạt chuẩn Basel 2.
Việc xử lý nợ xấu được đặt ra cấp thiết và cũng đã đạt được một số kết quả tích cực.
"Tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ nợ xấu trên bảng cân đối của toàn hệ thống khoảng 1,9%, tính cả nợ tiềm ẩn và nợ tại VAMC khoảng 5,2%", ông Tú cho hay.
TRẦN THÚY
Theo Bizlive.vn
Dư nợ cho vay chuỗi liên kết: Mới chỉ dừng ở mức 7.000 tỷ đồng Nhiều ưu đãi cho vay đối với doanh nghiệp thuộc chuỗi liên kết như lãi suất thấp hơn, được xem xét khoanh nợ..., nhưng vốn giải ngân cho chuỗi mới chỉ gần 7.000 tỷ đồng cho đến nay. Sản xuất lúa gạo rất cần được giải ngân mạnh theo phương thức chuỗi liên kết để tăng hỗ trợ nâng cao chất lượng gạo...