Ngăn dịch Covid-19: Thật sự lo lắng với những người vô ý thức
Thông tin một số người từ vùng dịch Covid-19 nhập cảnh vào Việt Nam lại khai báo gian dối, trốn, né hoặc không tuân thủ quy định cách ly… khiến bạn đọc Báo Thanh Niên tức giận.
Khu vực cách ly riêng hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sàng lọc các khai báo y tế – Ảnh: Độc Lập
Như Thanh Niên đã đề cập trong bài viết Vài người gian dối, công sức cả xã hội ngăn dịch sẽ đổ bể đăng tải ngày 11.3, khi cả xã hội đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, một số người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam lại khai báo gian dối, không tuân thủ quy định cách ly… khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Thêm 3 ca mới ở Bình Thuận, Việt Nam có 38 người dương tính với Covid-19
Kêu gọi tự ý thức, chưa đủ…
Dường như những thông tin liên tục, dồn dập, từ nhiều kênh… kêu gọi nâng cao ý thức cộng đồng, ý thức của từng cá nhân, đặc biệt là ý thức của những người “về từ vùng dịch”, vẫn chưa đủ mạnh để trở thành một “pháp lệnh lương tâm”.
Sau khi Thanh Niên điểm lại nhiều vụ sót lọt khi nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng dịch, bạn đọc (BĐ) Đỗ Văn Hưởng (TP.HCM) nhận xét: “Không có ý thức thế này thì đúng là công sức của nhà nước và cộng đồng coi chừng bỏ sông bỏ bể…”. BĐ Thùy Giang (TP.HCM) cảm thấy: “Thật sự lo lắng vì những người vô ý thức” và tiếp tục kêu gọi: “Mọi người nên có ý thức với chính mình và cộng đồng. Hãy trung thực khai báo để ngăn dịch phát tán”.
BĐ Phạm Bình Minh (Quảng Ninh) nhìn câu chuyện ở một góc độ khác khi cho rằng: “Không ai mong muốn xảy ra dịch bệnh hay cố tình lây nhiễm cho cộng đồng. Nhà nước đang làm rất tốt, người trong diện bị cách ly đã chủ động cách ly, nên thêm chia sẻ, thôi chửi bới… Chúng ta còn có gia đình, người thân ở phía sau, họ cũng vậy”.
BĐ Vietroad (TP.HCM) nhận xét: “Bắt cả xã hội đều trung thực hết là một việc làm… bất khả thi. Lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân là 2 mặt đối lập luôn tồn tại song song. Thế nên xã hội mới cần có luật pháp”. Từ phân tích này, BĐ Vietroad cho rằng: “Chống dịch không chỉ trông chờ người dân tự giác và phải kiểm soát quyết liệt, bắt đầu từ những vị trí nhạy cảm nhất, như sân bay, nhà ga, cửa khẩu…”.
… phải chế tài mạnh, cả phạt tù
Tán thành, BĐ Dang (TP.HCM) nêu: “Trong xã hội, ý thức mỗi người chắc chắn khác nhau, trong phòng chống dịch, không thể chỉ kêu gọi ý thức, mà phải có chế tài đủ mạnh”.
Nhiều BĐ tán thành với đề nghị phải có chế tài mạnh, thậm chí là phạt tù đối với những hành vi vô ý thức gây tổn hại cho nỗ lực ngăn dịch Covid-19. BĐ Đặng Quý Ngọc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị: “Phải ra hình phạt cụ thể cho từng trường hợp cụ thể, cứ vi phạm trốn khai báo, né cách ly là phạt ngay, cứ phạt nặng mức rất cụ thể vào, chắc chắn không có người dân nào phản đối đâu”.
BĐ Lê Văn Quốc (Đà Nẵng) cho rằng: “Phải ra quyết định xử phạt nghiêm minh, thậm chí là phạt tù, để răn đe những người khai gian dối”. BĐ Phan Lê (Quảng Nam) cũng đồng ý rằng cứ xử lý thật nghiêm một vài người là “tự khắc răn đe được người khác”. BĐ Hàn (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu: “Thiết nghĩ nên đưa ra tòa xử nghiêm những người khai gian dối lộ trình di chuyển làm ảnh hưởng đến cả nước…”.
BĐ Trịnh Hà (Hà Nội) nhận định: “Chưa có thiệt hại về người là do sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của ngành y tế, sự chấp hành nghiêm túc của đại đa số nhân dân” và chính vì vậy mà càng phải cần “xử nặng hành vi giấu giếm, gian dối khai báo”.
Phải áp dụng mức phạt 5 năm tù đối với những trường hợp gian dối, không khai báo khi có đi qua vùng dịch, không chịu cách ly, làm ảnh hưởng đến sự an toàn và sức khỏe của toàn xã hội. Làm cứng rắn thì ai cũng sẽ phải tuân thủ. – Nguyễn Thị Như (Hà Nội)
Bởi thế mới cần có chế tài của luật pháp đủ mạnh, đủ sức răn đe, ngăn chặn những hành vi vô ý thức, không có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. – Nguyễn Văn Đạt (Tây Ninh)
Theo Thanh niên
Không để 'lọt lưới' người về từ vùng dịch Covid-19
Dư luận tỏ ra lo lắng khi nhiều trường hợp về Việt Nam từ vùng có dịch Covid-19 'lọt lưới' khi làm thủ tục nhập cảnh.
Khai báo y tế tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: T.T
Điển hình trong các vụ "lọt lưới" có vụ "cô gái ở Hàn Quốc về Việt Nam rồi livestream khoe khai báo gian dối để không bị cách ly; rồi "cô gái Hà Nội nhiễm Covid-19" thứ 17 không khai về từ vùng dịch bệnh ở Ý; và mới nhất là 2 vợ chồng sinh sống tại chung cư Khang Gia Tân Hương (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) đi du lịch ở Milan (Ý) về sân bay Tân Sơn Nhất "lọt lưới" ra cộng đồng mà đáng lẽ phải bị cách ly ngay khi vừa đến sân bay...
Thêm 3 ca mới ở Bình Thuận, Việt Nam có 38 người dương tính với Covid-19
Kiểm dịch y tế chỉ kiểm tra khai báo y tế
Liên quan vợ chồng "lọt lưới" kiểm dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 11.3, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM, cho biết lúc nhập cảnh, trong tờ khai báo y tế 2 khách khai bay từ Dubai về, nhưng không khai đã qua nước Ý, nên nhân viên Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế không biết được. Còn việc kiểm tra hộ chiếu hành khách đi từ đâu là của công an cửa khẩu, trung tâm kiểm dịch không biết được.
Khai báo y tế tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: T.T
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, do lường trước được việc này qua các ca trước, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế đều yêu cầu Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất kiểm tra kỹ hộ chiếu để phát hiện và báo kiểm dịch y tế những trường hợp này nhằm xử lý. Qua ca này, bác sĩ Tâm cũng đề nghị công an cửa khẩu kiểm tra kỹ hộ chiếu để phát hiện người đến từ vùng dịch.
Khó kiểm soát với khách nối chuyến bay
Theo quy trình tại sân bay, khi hành khách xuống máy bay, đặc biệt là những chuyến bay quốc tế về từ vùng dịch, sẽ phải qua bộ phận kiểm dịch thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC). Cơ quan kiểm dịch y tế ngoài việc đo thân nhiệt cho khách còn kiểm soát khai báo y tế (bắt buộc). Sau khâu kiểm dịch, hành khách sẽ tới bộ phận kiểm soát xuất nhập cảnh (Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an) để nhập cảnh vào Việt Nam.
Với những hành khách quá cảnh nối chuyến qua các sân bay tại Việt Nam, việc kiểm soát liệu có được thực hiện chặt chẽ? Theo quy trình, với các chuyến bay quốc tế đến thông thường, hành khách sẽ đi vào ống lồng từ máy bay, qua bộ phận kiểm soát nhập cảnh, kiểm dịch y tế và an ninh soi chiếu.
Nhưng với hành khách quá cảnh (không nhập cảnh vào Việt Nam), khi xuống từ máy bay sẽ được nhân viên phục vụ mặt đất (hoặc có luồng chỉ dẫn riêng) đi thẳng vào khu phòng chờ trong sân bay; đơn cử là trường hợp khách Nhật Bản bay trên chuyến bay VN814 của Vietnam Airlines từ Siem Reap (Campuchia) quá cảnh qua Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đi Nagoya (Nhật Bản). Với các khách hạng phổ thông khi nối chuyến cũng sẽ ngồi chờ cùng hành khách bình thường tại khu vực phòng chờ.
Đo thân nhiệt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: Duy Tính
Vì thế, theo một cán bộ ngành hàng không, việc kiểm soát với những khách nối chuyến hiện tại chưa chặt chẽ. Đặc biệt, khi phát hiện khách nhiễm Covid-19, đối tượng cách ly sẽ ở diện rộng, như ngoài khách cùng chuyến bay, nhân viên phục vụ mặt đất, có thể cả khách ngồi cùng tại phòng chờ...
Có lỗ hổng kiểm soát xuất nhập cảnh?
Trao đổi với Thanh Niên ngày 11.3 về vấn đề tuân thủ khai báo y tế tại khu vực sân bay, lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết: "Thực tế cho thấy việc kiểm soát này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của hành khách. Mình căn cứ vào khai báo để phân loại, nếu họ từ vùng dịch thì phải cách ly, nhưng vì lý do nào đó mà họ không khai báo, cũng rất khó để kiểm soát. Bởi lúc qua cửa khẩu nhiều người có thể mắc bệnh nhưng thân nhiệt chưa có, máy móc cũng không phát hiện ra được".
Cũng theo vị này, lực lượng xuất nhập cảnh gặp vướng khi nhiều trường hợp hành khách đến từ các nước châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc sử dụng hệ thống kiểm soát tự động (auto gate) nên không có dữ liệu về những nơi họ đi qua. "Nếu trên hộ chiếu họ không có đóng dấu thì đương nhiên lực lượng chức năng không xác định được họ có đi qua vùng dịch bệnh hay không", vị này nói, với dẫn chứng trường hợp điển hình về trường hợp N.H.N ở Hà Nội - ca nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam.
Về việc có hay không lỗ hổng trong kiểm soát xuất nhập cảnh, vị lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho rằng quy trình kiểm soát như hiện nay đã rất chặt so với nhiều nước trên thế giới, và nếu coi đó là lỗ hổng là không chính xác.
Đối với việc khai báo, từ năm 2010, Việt Nam đã bỏ thủ tục khai báo nhập cảnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Mặt khác, một số nước áp dụng kiểm soát người xuất nhập cảnh tự động, không đóng dấu hộ chiếu thì việc kiểm soát từ đầu Việt Nam khó khả thi.
Theo đại tá Lương Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Cửa khẩu (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng), việc người nhập cảnh cố tình khai báo y tế với những sai lệch, không chính xác về lịch sử di chuyển trước đó để "né" cách ly là hành vi rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác khi để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, thì cơ quan chức năng cần thiết phải đưa ra xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe.
Yêu cầu ngăn chặn tình trạng xâm nhập cảnh trái phép
Chiều 11.3, Bộ đội biên phòng (BĐBP) Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) và lực lượng chức năng phát hiện 4 người Việt nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cùng bị sốt 38oC, sau đó cả 4 người được đưa vào cách ly tại Bệnh viện đa khoa TP.Hà Tiên.
Trước đó, ngày 10.3 tại TP.HCM, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức hội nghị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu và triển khai phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BĐBP yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP các địa phương cần linh hoạt, chủ động phối hợp với các lực lượng khác, với địa phương khảo sát các khu cách ly, có phương án bảo vệ, ngăn chặn tình trạng xâm nhập cảnh trái phép.
Mai Thanh Hải - Nguyễn Tiến Vinh
Theo Thanh niên
Cà Mau: Cách ly nhiều HS tiếp xúc với người về từ nước có dịch Covid-19 Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Cà Mau cho biết, vừa qua, nhiều học sinh có tiếp xúc với người nước ngoài, về từ vùng dịch đều được cách ly, sức khỏe ổn định. Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (BCĐ Covid-19) tỉnh Cà Mau, tính đến ngày 10/3, các trường học tiếp tục thực hiện vệ...