Ngăn chặn vấn nạn trộm cắp thiết bị vật tư tại các công trình trọng điểm
Thời gian gần đây, tại TP Hồ Chí Minh liên tục xảy ra tình trạng trộm cắp thiết bị, vật tư công trình trọng điểm, công cộng không chỉ làm thiệt hại lớn về tài mà còn làm chậm tiến độ dự án, gây mất an toàn giao thông.
Giữa tháng 6 vừa qua, nhà thầu tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên trình báo bị mất trộm hơn 13.000 chiếc kẹp ray trong tổng số hơn 20.000 chiếc được thiết kế, khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Đây là công trình trọng điểm của TP Hồ Chí Minh và đang có phần chậm tiến độ. Với việc mất các thiết bị chuyên dụng này (dùng để cố định, liên kết các thanh ray và thanh nối tà vẹt), công trình sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng và thiệt hại.
Ngay sau đó, Công an TP Thủ Đức phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc xác minh. Theo đó, Công ty TNHH Xây dựng Chan Chun (nhà thầu thi công đường ray thuộc gói thầu CP3 – mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) trình báo về việc mất cắp vật tư thiết bị đường ray tại công trường từ VD1 đến VD3 (đoạn từ Văn Thánh đến Tân Cảng). Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) đã có công văn gửi đến 5 công ty là nhà thầu đang thi công trên tuyến Metro số 1, đề nghị tăng cường công tác an ninh và bảo vệ vật tư thiết bị đang lưu trữ hoặc đang thi công lắp đặt ở công trường, tránh bị mất cắp, hay phá hoại trong tương lai.
Đại diện MAUR cũng khuyến cáo, trong khu vực depot Long Bình và các nhà ga, nơi tập trung nhiều vật tư thiết bị, các nhà thầu nên xem xét có thể gắn camera an ninh để theo dõi, giám sát trong suốt quá trình thi công và lắp đặt, cũng như hỗ trợ công tác bảo vệ.
Một nắp cống trên đường Tố Hữu (đối diện hướng lên cầu Thủ Thiêm 2) bị mất cắp.
Trước đó, nhiều vụ mất nắp cống, nắp chắn rác cũng liên tiếp xảy ra. Hơn 40 nắp chắn rác làm bằng gang của cống thoát nước trên cầu Thủ Thiêm 2 vừa chính thức thông xe 2 ngày, cũng đã bị kẻ gian lấy trộm. Công an TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc điều tra và bắt được nghi can để xử lý.Nhưng ngay sau đó, hàng chục nắp cống trên đường Nguyễn Cơ Thạch (khu đô thị mới Thủ Thiêm), gần cầu Thủ Thiêm 2, cũng bị kẻ gian lấy cắp. Những khu vực nắp cống bị mất để lộ ra những hố sâu, gây mất mỹ quan và nguy hiểm cho người đi đường.
Các công trình bị trộm cắp thiết bị không chỉ giảm chất lượng dự án, nguy cơ mất an toàn mà còn kéo theo thiệt hại lớn cho chủ đầu tư. Đơn cử, gói thầu J2 thuộc dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành (dự án trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài 57,8km) dù chưa đưa vào khai thác sử dụng nhưng cũng đã khốn khổ vì nạn mất trộm dây điện chiếu sáng, tấm chống lóa, thiết bị an toàn giao thông. Theo Ban điều hành gói thầu J2 cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường cáp điện chiếu sáng trên cầu Sông Chà (đoạn qua xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) bị mất cắp đến hơn 80%. Gói thầu dự án này còn bị mất 57 tấm lưới chống chói lắp trên dải phân cách, 10 cột chống chói bị tháo dỡ, nắp chắn rác và hàng loạt trụ đèn chiếu sáng bị cạy phá, cắt dây cáp, dây điện… Thiệt hại do mất trộm ước tính hơn 11 tỷ đồng…
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, tình trạng mất cắp phát sinh từ sự mất cảnh giác, chủ quan của các đơn vị chủ thầu trong việc quản lý tài sản, không có người trông coi, che chắn, không có biện pháp bảo vệ phù hợp, các tài sản, vật tư, hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực vắng người dễ tháo lắp. Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với các quận, huyện truy xét, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng gây án.
Video đang HOT
Về lâu dài, Công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông Vận tải xây dựng quy chế phối hợp để thực hiện các giải pháp bảo vệ, tăng cường tuần tra, đảm bảo ANTT tại các tuyến đường, khu vực lắp nhiều thiết bị hạ tầng kỹ thuật… Hai đơn vị sẽ tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, hình ảnh (từ hệ thống camera quan sát) khi có các vụ việc xảy ra, sau đó Công an thành phố sẽ điều tra dù mất tài sản nhỏ hay lớn.
Công an thành phố cũng chỉ đạo cho các đơn vị, Công an các phường xã rà soát, lên danh sách các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn để ký cam kết không tiếp tay, không mua các cấu kiện, vật tư hệ thống kỹ thuật, tố giác khi có nghi vấn.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng triển khai chụp hình tất cả những thiết bị hạ tầng, vật tư kỹ thuật để gửi cho các phường, xã. Qua đó, địa phương sẽ làm việc với các chủ vựa ve chai trên địa bàn mình quản lý để họ nhận biết, khi gặp các trường hợp có người tới bán thì không được mua bán…
Cũng theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, hành vi trộm cắp tài sản là một trong những tội danh mà Công an thành phố cùng các phòng nghiệp vụ yêu cầu các đơn vị tập trung giải pháp kéo giảm tội phạm, đồng thời đặt ra mục tiêu cho các đơn vị nhằm đảm bảo tỷ lệ điều tra khám phá án trộm cắp.
Hành trình triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị COVID-19 giả quy mô lớn
Ngày 10/6/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP. Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19 với quy mô lớn do Phạm Ngọc Bích cầm đầu.
Khám xét nơi ở và trụ sở, đồng thời là xưởng gia công, sản xuất của Công ty Cổ phần dược phẩm Amtex Pharma do Bích làm giám đốc tại địa chỉ 279A1, ấp 1B, xã Phong Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An và một số điểm cất giấu khác ở nhiều nơi, cơ quan điều tra thu giữ 200.000 viên thuốc tân dược giả nhãn hiệu Neo-Codion (thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19), 1.000.000 viên thuốc tân dược thành phẩm cùng nhiều máy móc, thiết bị và c liên quan.
Thuốc tân dược và nguyên liệu giả thu được tại xưởng sản xuất của Phạm Ngọc Bích
Lần theo dấu vết tội phạm
Đầu năm 2021, trong lúc tuần tra, nắm tình hình địa bàn, các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phát hiện dấu hiệu về một đường dây sản xuất thuốc tân dược giả, đặc biệt là thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 đang lén lút hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số vùng lân cận. Hơn một tháng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, vừa lần ra được nhóm người đi bỏ mối được điều khiển bởi Phạm Bích Ngọc thì dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội và Bích cùng nhóm người đi bỏ mối cũng lặn mất tăm, dấu vết cũng bị xóa hết.
Ngay khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, các trinh sát lại tiếp tục lên đường đến từng cửa hàng thu thập những vỉ thuốc giả để truy nguồn. Cuối tháng 5-2022, trinh sát phát hiện Bích cùng nhóm người bỏ mối xuất hiện trở lại, nhưng dường như chúng đã cảnh giác với việc một số đối tượng mua bán thuốc tân dược giả khác liên tục bị bắt nên cả bọn chỉ làm việc với các điểm bán rồi thuê shippe giao hàng. Ngoài ra, chúng còn sử dụng chiêu trò cho đàn em tìm cách cản đường nếu nghi vấn đó là người của cơ quan chức năng đang theo dõi.
Sau một thời gian xác minh, các trinh sát lần ra được đại bản doanh của nhóm là Công ty cổ phần dược phẩm Amtex Pharma được đặt tại địa chỉ 279A1, ấp 1B, xã Phong Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, do anh trai của Ngọc là Phạm Ngọc Bích làm giám đốc. 17h30 ngày 9/6/2022, một tổ trinh sát trong lúc đi nắm tình hình địa bàn đã bắt quả tang đối tượng Đoàn Minh Trường, Phạm Bích Ngọc điều khiển xe ô tô chở 12 thùng carton chứa 20.000 vỉ (200.000 viên) thuốc tân dược giả nhãn hiệu Neo-Codion đang di chuyển theo hướng từ Long An về Thành phố Hồ Chí Minh để cất giấu vào kho chứa hàng.
Ngay trong đêm, Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã lập nhiều tổ công tác đồng loạt thực hiện lệnh bắt trong tình trạng khẩn cấp đối với Phạm Ngọc Bích; khám xét khẩn cấp các nhà máy sản xuất thuốc, xưởng ép vỉ, đóng gói thuốc thành phẩm tại huyện Bến Lức, Thủ Thừa thuộc tỉnh Long An và nhiều địa điểm cất giữ thuốc thành phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, phát hiện, thu giữ trên 1.000.000 viên thuốc tân dược giả thành phẩm cùng hàng chục máy móc, dây chuyền sản xuất, ép vỉ, đóng gói thuốc tân dược giả.
Đường đi của thuốc giả
Theo lời khai của Phạm Ngọc Bích, do có quá trình dài hoạt động trong ngành dược, thấy việc sản xuất, mua bán thuốc tân dược giả mang lại lợi nhuận kếch sù và nhanh chóng làm giàu nên đã tìm cách thực hiện. Bích lên kế hoạch tổ chức chặt chẽ, tuyển chọn tay chân thân tín là các đối tượng có quan hệ anh em, họ hàng, thân quen lập thành hệ thống khép kín từ trên xuống dưới. Mặt khác, nhằm làm cho các đại lý phân phối, cửa hàng bán lẻ không phát hiện được thật, giả, Bích làm đầy đủ thủ tục, xin cấp phép thành lập công ty, đầu tư nhà máy, xưởng sản xuất nhưng không tập trung tại một chỗ mà đặt ở nhiều nơi khác nhau để mỗi xưởng thực hiện một công đoạn như: Xưởng dập thuốc thành viên đặt ở huyện Bến Lức; xưởng in nhãn mác đặt ở huyện Thủ thừa, tỉnh Long An; xưởng bao bì, đóng gói và kho cất giấu thuốc đặt ở TP. Hồ Chí Minh...
Chuẩn bị xong máy móc, thiết bị cần thiết, Bích liên hệ, kí hợp đồng với một số hãng dược có uy tín để gia công, sản xuất một số loại thuốc tân dược đang hút trên thị trường nhưng khan hiếm về số lượng.
Lợi dụng việc gia công này, Bích móc nối với một số tư thương ở khu vực biên giới để mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc về pha trộn với nguyên liệu chính ngạch rồi cho vào máy ép ra những loại thuốc giống như trong hợp đồng gia công trước khi dán nhãn mác, đóng gói thành phẩm.
Phạm Bích Ngọc bị bắt quả tang khi đang vận chuyển thuốc tân dược giả
Công đoạn đem bỏ mối cho các đại lý, cửa hàng cũng được thực hiện hết sức tinh vi theo hình thức đa cấp. Bích chỉ đạo toàn bộ, nhưng thông qua điện thoại, việc liên hệ, thống nhất giá cả với các đại lý, cửa hàng bán lẻ được giao cho em trai Bích là Phạm Bích Ngọc thực hiện. Liên hệ xong, Ngọc giao lại đơn hàng cho một số tay chân cấp dưới đến kho nhận thuốc tân dược rồi phân chia thành từng phần theo đơn đặt hàng và những người này tiếp tục giao lại cho những người khác chở đi giao. Đến kỳ thanh toán, chủ đại lý hoặc cửa hàng sẽ chuyển tiền vào tài khoản cho Ngọc và sau khi cắt phần trăm cho cấp dưới tùy theo công đoạn, Ngọc sẽ chuyển tiếp cho Bích để anh em ăn chia theo thỏa thuận.
Mặc dù Phạm Ngọc Bích khai nhận thực hiện hành vi sản xuất, mua bán tân dược giả từ khi hết giãn cách xã hội cho đến thời điểm bị bắt và cũng chỉ mới tham gia vào hoạt động trong ngành dược, nhưng thực chất đây chỉ là những lời khai quanh co. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, Phạm Ngọc Bích từng có thời gian làm thuê cho một số chủ cửa hàng ở chợ thuốc trên đường 3-2, quận 10 và đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Sau khi học lỏm được đường đi nước bước của các ông chủ, bà chủ cùng những mánh khóe của những đối tượng chuyên đánh thuốc tân dược không rõ nguồn gốc từ khu vực biên giới về TP. Hồ Chí Minh, Bích nghỉ làm thuê, chuyển sang làm cò chuyên dắt mối cho những người mới vào nghề ở các tỉnh cho gặp gỡ các chủ hàng kết nối làm ăn để hưởng hoa hồng.
Trong mỗi lần môi giới, dù thành công hay không, Bích đều ghi chép cẩn thận tên, số điện thoại, địa chỉ cửa hàng của những người ở tỉnh vào một cuốn sổ. Đến khi cập nhật được thông tin số lượng thông tin cá nhân của kha khá khách hàng, Bích tập hợp những người thân trong gia đình và thuê thêm một số môi giới tự do để hình thành một nhóm môi giới độc lập.
Có được bộ sậu ưng ý, Bích bắt đầu chia tách những đại lý ở tỉnh với những chủ hàng trước đây hắn từng dắt mối bằng cách bán cho những đại lý này thuốc tân dược trôi nổi không rõ nguồn gốc với giá rẻ hơn so với các đầu nậu. Khi đã thâu tóm được hầu hết các đại lý về mình, Bích bắt đầu làm giá, buộc các ông chủ, bà chủ nếu muốn bán được hàng, phải chi phần trăm cao hơn đối với một số loại thuốc thông dụng và ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ đối với các loại thuốc đặc trị và thuốc tân dược trôi nổi nhưng đang hút hàng.
Đến thời điểm nhiều hãng dược nước ngoài đầu tư vào trong nước cùng sự nổi lên của nhiều đơn vị sản xuất dược nội địa, Bích quyết định dốc toàn bộ vốn liếng đầu tư xây dựng một xưởng chuyên dập các loại thuốc tân dược, in ấn bao bì, nhãn mác, đóng gói thành phẩm để gia công thuê cho một số hãng dược.
Việc gia công thuốc tân dược đã mang lại cho Bích nguồn lợi rất khá, nhưng cung cách làm ăn chụp giật từ thời môi giới, cung cấp thuốc tân dược trôi nổi không rõ nguồn gốc trước đây đã ngấm vào máu nên cứ mỗi khi nhận được hợp đồng gia công thuốc điều trị một loại bệnh nào đó vừa xuất hiện thì Bích lại tìm cách mua nguyên vật liệu trôi nổi về làm thuốc giả, nhái nhãn mác rồi tung ra thị trường để trục lợi. Đặc biệt kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhận thấy một số loại thuốc hỗ trợ điều trị loại virut này hút hàng và mang lại lợi nhuận cao, hơn nữa Bích cũng đang thực hiện hợp đồng gia công nên đã tìm cách sản xuất thuốc giả tung ra thị trường.
Trộm đột nhập công trường đánh bảo vệ tử vong Ngày 17/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Dương Đệ Hoàng (SN 1992, trú huyện Xuyên Mộc) để tiếp tục điều tra tội "Giết người". Theo kết quả điều tra, khoảng 23 giờ ngày 11/6, Hoàng và em ruột là Dương Đệ Hậu (SN 1996, trú xã Bình...