Ngắm robot phục vụ bệnh nhân cách ly bằng điều khiển từ xa
Robot BK-AntiCovid được thiết kế đơn giản, dễ dàng điều khiển để vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân.Nhân viên y tế và bệnh nhân sẽ giao tiếp từ xa thông qua camera được lắp đặt trên robot.
Clip: Nhân viên y tế điều khiển robot BK-AntiCovid từ xa
Ngày 23-3, đội ngũ nghiên cứu thuộc trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng đã bàn giao robot BK-AntiCovid cho các y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Đây là sản phẩm sau 10 ngày thực hiện, bắt đầu từ khâu lên ý tưởng đến thi công, vận hành và bàn giao miễn phí cho bệnh viện.
Robot BK-AntiCovid với thiết kế đơn giản, dễ dàng phun thuốc khử khuẩn
Robot BK-AntiCovid là khối đúc liền bằng thép không gỉ. Cấu trúc đơn giản gồm hệ thống truyền động, khay chứa hàng và camera giao tiếp, được điều khiển qua tay cầm với chỉ một phím điều hướng cho các tác vụ: trái, phải, tới, lùi. Robot có tải trọng lên đến 100kg, hoạt động liên tục từ 8-12 giờ sau mỗi lần sạc đầy.
Nhân viên y tế điều khiển robot từ xa, vận chuyển thuốc men, nhu yếu phẩm cho bệnh nhân thuộc diện cách ly
Theo PGS. TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa, robot có thể ra vào các khu vực cách ly cho dù là không gian hẹp. Sau mỗi lần sử dụng, nhân viên y tế có thể phun khử khuẩn cho robot mà không sợ ảnh hưởng đến vi mạch điện tử bên trong.
Bệnh nhân và nhân viên y tế giao tiếp từ xa qua camera nhằm hạn chế lây nhiễm
“Chi phí sản xuất BK-AntiCovid khoảng 50 triệu, trích từ Quỹ Khoa học công nghệ ĐH Đà Nẵng. Thời gian đến, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nâng cấp các tính năng cho robot như: đo nhiệt độ từ xa, tự động phun thuốc khử khuẩn,…Chi phí cũng sẽ giảm xuống còn 35 triệu đồng/sản phẩm nếu được sản xuất với số lượng lớn”, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cho biết.
Điều khiển robot đơn giản bằng phím điều hướng và camera
Phát biểu tại buổi bàn giao, TS. Bs Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết hiện bệnh viện đang theo dõi, chăm sóc cho 20 trường hợp là các bà mẹ đang mang thai, trẻ em từ vùng dịch ở nước ngoài về nước.
Robot được thiết kế khép kín bằng thép không gỉ, phun thuốc sát khuẩn không ảnh hưởng đến vi mạch bên trong
“Thai phụ và trẻ em là những trường hợp cần được theo dõi đặc biệt. Việc đưa robot vào sử dụng sẽ giảm bớt khối lượng công việc cho y bác sĩ, giảm lây lan dịch bệnh cho nhân viên y tế, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện”, TS. BS Trần Đình Vinh cho biết.
BK-AntiCovid hoạt động liên tục 8-12 tiếng sau khi sạc đầy pin
Robot sẽ được cải tiến chức năng đo thân nhiệt, phun thuốc khử trùng trong thời gian đến
Quang Luật
Thầy trò chế tạo robot phục vụ người cách ly vì dịch COVID-19
Chỉ chưa đầy một tuần, nhóm thầy trò khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã chế tạo thành công robot thay con người phục vụ trong khu cách ly vì dịch COVID-19.
Robot vận hành tốt trong buổi chạy thử chiều 22-3 - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Sau khi xác định nhu cầu của bệnh viện, nhóm 5 thầy trò, cựu sinh viên khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã lên ý tưởng và thiết kế, chế tạo robot vận chuyển thức ăn phục vụ trong các khu vực cách ly. Robot vừa chạy thử thành công chiều 22-3.
Thức ăn, thuốc và các vật dụng cần thiết sau khi đặt lên robot, sẽ được đưa vào tận các phòng cách ly. Robot sẽ phát loa thông báo cho người trong phòng bệnh. Bác sĩ và người cách ly có thể trao đổi qua hệ thống loa, micro trên robot mà không cần tiếp xúc trực tiếp.
Robot chạy thử để đưa vào phục vụ trong khu cách ly COVID-19 - Video: ĐOÀN NHẠN
Con robot đầu tiên do trường này chế tạo sẽ được đưa vào vận hành ngày mai 23-3 tại bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Robot được điều khiển đơn giản bằng một nút điều chỉnh đa hướng. Thân robot này được làm bằng thép không gỉ, cấu tạo đơn giản không có nhiều góc cạnh nên dễ phun khử trùng.
Nhóm chế tạo cùng các giảng viên khoa Cơ khí chạy thử robot - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Trên robot có camera để quan sát người trong phòng cách ly, có hệ thống loa để bác sĩ theo dõi tình trạng người cách ly.
Ưu điểm của robot là tốc độ có thể được điều chỉnh linh hoạt, có thể mở rộng để vận chuyển những đồ vật phức tạp, chuyển người trong trường hợp cần thiết với tải trọng lên đến cả trăm cân.
Bác sĩ và người cách ly có thể trao đổi qua hệ thống loa, micro trên robot mà không cần tiếp xúc trực tiếp
Theo TS Võ Như Thành, trưởng bộ môn Cơ điện tử - khoa Cơ khí, người tham gia chế tạo robot, khó nhất là tất cả các công đoạn chỉ thực hiện trong vòng 1 tuần. Thầy trò phải thuyết phục các đơn vị gia công gác hết các việc khác để tập trung hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm trong tình hình dịch bệnh đang căng thẳng.
Chi phí làm gấp rút gia công và linh kiện khoảng 50 triệu đồng, nếu làm số lượng trên 10 robot thì giá thành sẽ giảm nhiều.
Robot được điều khiển đơn giản bằng một nút điều chỉnh đa hướng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Thân robot đơn giản với thép chống gỉ tiện cho việc khử trùng và chịu được tải trọng lớn
PGS Lưu Đức Bình, trưởng khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, cho biết hiện robot đầu tiên được trường bàn giao miễn phí cho bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Chi phí chế tạo robot từ khoa, nhà trường cùng với sự hỗ trợ của Qũy Khoa học Công nghệ ĐH Đà Nẵng.
"Robot sẽ có chức năng tiếp phẩm phục vụ cho các bệnh nhân trong thời gian cách ly điều trị để giảm bớt khối lượng công việc cho các nhân viên y tế, hơn hết nhằm ngăn ngừa, giảm lây lan cũng như đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ y tế trong công tác phòng chống dịch"- thầy Bình nói.
ĐOÀN NHẠN
Nhu cầu sử dụng robot 'tuần tra' tăng cao trong mùa dịch COVID-19 Trong khi nhiều ngành công nghiệp khác đang phải vật lộn với những thiệt hại kinh tế lớn do dịch COVID-19 gây ra, một công ty công nghệ cho biết sự bùng phát virus SARS-CoV-2 thúc đẩy nhu cầu sử dụng robot tại Trung Quốc. Robot Robobony bên ngoài văn phòng công ty ZhenRobotics ở Bắc Kinh. Anh Liu Zhiyong, Giám đốc điều...