“Ngấm đòn” chiến tranh thương mại, DN có cổ phiếu giảm sàn 16 phiên liên tiếp
Đã 16 phiên liên tiếp, tính từ ngày 15/08 đến phiên giao dịch thứ sáu vừa qua (06/09/2019), cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân ( Fortex) chỉ có giảm sàn và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân nào khiến cổ phiếu của doanh nghiệp này liên tục giảm như vậy?
Nếu tính cả 3 phiên giảm giá liên tiếp trước khi bước vào chuỗi 16 phiên giảm sàn, FTM đã có tới 19 phiên giảm giá liên tiếp. Đáng chú ý, tính từ ngày 25/07 đến nay, FTM mới chỉ có duy nhất một phiên tăng giá trong tổng số 31 phiên giao dịch.
Với chuỗi giảm giá 19 phiên liên tiếp đã qua, FTM từ mức giá 24.200 đồng/cp nay chỉ còn 7.580 đồng/cp, đây là mức giá thấp nhất kể từ khi cổ phiếu này chào sàn HOSE ngày 06/02/2017.
Ngược lại lịch sử giao dịch của FTM, cổ phiếu này vốn đã “lận đận” ngay từ khi mới “chân ướt, chân ráo” niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE. Cụ thể, ngay phiên giao dịch đầu tiên, 06/02/2017, FTM đã giảm giá so với mức giá tham chiếu, ngay sau đó là một phiên giảm sàn, khởi đầu cho chuỗi 11 phiên liên tiếp không tăng giá, điều hiếm thấy ở một doanh nghiệp khởi đầu giao dịch cổ phiếu trên sàn.
FTM hiện đang niêm yết 50 triệu cổ phiếu, với mức giá trên, vốn hóa thị trường của cổ phiếu này đạt 379 tỷ đồng, giảm 800 tỷ đồng chỉ trong 3 tuần giao dịch.
FTM là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sợi cotton.
Điều gì đang diễn ra với một mã cổ phiếu đang được niêm yết trên sàn HOSE như FTM?
Nguyên nhân chính được cho là xuất phát từ việc FTM bị HOSE đưa vào danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ kể từ 16/08 do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2019 là số âm. Cùng với đó, các công ty chứng khoán đã cắt margin cổ phiếu FTM và chính các công ty chứng khoán bán ra ồ ạt bởi không có thông tin đăng ký bán nào của các cổ đông lớn trong những phiên giao dịch vừa qua.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (tên viết tắt là Fortex) có trụ sở tại tỉnh Thái Bình, được thành lập năm 2002 và là một trong những công ty sản xuất sợi cotton hàng đầu Việt Nam.
Video đang HOT
Trong bản giải trình biến động kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, lãnh đạo công ty cho biết, do tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty. Việc ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại khiến cho sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm mạnh so với cùng kỳ.
Sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 2,821 tấn sợi cotton, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu như cùng kỳ năm 2018, giá bán trung bình từ 3,02 USD – 3,20 USD/1kg sợi, năm nay mức giá bán ghi nhận cao nhất là 2,85 USD/kg và giảm dần xuống 2,58 USD/kg.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 công ty lỗ ròng ở mức trên 31 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh năm 2019 có lãi 22,5 tỷ đồng.
Bản cáo bạch trước khi niêm yết cho thấy, Fortex có 4 cổ đông lớn gồm ông Lê Mạnh Thường (24%), bà Lê Thùy Anh (21,53%), ông Phạm Đình Giá (8,62%) và ông Nguyễn Duy Chiến (5,5%).
Biến động ở ban lãnh đạo công ty diễn ra gần đây khi Chủ tịch HĐQT Lê Mạnh Thường (SN 1975) từ nhiệm vào ngày 16/04/2019, tiếp quản ghế Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Hoàng Giang (SN 1980). Trước khi từ nhiệm, ông Thường cũng đã kịp bán thành công 4,4 triệu cổ phiếu trong khoảng tháng 8 và tháng 9 năm ngoái. Ngoài ông Thường, nhiều cổ đông lớn khác cũng đã kịp “lướt sóng” thành công.
Theo báo cáo thường niên năm 2018, Fortex chỉ còn vỏn vẹn 2 cổ đông lớn gồm cựu Chủ tịch Lê Mạnh Thường (10,2%) và bà Lê Thùy Anh (21,53%) trong tổng số 500 tỷ đồng vốn điều lệ của công ty, 68,27% còn lại thuộc về các cổ đông cá nhân khác.
Hiện HĐQT của Fortex gồm: ông Nguyễn Hoàng Giang (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Văn Tuấn, ông Nguyễn An Toàn, bà Nguyễn Thị Lưu, bà Trần Thị Mỹ Châu, bà Lê Thùy Anh, ông Đỗ Văn Sinh (Tổng giám đốc).
Đáng chú ý, vị Chủ tịch HĐQT mới của công, tuy ông Nguyễn Hoàng Giang là người từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực chứng khoán khi đã trải qua các công ty chứng khoán như Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Sacombank, và CTCP Chứng khoán Quốc gia.
Thông thường, khi cổ phiếu rơi vào trạng thái giảm giá liên tiếp, doanh nghiệp sẽ có động thái trấn an nhà đầu tư đăng ký mua cổ phiếu quỹ, hoặc lãnh đạo doanh nghiệp sẽ đăng ký mua vào. Tuy nhiên, một người có thâm niên trong lĩnh vực chứng khoán như ông Nguyễn Hoàng Giang lại không hề có động thái gì cho thấy Fortex và các cá nhân trong HĐQT sẽ mua vào để kéo giá lên. Điều này cho thấy FTM có thể sẽ còn tiếp tục chuỗi ngày giảm giá.
Hiền Anh
Theo infonet
Sốc: Bị "thổi bay" hơn 66% giá trị doanh nghiệp trong vài tuần do gặp khó với Trung Quốc?
Giá cổ phiếu FTM trong hơn 3 tuần qua đã bị "thổi bay" tới hơn 66% giá trị, thậm chí có phiên, cổ đông FTM nay còn mang hơn nửa công ty ra để "bán sàn". Nguyên nhân liệu có phải do gặp khó với thị trường Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến leo thang?
Hầu hết thời gian diễn biến trên mức tham chiếu, tuy nhiên, chỉ số chính VN-Index vẫn đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/9 với mức giảm nhẹ 0,84 điểm tương ứng 0,09% còn 976,79 điểm. HNX-Index giằng co và chỉ tăng nhẹ 0,02 điểm tương ứng 0,02% lên 100,96 điểm.
Trong phiên này, khoảng cách chênh lệch số mã tăng - giảm đã thu hẹp đáng kể. Có 300 mã giảm và 26 mã giảm sàn trên toàn thị trường trong khi số mã tăng là 278 mã và 37 mã tăng trần.
Về ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu lớn lên chỉ số, nếu phía tăng có SAB, TCB, VCB thì bên giảm lại xuất hiện VNM, VIC, MBB. Tuy nhiên, tác động của các mã này đến chỉ số chính là không lớn, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến VN-Index kết phiên hôm qua tuy giảm nhưng vẫn ở sát mốc tham chiếu.
Thanh khoản đạt 159,54 triệu cổ phiếu tương ứng 3.136,98 tỷ đồng trên HSX và 15,53 triệu cổ phiếu tương ứng 208,63 tỷ đồng trên HNX.
Cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân trong ngày hôm qua tiếp tục giảm sàn về 8.140 đồng/cổ phiếu và đây cũng là mức thấp nhất của mã này trong suốt năm qua.
Cổ phiếu FTM đang bị bán sàn một cách đầy khó hiểu
FTM đang có chuỗi giao dịch vô cùng tệ hại với 18 phiên giảm liên tục trong đó có tới 15 phiên liền giảm kịch sàn.
Áp lực bán lên mã này vẫn rất lớn khi mà khối lượng dư bán sàn phiên hôm qua lên đến 15,5 triệu cổ phiếu. Trước đó, có thời điểm, có hơn 30 triệu cổ phiếu FTM bị đưa ra bán sàn (trong khi tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của mã này chỉ là 50 triệu đơn vị). Nói cách khác, cổ đông FTM đã sẵn sàng đem hơn nửa công ty ra bán với giá rẻ nhất.
So với vùng giá 24.000 đồng của FTM hồi đầu tháng 8 thì mã này đã "bốc hơi" gần 16.000 đồng, tương ứng giảm hơn 66% giá trị trước khi bắt đầu chuỗi giảm vừa qua.
Cổ phiếu FTM lao dốc không phanh một phần xuất phát từ việc FTM vừa qua bị Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) đưa vào diện chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét 6 tháng là số âm.
Cụ thể, doanh thu FTM trong nửa đầu năm giảm 24% còn 450 tỷ đồng và ghi nhận lỗ ròng 31 tỷ đồng.
Nguyên nhân được Fortex giải thích do Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp này - bị ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm sản lượng và giá bán giảm mạnh. Sản lượng xuất khẩu nửa đầu năm của công ty chỉ đạt 3.855 tấn, giảm 27%. Giá bán cũng giảm khi cùng kỳ 2018 giá ổn định ở mức 3,03 USD/kg thì quý II năm nay giá biến động thất thường với giá bán cao nhất là 2,85 USD/kg và giảm dần xuống 2,58 USD/kg.
Trong khi đó, giá bông nguyên liệu (chiếm 70% giá thành) không giảm tương ứng. Giá bông tồn kho cùng các đơn hàng đã đặt có đơn giá trung bình từ 1,96 USD/kg làm giá vốn không giảm mạnh được.
Lãnh đạo FTM khẳng định đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm cũng như giá bông cuối quý giảm xuống 1,75 USD/kg song cũng chỉ đủ đảm bảo lợi nhuận gộp ở mức dương.
Về thị trường chứng khoán, theo nhận định của BVCS, VN-Index dự báo sẽ điều chỉnh để kiểm định lại vùng hỗ trợ 970-975 điểm trong phiên hôm nay (6/9). Thị trường nhiều khả năng sẽ lại hồi phục tăng điểm trở lại khi tiếp cận vùng hỗ trợ này.
Dù vậy, điểm chưa tích cực là việc khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên hôm nay. Xu hướng chung của thị trường trong giai đoạn này chủ yếu vẫn sẽ theo hướng giằng co, đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen kèm theo sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu.
Chiến lược đầu tư mà BVSC khuyến nghị đối với các nhà đầu tư là tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30-35% cổ phiếu. Với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể xem xét giải ngân một phần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn khi thị trường giảm về vùng hỗ trợ 970-975 điểm và vùng hỗ trợ 960-965 điểm.
Theo Dân trí
Giá vàng ngắn hạn: Tích lũy để "nổi sóng" Nhiều chuyên gia cho rằng, giá vàng ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích lũy để tạo nền tảng cho xu hướng tăng dài hạn. Giá vàng ngắn hạn đang có xu hướng tích lũy Sau khi mở cửa đầu tuần này, giá vàng đã "dậy sóng", tăng vọt lên 1.554USD/oz do Mỹ và Trung Quốc trả đua nhau mạnh...