Nga tuyên bố sẵn sàng mở rộng cung ứng phân bón ra thị trường thế giới
Ngày 23/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng mở rộng xuất khẩu phân bón ra thị trường thế giới và hợp tác với tất cả các đối tác trong lĩnh vực này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một cuộc họp ở Moskva ngày 5/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban sản xuất và kinh doanh phân khoáng thuộc Hiệp hội các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga (RSPP), ông Dmitry Mazepin – Chủ tịch Tập đoàn phân bón Uralchem, Tổng thống Putin đã phản đối việc chặn nguồn cung phân bón đến những nước có nhu cầu. Theo ông, những rào cản này sẽ chỉ tác động tiêu cực đến thị trường thế giới. Bất chấp những cản trở này, Nga vẫn đang xúc tiến hoạt động xuất khẩu, sẵn sàng mở rộng cung ứng cho tất cả các đối tác mà không có ngoại lệ.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng tập đoàn Uralchem là một trong những nhà sản xuất phân nitơ, phân kali và amoniac lớn nhất thế giới. Ông Putin ủng hộ ý tưởng của ông Mazepin về việc Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) sẽ dỡ phong tỏa đối với 260.000 tấn phân bón mà công ty Uralchem đang sẵn sàng cung cấp miễn phí.
Theo ông Mazepin, hiện có hơn 400.000 tấn phân bón bị chặn tại các cảng của châu Âu do lệnh trừng phạt. Trong số này, Uralchem có 262.000 tấn tại các cảng Estonia, Latvia, Bỉ và Hà Lan, trong khi Acron có 52.000 tấn và EuroChem có 100.000 tấn. RSPP đang nỗ lực giải quyết vấn đề để đảm bảo cung cấp phân bón cho các thị trường đang phát triển, trong đó có châu Phi.
Trước đó, vào ngày 17/11, thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ hết hạn vào ngày 19/11, đã được kéo dài thêm 4 tháng theo các điều khoản hiện hành.
Video đang HOT
Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) đang nỗ lực giải quyết những lo ngại của phía Nga liên quan đến phân bón, có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận vừa được gia hạn nói trên. Nga muốn đảm bảo rằng ngũ cốc và phân bón xuất khẩu là một phần trong thỏa thuận trên, nhưng cho biết các tàu chở hàng của nước này đang chịu ảnh hưởng gián tiếp của các lệnh trừng phạt.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu biến thành khủng hoảng lương thực
Lạm phát năng lượng tăng đứt phanh không chỉ gây thiệt hại cho ngành công nghiệp ở châu Âu, mà còn kéo theo một mối đe dọa khác.
Chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, đặc biệt là các liên kết ở châu Âu, hiện không thuận lợi. Ảnh minh họa: AFP
Trang Oilprice đưa tin tình trạng lạm phát giá năng lượng ngày càng tăng đang tàn phá ngành công nghiệp của châu Âu, trong đó những khách hàng tiêu thụ năng lượng lớn nhất phải gánh chịu tổn thất nặng nề. Các nhà máy luyện nhôm và thép buộc phải đóng cửa vì chi phí năng lượng đắt đỏ. Cùng với đó, các nhà sản xuất hóa chất phải di dời đến Mỹ để giảm chi phí. Công ty hóa chất lớn nhất thế giới BASF của Đức cũng đang lên kế hoạch thu hẹp quy mô sản xuất.
Tuy nhiên, tình hình trên đang gây ra hệ lụy lớn hơn đối với các ngành công nghiệp tương ứng khác. Nổi bật là việc các công ty sản xuất phân bón cũng buộc phải đóng cửa nhà máy. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu phân bón lại giảm xuống, vì các nhà cung cấp lớn nhất cho châu Âu là Nga và Belarus đang là mục tiêu trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Cả hai quốc gia trên đã trả đũa các biện pháp trừng phạt bằng cách cắt giảm xuất khẩu phân bón sang châu Âu. Trong khi đó, giới chức châu Âu bào chữa rằng nếu không trừng phạt ngành xuất khẩu phân bón thì khu vực này cũng không thu được lợi ích gì.
Theo số liệu do Finacial Times (FT) trích dẫn từ Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại Mỹ (IATP), Nga chiếm 45% nguồn cung amoniac nitrat, 18% nguồn cung muối kali và 14% phosphate trên toàn cầu. Muối chứa kali là một trong những thành phần chính của phân bón.
Cùng với Nga, Belarus cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn, đặc biệt là kali. Tuy nhiên, Belarus đã bị EU trừng phạt từ năm 2021 do các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Tình hình thiếu hụt nguồn cung phân bón đã tác động tiêu cực đến an ninh lương thực của châu Âu, thậm chí có nguy cơ dấy lên một cuộc khủng hoảng mới, trong bối cảnh chi phí năng lượng đắt đỏ cũng đã buộc người nông dân EU thu nhỏ quy mô chăn nuôi và trồng trọt.
Các công nhân kiểm tra nhà kho chứa phân bón phosphate. Ảnh: Bloomberg
Giám đốc điều hành của công ty chuyên về phân bón Yara International của Na Uy chia sẻ với FT rằng: "Các chuỗi giá trị đã hội nhập một cách đáng kinh ngạc. Khi bạn nhìn vào bản đồ - vị trí của châu Âu, vị trí của Nga và vị trí các nguồn tài nguyên thiên nhiên - những chuỗi này đã được tạo ra trong nhiều thập kỷ. Ngay cả trong những giai đoạn căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh, những sản phẩm này vẫn được lưu thông nên dòng chảy kinh doanh vẫn diễn ra. Và tất cả đã thay đổi hoàn toàn chỉ trong vài ngày".
Giống như đối với khí đốt, EU đã tính toán trước khi hành động, bằng cách tìm kiếm nguồn cung cấp phân bón thay thế. Theo báo cáo của mạng lưới truyền thông châu Âu EurActiv, Maroc là một lựa chọn vì nước này đang cung cấp khoảng 40% lượng phosphate của châu Âu. Con số này thậm chí có thể tăng lên đáng kể.
Trung Á là một sự thay thế khác, cụ thể hơn là Uzbekistan. Hiện tại, Uzbekistan xuất khẩu phân bón chủ yếu sang châu Á và một số nước Trung Đông nhưng điều này có thể thay đổi sau cuộc họp cấp bộ trưởng EU - Trung Á, đang diễn ra tại Uzbekistan.
Ngành phân bón châu Âu đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Một mặt, sản xuất phân bón nội địa suy giảm do chi phí năng lượng cao ngất ngưởng. Mặt khác, các biện pháp trừng phạt đã gây ra phản ứng không mong đợi từ phía Nga. Tình trạng phụ thuộc của châu Âu vào phân bón nhập khẩu khiến khu vực này trở nên dễ bị tổn thương, đồng thời có thể dẫn tới cú sốc về lương thực cũng như bộc lộ những yếu điểm khác của khu vực này.
Dường như không có giải pháp tức thì cho khó khăn hiện tại của châu Âu. Ngay cả khi châu Âu tìm thấy đủ nguồn thay thế cho tất cả lượng phân bón nhập khẩu từ Nga và Belarus, hóa đơn của họ sẽ "phình to" tương tự như hóa đơn năng lượng, khi họ chuyển đổi từ khí đốt của Nga sang mua khí hóa lỏng (LNG). Và điều này sẽ thúc đẩy lạm phát hơn nữa.
Báo cáo của Viện Chính sách Thương mại và Nông nghiệp (IATP) - tổ chức luôn ủng hộ canh tác bền vững - cảnh báo rằng thế giới đang "nghiện" phân bón hóa học. Đồng thời, báo cáo trên cũng nhận định phân bón đang trở nên đắt đỏ.
"Các quốc gia G20 đã trả gần gấp đôi số tiền nhập khẩu các loại phân bón chính vào năm 2021 so với năm 2020 và con số này sẽ gấp ba lần vào năm 2022, tương đương với việc phải chi thêm 21,8 tỷ USD. Ví dụ, Anh đã chi thêm 144 triệu USD cho nhập khẩu phân bón vào năm 2021 - 2022 và Brazil đã trả thêm 3,5 tỷ USD", bản báo cáo của IATP cho biết.
Tất nhiên, nguyên nhân chính của việc tăng giá phân bón là do lạm phát chi phí năng lượng vì sản xuất phân bón là quy trình sử dụng nhiều năng lượng. Và điều này sẽ tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu do khu vực này đang ở một vị thế không thuận lợi.
Có thể thấy, Nga tiếp tục cung cấp phân bón cho các nước châu Phi do các nước này không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva. Trong khi đó, châu Âu thực sự không thể đảo ngược quyết định trừng phạt Nga để mua phân bón từ nước này vì điều này sẽ làm ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của EU.
Đối với các nước ủng hộ lập luận của IATP rằng thế giới đang "nghiện" hóa chất, họ có thể nhìn thấy cơ hội trong cuộc khủng hoảng phân bón này. Chính phủ Hà Lan đang chớp lấy cơ hội trên khi thúc đẩy nỗ lực giảm 70% lượng khí thải nitơ từ nông nghiệp, châm ngòi cho các cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân trong nước.
Tuy nhiên, những sự kiện gần đây ở Sri Lanka cho thấy việc rũ bỏ sự phụ thuộc vào phân bón hóa học có thể là điều không khôn ngoan, đặc biệt nếu thực hiện một cách đột ngột. Về góc độ này, chứng "nghiện" phân bón cũng mạnh như chứng "nghiện" nhiên liệu hóa thạch mà loài người đang mắc phải.
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về việc thành lập trung tâm khí đốt Ngày 18/11, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, thảo luận về ý tưởng thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Astana, Kazakhstan...