Nga trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ: Gậy ông đập lưng ông?
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, người dân Nga sẽ chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Moscow dùng để trả đũa Ankara bắn rơi Su-24.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao. Ảnh:NVCC
- Vụ việc chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga khiến căng thẳng giữa Moscow và Ankara gia tăng. Mối quan hệ lịch sử giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có tác động gì tới sự cố lần này?
- Thực ra, vụ chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga thực hiện nhiệm vụ không kích ở Syria chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ẩn sau đó là câu chuyện lịch sử xung đột và thù hằn kéo dài hàng trăm năm giữa hai bên bắt đầu từ cuộc chiến tranh Nga – Thổ đầu tiên kéo dài 130 năm (1568-1699).
Trong lịch sử châu Âu, không ít các cuộc chiến “nồi da, nấu thịt” đã diễn ra, tuy nhiên, các xung đột Nga – Thổ lại nằm trong số những xung đột có lịch sử dài nhất, dai dẳng nhất và đẫm máu nhất. Và cũng cần nhớ rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Chiến tranh Lạnh kéo dài ngót nửa thế kỷ giữa Liên Xô với Mỹ và phương Tây lại có nguồn gốc từ đối đầu giữa Liên Xô và Thổ Nhĩ Kỳ sau Thế chiến II.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được cải thiện. Tuy nhiên, thời gian và nỗ lực của cả hai bên chưa đủ sức để hàn gắn vết thương lòng của quá khứ. Và sự cố bắn rơi máy bay Su-24 lần này lại là chất xúc tác cho các nghi kỵ và hận thù cũ trong quá khứ tìm cách trỗi dậy.
- Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên NATO, quyết định nã tên lửa vào máy bay Nga, sự kiện chưa từng có từ những năm 1950?
- Theo tôi, không nên gắn việc làm của Thổ Nhĩ Kỳ là việc làm của NATO, dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO. Tôi cho rằng, chính sách của Nga và NATO lúc này là không tìm cách đối đầu trực tiếp nhau về quân sự.
Tuy nhiên, trong những địa bàn cụ thể, ở những thời điểm và vấn đề cụ thể như chuyện máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ hạ Su-24 của Nga thì lợi ích của NATO và Thổ Nhĩ Kỳ không nhất thiết trùng hợp nhau và nhiều khả năng NATO phải can dự, giải quyết câu chuyện của Thổ Nhĩ Kỳ theo cách Thổ Nhĩ Kỳ muốn mặc dù nhiều nước NATO không muốn như vậy.
Máy bay Nga bốc cháy vì trúng tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images
Ngoài ra, ngược lại thời gian, năm 2012, Syria đã bắn hạ một máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ khi nó vi phạm không phận Syria ở Địa Trung Hải. Sau sự kiện này, Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng chính sách can dự mới hết sức cứng rắn đối với các vụ vi phạm xuyên biên giới.
Video đang HOT
Ngày 5/10, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố: “Chính sách can dự mới của nước này sẽ áp dụng cho máy bay Syria, Nga hay bất kỳ nước nào khác…. Ngay cả khi một con chim bay qua biên giới thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng có các biện pháp thích hợp”.
Sự xấu đi trong quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ nên được đặt trong bối cảnh lớn hơn là cuộc xung đột Syria, nơi cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều có các lợi ích quốc gia và chiến lược cốt lõi, nhưng xung đột nhau gay gắt.
Tuy cùng mục tiêu chống Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại coi việc lật đổ Tổng thống Bashar Al-Assad là ưu tiên hàng đầu, trong khi Nga bảo vệ chính quyền ông Al-Assad bằng mọi giá.
Ai thiệt, ai lợi?
- Ai có lợi khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga?
- Sau khi máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ, cuộc chiến tại đây đã bước sang ngã rẽ mới, với cường độ ngày càng khốc liệt. Ở khu vực, người được lợi là chính quyền Al-Assad sẽ được Nga ủng hộ mạnh mẽ hơn, tiếp đó là những kẻ khủng bố vốn sống trên sự hoang tàn của chiến tranh và bạo lực.
Ở bên ngoài, đó là các quốc gia đang có lợi ích xung đột với Nga, muốn Nga suy yếu khi can dự và sa lầy vào cuộc chiến mới. Còn trên bình diện toàn cầu, có những nước lớn muốn các nước lớn khác bị suy yếu, sa lầy vào cuộc cờ Trung Đông để bớt quan tâm đến những khu vực mà họ có lợi ích ví dụ như tại Biển Đông, Đông Á.
- Liệu căng thẳng hiện nay có thể gây nên một cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nước? Ai sẽ là người chịu thiệt?
- Nga hiện phản ứng rất gay gắt về hành động của Thổ Nhĩ Kỳ và đã áp đặt các biện pháp trừng phạt ngoại giao về kinh tế, du lịch… Các hoạt động ngoại giao này gây khó khăn cho cả hai và nếu không được kiềm chế hay giải tỏa thì sẽ làm cho quan hệ kinh tế đình trệ và xấu đi nhanh chóng.
Xét trong bối cảnh hiện nay, có lẽ người chịu thiệt thòi hơn cả là Nga và người tiêu dùng Nga, dù Nga là nước “ra đòn” bởi lẽ Nga đã mất đi sức mạnh kinh tế đáng kể kể từ sau khi bị Mỹ và phương Tây cô lập năm 2014 liên quan đến vụ Ukraine.
Ngoài ra, Nga không có các đồng minh kinh tế hoặc các thiết chế kinh tế, tài chính hùng mạnh hợp sức, cùng ra đòn “phối hợp” nên hiệu quả sẽ không lớn.
Thị trường Nga tiêu thụ nhiều sản phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP
Hơn nữa, bản thân Nga đang bị bao vây kinh tế, “khát” ngoại tệ. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ lại nhập tới hai phần ba khí đốt từ Nga và đem lại cho Nga khoản ngoại tệ không nhỏ. Do thế giới đang trong cuộc khủng hoảng giá dầu, khí đốt nên “quyền lực” nằm trong tay người mua như Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải “nước bán” như Nga.
Thứ tư, việc hạn chế nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ khiến người tiêu dùng Nga sẽ phải trả giá đắt hơn cho cho các hàng hóa nhập ngoại, vốn đã khan hiếm thì nay càng trở nên khan hiếm hơn.
Trừng phạt, trả đũa sẽ đi đến đâu?
- Ông dự đoán như thế nào về những diễn biến tiếp theo sau vụ việc?
- Nga chắc sẽ không để vấn đề này trôi đi một cách dễ dàng. Nhưng phản ứng ra sao trừ phi phát động cuộc chiến tranh toàn diện với Thổ Nhĩ Kỳ lại là điều không dễ dàng do tiềm lực kinh tế, quân sự của Nga cũng có giới hạn, bản thân Nga đang gặp khó khăn kinh tế và phải xử lý hệ quả của cuộc khủng hoảng Crimea và Ukraine.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ là một bạn hàng kinh tế quan trọng, một cường quốc quân sự và một thành viên NATO. “Ưu thế” khác của Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia láng giềng, nhưng lại không sát nách Nga. Điều này làm cho Nga khó áp dụng chính sách gây sức ép “thành công” như họ đã làm đối với Gruzia, Ukraine hoặc thậm chí cả Ba Lan trước kia.
Theo tôi, diễn biến quan hệ Nga – Thổ có thể theo hướng sau: Trước mắt, căng thẳng ngoại giao và kinh tế sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, trong thế giằng co về thực lực và cả hai bên đều không có ưu thế tuyệt đối tại Syria, nên hai nước sẽ buộc phải tìm các biện pháp ngoại giao, tháo ngòi nổ căng thẳng, không để đối đầu ngoại giao xấu thêm nữa.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là làm dịu các mâu thuẫn bề mặt. Cốt lõi của vấn đề nằm ở diễn biến chiến trường và giải pháp cho cuộc xung đột Syria, nơi hai bên đang có lợi ích và chính sách xung đột nhau. Nếu như không có các giải pháp quân sự, chính trị, ngoại giao lâu dài và toàn diện cho vấn đề Syria thì không thể có giải pháp xử lý các căng thẳng, thậm chí đối đầu nhau trực tiếp với các hệ quả thảm khốc cho cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồng Duy thực hiện
Theo Zing News
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bị quân đội quay lưng
Tin tức đang rộ lên về việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mâu thuẫn với Tổng tham mưu trưởng quân đội về vụ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Chỉ vì một phát biểu "vội vã", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang bị quân đội nước này quay lưng. Theo nhiều nguồn tin đang rộ lên hiện nay, Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang mâu thuẫn với Tổng Tham mưu trưởng quân đội nước này sau khi ông Erdogan có phát biểu, trong đó khẳng định Ankara không biết chiếc máy bay mà họ ngắm bắn hôm 24/11 là của Nga. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời một nguồn tin quân sự đáng tin cậy cho biết, "nếu giới lãnh đạo quân sự lặng yên, không nói gì thì chúng tôi đã có thể giải quyết vấn đề rất nhanh".
Cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay được châm ngòi từ vụ việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thẳng thừng bắn rơi một chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga khi chiếc máy bay này đang thực hiện nhiệm vụ tấn công tiêu diệt các mục tiêu của tổ chức khủng bố khét tiếng mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Vụ bắn rơi máy bay trên không chỉ đẩy mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xuống vực thẳm mà còn đang gây ra cuộc đối đầu căng thẳng giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và quân đội nước này, báo chí địa phương đưa tin.
Nguyên nhân chính gây ra sự bất hoà đáng ngại giữa lãnh đạo dân sự cao nhất và lãnh đạo quân sự cấp cao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ những phát biểu gần đây của Tổng thống Erdogan. Cụ thể, sau khi xảy ra vụ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga, trước sự nổi giận của phía Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng bào chữa rằng, Ankara không hề biết chiếc máy bay mà họ bắn rơi là của Nga.
Theo nhật báo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ Szc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng Tham mưu trưởng quân đội nước này đang mâu thuẫn với nhau vì cuộc tấn công máy bay Nga và vì những phát ngôn được đưa ra sau vụ việc.
Tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời một nguồn tin quân sự đáng tin cậy của nước này cho biết, Tổng thống Erdogan đã áp dụng một lập trường "vội vã, thiếu suy nghĩ" khi tuyên bố rằng quân đội không thể xác định được danh tính của chiếc máy bay mà họ bắn rơi. "Điều này làm phức tạp thêm vấn đề".
"Nếu các chính khách giữ yên lặng, chúng tôi đã có thể giải quyết vấn đề một cách rất nhanh", tờ Szc dẫn lời nguồn tin quân sự giấu tên cho hay.
Cũng theo nguồn tin nói trên, Lực lượng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo các phi công của họ tránh có bất kỳ hành động vi phạm không phận nào của Syria sau khi Nga đưa hệ thống tên lửa phòng không tối tân nhất - S-400 đến Lattakia. Nga hiện giờ được cho là đã bao phủ gần như toàn bộ không phận Syria. Giới chức Moscow còn tung ra cảnh báo sắc lạnh rằng họ sẽ bắn hạ bất kỳ thứ gì có thể gây ra mối đe doạ tiềm tàng đối với lực lượng của Nga ở Syria.
Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đang tỏ thái độ rất cứng rắn và quyết liệt trước hành động của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ban đầu, Ankara còn tỏ ra cứng rắn, tuyên bố sẽ không xin lỗi Nga về vụ bắn rơi máy bay. Tuy nhiên, trước việc Moscow trả đũa không nương tay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có dấu hiệu xuống nước.
Mới đây nhất, hồi cuối tuần, Tổng thống Erdogan đã lên tiếng bày tỏ "sự đau buồn" trước việc máy bay ném bom Nga bị bắn rơi và rằng Thổ Nhĩ Kỳ không muốn làm leo thang căng thẳng với Nga. Ông Erdogan cũng đang cố gắng liên lạc với người đồng cấp Putin để làm dịu tình hình nhưng ông chủ điện Kremlin vẫn từ chối nghe điện thoại hay gặp gỡ ông Erdogan cho đến khi Ankara chịu nói lời xin lỗi.
Dự kiến, Cao uỷ về chính sách an ninh và đối ngoại của EU - bà Federica Mogherini sẽ có cuộc thảo luận về vụ máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi với Ngoại trưởng Sergey Lavrov bên lề hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở thủ đô Paris sắp tới.
Theo_VnMedia
Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ khi bắn rơi máy bay Nga Chính sách đối ngoại quyết đoán khiến Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ phi cơ Nga với cáo buộc vi phạm không phận. Sự cố có thể tác động tiêu cực quan hệ song phương, nhưng khó gây chiến tranh. Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty Thổ Nhĩ Kỳ thông báo bắn rơi máy bay Nga xâm phạm không phận nước này. Theo...