Nga – Trung cảnh báo Mỹ không lật đổ chính quyền Triều Tiên
Dù ủng hộ lệnh trừng phạt do Mỹ đề xuất, Nga và Trung Quốc vẫn cảnh báo Mỹ không được thay đổi chế độ chính trị tại Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.
Với sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 11/9 thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo. Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh đều đưa ra cảnh báo, yêu cầu Washington không tìm cách lật đổ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Bloomberg đưa tin.
Lệnh trừng phạt cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, hạn chế thuê lao động Triều Tiên tại nước ngoài, yêu cầu các nước thuê lao động Triều Tiên thông báo ngày hết hạn hợp đồng hiện có, cho phép các nước kiểm tra tàu nghi chở hàng Triều Tiên bị cấm nhưng trước hết phải được quốc gia sở hữu tàu đó đồng ý.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley gọi đây là “những biện pháp mạnh mẽ nhất từng áp đặt lên Triều Tiên”. Điều khiến Moscow và Bắc Kinh lo ngại chính là bình luận của bà Haley, khẳng định Washington sẽ hành động đơn phương nếu chính quyền ông Kim Jong-un không dừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Đại sứ Nga và Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc sau đó nhắc lại điều khoản “4 không”, gồm không thay đổi chế độ chính trị, không lật đổ ban lãnh đạo, không thúc đẩy thống nhất hai miền và không triển khai quân đội phía bắc vĩ tuyến 38 chia cắt bán đảo Triều Tiên.
Video đang HOT
“Trung Quốc không cho phép xung đột hay chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết. Tuyên bố này là tín hiệu cho thấy Moscow và Bắc Kinh đã đặt giới hạn cho các nỗ lực chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cả hai nước đều kêu gọi đối thoại, điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn phản đối.
Ông Kim Jong-un trong lễ mừng vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc và Nga cho rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu chưa có cam kết bảo đảm an ninh, nhưng cũng không muốn nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thêm hành động khiêu khích gây bất ổn khu vực.
Triều Tiên khẳng định không bao giờ ngừng phát triển vũ khí hạt nhân, trừ khi Mỹ chấm dứt chính sách thù địch nhằm vào nước này. Ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đủ khả năng lắp đầu đạn nhiệt hạch cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, trong khi Mỹ nhận định nước này chưa làm chủ được những công nghệ cho phép tên lửa bắn trúng mục tiêu ở Bắc Mỹ.
Nhiều nhà phân tích dự đoán ông Kim Jong-un sẽ chờ tới khi làm chủ hoàn toàn vũ khí hủy diệt rồi mới đàm phán để giành lợi thế. Tuy nhiên, việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Hàn Quốc có khả năng đẩy nhanh tiến trình đàm phán giữa các bên.
“Nếu vũ khí hạt nhân Mỹ xuất hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc cả hai nước, chúng sẽ tạo áp lực lớn và buộc Triều Tiên ngồi vào đàm phán. Khi xảy ra leo thang vũ trang, bên nghèo và yếu hơn luôn bỏ cuộc”, bà Lee Ho-ryung, trưởng nhóm nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Ông George Lopez, cựu chuyên gia tư vấn trừng phạt tại Hội đồng Bảo an, khẳng định Mỹ cần tìm kiếm tiếng nói chung với Nga và Trung Quốc, ngoài trong việc bỏ phiếu cấm vận Triều Tiên. Theo đó, Washington nên tìm kiếm giải pháp an ninh thông qua con đường ngoại giao, đáp ứng được một số điều kiện mà Bình Nhưỡng và các nước láng giềng đưa ra.
“Chúng ta từng làm được điều đó với những cường quốc có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân. Chúng ta chắc chắn sẽ làm được với đất nước có chưa tới 20 quả bom hạt nhân”, ông Lopez tuyên bố.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Triều Tiên tăng tốc phát triển vũ khí, đáp trả lệnh trừng phạt
Triều Tiên tuyên bố tăng tốc chương trình vũ khí, đáp trả lệnh trừng phạt "xấu xa" mà Liên Hợp Quốc áp đặt vì Bình Nhưỡng thử hạt nhân.
Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc diễu hành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: AP.
"Việc thông qua thêm một 'nghị quyết trừng phạt' phi pháp và xấu xa do Mỹ dẫn dắt chỉ là cơ hội để DPRK tái xác thực con đường họ chọn đi theo là hoàn toàn đúng", Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết trong một thông báo được KCNA đăng hôm nay. DPRK là viết tắt của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
"DPRK sẽ gấp đôi các nỗ lực để tăng cường sức mạnh nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền được tồn tại", theo thông báo.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 11/9 nhất trí thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên, do Mỹ soạn thảo, để đáp trả việc nước này thử hạt nhân lần 6 hồi đầu tháng. Lệnh trừng phạt bao gồm cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, cấm các nước sử dụng lao động Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên lên án nghị quyết trừng phạt, gọi đây là "sự khiêu khích ghê tởm nhằm tước quyền tự vệ chính đáng của DPRK, khiến người dân Triều Tiên phải khổ sở vì bị phong tỏa kinh tế".
Mỹ cùng đồng minh cho rằng các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn sẽ gia tăng áp lực lên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, buộc Bình Nhưỡng phải tham gia đàm phán để chấm dứt chương trình vũ khí. Tuy nhiên, giới chuyên gia hoài nghi về khả năng này.
Như Tâm
Theo VNE
Australia ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên Australia thể hiện rõ quan điểm cứng rắn, cùng các nước buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Australia nhất trí cùng các nước buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Ảnh minh hoạ: BBC. Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua biện pháp trừng phạt thứ chín...