Nga thấy ‘phúc’ trong ‘họa’
Thay vì sợ hãi trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga ngày càng chứng tỏ sự tự tin trong các chính sách của mình.
Một trong những chủ đề trọng tâm tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg hồi tuần trước chính là phiên thảo luận “Đừng bao giờ lãng phí một cuộc khủng hoảng tốt”. Nói theo cách nói của người phương Đông thì “trong họa có phúc”. Giới lãnh đạo Nga nhận thấy rằng, các lệnh cấm vận của Mỹ, phương Tây là thời cơ để Nga khai phá những tiềm năng, thế mạnh tiềm ẩn.
Nông nghiệp nhiều nước châu Âu gặp khó từ lệnh cấm vận của Nga. Ảnh: Sputnik
Video đang HOT
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Sergei Levin nhìn nhận chính phủ đã có quyết định chiến lược khi cấm nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp chủ chốt từ các nước thuộc Liên minh châu Âu, tạo tiền đề để phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ tự nhiên trong nước không sử dụng cây trồng biến đổi gien (GMO).
Không giống như Mỹ và các nước châu Âu vốn sử dụng một lượng lớn hóa chất trong nông nghiệp sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên Xô (cũ) đã có những quy định về hạn chế sử dụng các sản phẩm hóa học và nhờ đó mà nước Nga ngày nay đã sở hữu một lượng lớn diện tích đất canh tác màu mỡ. Đó là lý do để Nga có thể trở thành nhà sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hàng đầu của thế giới, đưa nền nông nghiệp Nga vươn tầm toàn cầu dưới góc độ là nhà cung cấp lớn của thế giới.
Trên lĩnh vực thương mại – đầu tư, cấm vận đã thôi thúc Nga tìm kiếm các hướng hợp tác mới. Diễn đàn kinh tế Quốc tế St. Peterburg là minh chứng cho thấy, nước Nga vẫn là thỏi nam châm thu hút được sự chú ý của giới đầu tư toàn cầu. Bất chấp việc chính quyền Mỹ “không khuyến khích” các công ty, tập đoàn tới St. Peterburg, Diễn đàn lần này lôi kéo được tới 10.000 đại biểu tham dự trong suốt 3 ngày thảo luận, tăng 25% so với năm 2014 và đạt mức kỉ lục trong 19 năm tồn tại của cơ chế này.
Đã có 200 hợp đồng thương mại trị giá 5,4 tỉ USD được Nga ký kết với các đối tác nước ngoài, cùng với đó là một loạt các thỏa thuận thương mại, đầu tư được thảo luận một cách nghiêm túc. Trong lĩnh vực năng lượng, Gazprom của Nga đã ký với tập đoàn Shell Bản ghi nhớ dự án xây dựng tổ hợp khí hóa lỏng thứ 3 tại đảo Sakhanlin (Nga); liền với đó là Bản ghi nhớ xây dựng tuyến đường ống dẫn khí từ Nga tới Đức với tập đoàn E.ON (Đức) và Shell.
Lãnh đạo các nước BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh 2014 ở Brazil.
Kể từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraine, quan hệ Nga – Trung đã có bước phát triển mạnh. Thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo 2 nước cam kết thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với tầm nhìn chiến lược, toàn diện và dài hạn, tạo nền tảng cho các mối quan hệ song phương mang tính bền chặt. Moskva và New Delhi cũng đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng, tăng cường quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng.
Tại St. Peterburg, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã ký thỏa thuận nghiên cứu khả thi về Hiệp định tự do Thương mại giữa Ấn Độ với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU), với đầu tàu là Nga. Đi cùng đó là lời khẳng định chính phủ mới tại New Delhi sẽ đẩy mạnh hợp tác với EEU nói chung và từng nước thành viên trong liên minh nói riêng.
Những kết nối mới này là tiền để quan trọng để Nga hội nhập vào một thiết chế sâu hơn: Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). BRICS hiện nổi lên là đối trọng “đáng gờm” đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Tại Diễn đàn Nghị viện Nhóm BRICS hôm 8/6 ở Moskva, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Alexei Puskov nói rằng, tổng GDP của BRICS sẽ vượt nhóm G7 (Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển) chỉ trong 2-3 năm tới. Sau thành công tại kì họp hồi năm ngoái ở Brazil, với việc thành lập gân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ Cứu trợ Khẩn cấp (CRA), Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Ufa (Nga) trong tháng 7 tới sẽ là thời điểm để Nga đề xuất những định hướng hợp tác mới trên cương vị là nước Chủ tịch.
Phát biểu tại Đại hội báo chí quốc tế hôm 11/6 vừa qua, Thủ tướng Dmitry Medvedev nhận định “nhờ” cấm vận mà Nga đã xích lại gần châu Á – Thái Bình Dương. Có thể xem đó là một cách ứng xử thích ứng của Nga trước những đòn tấn công của Mỹ và phương Tây.
Hoài Thanh (Theo NEO, Sputnik)
Theo Báo Tin tức