Nga nghi ngờ tính hợp pháp của chính quyền mới ở Ukraine
Mạng tin DNA cho biết, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 24/2 nói rằng, Moscow nghi ngờ về tính hợp pháp của chính quyền lâm thời ở Ukraine sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev
Ông Medevdev cũng cho biết rằng, việc một số quốc gia nước phương Tây công nhận chính quyền mới ở Ukraine là một sai lầm. Đây là phản ứng đầu tiên của Thủ tướng Nga về sự chuyển giao quyền lực tại Kiev, theo mạng tin trên.
Cũng trong ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố chỉ trích một phát biểu của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice. Bà Rice cho rằng, can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine sẽ là một “sai lầm nghiêm trọng”, đồng thời nói sự trở lại của một thế trận Chiến tranh lạnh sẽ không phù hợp với tình hình hiện nay.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, phát biểu trên của bà Rice vốn xuất phát từ thực tế can thiệp quân sự của Mỹ vào các quốc gia trên thế giới và phát biểu này chỉ phù hợp với lãnh đạo Mỹ trong trường hợp họ muốn can thiệp vào các nước khác, chứ không phải với Nga trong trường hợp Ukraine.
Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn của báo Handelsblatt hôm 24/2, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev đã lên tiếng cảnh báo rằng, nước này sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng của Ukraine, nếu như Kiev ký thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu.
Video đang HOT
“Chúng tôi nói với Ukraine: Các bạn có quyền đi con đường riêng của mình. Nhưng chúng tôi sẽ buộc phải tăng thuế nhập khẩu”, ông Ulyukayev nói với tờ nhật báo kinh tế của Đức. Nga hiện là một thị trường lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Ukraine.
Thanh Vân(tổng hợp)
Theo_VietNamNet
Nga nổi giận vì bị Ukraine phản bội?
Nga hôm qua (24/2) đã nổi giận đùng đùng với nước láng giềng Ukraine vì một loạt diễn biến chính trị gần đây ở nước này. Giới chức ở Moscow đã tỏ ra hoài nghi tính hợp pháp của chính phủ lâm thời Ukraine đồng thời cáo buộc chính phủ này sử dụng những "phương tiện khủng bố và độc tài" để tiếm quyền và đàn áp những người đối lập ở khu vực phía đông, nam của nước này.
Tổng thống Yanukovych bị phát lệnh truy nã
Những lời chỉ trích ngày một leo thang về độ gay gắt từ cả Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Bộ Ngoại giao Nga là những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Nga sẽ không dễ dàng chấp nhận sự thay đổi chính trị mà phe đối lập vừa thực hiện sau một cuộc chính biến lớn.
Ngay sau khi lật đổ Tổng thống Yanukovych, chính quyền tạm thời của Ukraine đã tuyên bố sẽ theo đuổi tiến trình gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) và yêu cầu Nga phải chấp nhận cũng như tôn trọng điều đó. Đây là một cú đảo chiều gây bất lợi với Nga bởi trước đó chính quyền của ông Yanukovych còn đặt ưu tiên cho mối quan hệ với Moscow lên trên mối quan hệ với EU.
Ngay từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên, giới lãnh đạo Nga đã không đồng tình với lực lượng đối lập. Tuy nhiên, những phát biểu mới nhất ngày hôm qua của Thủ tướng Dimitry Medvedev thể hiện rõ nhất phản ứng của Nga với chính phủ tạm thời mới được dựng lên ở Ukraine sau khi Tổng thống Yanukovych buộc phải chạy khỏi thủ đô Kiev.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua đã thẳng thừng bảy tỏ "sự hoài nghi lớn" đối với tính hợp pháp của chính phủ lâm thời hiện nay ở Ukraine .
Thủ tướng Medvedev không quên chĩa mũi tấn công vào việc một số chính phủ phương Tây nhanh chóng công nhận chính quyền mới ở Kiev . Ông này miêu tả chính quyền đó là kết quả không hợp hiến của một cuộc nổi dậy có vũ trang.
"Tính hợp pháp của toàn bộ hệ thống các cơ quan quyền lực ở Ukraine khiến người ta phải hoài nghi. Tuy nhiên, một số đối tác nước ngoài của chúng tôi lại nghĩ khác. Tôi không biết họ đọc hiến pháp gì nhưng đó là một sự thiếu hiểu biết khi miêu tả một thứ kết quả của một cuộc nổi dậy có vũ trang là hợp pháp", ông Medvedev nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa đưa ra lời bình luận chính thức nào về sự thay đổi chính quyền ở Ukraine . Trong khi đó, Thủ tướng Medvedev khẳng định, Nga vẫn sẽ tôn trọng mọi thỏa thuận đã ký với Ukraine hiện nay, trong đó có những thỏa thuận về năng lượng. "Chúng tôi không hợp tác với một số nhân vật cụ thể hoặc một số con người cụ thể nhưng đây là mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Chúng ta là hàng xóm láng giềng, chúng là hai nước ở gần nhau và chúng ta không thể tách nhau ra được", ông Medvedev đã phát biểu như vậy.
Không chỉ Thủ tướng Medvedev lên tiếng, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cũng đã ra một tuyên bố, trong đó cáo buộc thỏa thuận mà phe đối lập Ukraine ký với Tổng thống Yanukovych hồi cuối tuần trước dưới sự làm trung gian của Liên minh Châu Âu đã được sử dụng làm "vỏ bọc để thực thi một kịch bản dùng vũ lực lật đổ chính quyền ở Ukraine". Theo thỏa thuận này, Tổng thống Yanukovych sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến cuối năm nay nhưng quyền lực của ông bị hạn chế rất lớn. Tuy nhiên, phe đối lập đã nhanh chóng phá bỏ thỏa thuận bất chấp một loạt sự nhượng bộ từ ông Yanukovych. Lực lượng này sau đó đã chiếm thủ đô Kiev và nhanh chóng tổ chức họp Quốc hội khẩn cấp nhằm truất quyền Tổng thống.
"Một tiến trình đã được vạch ra để sử dụng các phương tiện độc tài và thỉnh thoảng là mang tính khủng bố để đàn áp những người đối lập ở các khu vực khác nhau", Bộ Ngoại giao Nga cho biết, ám chỉ đến những khu vực ở phía đông và nam Ukraine . Đây là nơi người dân ủng hộ Nga và nhiều người nói tiếng Nga.
Nghi ngờ động cơ của Mỹ và Châu Âu trong vấn đề Ukraine, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, các nước đó đã được thúc đẩy "không phải từ sự quan ngại về số phận của Ukraine mà chỉ là vì những tính toán địa chính trị đơn phương".
Những phát biểu thể hiện sự giận dự của Nga trước diễn biến tình hình ở Ukraine được đưa ra đúng một ngày sau khi Nga triệu hồi Đại sứ tại Ukraine về nước để tham vấn. Moscow tuyên bố rõ rằng, nước này chưa sẵn sàng công nhận chính phủ mới ở Ukraine - một chính phủ được lập nên một cách nhanh chóng và ngay sau đó đã phát lệnh truy nã Tổng thống Yanukovych.
"Nếu những người đi qua Kiev trong mặt nạ màu đen và cầm súng trường được coi là một chính phủ thì rất khó để chúng tôi làm việc với một chính phủ như thế", Thủ tướng Medvedev đã tuyên bố đầy cứng rắn như vậy.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow .
Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là "cuộc đấu" giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine - chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Nước cờ cao tay của Tổng thống Assad Mặc dù đang đấu tranh quyết liệt để nắm chắc quyền lực trong tay, Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đồng ý phá hủy một phần lớn kho vũ khí hóa học và tham gia đàm phán với phe đối lập đang nhăm nhe tìm cách lật đổ ông. Đây được xem là nước cờ cao tay của Nhà lãnh đạo Syria. Tổng thống...