Nga – Mỹ hợp tác xây trạm không gian mới
Nga và Mỹ sẽ hợp tác xây dựng trạm không gian mới thay thế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Đây được xem là dự án mở vì cho phép nhiều nước tham gia, tờ Independent đưa tin.
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) – Ảnh: AFP
Kế hoạch ban đầu được phía Nga công bố hôm 28.3. Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhất trí hợp tác xây dựng trạm không gian mới trong tương lai, Interfax dẫn lời người đứng đầu Roscosmos, ông Igor Komarov.
Sự hợp tác này có thể được xem là điểm sáng trong quan hệ Nga – Mỹ, vốn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua do bất đồng vì xung đột ở miền đông Ukraine, theo Independent.
Đây là một dự án mở vì nó cho phép nhiều nước tham gia, thậm chí là những nước chưa từng góp mặt vào trạm ISS trước đây, ông Komarov nói thêm.
Nga và Mỹ gần đây đồng ý sẽ tiếp tục vận hành và cung cấp tài chính cho ISS đến năm 2024, dù trước đó Moscow từng dọa sẽ rút khỏi ISS vào năm 2020.
Video đang HOT
Các phi hành gia của NASA đi bộ ngoài không gian trên ISS – Ảnh: AFP
Tuy nhiên, NASA và Roscosmos cũng không loại trừ khả năng gia hạn thời gian hoạt động của ISS, vì nó sẽ phụ thuộc vào tiến trình thực hiện trạm không gian mới, ông Komarov nói thêm
ISS mới chỉ là sự khởi đầu, mục đích cuối cùng là khởi động một sứ mệnh chung đến sao Hỏa, RT dẫn lời Giám đốc NASA Charles Bolden.
Lĩnh vực mà NASA và Roscosmos hợp tác sẽ là sao Hỏa. Cả hai đang thảo luận về cách thức sử dụng tốt nhất các nguồn lực và tài chính. Đồng thời, thiết lập khung thời gian và phân bổ dự án để tránh trùng lặp, ông Charles Bolden cho biết.
Ngọc Quý
Theo Thanhnien
Nga sẽ xây dựng trạm không gian riêng
Nga sẽ xây một trạm không gian riêng sau khi Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) ngưng hoạt động vào năm 2024, The Guardian đưa tin ngày 26.2.
Trạm Vũ trụ quốc tế ISS - Ảnh: AFP
Nga cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để ISS có thể hoạt động đến năm 2024 và cho biết sẽ dùng các mô đun của Nga tại ISS để xây dựng một trạm không gian riêng, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) thông báo vào tối 24.2.
Xây trạm không gian riêng sẽ giúp Nga có một căn cứ để thực hiện các chuyến bay du hành vũ trụ và nghiên cứu mặt trăng bằng tàu vũ trụ không người lái. Chúng sẽ được duy trì cho đến khi Nga có thể triển khai các kế hoạch đầy tham vọng khác, trong đó có việc đổ bộ lên mặt trăng vào năm 2030.
Cam kết của Moscow với trạm ISS nhận được sự hoan nghênh từ nhiều chuyên gia vũ trụ. Các quốc gia đang tham gia vào trạm ISS khác như Canada, Nhật Bản và một số nước châu Âu vẫn chưa khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ cho ISS sau năm 2020 như Nga.
Phi hành gia ngoài không gian trên trạm ISS - Ảnh: AFP
Trước đây, Moscow từng dọa sẽ rút khỏi ISS vào năm 2020 vì kinh tế gặp khó khăn, giá dầu sụt giảm và lệnh trừng phạt của phương Tây trong xung đột với Ukraine.
Ngoài Nga, Trung Quốc cũng đang có tham vọng xây trạm vũ trụ riêng. Tháng 9.2011, Trung Quốc phóng phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 1. Phòng thí nghiệm đã kết nối thành công với tàu vũ trụ Thần Châu 9 vào năm 2012 và Thần Châu 10 vào năm 2013.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ phóng phòng thí nghiệm Thiên Cung 2 vào năm 2016. Sau đó, tàu Thần Châu 11 và một tàu chở hàng cũng sẽ được đưa lên vũ trụ. Mục tiêu của Trung Quốc là sẽ có trạm vụ trũ đầu tiên vào năm 2022.
Ngọc Quý
Theo Thanhnien