Nga giải thích lý do mua mạnh vàng dự trữ
Mấy năm gần đây, Ngân hàng Trung ương Nga liên tục gom vàng cho dự trữ quốc gia. Vậy đâu là nguyên nhân phía sau chiến lược này?
Trong 1 thập kỷ trở lại đây, dự trữ vàng của Nga đã tăng gấp 4 lần – Ảnh: Reuters.
Theo hãng tin CNBC, năm ngoái, Nga đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có dự trữ vàng lớn thứ 5 trên thế giới. Trong năm 2018, Ngân hàng Trung ương Nga mua ròng 8,8 triệu ounce vàng, phá vỡ kỷ lục mua 7,2 triệu ounce vàng trong năm 2017.
Dữ liệu gần đây cho thấy hoạt động gom vàng dự trữ của Moscow vẫn chưa dừng lại.
Một số chuyên gia đồn đoán rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân phía sau việc Nga gia tăng dự trữ vàng, bởi vàng không chỉ là một “vịnh tránh bão” truyền thống mà còn là mặt hàng được loại trừ khỏi bất kỳ khả năng trừng phạt nào.
Một số khác thì nói Nga muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, hoặc muốn giảm nắm giữ đồng Euro và đồng Bảng Anh – hai đồng tiền có giá trị biến động do ảnh hưởng chính sách nới lỏng và việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Tuy nhiên, trái với những đồn đoán này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina nói rằng việc Nga gom vàng dự trữ là do mong muốn đa dạng hóa danh mục tài sản trong dự trữ ngoại hối quốc gia.
Video đang HOT
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, bà Nabiullina nói đa dạng hóa là lý do chủ đạo dẫn tới việc Nga tăng dự trữ vàng, chứ không phải sự suy giảm niềm tin vào một đồng tiền cụ thể nào.
“Các bạn đang chứng kiến chúng tôi cố gắng đa dạng hóa thành phần dự trữ ngoại hối. Bởi vì chúng tôi tính đến tất cả mọi rủi ro, cả về mặt kinh tế và địa chính trị”, bà Nabiullina phát biểu.
Giá vàng giao ngay tại thị trường New York chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu ở mức 1.287 USD/oz. Tuần này, giá vàng có thời điểm giảm về 1.265 USD/oz, thấp nhất trong gần 2 năm.
Giá kim loại quý này hiện đã giảm nhiều so với mức đỉnh 1.800 USD/oz thiết lập vào nửa đầu thập kỷ. Ở thời điểm đó, biện pháp nới lỏng định lượng mà các ngân hàng trung ương lớn triển khai nhằm bơm tiền mạnh vào nền kinh tế đã thổi bùng mối lo lạm phát tăng, khiến giá vàng tăng chóng mặt.
Nhưng đến năm 2013, giá vàng bắt đầu đuối dần trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu cắt giảm các biện pháp kích cầu.
Theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), dự trữ vàng của Nga đạt 2.150,6 tấn vào thời điểm đầu tháng 4 này, chiếm 19,1% tổng dự trữ ngoại hối. Hãng tin Bloomberg nói rằng trong 1 thập kỷ trở lại đây, dự trữ vàng của Nga đã tăng gấp 4 lần.
Theo vneconomy.vn
Lý do Nga đẩy mạnh mua vàng dự trữ
Năm 2018, Ngân hàng trung ương Nga đã mua số lượng vàng kỷ lục lên tới 8,8 triệu ounce, tương đương gần 274 tấn, nhiều hơn 22% so với năm 2017.
Lý do Nga đẩy mạnh mua vàng dự trữ. Ảnh: AF P/TTXVN
Nhu vậy, Nga đã vượt qua Trung Quốc và lọt vào nhóm 5 nước có dự trữ vàng lớn nhất. Vì sao Nga lại mua nhiều kim loại quý này đến thế và Ngân hàng trung ương Nga lại tích cực thay thế đồng USD bằng vàng thỏi, hãng tin Ria Novosti ngày 22/1 đăng tải bài phân tích đề cập đến vấn đề này.
Hiện Ngân hàng trung ương Nga đang nắm giữ 2.112 tấn vàng - con số kỷ lục trong lịch sử nước Nga hiện đại. Lượng dự trữ vàng đạt mức kỷ lục vào năm 1941 là 2.800 tấn, nhưng sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai mà cụ thể là đến năm 1953 con số này đã giảm xuống mức 2.500 tấn.
Trong nhiều thập niên trở lại đây dự trữ vàng của Nga tiếp tục giảm và vào năm 1991 Nga được "thừa hưởng" từ Liên Xô chỉ 290 tấn vàng. Sau những năm 1990 gian nan, dự trữ vàng của Nga bắt đầu phục hồi. 10 năm trước dự trữ vàng chiếm 3,5% (519 tấn) trong kho dự trữ ngoại hối của Nga.
Dự trữ ngoại hối của Nga đã lên tới 462 tỷ USD và 18,6% (tương đương 86,9 tỷ USD) trong số đó là vàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Nga đã giảm dần đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD.
*Thay đồng USD bằng vàng thỏi
Tại sao cấu trúc dự trữ ngoại hối của Nga lại bị thay đổi như thế? Xét theo quan điểm phát triển hệ thống tài chính không có sự thay thế nào cho vàng, việc tích lũy vàng, trước hết là động thái nhằm bảo vệ tránh những rủi ro tiền tệ.
Hệ thống tài chính thế giới được thiết kế sao cho 70% tất cả các thanh toán được thực hiện bằng đồng USD. Nhưng bất cứ đồng tiền nào, cho dù USD hay euro, đều phải chịu "gánh nặng" nợ nần khá nặng nề, trong khi bất cứ khoản nợ nghiêm trọng nào đều có triển vọng được xóa.
Các nhà kinh tế khẳng định rằng trong nền kinh tế thế giới đã hình thành tất cả các điều kiện đáng lo ngại: phát hành tiền không được kiểm soát, chiến tranh thương mại, lãi suất tăng.
Vàng "tránh" được những mối nguy cơ như thế, và trong trường hợp sụp đổ hệ thống USD tài sản này cũng đồng nghĩa với không bị mất giá. Không những duy trì chức năng phương tiện thanh toán trong hệ thống thương mại quốc tế, vàng còn làm giảm sự phụ thuộc vào bất cứ đồng tiền nào.
Theo ông Keith Newmeyer, Chủ tịch First Mining Gold, vấn đề chính nằm ở chỗ người ta in quá nhiều tiền không có gì bảo đảm. Vì vậy, các ngân hàng lớn và chính phủ các nước tích lũy "tiền thực tế" trước khủng hoảng. Hiện Mỹ nắm giữ vàng nhiều nhất đạt khoảng 8.000 tấn, Đức (3.000 tấn), Italy và Pháp đạt khoảng 2.500 tấn mỗi nước.
Kết thúc năm 2018, Nga đã vượt Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 5 trong nhóm nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới: Trung Quốc có 59,6 triệu ounce so với 67,9 triệu ounce của Nga. "Ngân hàng trung ương Nga đang đặt cược vào vàng thỏi như tài sản trú ẩn an toàn và công cụ phòng vệ chống lại đồng USD", hãng tin Reuters nhấn mạnh.
*Công cụ chống các biện pháp trừng phạt
Đối với Nga việc dự trữ vàng còn là công cụ phòng vệ chống lại áp lực trừng phạt, mà Washington đến nay vẫn chưa có ý định giảm nhẹ. Chính quyền Mỹ có thể áp đặt các biện pháp hạn chế đối với nợ chính phủ, các thể chế chính trị và lĩnh vực năng lượng.
Theo chuyên gia của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's, các biện pháp trừng phạt mới có thể trở nên "hủy hoại mạnh nhất". Trong bối cảnh đó, Nga đã đặt cho mình mục tiêu: cách ly nền kinh tế khỏi đồng USD càng nhiều càng tốt, các nhà phân tích Stratfor nhấn mạnh.
Ngân hàng trung ương Nga bắt đầu giảm tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối từ năm 2014, thời điểm Washington bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chống các công ty của Nga, nhưng vào năm 2018 mới tiến hành bán tháo trên quy mô lớn. Hệ quả là từ mức "đỉnh" 176 tỷ USD vào năm 2010 đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ đã giảm xuống còn 14,9 tỷ USD.
Đổi lại, Ngân hàng trung ương Nga mua vàng dự trữ. Đây là biện pháp phòng vệ lý tưởng chống lại các biện pháp trừng phạt, bởi vì Washington không đủ khả năng "đóng băng" các giao dịch bằng kim loại quý này.
Kinh nghiệm của Iran cho thấy điều đó: ngay cả trong những điều kiện hạn chế nghiêm ngặt nhất Tehran vẫn tiếp tục bán dầu mỏ và nhận thanh toán bằng cả vàng. Ngoài ra, vàng có xu hướng tăng giá. Những ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới cảnh báo: hoạt động của cỗ máy in tiền không ngừng nghỉ, ngày càng đe dọa sự ổn định của nền kinh tế thế giới, đẩy giá tài sản thực tế tăng lên.
Mặt khác, theo dự báo của Goldman Sachs, trong những năm tới, lượng khai thác vàng thế giới giảm xuống. Còn theo tính toán của một trong những công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới là Goldcorp, đến năm 2022 sản lượng vàng sẽ giảm xuống bằng mức vào đầu thế kỷ XXI.
Theo đánh giá của Cơ quan địa chất Mỹ, với việc duy trì tốc độ khai thác ở mức độ hiện nay trữ lượng vàng trong lòng đất đến năm 2034 sẽ bị cạn kiệt.
Các nhà phân tích nhấn mạnh nếu tốc độ mua kim loại quí vẫn được duy trì và Ngân hàng trung ương Nga đang thay thế đồng USD bằng vàng thỏi với tốc độ tối đa trong vòng 12 năm qua, sau 4 năm nữa dự trữ vàng của nước Nga hiện đại sẽ đuổi kịp kỷ lục mà Liên Xô đã thiết lập trước đây./.
TTXVN
Theo bnews.vn
Lý do Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đổ xô tích vàng? Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang gia tăng lượng vàng dự trữ với tốc độ kinh ngạc, dẫn đầu là Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Vàng dự trữ của Nga. Ảnh: RT Theo đài RT (Nga), chỉ trong 3 tháng qua, các ngân hàng trung ương đã mua về lượng vàng trị giá tới 5,82 tỉ USD,...