Nga được gì từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung?
Trong khi Mỹ và Trung Quốc liên tiếp đưa ra những đòn đánh vào hàng hóa gây thiệt hại kinh tế của nhau, cường quốc năng lượng Nga vẫn giữ quan hệ thân thiết trong ngoại giao và thương mại với Bắc Kinh.
Sau khi tăng thuế quan lên 25% đánh vào 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ), Mỹ đang thảo luận đề xuất đánh tiếp vào số hàng còn lại, đưa tổng giá trị hàng hóa TQ bị đánh thuế cao lên tới 500 tỉ USD, theo tờ The Washington Post. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ vạch ra dự thảo luật này vài giờ đồng hồ sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ đánh thuế 5%-25% vào 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Mặc dù các nhà lập pháp cần thảo luận đề xuất này trong phiên điều trần trước khi chính thức tuyên bố hiệu lực, nhiều nhà kinh tế bắt đầu lo ngại và hoang mang về những thiệt hại nặng nề họ phải gánh chịu. Hy vọng một kết thúc tốt đẹp cho cuộc chiến thương mại có vẻ là điều khá xa xỉ tại thời điểm này.
Từ chính sách chiến lược
Động thái trả đũa mới của TQ cho thấy chính quyền Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tin rằng việc nhân nhượng các yêu cầu từ Washington sẽ làm suy yếu vị thế của mình trong thị trường nội địa, một số nhà phân tích cho biết.
Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), cho rằng TQ đã gần như chấp thuận những điều khoản có lợi cho Mỹ nhưng hệ thống pháp luật của họ không cho phép điều đó.
Về chính quyền Washington, việc đồng ý ít điều khoản hơn thỏa thuận một tuần trước đó với TQ là điều không thể chấp nhận. Theo tờ South China Morning Post, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lo ngại người Mỹ sẽ đổ lỗi cho chính quyền của ông về thiệt hại kinh tế do chiến tranh thương mại gây ra trước thềm bầu cử tổng thống năm 2020.
“Người tiêu dùng Mỹ không lý nào phải trả tiền cho việc tăng thuế mà chính TQ mới là người chịu thiệt hại. Hơn nữa, chúng ta có thể tránh giá cao bằng cách mua hàng từ các nước miễn thuế hoặc mua sản phẩm sản xuất nội địa (ý kiến tuyệt vời nhất)” – ông Trump viết trong một tweet đăng tải ngày 13-5.
Bà Glaser cho rằng cả hai bên đang phân tích sức khỏe nền kinh tế và sức ép trong nước cũng như tình hình thế giới qua những bước tiến mới này. “Cả hai đều nghĩ họ có thế mạnh hơn đối phương nên một thỏa thuận chung có vẻ không dễ dàng đạt được. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến càng kéo dài, không những nền kinh tế Mỹ mà sự phát triển toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng” – bà Glaser tuyên bố.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thủ đô Washington, Mỹ tháng 4-2019. Ảnh: AFP
Đến thiệt hại kinh tế
Video đang HOT
Tờ nhật báo Hong Kong cho biết không những doanh nghiệp và người tiêu dùng hai nước mà nền kinh tế thế giới nói chung cũng sẽ chịu nhiều thiệt hại trong trận chiến thuế quan chưa có điểm dừng giữa hai cường quốc kinh tế TQ và Mỹ. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi tháng 4, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể giảm 0,3%-0,6%, trong khi con số tương ứng mà nền kinh tế TQ phải gánh chịu là 0,5%-1,5% nếu hai bên đánh thuế 25% vào hàng hóa của nhau.
Chỉ riêng ở Mỹ, nếu Washington áp 25% thuế vào 200 tỉ USD hàng hóa TQ, trung bình một hộ gia đình bốn người sẽ phải trả thêm 767 USD mỗi năm cho hàng gia dụng. Con số này sẽ tăng lên đến 2.294 USD nếu số hàng nhập khẩu còn lại từ TQ chính thức chịu chung số phận, theo Trade Partnership Worldwide.
Về phía TQ, dù vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ với xuất khẩu tăng 7% trong năm ngoái, dòng chảy thương mại đến Mỹ đã giảm 9% trong quý đầu tiên năm 2019. Tuy nhiên, chuyên gia Meredith Crowley từ ĐH Cambridge (Anh) nhận xét vẫn chưa có bằng chứng các công ty TQ giảm giá thành sản phẩm để giữ khách hàng từ Mỹ. “Một số nhà xuất khẩu các mặt hàng có thể thay thế đã bắt đầu tìm kiếm nguồn nhập từ các nước khác. Thuế quan thực sự đã ảnh hưởng tới doanh thu của họ” – ông Crowley đánh giá trong một phỏng vấn với hãng tin BBC.
Nga: Đối tác thương mại và ngoại giao
Trong khi cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh với Washington còn chưa có hồi kết, Kremlin đang cố gắng khẳng định mình là đối tác thương mại và ngoại giao không thể thiếu đối với TQ. Theo nhà báo Dmitriy Frolovskiy, Chủ tịch Tập đã đến thăm Moscow nhiều hơn bất kỳ thủ đô nào khác kể từ khi ông trở thành lãnh đạo TQ. Tháng 6-2018, ông Tập đã trao tặng Tổng thống Nga Vladimir Putin huân chương tình bạn đầu tiên của TQ, vinh danh ông là “người bạn thân thiết nhất”.
Thương mại song phương Nga-Trung cũng tăng từ 69,6 tỉ USD trong năm 2016 lên 107,1 tỉ USD vào năm ngoái. TQ trở thành đối tác lớn nhất của Nga cả hai lĩnh vực xuất và nhập khẩu. Bên cạnh đó, Moscow còn là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Bắc Kinh và đang lên kế hoạch xuất khẩu 38 tỉ m3 khí đốt mỗi năm trong ba thập niên tại một thỏa thuận trị giá 400 tỉ USD.
Trong khi vẫn còn những bất đồng trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung và căng thẳng nhắm vào lực lượng quân sự ngày càng gia tăng của TQ trên các khu vực biển, việc có một đối tác tin cậy qua thời gian có thể là một nhân tố quan trọng trong chiến lược thương mại và năng lượng của Bắc Kinh.
TQ không phải là quốc gia duy nhất phải đương đầu với Mỹ trong chiến tranh thương mại, theo hãng tin CNBC. Năm 2018, thép và nhôm từ hai nước châu Mỹ là Canada và Mexico đều bị đánh thuế 25% và 10%. Canada đã trả đũa bằng cách đánh thuế đối với hàng xuất khẩu Mỹ, bao gồm rượu whisky trị giá hơn 12 tỉ USD. Mexico cũng áp thuế đối với xấp xỉ 3 tỉ USD hàng nhập từ Mỹ. Cả hai nước đang xem xét các biện pháp trả đũa mới để gây áp lực buộc Mỹ giảm thuế kim loại.
Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang làm việc để tránh một căng thẳng thương mại khác. Năm ngoái, sau khi ông Trump tuyên bố đánh thuế vào thép và nhôm từ khu vực đồng euro, EU lập tức đáp trả lên hàng hóa trị giá 2,4 tỉ USD của Mỹ. Tổng thống Trump cũng mong chờ để ký thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và Anh sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và giữa tình hình Anh vẫn chưa chính thức rời EU.
TRƯỜNG VŨ
Theo PLO
Cuộc chiến thương mại
Mỹ-Trung giảm nhiệt? Các nhà đàm phán hai nước đang bàn về bản ghi nhớ bao gồm các nội dung cơ bản của thỏa thuận cuối cùng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc (TQ) Lưu Hạc vào chiều 22-2 (giờ Mỹ, tức sáng 23-2 giờ Việt Nam) liên quan đến cuộc chiến thương mại giữa hai nước, hãng thông tấn Bloomberg (Mỹ) đưa tin.
Ông Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn TQ trở qua Mỹ sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuần trước dẫn một phái đoàn Mỹ sang Bắc Kinh. Tại Bắc Kinh, ông Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng được đích thân Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đón tiếp. Tại cuộc gặp, ông Tập lạc quan rằng đàm phán giữa hai nước đạt được nhiều tiến triển quan trọng, mong muốn hai nước cùng nhân nhượng để có thể đi đến một thỏa thuận hai bên cùng chấp nhận được.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News (Mỹ) ngày 21-2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đang có một "tiến trình thật sự" giữa Mỹ và TQ. Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Lưu Hạc là một tín hiệu tích cực nữa cho thấy quá trình đàm phán đang tiến triển tốt, khả năng sẽ đưa đến cuộc gặp trực tiếp giữa ông Trump và ông Tập.
Xúc tiến bàn nội dung thỏa thuận
Ngày 21-2, hai phái đoàn thương mại Mỹ, Trung gặp nhau tại Nhà Trắng. Cuộc đàm phán diễn ra trong chín tiếng. Bộ Thương mại TQ ngày 21-2 từ chối đưa ra bất kỳ dự đoán, bình luận nào về kết quả đàm phán. Người phát ngôn của ông Lighthizer cũng từ chối bình luận.
Tuy nhiên, có thông tin các nhà thương lượng đang bàn về một bản ghi nhớ bao gồm các nội dung cơ bản của một thỏa thuận cuối cùng. Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ nội dung bản ghi nhớ này bao gồm nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, dịch vụ, chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, tiền tệ.
Trước đó hãng tin Reuters (Mỹ) cũng cho biết hai bên đã bắt đầu bàn bạc từ ngữ để soạn thảo bản ghi nhớ về các nội dung cải cách của TQ. Thực ra theo nguồn tin của kênh tài chính CNBC (Mỹ) thì hai bên đã bắt đầu xúc tiến bàn về từ ngữ và vạch ra các nghĩa vụ của mỗi bên từ vòng đàm phán tuần trước ở Bắc Kinh.
Trong các vấn đề được hai bên thảo luận có cơ chế nhằm đảm bảo TQ sẽ tuân thủ các điều khoản. Theo nguồn tin của Bloomberg, cơ chế chưa được rõ nhưng khả năng lớn là hình thức Mỹ sẽ khôi phục đánh thuế nếu các điều kiện không được thi hành.
Việc hai nước đi tới bước bắt tay bàn bạc các nội dung thỏa thuận là một bước tiến hết sức đáng chú ý. Một số nguồn tin chính phủ TQ nói với Reuters rằng hai nước về cơ bản đã đạt được sự đồng thuận về giảm nhẹ mất cân bằng thương mại, tuy nhiên hai bên vẫn còn một số bất đồng về "các yêu cầu cốt lõi" của mỗi bên.
Bên cạnh đó Mỹ cũng yêu cầu TQ giữ ổn định đồng nhân dân tệ, không phá giá tiền tệ. Ngày 20-2, TQ khẳng định sẽ không sử dụng đồng nhân dân tệ như một công cụ đối phó chiến tranh thương mại với Mỹ.
Hai phái đoàn thương mại Mỹ (trái) và TQ (phải) đàm phán tại Nhà Trắng ngày 21-2. Ảnh: REUTERS
Quyết định cuối cùng tùy hai ông Trump, Tập
Ngoài sự mất cân bằng thương mại - điều ông Trump phàn nàn nhiều nhất, Mỹ còn bất mãn với hàng loạt chính sách kinh tế, thương mại của TQ và đang thúc giục TQ giao dịch thương mại "công bằng, có qua có lại".
Nổi bật nhất trong số các bất đồng là về chuyển giao công nghệ và bảo vệ tài sản trí tuệ Mỹ. Mỹ lâu nay vẫn cáo buộc TQ ăn cắp các thành quả nghiên cứu và phát triển công nghệ của mình để làm lợi cho đà phát triển của mình, buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho các công ty TQ như một điều kiện để được làm ăn tại thị trường TQ.
Có tiến triển lớn trên rất nhiều mặt trận!
Tổng thống Mỹ DONALD TRUMPviết trên Twitter cuối tuần rồi
TQ luôn bác bỏ các cáo buộc này, khẳng định mình chưa bao giờ ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và đã vào cuộc tranh luận nhằm thông qua luật quy định hành vi này là bất hợp pháp.
Trước mắt, Reuters dẫn một số nguồn tin quan chức chính phủ TQ cho biết hai bên đã đạt được sự đồng lòng về các biện pháp giảm mất cân bằng thương mại. Năm 2017, TQ mua tổng cộng 24,2 tỉ USD hàng nông nghiệp Mỹ. Sang năm 2018 tổng lượng hàng nông nghiệp TQ mua từ Mỹ giảm tới 1/3, chỉ còn 16 tỉ USD. Thiếu hụt thương mại của Mỹ với TQ lên tới con số 382 tỉ USD trong 11 tháng của năm 2018.
Theo các nguồn tin của Bloomberg, TQ vừa đề xuất mua thêm 30 tỉ USD hàng nông nghiệp Mỹ để giảm thiếu hụt thương mại với Mỹ. Ngoài nông nghiệp TQ còn đang tính nhập khẩu thêm các sản phẩm năng lượng, chất bán dẫn từ Mỹ.
Dù diễn tiến đang có vẻ tốt đẹp nhưng kết quả sẽ chưa có ngay sau vòng đàm phán mới nhất này ở Washington. Hiện cũng đang có một chiến dịch vận động để có thể kéo dài thời gian đình chiến thương mại qua ngày 1-3. Theo một quan chức TQ, nếu mọi nỗ lực của hai bên vẫn không giúp tháo gỡ được mọi bất đồng thì quyết định cuối cùng tùy vào hai ông Trump, Tập.
Vai trò quan trọng của ông Lighthizer
Mỹ và TQ đi đến bước này không thể không nhắc đến vai trò của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ông Lighthizer được chính ông Trump chọn vào vị trí dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán với TQ ngay sau khi ông với ông Tập thống nhất đình chiến thương mại 90 ngày.
Ông Lighthizer là người thứ ba được chỉ định dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán với TQ từ năm 2017, sau Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Cả hai ông Ross và Mnuchin đều đã không thể đạt được thỏa thuận với TQ. Ông Lighthizer được biết rất cứng rắn với TQ, khó thương lượng. Thập niên 1980, ông Lighthizer nổi danh trong giới quan chức Nhật với tên gọi "người tên lửa", sau khi ném bay vèo bộ đề xuất như một chiếc máy bay trong cuộc thương lượng với phía Nhật.
ĐĂNG KHOA
Theo PL
Trung Quốc làm căng, tuyên bố đánh thuế 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ Hôm 13-5, Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ tăng thuế đối với một loạt hàng hóa từ Mỹ, bất chấp cảnh báo không nên trả đũa của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Reuters dẫn lời Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết họ sẽ áp thuế nhập khẩu từ 5%-25% đối với 5.140 sản phẩm từ Mỹ, trị giá khoảng 60 tỉ...