Nga dồn xe tăng, tên lửa sát Ukraine, Mỹ bất an
Quan chức Mỹ giấu tên cho biết Nga tiếp tục tập trung lực lượng quân sự gần biên giới với Ukraine, khiến Washington và các đồng minh lo ngại.
“Giới chức Mỹ và châu Âu đang theo dõi hoạt động điều chuyển binh sĩ và khí tài bất thường ở sườn tây nước Nga. Động thái này đã thổi bùng lại những lo ngại xuất hiện từ tháng 4, thời điểm nước này tập trung lực lượng lớn chưa từng thấy gần biên giới với Ukraine”, quan chức Mỹ giấu tên nói hôm qua.
Hiện chưa rõ mục đích của đợt điều chuyển quân, diễn ra 6 tháng sau khi Nga rút lực lượng lớn khỏi biên giới Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Đoàn tàu chở xe tăng và xe cơ giới ở miền tây Nga hôm 28/10. Video: Telegram/Avtokard_46.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các đoàn tàu và xe vận tải Nga chở lượng lớn khí tài, gồm cả xe tăng và tên lửa, di chuyển ở khu vực miền nam và miền tây Nga. Giới chức Mỹ và châu Âu bắt đầu chú ý đến hoạt động này sau khi Nga kết thúc đợt tập trận chung quy mô lớn mang tên Zapad 2021 với Belarus hồi giữa tháng 9.
Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu Nga ở tổ chức phân tích CNA tại Mỹ, nhận định Quân đoàn binh chủng hợp thành số 41 của Nga không trở về nơi đóng quân ở Novosibirsk sau tập trận Zapad 2021 mà tới hội quân cùng nhiều đơn vị khác gần biên giới Ukraine, trong khi Quân đoàn xe tăng Cận vệ số 1, đơn vị thiết giáp tinh nhuệ đóng gần Moskva, cũng đang cơ động lực lượng tới khu vực này.
Các động thái diễn ra trong bối cảnh Moskva áp dụng chính sách cứng rắn hơn với Kiev. Nhiều quan chức Nga đã đưa ra những cảnh báo với Ukraine trong vài tháng gần đây, trong đó Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố mọi hoạt động mở rộng cơ sở hạ tầng của NATO trên lãnh thổ Ukraine sẽ “vượt lằn ranh đỏ với Nga”.
Xung đột ở miền đông Ukraine đang bước sang giai đoạn mới, khi quân đội Ukraine tuần trước thông báo sử dụng máy bay không người lái (UAV) do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để tập kích dân quân thân Nga ở Donbass. Đây là lần đầu tiên Kiev sử dụng loại khí tài này trong giao tranh với phe ly khai, khiến Moskva phản ứng dữ dội.
Ukraine, nước không phải thành viên NATO, từ lâu tìm cách tăng cường quan hệ với phương Tây. Quan hệ giữa Ukraine và Nga căng thẳng từ khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Nga kiên quyết phản đối ý tưởng Ukraine gia nhập NATO.
Quân đội Kiev đã chiến đấu với lực lượng ly khai thân Nga ở khu vực miền đông Donetsk và Lugansk từ năm 2014. Cuộc xung đột khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, 30 binh sĩ Ukraine tử vong trong vài tháng đầu năm nay, so với 50 người năm 2020.
Báo Mỹ: Nga đưa quân, vũ khí tới gần biên giới Ukraine
Báo Washington Post đưa tin, Nga dường như đã đưa quân nhân, xe tăng và tên lửa tới gần biên giới Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và NATO đang leo thang.
Binh sĩ Nga tập trận tại khu vực gần biên giới với Ukraine hồi tháng 4 (Ảnh: NYT).
Washington Post dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho biết, giới chức Mỹ và châu Âu dường như đã bày tỏ quan ngại về động thái mà họ mô tả là sự di chuyển của thiết bị và quân nhân Nga ở sườn phía Tây.
Theo các nguồn tin, hoạt động điều quân đã làm dấy lên lo ngại hồi tháng 4 khi Nga điều lượng lớn lực lượng tới gần biên giới Ukraine.
Các đăng tải trên mạng xã hội những ngày gần đây dường như cho thấy các đoàn xe quân sự của Nga di chuyển số lượng lớn khí tài quân sự, bao gồm xe tăng và tên lửa ở khu vực phía nam và phía tây của Nga.
Theo chuyên gia Michael Kofman tại tổ chức CNA (Mỹ), các quan chức Mỹ và châu Âu đã bắt đầu để ý về động thái di chuyển của quân đội Nga trong những tuần gần đây, sau khi Moscow tổ chức cuộc tập trận quân sự Zapad 2021 quy mô lớn với Belarus ở sườn phía tây vào hồi giữa tháng 9.
Theo ông Kofman, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Quân đoàn hỗn hợp số 41, đóng quân ở Novosibirsk, không trở về Siberia sau tập trận Zapad, mà kết hợp với các lực lượng Nga đang đóng tại biên giới với Ukraine. Ngoài ra, ông Kofman nói rằng, hình ảnh vệ tinh dường như cũng chỉ ra Quân đoàn tăng thiết giáp số 1, đóng căn cứ ở ngoại ô Moscow, cũng di chuyển khí tài và quân nhân về phía Ukraine.
Oleksiy Danilov, thư ký hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, cho biết, sau khi kết thúc cuộc tập trận Zapad 2021, Nga có thể đã để lại các thiết bị quân sự, cũng như các trung tâm điều khiển và liên lạc, tại các địa điểm huấn luyện dọc biên giới Ukraine.
Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và NATO đã leo thang. Trước đó, Nga tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với NATO với việc dừng hoạt động của phái bộ ngoại giao tại NATO và đóng cửa phái bộ NATO tại Moscow từ tháng 11 tới. Động thái của Moscow dường như nhằm đáp trả việc NATO đã trục xuất 8 thành viên phái bộ Nga tại trụ sở ở Brussels (Bỉ) hồi đầu tháng 10, cáo buộc họ là "sĩ quan tình báo không khai báo".
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, việc Ukraine gia nhập NATO sẽ là "kịch bản tồi tệ nhất" có thể xảy ra và nó sẽ vượt "lằn ranh đỏ" liên quan tới lợi ích của Moscow.
Căng thẳng giữa chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền đông nước này ở Donbass được cho là đã bước vào một giai đoạn mới. Kiev nhiều lần cáo buộc Nga hỗ trợ cho lực lượng đòi ly khai ở miền đông, nhưng Moscow kịch liệt bác bỏ. Hôm 26/10, quân đội Ukraine xác nhận họ đã lần đầu sử dụng máy bay không người lái (UAV) do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để tấn công vào lực lượng đối lập, động thái mà Moscow mạnh mẽ chỉ trích.
Tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp, chợ đen giấy chứng nhận giả bùng nổ ở Đông Âu Người lái xe tải Andriy Melnik chưa từng coi COVID-19 là căn bệnh nghiêm trọng. Cùng với một người bạn, Melnik đã mua giấy chứng nhận tiêm chủng giả để dễ dàng thông hành khi vận chuyển hàng hóa đến các khu vực khác của châu Âu. Nhân viên y tế chuẩn bị quan tài cho nạn nhân COVID-19 tại nhà xác ở...