Nga để ngỏ khả năng đáp trả các lệnh cấm trong tương lai của G7
Theo hãng tin TASS của Nga, ngày 23/4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev nêu rõ Moskva sẽ đáp trả tương xứng nếu Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa sang Nga.
Ông cũng đồng thời để ngỏ khả năng Moskva chấm dứt thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên tài khoản Telegram, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Medvedev nêu rõ ý tưởng về việc cấm hoàn toàn xuất khẩu hàng hóa sang Nga cũng đồng nghĩa với việc (G7) ngừng nhập khẩu hàng hóa của Nga, đặc biệt là các hàng hóa trong danh mục nhạy cảm. Ngoài ra, Nga cũng sẽ dừng thực thi thỏa thuận ngũ cốc.
Trước đó, Bloomberg đưa tin giới chức các nước G7 đang thảo luận về khả năng “cấm hoàn toàn hầu hết các mặt hàng xuất khẩu” sang Nga trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra từ ngày 19-21/5 tại Hiroshima (Nhật Bản). Một số sản phẩm có thể được miễn trừ lệnh cấm này như dược phẩm, nông sản và thực phẩm.
Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết ý tưởng này “đã được xem xét trong một thời gian” nhưng “không được thảo luận tại cuộc họp bộ trưởng nông nghiệp G7 ở Nhật Bản” và không được đề cập trong tuyên bố chung của cuộc họp diễn ra ngày 22 – 23/4 tại thành phố Miyazaki này.
G7 kêu gọi gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
Ngày 23/4, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kêu gọi gia hạn thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, cũng như tuân thủ đầy đủ và mở rộng phạm vi thỏa thuận này.
Tàu chở ngũ cốc di chuyển dọc Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/8/2022. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được ký tại Istanbul hồi tháng 7 năm ngoái dưới sự trung gian của Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó cho phép Ukraine xuất khẩu hơn 27 triệu tấn ngũ cốc từ một số cảng của nước này ở Biển Đen. Thỏa thuận đã được gia hạn 120 ngày vào tháng 11/2022 và tiếp tục gia hạn 60 ngày vào ngày 18/3 vừa qua. Mới đây, Nga tuyên bố sẽ không đàm phán tiếp tục gia hạn thỏa thuận nếu không có tiến triển trong giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống liên quan đến việc kết nối thanh toán, nguồn cung máy móc và bảo hiểm. Dự kiến, vào tuần tới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thảo luận về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại New York (Mỹ).
Trong tuyên bố chung đưa ra sau 2 ngày nhóm họp ở thành phố Miyazaki của Nhật Bản, các bộ trưởng nông nghiệp G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, đồng thời kêu gọi các bên liên quan gia hạn, triển khai đầy đủ cũng như mở rộng thỏa thuận này. Tuyên bố đồng thời khẳng định các quốc gia G7 sẵn sàng hỗ trợ tiến trình phục hồi và tái thiết ở Ukraine, trong đó có tái thiết cơ sở hạ tầng nông nghiệp.
Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G7 diễn ra trong bối cảnh tình trạng gián đoạn nguồn cung trên các thị trường lương thực đang đẩy giá cả tăng cao, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến các nước nghèo.
Các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Chương trình Lương thực thế giới, đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, cảnh báo rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra một "cú sốc chưa từng có đối với hệ thống lương thực toàn cầu". Hàng chục quốc gia đang ghi nhận lạm phát ở mức hai con số, trong khi 349 triệu người tại 79 quốc gia đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, trong đó nhiều quốc gia ở châu Phi được xác định là "điểm nóng về nạn đói".
Ngũ cốc Ukraine gây chia rẽ ở châu Âu, EU xử lý khủng hoảng ra sao Sự thống nhất của châu Âu trên mặt trận ủng hộ Ukraine đang đứng trước một thử thách mới. Các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu đang tìm cách xoa dịu một số quốc gia đã tạm thời cấm nhập khẩu nông sản Ukraine. Trong ảnh, nông dân Ba Lan biểu tình phản đối nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine....