Nga đánh thức ‘đoàn tàu tử thần’
Nga đang phát triển đoàn tàu tên lửa nhằm đối phó việc NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu.
Đoàn tàu Barguzin từng tung hoành ngang dọc thời Chiến tranh lạnh. SPUTNIK
Theo trang tin Russia Beyond The Headlines (RBTH), Nga đang khôi phục sản xuất đoàn tàu quân sự chở tên lửa đạn đạo liên lục địa siêu nhẹ mới. Một khi hoàn tất, đoàn tàu Barguzin sẽ được bàn giao cho quân đội Nga vào khoảng năm 2020. Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, thượng tướng Sergei Karakayev cho hay mỗi đoàn tàu mới sẽ được trang bị 6 tên lửa đạn đạo và sẽ có 5 đoàn tàu như vậy được đưa vào biên chế quân đội Nga.
Khả năng tàng hình cao
Các chuyên gia Nga hiện bắt tay vào chế tạo các bộ phận của đoàn tàu Barguzin, Hãng Sputnik đưa tin. Đoàn tàu mới sẽ được trang bị tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân MS-26 Rubezh, nhẹ hơn song không kém phần hiệu quả so với tên lửa chiến thuật Molodet từng triển khai trên các đoàn tàu vào thập niên 1980, theo trang RBTH.
Tên lửa mới Rubezh sẽ do Viện Công nghệ nhiệt Moscow chế tạo và có thể triển khai vào vị trí khai hỏa chỉ trong vài phút. Đây cũng là nơi từng thiết kế các tên lửa chiến lược nhiên liệu rắn như Topol-M, Bulava và Yars.
Điều đặc biệt là đoàn tàu Barguzin có khả năng “tàng hình” cao khi qua mặt được radar của đối thủ nhờ vẻ ngoài tương tự như mọi đoàn tàu chở hàng hóa thông thường cùng công nghệ “tàng hình” hiện đại. Tổ hợp phóng tên lửa hạt nhân này còn có thể di chuyển liên tục, chạy dọc ngang trên các tuyến đường sắt Nga, vốn dài thứ hai trên thế giới. Theo Sputnik dẫn nguồn từ các chuyên gia quân sự, đoàn tàu Barguzin có thể đi hơn 1.000 km mỗi ngày mà không bị phát hiện, đồng thời có thể phóng tên lửa từ bất cứ nơi nào trong suốt hành trình. Chính đặc điểm này khiến đoàn tàu được ví von là “đoàn tàu tử thần”. Ngoài ra, đoàn tàu tên lửa Barguzin sẽ được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử tân tiến.
Video đang HOT
Đoàn tàu hạt nhân đầu tiên vốn được đưa vào hoạt động trong quân đội Liên Xô vào năm 1987 và trong suốt những năm sau đó nó trở thành một phần quan trọng trong kho vũ khí của Moscow thời Chiến tranh lạnh. Nhưng tổ hợp tên lửa này đã bị ngưng sử dụng hoàn toàn vào năm 2007 theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START II) giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, việc Moscow hiện đại hóa đoàn tàu Barguzin không vi phạm điều khoản của Hiệp ước New START được hai bên ký kết tại CH Czech vào năm 2010, theo Hãng Sputnik. Hiệp ước giới hạn mỗi bên triển khai không quá 700 phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân như tên lửa hoặc máy bay ném bom chiến lược, cũng như chỉ được trữ 100 phương tiện trong kho vũ khí.
Tính đến 1.4.2016, theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ, kho vũ khí của Nga có 521 tên lửa chiến lược. Ngoài ra, Hiệp ước New START sẽ hết hiệu lực vào năm 2018 và chưa rõ có tiếp tục được gia hạn hay không.
Khắc tinh lá chắn tên lửa
Quyết định khôi phục lại “đoàn tàu tử thần” kể trên của lãnh đạo Nga được xem là nỗ lực nhằm phản ứng với việc NATO đưa vào hoạt động trạm phòng thủ tên lửa đặt trên lãnh thổ Romania và xúc tiến xây một trạm tương tự ở Ba Lan. Hai trạm này cùng với trạm radar ở Thổ Nhĩ Kỳ và 4 tàu chiến Mỹ đang đậu ngoài khơi miền nam Tây Ban Nha sẽ tạo nên hệ thống phòng thủ tên lửa mới của NATO ở châu Âu. Nga phản đối quyết liệt vì xem hệ thống trên là sự tăng cường vũ trang của NATO, làm thay đổi cân bằng chiến lược ở châu Âu và đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Nga.
Theo lời thượng tướng Karakayev, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh khôi phục đoàn tàu tên lửa để làm đối trọng với chương trình Tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ (PGS). Hãng Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Nga Leonid Nersisyan nhấn mạnh việc Washington đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào đầu những năm 2000 khiến Nga lo lắng và buộc phải tìm cách đối phó với mối đe dọa.
Theo ông Nersisyan, PGS là hệ thống có thể tạo ra các cuộc không kích với độ chính xác cao nhằm vào mọi mục tiêu trên hành tinh chỉ trong vòng 1 giờ bằng các vũ khí bội siêu thanh. Bộ Ngoại giao Nga từng nhiều lần nói rằng nỗ lực của Washington nhằm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu và thiết lập chương trình PGS là đòn giáng mạnh vào các cuộc hội đàm đang diễn ra về giải trừ hạt nhân giữa hai nước. Tuy nhiên, chuyên gia Nersisyan nhấn mạnh đoàn tàu Barguzin sẽ giúp vô hiệu hóa mọi thách thức kể trên.
Danh Toại
Theo Thanhnien
Nga triển khai tên lửa hạt nhân mới có thể san bằng một quốc gia
Loại tên lửa đạn đạo thế hệ mới của Nga có khả năng san bằng một vùng đất rộng tương đương nước Pháp hoặc bang Texas của Mỹ.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat của Nga. Ảnh: Wikicommons
Hãng tin TASS mới đây dẫn lời Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga, tướng Sergey Karakayev, cho hay quân đội Nga đã lên kế hoạch triển khai các tên lửa đạn đạo thế hệ mới RS-28 Sarmat tới hai vùng lãnh thổ Krasnoyarsk ở đông Siberia và Dombarovsky thuộc khu vực Orenburg, nam Urals.
Tướng Karakayev khẳng định việc thiết kế và xây dựng các hệ thống hầm ngầm dành cho tên lửa RS-28 Sarmat đã gần như hoàn tất, và nó sẽ thay thế cho các hầm tên lửa thế hệ cũ R-36M2 Voevoda.
Theo các chuyên gia của Sputnik, RS-28 Sarmat là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ 5 của Nga, hoạt động bằng nhiên liệu rắn, được bắt đầu phát triển vào năm 2009.
Là tên lửa đạn đạo chiến lược thế hệ mới nhất, các thành phần của RS-28 đều được hoàn thiện ở cấp độ hiện đại nhất, tính năng kỹ chiến thuật vượt trội hơn hẳn các tên lửa thế hệ trước.
RS-28 có khả năng mang theo các đầu đạn nặng tới 10 tấn và tổng trọng lượng đạn tên lửa lên đến 105 tấn. So với R-36M2, RS-28 nhẹ hơn nhưng lại mang được khối lượng đầu đạn lớn hơn (R-36M2 Voevoda nặng 211 tấn với khả năng mang các đầu đạn nặng 8,7 tấn). RS-28 có tầm bắn hơn 11.000 km.
Các đầu đạn của RS-28 đều được trang bị hệ thống dẫn đường độc lập nhằm tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, đầu đạn còn có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo, giúp nó vượt qua được lá chắn phòng không đa lớp hiện đại.
Mặc dù vận tốc chính xác của RS-28 chưa được tiết lộ, các chuyên gia quân sự Nga cho rằng tốc độ siêu thanh và khả năng linh hoạt sẽ khiến RS-28 có khả năng vượt qua tất cả hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới.
Các hệ thống phòng thủ hiện đại sẽ gặp nhiều khó khăn khi theo dõi tên lửa hay đường bay của đầu đạn tên lửa RS-28 bởi khi đang bay theo quỹ đạo, đầu đạn có thể đột ngột thay đổi đường bay ở vận tốc siêu âm, ôm sát địa hình, đồng thời thay đổi độ cao cũng như độ nghiêng quỹ đạo.
Tờ Zvezda dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết RS-28 Sarmat có sức hủy diệt rất lớn, có thể san bằng một phần lãnh thổ rộng lớn có diện tích tương đương nước Pháp hoặc bang Texas của Mỹ.
"Sarmat không chỉ đơn giản là sự thay thế cho R-36M mà ở một phương diện nào đó, nó còn có thể thay đổi định hướng phát triển sức mạnh răn đe hạt nhân của toàn thế giới", các chuyên gia này khẳng định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Tướng Nga nói tên lửa liên lục địa Nga vượt Mỹ Thượng tướng Sergei Karakayev, chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu không đủ sức chống đỡ trước khả năng chiến đấu của Lực lượng tên lửa Nga. Hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars tham gia duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 9.5.2016Bộ...