Nga đang bị kéo sâu hơn vào cuộc xung đột ở Trung Đông?
Khi căng thẳng tại Trung Đông ngày càng leo thang, sự can dự của Nga vào khu vực này trở nên rõ ràng và sâu sắc hơn.
Phái đoàn quân sự Nga và Iran trong một cuộc họp tại Tehran năm 2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Bình luận trên trang web của Trung tâm Carnegie Nga và Á-Âu có trụ sở tại Berlin (Đức) mới đây, chuyên gia về Iran Nikita Smagin thuộc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, nhận định khi Trung Đông ngày càng chìm sâu vào vòng xoáy xung đột, sự tham gia của Nga vào khu vực này ngày càng trở nên rõ ràng và sâu sắc hơn.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang kéo dài gần một năm qua với cường độ xung đột chưa từng thấy, Nga, vốn duy trì lập trường trung lập và duy trì liên lạc với tất cả các bên, nay lại đang ngày càng bị lôi kéo vào cuộc xung đột do mối quan hệ đang phát triển mạnh mẽ với Iran.
Sự liên kết mới giữa Nga và Iran
Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm tăng hợp tác giữa Nga và Iran trong một sự thay đổi địa chính trị lớn. Trước đó, Nga từng nỗ lực duy trì vai trò trung lập ở Trung Đông, nhưng thực tế mới sau ngày 7/10 khi Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel dẫn đến phản ứng từ Tel Aviv với chiến dịch quân sự ở Gaza, đã khiến việc duy trì điều này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Khi Mỹ và Nga ngày càng đối đầu trực diện, Moskva bắt đầu xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Iran, một đối thủ truyền thống của Mỹ và Israel trong khu vực.
Video đang HOT
Ông Smagin cho rằng, việc này đã gây ra sự lo ngại sâu sắc tại Mỹ và Israel, đặc biệt khi Nga thường xuyên đứng về phía Iran trong các tuyên bố chính thức. Trên chiến trường Syria, Nga và Iran đã hợp tác chặt chẽ để gây áp lực lên các lực lượng Mỹ. Máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ thường xuyên thực hiện các hoạt động nguy hiểm gần nhau, trong khi các nhóm dân quân thân Iran tấn công các căn cứ của Mỹ trên mặt đất.
Mặc dù vậy, Nga vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ vai trò trung gian trước đây. Moskva vẫn duy trì các cuộc đàm phán với các cường quốc khác, bao gồm cả Israel, để tránh xung đột trực tiếp. Tuy nhiên, khi quan hệ với Iran ngày càng chặt chẽ, việc duy trì tính trung lập trở nên khó khăn hơn đối với Nga.
Nga và Iran hiện không có kế hoạch trở thành một liên minh quân sự đầy đủ, nhưng mối quan hệ này đã cho phép Nga tiếp cận thiết bị và công nghệ của Iran để sử dụng trên chiến trường ở Ukraine. Ngược lại, Moskva đang xem xét việc bán các thiết bị quân sự tiên tiến cho Tehran, bao gồm các trực thăng quân sự, máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống phòng không.
Vấn đề cấp bách nhất đối với Iran hiện tại là nâng cấp lực lượng không quân và hệ thống phòng không của mình. Đối thủ chính của họ, Israel, sở hữu lực lượng không quân mạnh nhất trong khu vực và có thể dựa vào sự hỗ trợ từ quân đội Mỹ. Với những lo ngại đó, Iran đã bắt đầu nhận các trực thăng tấn công Mi-28 và máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga.
Mặc dù quy mô của các đợt giao hàng này vẫn còn hạn chế do cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng nếu tình hình chiến sự ở Ukraine lắng xuống hoặc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, Moskva sẽ có khả năng tự do xuất khẩu thêm thiết bị quân sự cho Tehran. Điều này có thể làm thay đổi cục diện an ninh khu vực, khiến Mỹ và Israel phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan mới.
Có thể nói, việc Nga cung cấp vũ khí cho Iran có thể không ngay lập tức thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, nhưng nó gửi đi một tín hiệu rõ ràng: Moskva đang ngày càng bị kéo sâu hơn vào cuộc xung đột Trung Đông, đặc biệt khi khả năng Iran nhận được thêm các hệ thống phòng không tiên tiến từ Nga ngày càng tăng.
Quân đội Mỹ căng mình giữa những căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, châu Âu và châu Á
Quân đội Mỹ đang gặp phải thách thức lớn do sự căng thẳng gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm Trung Đông, châu Âu và châu Á.
Điều này gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động hải quân, áp lực tài chính và nguồn lực, cũng như vấn đề trong lĩnh vực phòng không.
Mỹ đã triển khai tàu sân bay tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo tờ The National (UAE) ngày 9/8, việc Mỹ phải đối mặt với những thách thức đa dạng và ngày càng gia tăng từ nhiều khu vực trên thế giới đã đặt lực lượng quân đội của nước này vào một trạng thái căng thẳng lớn. Từ cuộc xung đột ở Ukraine, căng thẳng gia tăng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương, đến những giao tranh ở Trung Đông, khả năng duy trì và triển khai lực lượng của Mỹ đang bị thử thách nghiêm trọng.
Các chuyên gia quân sự đã cảnh báo rằng Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc đồng thời xử lý các cuộc khủng hoảng đang gia tăng ở Trung Đông, châu Âu và châu Á. Đặc biệt là việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời tăng cường hoạt động hải quân để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, cũng như đối phó với nguy cơ xung đột mở rộng ở Trung Đông đang làm gia tăng áp lực lên quân đội Mỹ. Hiện tại, Mỹ có hàng nghìn quân đồn trú rải rác tại các căn cứ ở Iraq, Syria và Jordan, vốn là những tiền đồn xa xôi và thường xuyên bị tấn công.
Sự gia tăng căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt là sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran, cũng đã làm dấy lên những mối lo ngại về khả năng của Mỹ trong việc duy trì ổn định và bảo vệ lực lượng cũng như đồng minh. Vào đầu tháng này, khi tình hình leo thang, Mỹ đã triển khai thêm nhiều tài sản quân sự, trong đó có tàu sân bay và tàu chiến đến khu vực nhằm tăng cường sức mạnh hải quân cũng như sẵn sàng cho phản ứng quân sự.
Khó khăn
Mặc dù các tàu sân bay là trung tâm của sức mạnh hải quân Mỹ, khả năng triển khai và duy trì chúng trong các khu vực chiến lược đã gặp nhiều khó khăn. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đã mở rộng hoạt động triển khai tại Trung Đông và được tăng cường thêm bởi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald Ford. Dù vậy, việc duy trì hoạt động không dễ dàng trong bối cảnh một cuộc chiến khu vực đang nổi lên với sự tham gia của các lực lượng như Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Liban và lực lượng dân quân ở Iraq.
Mặc dù hải quân Mỹ có khả năng thực hiện 200-500 phi vụ không kích mỗi ngày từ hai tàu sân bay, nỗ lực duy trì an ninh, an toàn ở Biển Đỏ đã thất bại. Việc phong tỏa của Houthi đã làm giảm hơn 60% lượng vận chuyển qua khu vực này, trong khi chiến dịch không quân của Mỹ và Anh nhằm tấn công thiết bị bay không người lái và tên lửa của Houthi đã không đạt được kết quả mong muốn.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà quân đội Mỹ đang đối mặt là thách thức về tài chính và nguồn lực. Dù có ngân sách quốc phòng kỷ lục, hải quân Mỹ đang phải đối mặt với sự quá tải. Tàu sân bay USS Nimitz, một trong những tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lâu đời nhất, đang ngừng hoạt động, trong khi USS John F. Kennedy, một tàu sân bay lớp Ford, hiện đang bị chậm tiến độ ba năm và dự kiến sẽ không đi vào hoạt động cho đến giữa năm 2025.
Với việc chỉ có ba hoặc bốn tàu sân bay đang hoạt động tại một thời điểm, việc duy trì khả năng răn đe và bảo vệ khu vực trở nên khó khăn hơn. Salvatore Mercogliano, nhà sử học hàng hải tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina và là cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, cho biết: "Tôi nghĩ cách triển khai hải quân Mỹ đang gửi đi một thông điệp lẫn lộn".
Trong lĩnh vực phòng không, Mỹ cũng gặp phải thách thức lớn. Hệ thống Patriot, được tối ưu hóa để bắn hạ tên lửa đạn đạo, đã chứng minh giá trị của mình trong các cuộc tấn công ở Ukraine và vùng Vịnh. Tuy nhiên, nhu cầu về phiên bản mới nhất của hệ thống này, như tên lửa đánh chặn PAC-3, đã tăng vọt, gây áp lực lên sản xuất và kho dự trữ. Hiện tại, tập đoàn Lockheed Martin đang nỗ lực sản xuất 650 tên lửa đánh chặn mỗi năm để đáp ứng nhu cầu này.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt đạn dược toàn cầu và các giải pháp phòng không hiệu quả là những vấn đề lớn. Elizabeth Dent, một nhà phân tích quân sự tại Viện Chính sách Cận Đông Washington cho rằng, việc sử dụng tên lửa đánh chặn có giá hàng triệu USD để đối phó với thiết bị bay không người lái giá rẻ của Houthi không phải là một mô hình bền vững. Các công ty quân sự đang nghiên cứu và triển khai các giải pháp mới, như vũ khí năng lượng laser, để giảm chi phí và tăng hiệu quả.
Tóm lại, với tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng trên nhiều mặt trận, Mỹ đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc duy trì và triển khai lực lượng.
Diễn biến mới khó lường trong xung đột Trung Đông Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ra tuyên bố rắn về Hamas, trong khi quân đội nước này tấn công nhắm vào một số khu vực khác ở Trung Đông. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng qua (3.6) tuyên bố trong 24 giờ trước đó, các máy bay chiến đấu của họ đã tấn công khoảng 50 mục tiêu ở Dải...