Nga bác tin vi phạm nghị quyết LHQ khi sử dụng căn cứ Iran
Moscow bác bỏ ý kiến cho rằng Nga vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi sử dụng căn cứ của Iran để không kích ở Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters
Hôm 16/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho rằng việc Nga sử dụng căn cứ của Iran “rất có thể là hành động vi phạm” một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC)”, trong đó cấm các nước cung cấp hoặc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Iran mà chưa được UNSC chấp thuận.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua bác bỏ ý kiến này. “Không có lý do để nghi ngờ Nga vi phạm nghị quyết”, ông nói. Ông Lavrov nhấn mạnh rằng Nga “không bán, không cung cấp, cũng không chuyển giao máy bay chiến đấu cho Iran”.
“Với sự đồng ý của Iran, các máy bay này được sử dụng bởi lực lượng không quân Nga trong hoạt động chống khủng bố tại Syria, theo yêu cầu từ giới chức hợp pháp của Syria”, ngoại trưởng Nga nói thêm.
Phản ứng trước tuyên bố của ông Lavrov, Washington nói rằng họ đang đánh giá hành động của Moscow.
“Chúng tôi đang xem xét và đánh giá liệu đây có là hành vi vi phạm không. Việc này đòi hỏi một phân tích pháp lý rất chi tiết”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm 17/8 nói.
Iran và Nga là hai bên ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nga bắt đầu triển khai máy bay từ căn cứ Hamadan ở tây Iran để tấn công phiến quân ở Syria từ hôm 16/8. Bộ Quốc phòng Nga hôm qua thông báo các máy bay ném bom Su-34 tiêu diệt hơn 150 chiến binh nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Video đang HOT
Theo Vnexpress
Liên minh mới chống IS đang hình thành?
Theo mạng tin điện tử Debka, chính quyền của Tổng thống B. Obama đang liên hệ mật thiết với Nga và Iran để cứu chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong nỗ lực thành lập một mặt trận thống nhất chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Vai trò "thuyết khách" của ngoại trưởng Oman
Nếu thông tin trên được xác thực, chứng tỏ những dự đoán về khả năng Mỹ sẽ hợp tác với Iran để tiêu diệt IS sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử là chính xác. Tổng thống Mỹ Obama dự kiến sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo liên minh quốc tế chống IS, tại New York vào ngày 29-9 tới.
Hội nghị sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo cùng thảo luận và hoạch định một chiến dịch mạnh mẽ hơn nhằm đánh bại lực lượng IS tại Syria và Iraq. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Tổng thống Obama cần tìm ra một chiến lược mới chống IS hiệu quả hơn để bảo đảm hội nghị sẽ không phải là nơi để "nói suông".
Ngoại trưởng A-rập Xê-út Adel al-Jubeir (bên phải) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp gỡ tại Mátxcơva ngày 11-8. (Ảnh: AP)
Mối liên hệ không phải là dễ dàng gì mới có được giữa Mỹ, Nga và Iran nói trên có thể sẽ là cơ sở để hình thành một liên minh mới chống IS. Theo mạng tin Debka, động thái trên được xem như "chìa khóa" cho các chính sách khu vực tiếp theo của Washington, trong đó có việc thành lập một mặt trận thống nhất chống IS.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, Mỹ và Nga đang thuyết phục A-rập Xê-út cùng các đối tác ở vùng Vịnh gia nhập liên minh đang được thiết lập này. Người hăng hái đứng ra đảm nhận vai trò "thuyết khách" này là Ngoại trưởng Oman, ông Yusuf bin Alawi, vẫn được biết tới là nhà môi giới bí mật góp phần đưa I-ran và Mỹ ngồi vào bàn đàm phán về thỏa thuận hạt nhân.
Việc cứu nguy cho chính quyền của ông al-Assad có vẻ mâu thuẫn với mục tiêu ban đầu của Mỹ khi can thiệp vào cuộc xung đột tại Syria, vẫn được giới truyền thông cho là nhằm lật đổ chính quyền của ông al-Assad.
Tuy nhiên, tình hình và các điều kiện hoàn toàn thay đổi sau một năm đã trôi qua kể từ khi ông Obama đưa ra cam kết đánh bại IS tại một hội nghị cũng diễn ra tại New York, nhưng kết quả vẫn không được như trông đợi. Dường như chính quyền Tổng thống Obama đã xác định lại các ưu tiên chính sách của mình, khi IS đã thực sự trở thành mối đe dọa to lớn không chỉ đối với nước Mỹ mà còn đối với toàn thế giới.
Ông Obama lần đầu tiên đề cập tới hướng đi mới nói trên khi ngày 7-8 vừa qua tuyên bố: "Chúng ta có cơ hội đạt được một giải pháp chính trị ở Syria, một phần vì Nga và Iran đều công nhận rằng tình thế đang bất lợi với ông al-Assad. Cả hai nước bảo trợ (Syria) này đều lo ngại về nguy cơ sụp đổ của nhà nước Syria. Điều đó đồng nghĩa với triển vọng về những cuộc thảo luận nghiêm túc hơn những gì chúng ta đã tiến hành trước đây".
Sau đó, ngày 9-8, trả lời phỏng vấn CNN, ông Obama đã cho thấy sự cân nhắc chính sách rõ ràng hơn khi nói rằng: "Liệu sau khi bắt đầu các cuộc đối thoại xung quanh vấn đề hẹp này (thỏa thuận hạt nhân với Iran), chúng ta có thể tiến hành một số cuộc thảo luận rộng hơn như về Syria và khả năng tất cả các bên cùng tham gia để đạt được sự chuyển giao quyền lực mà không ảnh hưởng tới đất nước cũng như không tiếp thêm sức mạnh cho IS và những tổ chức khủng bố khác? Tôi nghĩ là có thể, nhưng không phải bây giờ".
Bước đi thận trọng
Theo mạng tin nói trên, mặc dù nhất trí quan điểm về tiêu diệt IS, tiến trình liên kết vẫn đang diễn ra một cách thận trọng, do chính quyền Mỹ và các đối tác tiềm năng vẫn còn chia rẽ trong nhiều vấn đề khác. Nhưng ưu tiên của họ là giải quyết cuộc xung đột ở Syria trước. Kế hoạch mà nhóm những nước này khởi động trong 10 ngày qua là một cuộc trao đổi, trong đó vấn đề Yemen cũng là một nhân tố.
Theo kế hoạch này, A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) sẽ trì hoãn việc trợ giúp các nhóm nổi dậy ở Syria; đổi lại quân đội và các đồng minh của ông al-Assad sẽ phải ngừng bắn.
Về phần mình, Iran sẽ bắt đầu rút lại sự hậu thuẫn đối với phiến quân Houthi ở Yemen vẫn đang trụ vững trước sự tấn công của liên quân A-rập Xê-út, UAE và Ai Cập.
Thỏa thuận ngừng bắn không chính thức tại sẽ là giai đoạn để chính quyền al-Assad và các nhóm nổi dậy khởi động đàm phán về một chính phủ mới với sự tham gia của các đảng phái đối lập. IS và Mặt trận Nusra của Al-Qaeda sẽ không được mời tham gia.
Cuộc trao đổi trên sẽ bao gồm việc Tổng thống Yemen thân phương Tây Abdrabbuh Mansour Hadi sẽ được khôi phục quyền hành và có sự tham gia của thủ lĩnh phiến quân Houthi trong mối quan hệ đối tác trong chính phủ mới tại Yemen.
Thỏa thuận này đồng nghĩa với sự bảo đảm chung giữa Mỹ và Nga về việc cho phép Tổng thống Syria al-Assad tiếp tục nắm quyền để đổi lấy việc khôi phục chức vụ cho ông Hadi tại Yemen.
Sự cố... A-rập Xê-út
Kế hoạch nói trên thực ra đã được đưa ra bàn thảo công khai và quyết định ở Doha (qatar) tại một hội nghị diễn ra ngày 3-8, có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Lavrov, Ngoại trưởng A-rập Xê-út al-Jubeir cùng các nhà ngoại giao hàng đầu khác ở vùng Vịnh.
Tại cuộc gặp này, Ngoại trưởng Iran không có mặt nhưng trước và sau đó, ông đã tham gia bàn kế hoạch bằng các cuộc điện thoại tới Muscat (Oman) vào ngày 2 và 7-8. Trong khi Ngoại trưởng Syria cũng được cử tới Muscat hồi tuần trước.
Tuy nhiên, ngay trước thời điểm gói thỏa thuận được công bố chính thức tại Doha, Ngoại trưởng A-rập Xê-út đã rút lui và phá hỏng sáng kiến vì Riyadh không ủng hộ ông al-Assad tại vị và sẽ không làm việc với bất kỳ đại diện nào của chính quyền al-Assad.
Tuy nhiên, người ta tin rằng sự cố này sẽ sớm được giải quyết sau khi Mátxcơva mời Ngoại trưởng A-rập Xê-út al-Jubeir tới Nga ngày 11-8, nhằm thuyết phục Riyadh và bàn về cuộc xung đột ở Syria cũng như cuộc chiến chống IS.
Nga đề xuất chuyến thăm này để tiếp tục đối thoại về những vấn đề được nêu ra trong sáng kiến mới tại Doha. Tới Mátxcơva, Ngoại trưởng al-Jubeir còn mang sứ mệnh thương lượng thỏa thuận mua các tổ hợp tên lửa chiến thuận Iskander của Nga. Tại Mátxcơva, ông al-Jubeir tuyên bố, A-rập Xê-út mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác với Nga trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm quân sự. Hơn nữa, A-rập Xê-út cũng mong muốn củng cố khả năng quốc phòng thời gian gần đây sau khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5 1, do lo ngại tình hình an ninh quốc gia.
Trong xu thế ấy, không loại trừ khả năng một liên minh mới chống IS đang ở giai đoạn manh nha hình thành.
Theo Mai Nguyên
Quân đội Nhân dân
Chuyên gia Nga bình luận vấn đề Biển Đông Vấn đề Biển Đông thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia Nga trong khi phía chính quyền Moscow không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột này. Đánh giá "ảnh hưởng toàn diện" của Nhật Bản tại Biển Đông Theo ông Vladimir Terekhov, chuyên gia Nga về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các sự kiện trong 2 tháng gần...