Neuralink cấy chip vào não lợn để chữa bệnh cho người
Công ty Neuralink, khởi nghiệp của tỷ phú Elon Musk đã cấy chip vào não lợn thành công, mở ra cơ hội chữa các bệnh về thần kinh ở người.
Bước tiến mới của Neuralink
Neuralink có thể cấy 4 con chip vào não người, mỗi con chip có thể kết nối tới 4.000 tế bào thần kinh. Ảnh: YouTube
Cuối tuần trước, công ty khởi nghiệp khoa học thần kinh Neuralink của tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk đã công bố một chú lợn có tên là Gertrude đã được các chuyên gia cấy một con chip kích cỡ bằng đồng xu vào não của nó suốt hai tháng và cho thấy chú lợn vẫn phát triển bình thường.
Thành tựu nghiên cứu mang tính đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI) mới này đã ngay lập tức được các nhà khoa học ca ngợi là “mở ra cơ hội hướng tới mục tiêu chữa được các chứng bệnh liên quan đến não bộ con người” bằng phương pháp cấy ghép tương tự.
Tuy nhiên, các chuyên gia thần kinh độc lập cho biết bài thuyết trình của tỷ phú Elon Musk mặc dù đã chỉ ra rằng Neuralink giành được những bước tiến lớn nhưng vẫn cần có các nghiên cứu dài hơn.
Neuralink là khởi nghiệp trị giá 180 triệu USD được ông Elon Musk đồng sáng lập cùng với Tesla Inc và SpaceX vào năm 2016, có trụ sở tại khu vực vịnh San Francisco (Mỹ) với mục tiêu cấy ghép các vi mạch máy tính không dây, bao gồm hàng nghìn điện cực vào não bộ- cơ quan phức tạp nhất của con người. Mục đích hướng tới của việc nghiên cứu này là tìm ra cách chữa trị các bệnh thần kinh như Alzheimer, suy giảm trí nhớ và các sang chấn tủy sống, chấn thương dây thần kinh và cuối cùng là kết nối con người với trí tuệ nhân tạo.
“Một thiết bị cấy ghép thực sự có thể giải quyết những vấn đề này,” ông Musk tuyên bố trên nền tảng webcast hôm 28/8, đề cập đến các chứng bệnh như mất trí nhớ, tâm thần phân liệt, mất thính giác, trầm cảm và mất ngủ.
Tuy nhiên, tỷ phú Elon Musk không cung cấp mốc thời gian cụ thể hoàn thiện các phương pháp điều trị này, đồng thời cũng không nhắc đến tuyên bố trước đó rằng các cuộc thử nghiệm gắn chip vào não người sẽ được bắt đầu vào cuối năm nay.
Tiến sĩ Matthew MacDougall, bác sĩ phẫu thuật thần kinh của Neuralink cho biết, các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của công ty sẽ được tiến hành trên một vài bệnh nhân bị chứng liệt hoặc liệt nửa người.
Ba chú heo gắn chip
Chú heo Dorothy đang trong quá trình cấy chip tại Neuralink. Ảnh: YouTube
Tại buổi thuyết trình, tỷ phú Elon Musk đã giới thiệu “bản demo ba chú lợn con được gắn chip”, trong đó con heo có tên Gertrude đã được Neuralink gắn vi mạch điện tử vào não trong hai tháng qua vẫn phát triển bình thường.
Một số chuyên gia tin rằng Neuralink có thể hữu ích trong việc giúp những người bị liệt vận động nhiều hơn. Chẳng hạn, người ta có thể gắn một chi nhân tạo được liên kết với não để giúp những người tàn tật đi lại như mọi người khác. Công nghệ này nếu hoàn thiện có thể mang lại lợi ích to lớn cho những ai bị mất hoàn toàn khả năng điều khiển tứ chi. Ngoài ra các hoạt động khác như thở, đi bộ, cầm nắm…cũng có thể được thực hiện dễ dàng thông qua Neuralink.
“Qua theo dõi chúng vẫn khỏe mạnh, hạnh phúc và không thể phân biệt được với một con heo bình thường”, ông Musk nói đồng thời cho hay, Neuralink đã tính toán được các chuyển động của các chi của con heo trên máy chạy bộ có “độ chính xác cao” dựa trên các cảm biến của con chip được cấy ghép có đường kính khoảng 23 mm.
Một nhận xét từ một người xem trực tiếp qua webcast đã mô tả các chú heo được gắn chip này là “Cypork”, tức lợn- máy.
Graeme Moffat, một nhà nghiên cứu khoa học thần kinh của Đại học Toronto cho biết, nghiên cứu của Neuralink là “bước tiến nhảy vọt” trong bối cảnh khoa học hiện tại nhờ vào kích thước, tính di động, nguồn năng lượng và năng lực không dây của con chip.
Trong khi đó, nhà khoa học thần kinh của Đại học Stanford- Sergey Stavisky thì cho biết, ông rất ấn tượng với thành tựu của Neuralink khi đã đạt được những tiến bộ đột phá kể từ cuộc thử nghiệm đầu tiên về một con chip hồi tháng 7 năm 2019.
Mặc dù đây là một nghiên cứu tiềm năng nhưng trước đó, ông Musk cũng từng cảnh báo về những rủi ro của trí tuệ nhân tạo khi ứng dụng vào lĩnh vực y tế sẽ chỉ là “một dạng cộng sinh AI nào đó, nơi bạn có một phần mở rộng AI của chính mình”.
Hiện các công ty khởi nghiệp như Kernel, Paradromics và NeuroPace cũng đang cố gắng khai thác những tiến bộ trong công nghệ vật liệu, không dây và tín hiệu để tạo ra các thiết bị tương tự như Neuralink.
Ông Elon Musk tin rằng Neuralink có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề nghiêm trọng đối với tủy sống hoặc não bao gồm liệt tứ chi. Ảnh: YouTube
Phát hiện ngoại hành tinh nhờ trí tuệ nhân tạo
Khả năng phát hiện hành tinh ngoài Hệ Mặt trời bằng thuật toán học máy là một bước tiến. Kỹ thuật này hứa hẹn sẽ giúp các nhà khoa học sàng lọc kho dữ liệu khổng lồ từ những dự án 'săn' hành tinh khác.
Từ trước đến nay, các nhà khoa học vẫn sử dụng hệ thống kính thiên văn để 'săn' các hành tinh ngoài Hệ mặt trời. Tuy nhiên, trong hàng nghìn 'ứng viên' ngoại hành tinh đó, các nhà khoa học vẫn phải sàng lọc rất nhiều dữ liệu để xác nhận đâu là hành tinh thật và đâu là tín hiệu giả.
Bởi vậy, nhóm nghiên cứu do Giáo sư David Armstrong từ Đại học Warwick (Anh) dẫn đầu đã tìm ra cách khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý công việc nặng nhọc này, mang đến một công cụ đắc lực trong nỗ lực khám phá các thế giới xa xôi.
Hành tinh là một thiên thể quay xung quanh một ngôi sao. Để phát hiện ra một hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, ông Armstrong cùng các cộng sự đã tạo ra một thuật toán dựa trên công nghệ học máy - một lĩnh vực AI cho phép các hệ thống tự động học hỏi và cải thiện hiệu suất theo thời gian. Sau đó, ông đào tạo nó bằng cách cung cấp thông tin đã được xác nhận về hành tinh thật hoặc tín hiệu giả từ kho dữ liệu của kính thiên văn Kepler đã ngừng hoạt động của NASA.
Tiếp đó, họ chuyển sang phân tích một nhóm các ứng viên ngoại hành tinh chưa được xác nhận và ngay trong lần đầu tiên, thuật toán học máy đã xác định được 50 hành tinh mới. Việc nhanh chóng phát hiện ra các ngoại hành tinh cho phép các nhà thiên văn học tập trung nguồn lực khám phá không gian mà không lãng phí thời gian cho những ứng viên hành tinh giả, ông Amstrong cho biết.
Kỹ thuật phát hiện hành tinh bằng thuật toán học máy hứa hẹn sẽ giúp các nhà khoa học sàng lọc kho dữ liệu khổng lồ từ những dự án săn hành tinh khác như Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh (TESS) đang hoạt động của NASA, hay kính viễn vọng không gian PLATO được lên kế hoạch phóng vào năm 2026 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Chỉ riêng dự án TESS đã phát hiện tới 2.100 ứng viên hành tinh.
Dùng AI phát hiện các dấu hiệu Covid-19 qua... giọng nói? Các nhà khoa học đang nghiên cứu tạo ra một ứng dụng đặc biệt có thể xác định người khám có thể mắc Covid-19 hay không bằng cách phân tích... giọng nói. Nghiên cứu này do các nhà nghiên cứu từ Đại học Carnegie Mellon (CMU) - một trường đại học nghiên cứu tư thục có trụ sở tại Pittsburgh, Pennsylvania thực hiện....