Nếu thông minh như con người, AI có thể bị thôi miên
Nếu AI đạt đến trình độ suy nghĩ và tư duy như con người, chúng cũng có thể bị tin tặc thôi miên và lừa gạt như chính chúng ta.
Theo Greene, trí tuệ nhân tạo (AI) đã không còn là chuyện khoa học viễn tưởng. Năm này qua năm khác, chúng ta chứng kiến việc các thuật toán lý thuyết của ngày hôm qua trở thành ứng dụng thực tiễn cho hôm nay.
Greene cho rằng AI ngày nay đã khá thông minh nhưng vẫn chưa đạt đến sự tự chủ. Ví dụ là việc chưa thể có một robot có khả năng vào bếp và pha một tách cà phê mà không cần trợ giúp của con người.
Con người đang cố tạo ra một AI có thể hành động và tư duy như con người.
Theo Greene, AI thật chất không có khả năng tự suy nghĩ, không có ký ức và động lực. Chúng chỉ có thể hành động theo những gì được lập trình sẵn.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu vẫn tin rằng vẫn có những phương pháp có thể áp dụng để làm ra một dạng trí tuệ nhân tạo “tự nhiên” hơn.
Một trong những cách phổ biến nhất là tạo ra một mạng lưới thần kinh nhân tạo bắt chước hoạt động não bộ của con người. Nếu điều đó xảy ra, điều quan trọng phải đảm bảo là những robot AI đó sẽ không dễ bị “thôi miên” như con người chúng ta.
Thuật thôi miên là lĩnh vực còn gây nhiều tranh cãi. Theo Greene, thôi miên tương tự trạng thái “tỉnh thức” trong tâm lý học hiện đại hay “chánh niệm” trong Phật giáo (Mindfullness), là sự tập trung toàn bộ sự nhận thức của một người vào một sự vật, sự việc, tại một thời điểm mà không để mọi thứ xung quanh tác động làm phân tâm.
Các nhà khoa học trong những nghiên cứu về thôi miên đã tìm ra một vài kỹ thuật để chứng minh giả thiết rằng một số người có thể bị đưa vào trạng thái ý thức khác thông qua việc lặp đi lặp lại một từ ngữ nào đó.
Vì vậy, Greene nghĩ rằng nếu con người có thể bị thôi miên, AI hay robot cũng có thể bị tương tự. Bởi vì, khi con người cung cấp hoặc gắn nhãn cho máy móc một lượng lớn dữ liệu, chúng cũng sẽ mang theo ít nhiều suy nghĩ của con người.
Đó là lý do tại sao GPT-3, một AI tạo văn bản, kỳ thị người Hồi giáo hoặc tại sao Đại học MIT có thể tạo ra một robot “tâm thần” Norman, bằng việc cố tình “dạy” nó những thông tin sai lệch lấy trên trang Reddit.
Chúng ta càng tiến gần đến việc mô phỏng cách con người học và tư duy cho hệ thống AI, khả năng những “bộ não nhân tạo” này bị lợi dụng càng cao.
Chúng ta cần phải chuẩn bị cho một kịch bản khi mà tin tặc có thể vượt qua hệ thống bảo mật bằng việc “thôi miên” AI, với những thủ thuật vốn không hiệu quả với máy tính truyền thống, chẳng hạn AI lắng nghe có thể bị lừa bằng âm thanh, AI nhìn cũng có thể bị qua mặt bằng hình ảnh…
Cuối bài phân tích của mình, Greene kết luận rằng về mặt lý thuyết, nếu AI xử lý được thông tin giống như cách con người tư duy, chúng hoàn toàn có khả năng bị thôi miên hoặc bị lừa gạt giống với con người chúng ta.
Robot quản gia sẽ vẫn là 'viễn cảnh'
Các nhà nghiên cứu thường vẽ ra viễn cảnh một robot quản gia có thể thay con người nấu bữa tối, rửa bát, gấp quần áo, pha trà...
Trong khoảng một thập kỷ qua, các công ty chế tạo robot và AI đã nỗ lực cho ra đời các cỗ máy có thể thực hiện một số việc nhà. Tháng trước, Boston Dynamics giới thiệu robot Spot có thể tìm và nhặt rác, dọn phòng khách, mở cửa, bật tắt công tắc... Robot Flippy của Miso Robotic đã làm bánh mì kẹp thịt trong nhiều năm qua. Một số công ty khởi nghiệp trình diễn robot gấp quần áo. Gần đây, một số nguồn tin khẳng định Amazon sắp trình làng một robot dành cho gia đình với khả năng mang vác đồ đạc và làm theo lệnh của chủ.
AI liên tục phát triển và giúp xử lý các vấn đề phức tạp hơn, trò chuyện với con người một cách tự nhiên và chính xác hơn. Tuy nhiên, các công ty chế tạo robot và AI cho rằng người dùng vẫn phải đợi khá lâu trước khi có thể sở hữu một robot phục vụ như trong phim viễn tưởng.
Viễn cảnh robot thay người giúp việc gia đình.
Thứ nhất, liệu người dùng nói chung có sẵn sàng trả tiền để sở hữu một robot quản gia đa năng không? Vấn đề không chỉ nằm ở công nghệ, mà còn ở chi phí. Thực tế, nhiều công ty gặp khó khăn trong việc thương mại hóa những món đồ phức tạp hơn Roomba - robot hút bụi nhà đã xuất hiện 20 năm qua.
"Chúng ta nói về robot phục vụ gia đình trong một thời gian dài và những gì chúng ta có đến nay vẫn chỉ là máy hút bụi. Bạn thấy robot trình diễn này kia, nhưng chuyển từ bản trình diễn thành thứ gì đó thực sự hoạt động, sau đó là thứ mà bạn có thể mua được, là cả một vấn đề", Jeff Burnstein, Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Tiến bộ (A3), cho biết.
Robot quản gia có nhiều dạng. Nó có thể là người máy, giống Rosie, hay là dưới dạng một con vật cưng như chó, mèo. Hiện robot mới phát huy tác dụng trong nhà máy, nơi có nhiều không gian, không có trẻ nhỏ xung quanh và thực hiện các công việc lặp đi lặp lại, như vặn đinh ốc.
Quan trọng hơn, theo Marc Raibert, Chủ tịch của Boston Dynamics, vấn đề lớn thứ hai cần quan tâm khi triển khai robot quản gia là sự an toàn.
"Robot càng phức tạp, càng có nhiều mối quan tâm về an toàn. Nếu robot đang ở gần một người và bất ngờ gặp lỗi, người đó có thể gặp rủi ro. Mọi thứ đều có thể diễn ra ngoài ý muốn. Năm 2015, một người đàn ông 22 tuổi đã thiệt mạng khi hỗ trợ thiết lập một robot tại một nhà máy Volkswagen ở Đức. Robot đó đẩy anh ta vào một tấm kim loại và chèn anh ta. Cũng trong năm đó, cánh tay của một robot bị trục trặc và va vào đầu một phụ nữ trong nhà máy ôtô ở Michigan", Raibert nêu ví dụ.
Các công ty chế tạo robot cho biết, việc làm cho những cỗ máy phức tạp trở nên thân thiện với hộ gia đình hơn chắc chắn càng tăng chi phí sản xuất và giá bán. Hiện một robot di động trong các nhà máy có thể đắt gấp đôi một chiếc ôtô mới. Ví dụ, chó robot Spot có giá khoảng 75.000 USD chưa tính bộ phận gắn cánh tay. Nếu không có cánh tay, về cơ bản nó là một máy giám sát di động. Một quản gia robot với khả năng tự động hoàn thành nhiều nhiệm vụ có thể đắt gấp 10 lần số trên.
Trong khi đó, đa số người dùng không sẵn sàng trả nhiều hơn vài nghìn USD. Nếu đắt hơn, họ sẽ chọn thuê con người. Năm 2020, chuỗi siêu thị Walmart đã rút các robot kiểm kê sau khi nhận thấy con người có thể thống kê sản phẩm đơn giản và hiệu quả hơn so với những cỗ máy cồng kềnh cao 1,8 m.
Một vấn đề khác của robot là sự khéo léo. Hầu hết có thể kẹp, nắm hoặc dùng lực để giữ một đồ vật. Còn con người với 10 ngón tay có thể điều khiển mọi thứ với hình dạng và kết cấu khác nhau. Chân tay robot linh hoạt giống con người đã ra đời, nhưng tiêu tốn hàng chục nghìn USD để sản xuất.
"Sẽ là cả một chặng đường dài để giải quyết vấn đề và đạt được mức giá tiêu dùng đại trà", Tim Enwall, Giám đốc điều hành Misty Robotics, công ty chuyên sản xuất robot cho gia đình và văn phòng, nói. Ông cho rằng robot sẽ phổ biến hơn khi đảm nhiệm một tác vụ duy nhất, như giao thực phẩm, gói hàng, dọn bề mặt...
Trong khi đó, Marc Raibert nhận định: "Chúng ta sẽ thấy robot gia đình trong vòng 8 - 10 năm tới. Ai đó sẽ đi tiên phong trong việc cho ra đời một cỗ máy có chi phí thấp hơn và thực hiện được một loạt công việc hữu ích. Tôi tin điều đó, nhưng không phải ngay ngày mai".
Tranh NFT của robot Sophia sắp được đấu giá Những bức tranh do robot hình người Sophia vẽ sắp được bán đấu giá dưới dạng NFT. Sophia cho biết: "Tôi hy vọng mọi người thích tác phẩm của tôi, mong rằng tôi và con người có thể hợp tác với nhau trong tương lai". Robot Sophia đứng giữa các tác phẩm trong xưởng vẽ Trong xưởng vẽ, Sophia mặc một chiếc váy...