“Nếu mưa cực đoan thì chẳng hồ nào chịu nổi!”
Đó là băn khoăn, suy nghĩ của ông Đinh Quang Dương – Chi cục trưởng, Chi cục thủ lợi Thanh Hoá khi nói về những hồ đập bị vỡ tại Tĩnh Gia (Thanh Hoá) vừa qua.
Hồ Yên Mỹ tiếp tục xả nước nên 20 hộ dân ở xã Công Bình vẫn bị cô lập (ảnh: Gia Anh)
Theo khảo sát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có tới 610 hồ, đập lớn nhỏ. Trong đó có hồ Cửa Đạt (tại huyện Thường Xuân, Thanh Hoá) có dung tích là 1,5 tỷ m3; Hồ Sông Mực (trên địa bàn huyện Như Thanh, Thanh Hoá) có dung tích chứa 200 triệu m3; Hồ Yên Mỹ ( trên địa bàn huyện Nông Cống) có dung tích là 82 triệu m3 và hồ Hao Hao có dung tích 10 triệu m3, còn lại là những hồ từ 200 nghìn m3 trở lên như Hồ Đồng Đáng (ở xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia) và hồ Thung Cối (ở xã Phúc Lâm, huyện Tĩnh Gia) nằm trên địa bàn huyện Tĩnh Gia.
Vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, 5 xã của huyện Tĩnh Gia đã bị ngập chìm trong nước lũ, nguyên nhân dẫn tới việc ngập lụt đó là do vỡ hồ Đồng Đang, Thung Cối và 2 đập trên địa bàn huyện Tĩnh Gia.
Mưa lũ vừa qua đã làm hàng nghìn người dân đứng trước khó khăn về đời sống kinh tế (ảnh: Gia Anh)
Cơn mưa xảy ra vào đêm 30/9 đến sáng ngày 1/10 đã làm hàng nghìn người dân thuộc các xã Tân Trường, Trường Lâm, Tùng Lâm, Mai Lâm bị ngập trong nước. Nhiều diện tích hoa màu và tài sản đã cuốn theo mưa lũ. Tính tổng thiệt hại ban đầu thì huyện Tĩnh Gia đã thiệt hại lên đến 135 tỷ đồng.
Video đang HOT
Riêng huyện Nông Cống thì có 3 xã ảnh hưởng và thiệt hại lên đến 114 triệu đồng, trong đó có hai em học sinh bị nước lũ cuốn trôi.
Sau 5 ngày kể từ khi nước lũ tràn về, hiện nay công tác khắc phục sau lũ cũng đang được UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo quyết liệt. Tại vùng lũ Tĩnh Gia, các ngành chức năng đang quan tâm đến đời sống bà con nhân dân, khảo sát những hộ thiếu ăn để có sự cứu trợ kịp thời vì đợt lũ vừa qua đã làm lúa vừa gặt bị ẩm mốc; học sinh đến trường thì không còn sách vở. Riêng tại xã Công Bình, huyện Nông Cống, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn hơn vì tính đến chiều ngày 5/10 còn 20 hộ với 84 dân ở làng Đồng Cốc, thôn Yên Lẫm 2, xã Công Bình bị cô lập hoàn toàn do nước của hồ Yên Mỹ vẫn tiếp tục xả.
Ông Nguyễn Tuấn Hùng – Bí thư Đảng uỷ xã Công Bình cho biết: “Chúng tôi vẫn đang cố giữ liên lạc với nhân dân trong vùng bị cô lập, vì nước đang còn cao chưa rút hết nên để vào được đó cũng rất khó khăn. Hồ Yên Mỹ vẫn đang còn xả 1 cửa nên nước trong vùng vẫn còn, chưa rút hết được. Chúng tôi cũng cố gắng để đưa nước uống và mì tôm cứu trợ cho 20 hộ dân sống trong đó”.
Cũng theo ông Hùng, làng Đồng Cốc là nơi cô lập hoàn toàn. Cách trung tâm xã khoảng 3km, trong khi đó nước từ hồ Yên Mỹ xả xuống đã làm nước bao phủ 1km đường vào trong thôn.
Liên quan đến chất lượng an toàn của các hồ, đập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nhất là sự cố vỡ hồ, đập tại huyện Tĩnh Gia vào ngày 1/0 vừa qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi rõ vấn đề này với ông Đinh Quang Dương – Chi cục trưởng, Chi cục thuỷ lợi, Sở NN&PTNT Thanh Hoá vào chiều ngày 5/10.
Ông Dương cho biết: “Sự việc vỡ 2 hồ chứa nước tại huyện Tĩnh Gia là ngoài ý muốn. Bởi lượng mưa quá lớn, chỉ trong vòng 12 tiếng đồng hồ với lượng mưa đo được cao nhất là 663mm thì khó mà khắc phục nổi. Lượng mưa lớn như vậy đổ về thì hồ sẽ không chịu được. Nước tràn qua đập đất rồi xoáy sâu khiến hồ bị vỡ”.
Được biết, hồ Đồng Đáng (có tổng dung tích 300.000 m3) đã bị vỡ 50m, hồ Thung Cối (có dung tích 200.000 m3) bị vỡ 20m. Nguyên nhân việc vỡ hồ là do chất lượng của các hồ này đều xây dựng từ thập kỷ 70 – 80 với thiết kế dung tích không còn hợp với thực tế khi khí hậu đang biến đổi phức tạp. Tần xuất mưa 0,5 trong khi hệ thống lũ là 1%, vượt quá tiêu chuẩn cho phép của hồ, chính vì thế mà việc hồ bị vỡ là hoàn toàn có thể xảy ra nếu lượng mưa tập trung lớn và cục bộ đến như vậy.
Được biết, hầu hết năm nào cũng có kinh phí tu sửa, nâng cấp, cải tạo các hồ, đập trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá (trong đó huyện Tĩnh Gia có tới 15 hồ, đập lớn nhỏ) nhưng năm 2013 vẫn chưa có kinh phí để sửa chữa, cải tạo nâng cấp.
Trong 610 hồ thì từ những năm 2000 đến nay chỉ nâng cấp được 137 hồ còn lại 400 hồ chưa được nâng cấp vì chưa có kinh phí hỗ trợ. Qua khảo sát của Chi cục thuỷ lợi tỉnh Thanh Hoá thì có tới 92 hồ chứa nước mất an toàn, trong đó có 17 hồ không được tích nước vì nguy cơ bị vỡ rất cao. Tính bài toán cho kinh phí nâng cấp cho 400 hồ còn lại thì cũng phải mất từ 10 đến 15 tỷ đồng/ hồ tùy theo quy mô.
“Chúng tôi biết cả đấy chứ nhưng không có tiền để nâng cấp, cải tạo. Nếu như cứ mưa cực đoan như vừa qua tại huyện Tĩnh Gia thì chẳng có hồ nào chịu được” – ông Dương cho biết thêm.
Cũng theo ông Dương thì sự cố vỡ hồ đập tại huyện Tĩnh Gia vừa qua tính sơ bộ cũng thiệt hại 150 tỷ đồng.
Hiện nay, theo ghi nhận của PV, những vùng ảnh hưởng của cơn lũ đầu tháng 10 vừa qua đã khiến tình hình dời sống bà con trong vùng gặp nhiều khó khăn. Nhất là đang bước vào vụ đông sắp tới khi mà nước vẫn chưa rút hết, giống cây bị hư hại nặng. Công tác khắc phục sau mưa lũ vẫn đang được các cơ quan, ban, ngành tỉnh Thanh Hoá khẩn trương chỉ đạo.
Gia Anh
Theo infonet
Nước mắt trên quê hương thứ 2 của vị Đại tướng huyền thoại
Điện Biên được coi là quê hương thứ hai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đã từ lâu, nhân dân các dân tộc Điện Biên tôn thờ Đại tướng như một vị thần của bản làng, người đã lãnh đạo nhân dân các bản mường đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đến khi tuổi già, sức yếu, ông vẫn tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiến nghị Trung ương giúp đỡ nhân dân địa phương xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Hôm nay, trên địa bàn xã Mường Phăng, nơi căn cứ Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, bà con các bản làng nghẹn ngào nghe tin ông mất, để rồi ngồi ôn lại những công lao của Vị Đại tướng huyền thoại đối với nhân dân các dân tộc Tây Bắc.
Nhân dân xã Mường Phăng lặng người khi nghe Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Biên thông báo tin Đại tướng qua đời.
Ngay từ sáng sớm ngày 5/10, bà con xã Mường Phăng đã tụ họp về nhà Trưởng bản Lò Văn Ương dưới chân Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Bí thư Đảng uỷ xã Lò Văn Biên nghẹn giọng đi thông báo tin: "Vị thần hộ mệnh" của bản làng đã ra đi mãi mãi. Trong tiếng nức nở, những người đã từng được gặp Đại tướng ngồi ôn lại những kỷ niệm của mình. Ôm khư khư trong tay bức ảnh chụp chung với Đại tướng vào dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2004), cụ Lù Thị Đôi, năm nay tròn 100 tuổi ở bản Phăng nghẹn ngào kể lại bằng tiếng dân tộc Thái: Năm đó, cụ được đích thân Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình, bắt đầu xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng căn dặn cụ: "Nhiệm vụ này rất quan trọng, cô là Trưởng ban vận động của địa phương, phải tích cực tuyên truyền bà con ủng hộ chiến dịch, nhưng cũng phải tuyệt đối giữ bí mật việc xây dựng căn cứ chỉ huy để đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi". Sau đó, cụ như con thoi, đi khắp các bản làng tuyên truyền vận động bà con, đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngay sau ngày chiến thắng, Đại tướng lại gặp cụ, căn dặn là đất nước giải phóng rồi, nhưng vẫn phải tham gia công tác để xây dựng đất nước, xây dựng bản làng, Đảng và Nhà nước sẽ có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Nghe lời Đại tướng, cụ đã tham gia công tác, làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mường Phăng trong nhiều năm rồi mới nghỉ hưu. Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên thăm bà con nhân dân vùng căn cứ cách mạng. Đại tướng đã cho người đến tận nhà mời cụ đến chụp ảnh chung, bởi sức khoẻ của ông đã yếu, không biết sau này có còn lên với bà con được nữa không.
Trưởng bản Lò Văn Ương thay mặt cho nhân dân địa phương phát biểu: Năm Đại tướng lên thăm bà con, nhân dân khắp vùng đã kéo đến để gặp "Vị thần" và cũng là người con của bản làng. Bà con ở vùng này chịu ơn ông cụ lắm, vì đã giúp nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm năm xưa, bây giờ lại tiếp tục chỉ đạo, giúp đỡ nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo. Trên địa bàn xã đã mọc lên những ngôi trường được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của ông cụ và gia đình, giờ có ngôi trường đã mang tên Đại tướng. Nay nghe tin cụ Giáp mất, bà con buồn lắm vì tình cảm đã quá sâu nặng, cứ như trong bản mất đi người già làng vậy.
Cụ Lù Thị Đôi, tròn 100 tuổi ở bản Phăng, xã Mường Phăng, người được Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình, xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 với bức ảnh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004.
Tại Ban quản lý hồ Lọong Luông ở xã Mường Phăng mà bà con vẫn gọi là "Hồ Đại tướng", bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết ngày 30/9/2008 gửi Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đề nghị cho xây dựng hồ thuỷ lợi này đã được phóng to, treo lên trang trọng từ ngày khởi công công trình. Trong thư, Đại tướng viết: "Mường Phăng là một trong những di tích lịch sử quốc gia cần được bảo tồn. Đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng đã từng đóng góp sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng đất nước, đồng thời góp phần giữ gìn di tích của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Để tạo điều kiện cho đồng bào xã Mường Phăng thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng xây dựng dự án trên". Bí thư Đảng uỷ xã Lò Văn Biên cho biết: "Sau khi hồ Lọong Luông được khánh thành vào đúng ngày 7/5/2013, công trình này đã cấp nước tưới cho 150ha đất trồng lúa sản xuất 2 vụ của bà con nhân dân các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú... thuộc 6 bản trên địa bàn xã Mường Phăng. Đồng thời công trình này cũng phục vụ cải tạo, tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho Khu di tích lịch sử Mường Phăng - Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Điện Biên cũng đã bàn giao hồ Loọng Luông 1 cho nhân dân các bản trong khu vực quản lý để thả cá, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương. Nhân dân các dân tộc địa phương rất ghi nhớ công ơn của Đại tướng. Cụ mất đi, hỏi đồng bào chúng tôi không đau buồn sao được".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam đã mất đi trong niềm thương xót vô bờ của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Nỗi niềm của bà con trước sự mất mát này cũng giống như tâm sự của lão thành cách mạng Mùa A Sấu, 80 tuổi ở phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ: "Tôi đi làm liên lạc cho bộ đội ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa từ khi còn nhỏ. Ngày chưa giải phóng, cán bộ nói sau này cách mạng thành công, nhân dân sẽ có đường đi, trường học, bệnh viện cho toàn dân được hưởng. Bây giờ những điều mơ ước đã thành hiện thực nhờ công lao của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, giải phóng Điện Biên và đất nước. Tôi vẫn nói chuyện với bà con ở quê mình là mong muốn trong ngày Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2014), bà con sẽ được nhìn thấy Đại tướng, hay ít nhất là được nghe lời Đại tướng nói với nhân dân Điện Biên từ nơi dưỡng bệnh của mình. Hôm nay nghe tin ông mất, vậy là mong ước của chúng tôi đã mãi mãi không còn được thực hiện rồi".
Theo infonet
Người đào vàng xuyên thế kỷ chết trên núi Mã Cú Tin từ UBND xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) chiều 6/10 cho biết, người đi tìm kho vàng của vua Hàm Nghi suốt 30 năm nay - ông Nguyễn Hồng Công - đã chết trong lán trên núi Mã Cú, thôn Đăng Hóa, xã Hóa Sơn. Xác của ông Công được một người dân phát hiện vào khoảng 7 giờ ngày...