Nếu không có vị trí việc làm, thầy cô đừng nhọc công học chứng chỉ thăng hạng
Nhà trường không có vị trí việc làm thì thầy cô cũng không được cử đi dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Thăng hạng gắn với vị trí việc làm
Ngày 12/2/2020, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020. [1]
Trong đó có nội dung đáng chú ý là, các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng và ban hành kế hoạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31/3/2020; hoàn thành việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31/12/2020.
Thông tin này khiến nhiều giáo viên phấn khởi, quan tâm bởi sau khi được thăng hạng thì các khoản lương, phụ cấp sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, có phải mọi giáo viên có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản thì được dự thi hoặc xét thăng hạng không?
Nếu không có vị trí việc làm, thầy cô đừng nhọc công học chứng chỉ thăng hạng. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Khoản 2, Điều 5 của Thông tư số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nội vụ đúng là quy định như thế, nhưng nếu nhà trường không có vị trí việc làm thì thầy cô cũng không được cử đi dự thi/xét thăng hạng. [2]
Chúng tôi đem băn khoăn này hỏi Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thì được thầy khẳng định là đúng như thế.
Thầy Hiệu trưởng chia sẻ, giả sử một trường có quy mô khoảng 100 giáo viên, trong đó có 10 tổ chuyên môn thì được khoảng 30 vị trí việc làm, trong đó cốt cán là tổ trưởng và tổ phó chuyên môn.
Như vậy, có thể một trường có nhiều giáo viên đảm bảo đủ điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng nhà trường không có vị trí việc làm thì thầy cô cũng không được cử đi xét/thi thăng hạng.
“Trước khi tham gia học thăng hạng, thầy cô nên tìm hiểu thật kĩ về nhu cầu vị trí việc làm ở từng đơn vị để khỏi mất công sức, thời gian, tiền bạc.
Thực tế có nhiều giáo viên đua nhau đi học các loại chứng chỉ nhưng sau đó không được nhà trường cử đi thi thăng hạng thì tâm tư là không đúng”, thầy Hiệu trưởng nhắn gửi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc quy định này hoàn toàn có cơ sở, bởi sau khi được thăng hạng (3 lên 2) thì nhiệm vụ mới của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông tương đương một chuyên viên phụ trách chuyên môn.
Nhiệm vụ của giáo viên hạng 2
Video đang HOT
Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên (bậc phổ thông) hạng 3 (chưa thăng hạng), giáo viên hạng 2 (đã được thăng hạng) còn phải thực hiện thêm một số nhiệm vụ cụ thể như sau.
Thứ nhất, làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên phổ thông hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới.
Thứ hai, hướng dẫn sinh viên thực hành sư phạm khi được phân công.
Thứ ba, vận dụng hiệu quả sáng kiến kinh nghiệm, tham gia đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp viết sáng kiến kinh nghiệm, sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cấp trường trở lên.
Thứ tư, tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông từ cấp trường trở lên.
Thứ năm, chủ trì các nội dung bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên để ở tổ chuyên môn.
Thứ sáu, tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên phổ thông cấp trường trở lên.
Thứ bảy, tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm giỏi từ cấp trường trở lên.
Thứ tám, tham gia ra đề và chấm thi học sinh giỏi phổ thông từ cấp trường trở lên. [4,5]
Có thể nhận thấy, giáo viên hạng 2 là đội ngũ cốt cán tham gia vào các công việc chuyên môn quan trọng của tổ chuyên môn và nhà trường ngoài nhiệm vụ dạy học và giáo dục thông thường.
Lương, phụ cấp của giáo viên có tăng sau khi thăng hạng?
Tại Khoản 2, Điều 15 Thông tư 12/2012/TT-BNV và Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV, việc xếp lương sau khi nâng ngạch công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là giáo viên) được quy định như sau. [3]
Trường hợp giáo viên chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.
Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Trường hợp giáo viên đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.
Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Trường hợp giáo viên có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới, thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm nhiên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ.
Thời gian hưởng lương ở ngạch mới (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu) và thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương ở ngạch mới.
Sau đó, nếu giáo viên tiếp tục được nâng ngạch hoặc chuyển ngạch khác, thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm nhiên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm khi nâng ngạch hoặc chuyển ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới.
Như vậy, sau khi thăng hạng, tùy vào hệ số lương và phụ cấp hiện hưởng mà mức lương và phụ cấp mới của giáo viên sẽ thay đổi, có thể bằng hoặc lớn hơn mức lương hiện hưởng chứ không phải sẽ đương nhiên cao hơn mức lương hiện hưởng.
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-the-tat-ca-giao-vien-se-duoc-hoan-tat-thang-hang-trong-nam-2020-post207075.gd
[2] //giaoducthoidai.vn/ket-noi/giu-hang-giao-vien-thcs-hang-ii-co-can-phai-hoc-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-3949925-b.html
[3] //thukyluat.vn/news/phan-tich-chinh-sach/luong-phu-cap-cua-giao-vien-co-duong-nhien-tang-sau-khi-thang-hang-71609.html
[4] Nhiều tác giả, Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2019.
[5] Nhiều tác giả, Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2019.
Ánh Dương
Theo giaoduc.net
Các thầy cô có cần ép mình thi thăng hạng?
Thầy cô có cần thiết ép mình đi thi thăng hạng hay không? Để rồi: "Vừa bước ra khỏi phòng thi thăng hạng nhiều giáo viên phải bật khóc nức nở".
Theo Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT "Việc cử giáo viên dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương".
Thi thăng hạng giáo viên (Ảnh minh họa: baoquangngai.vn).
Những giáo viên nào được cử dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp?
Những giáo viên được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thăng hạng; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
Có đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thăng hạng theo quy định tại: Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non; Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập; Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập; Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông công lập.
Dự thăng hạng giáo viên bằng những hình thức nào?
Có hai hình thức dự thăng hạng giáo viên đó là thi thăng hạng và xét thăng hạng.
Đối với hình thức thi thăng hạng thực hiện theo quy định của Thông tư số 20/2015/TT- BGDĐT.
Đối với hình thức xét thăng hạng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2017/TT- BGDĐT.
Các địa phương có thể thực hiện một trong hai hình thức trên.
Những giáo viên nào được xét miễn thi/xét các môn Ngoại ngữ, Tin học?
Tính đến ngày 31/12 của năm thi nếu giáo viên nam đủ 55 tuổi trở lên, giáo viên nữ đủ 50 tuổi trở lên có bằng tốt nghiệp thứ 2 ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga .. thì được miễn thi môn ngoại ngữ; tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành trở lên được miễn thi môn Tin học.
Khi được thăng hạng giáo viên có quyền lợi và trách nhiệm gì?
Khi được thăng hạng thì ngoài lợi ích được hưởng về lương, giáo viên sẽ phải cống hiến nhiều hơn, làm những việc khó hơn mà người ở hạng thấp không làm được hoặc không có cơ hội để làm.
Giáo viên muốn hưởng lợi ích nhiều hơn về lương và khẳng định mình thì họ bắt buộc phải cố gắng phấn đấu tích lũy các minh chứng đủ điều kiện thăng hạng, nếu không họ chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng đang giữ.
Theo những phân tích trên thì thầy cô có cần thiết ép mình đi thi thăng hạng hay không? Để rồi: "Vừa bước ra khỏi phòng thi thăng hạng nhiều giáo viên phải bật khóc nức nở".
Anh Minh
Theo giaoduc
Năm 2020, lương giáo viên tiểu học sẽ có những điểm mới nào? Tại Điều 76 của Luật Giáo dục 2019 quy định về tiền lương của giáo viên như sau: Giáo viên được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp. Đồng thời, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Năm 2020, lương giáo viên tiểu học sẽ có những điểm...