Nếu hạ chuẩn cho vay, ngân hàng sẽ đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại
Đó là ý kiến của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng về quan điểm không hạ chuẩn cho vay của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến phản hồi của doanh nghiệp về khó tiếp cận vốn vay hỗ trợ.
Ngân hàng Nhà nước giữ quan điểm không hạ chuẩn cho vay. Ảnh: Internet
Theo bà Hồng, dịch COVID-19 xảy ra đã tác động trên diện rộng đến các DN và người dân. Có DN chịu tác động trực tiếp, có DN chịu tác động gián tiếp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của các TCTD ở 2 góc độ.
Thứ nhất là các TCTD cũng là DN cung ứng vốn và dịch vụ thanh toán cho các DN nên khi DN và người dân bị ngưng trệ hoạt động SXKD thì đồng nghĩa với việc là nguồn thu dịch vụ của các TCTD cũng sẽ bị giảm xuống, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các TCTD.
Góc độ thứ hai rất quan trọng, đó là TCTD là trung gian tài chính, là tổ chức nhận tiền gửi của DN và người dân và cho DN và người dân vay. Khi DN và người dân bị ảnh hưởng không có nguồn thu thì đồng nghĩa với việc khó khăn trong việc trả nợ và theo đó ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các TCTD.
Khi nợ xấu phát sinh thì các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro và do đó cũng làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của DN. Bài toán làm sao để NHNN thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tối đa cho DN và người dân là vấn đề Thống đốc chỉ đạo rất quyết liệt. Tuy nhiên vừa giải quyết khó khăn cho DN và người dân nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động của các TCTD là không được phá vỡ các tiêu chí về an toàn hoạt động của các TCTD.
Video đang HOT
Nếu như hạ chuẩn cho vay hoặc phá vỡ các tiêu chí về đảm bảo an toàn thì hệ thống các TCTD sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn trở lại như đã từng xảy ra trong giai đoạn trước đây. Suy cho cùng khi hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng thì cũng sẽ tác động và gây hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính vì vậy, ngày 5/5, Ủy ban Kinh tế thuộc Quốc hội đã tổ chức một phiên họp thẩm tra báo cáo kinh tế của Chính phủ cho kỳ họp tới. Tại đó đại diện của Hiệp hội DN vừa và nhỏ đã phát biểu và phân tích, thấu hiểu được những cái khó của hoạt động ngân hàng. Hiệp hội cũng đề nghị rằng cần có các giải pháp khác để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, ví dụ như để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cho DN và người dân thì có thể thúc đẩy việc bảo lãnh của Chính phủ cho DN. Hy vọng trong thời gian tới sau cuộc đối thoại với các DN vào ngày 9/5, các DN cũng như các bộ, ngành sẽ cân nhắc có những giải pháp tích cực hơn, quyết liệt hơn.
Có nên sử dụng công cụ tái cấp vốn để giúp các NHTM giảm lãi suất thời điềm này?
Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là dòng tiền, là thanh khoản, chứ không phải là vay tiền để đầu tư mới, lãi suất không phải là điểm nghẽn tín dụng. Do đó, đề xuất sử dụng công cụ tái cấp vốn với tỷ lệ chiết khấu phù hợp để giúp các NHTM có thể giảm 30% lãi suất so với mức hiện hành là chưa đúng và cũng chưa trúng...
Theo các chuyên gia, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, mà điển hình là Thông tư 01 ngày 13/3/2020 và Chỉ thị 02 ngày 31/3/2020. Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã và đang tích cực thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ, giảm lãi/phí, giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục cho vay mới các khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh triển khai Thông tư 01, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng triển khai hàng loạt gói tín dụng khoảng 285.000 tỷ đồng (nay lên khoảng 300 nghìn tỷ đồng) lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5-2,5%/năm, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Gói tín dụng hỗ trợ lên tới gần 300.000 tỷ của các ngân hàng đang được đánh giá cao về tính cần thiết với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn tin từ các ngân hàng cho biết, hiện nay hồ sơ doanh nghiệp, cá nhân dồn dập gửi đến NHTM xin hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất. Phía các NHTM cũng cần có thời gian thẩm định hồ sơ, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đồng thời đảm bảo an toàn vốn, tránh trục lợi chính sách.
Có nên sử dụng công cụ tái cấp vốn?
Mới đây đã có đề xuất cơ quan quản lý cần sử dụng công cụ tái cấp vốn với tỷ lệ chiết khấu phù hợp cho các NHTM để trực tiếp chỉ đạo các NHTM giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp công nghiệp (mức giảm lãi suất bằng 30% so với mức lãi suất hiện nay trong thời hạn 12 - 24 tháng).
Theo Luật Ngân hàng Nhà nước: Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của NHNN nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức: Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá; Chiết khấu giấy tờ có giá; Các hình thức tái cấp vốn khác.
Cùng với các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ, công cụ tái cấp vốn đã được NHNN sử dụng hiệu quả nhằm đảm bảo mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Với đề xuất trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng chỉ đúng một phần nhưng chưa đủ và chưa trúng với khó khăn hiện nay của doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực phân tích, theo quy định của Luật NHNN và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn (gần đây nhất là Thông tư 24/2019 của NHNN, hiệu lực 18/1/2020), mục đích chính của cho vay tái cấp vốn của NHNN là (i) hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, và (ii) hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với ngành, lĩnh vực được Chính phủ, NHNN khuyến khích phát triển), thời hạn tối đa là 12 tháng, lãi suất hiện nay là 5%/năm (giảm từ 6%/năm từ ngày 16/3/2020). Trong Chỉ thị 02 ngày 31/3/2020 của NHNN cũng có đề cập đến hình thức cho vay tái cấp vốn đối với các TCTD để thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tức là, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn để hỗ trợ một phần đối với các TCTD trong việc cho vay mới hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì đề xuất dùng tái cấp vốn để hạ lãi suất là chưa đủ và chưa trúng. Ông Lực nhìn nhận, việc cho vay tái cấp vốn này sẽ không được bao nhiêu và cũng rất hạn chế để hỗ trợ các TCTD để giảm lãi suất. Bởi lẽ, theo qui định, NHNN chỉ cho vay tái cấp vốn tối đa 60% đối với dư nợ tín dụng cần tái cấp vốn, còn lại 40% sẽ xử lý như thế nào? Hơn nữa, nếu hạ lãi suất tái cấp vốn xuống rất thấp để hỗ trợ lãi suất cho NHTM, thì bản chất chính là "dùng tiền ngân sách" để bù lãi suất giống như năm 2009, sẽ rất phức tạp khi triển khai và đôi khi dòng vốn lại chảy vào những chỗ rủi ro, gây hệ lụy lâu dài.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất không phải là điểm nghẽn tín dụng hiện nay, vì lãi suất cho vay hiện nay đang ở mức khá thấp, đã giảm 1-2,5%/năm so với lãi suất thông thường, các TCTD đã tung ra nhiều gói tín dụng cho doanh nghiệp và cá nhân khác nhau, nhưng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu (hết quý I, tín dụng mới tăng 1,3% so với mức tăng 3,2% cùng kỳ năm 2019).
Đồng quan điểm, TS.Lê Xuân Nghĩa cho hay, trong giai đoạn này, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh hầu như bị ngưng trệ (phía cung), hoặc có sản xuất được thì không tiêu thụ được (phía cầu) khi các dịch vụ ăn uống, đi lại đang trong tình trạng phải giảm tối đa, nên vấn đề không phải là giảm lãi suất cho vay mới để doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn là nhiệm vụ ưu tiên.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang rất tích cực
Theo TS. Cấn Văn Lực, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là dòng tiền, là thanh khoản, chứ không phải là vay tiền để đầu tư mới (vì đầu ra bị ảnh hưởng nghiêm trọng). Vì thế, việc Chính phủ cho phép giãn-hoãn nợ, giảm một phần lãi đối với nợ cũ, giữ nguyên nhóm nợ để được vay mới, giãn hoãn thuế và tiền thuê đất, cho vay lãi suất 0% để trả lương, và sắp tới là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 20% xuống 15-17%) là rất đúng và trúng rồi.
"Chúng ta nên tập trung vào điểm huyệt này! Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý thêm: nếu lãi suất đi vay quá thấp (được ưu đãi nhiều), đôi khi doanh nghiệp lại đi vay để đảo nợ, để vay bằng được mà thiếu phương án đầu tư - kinh doanh khả thi thì sẽ tiềm ẩn rủi ro lâu dài"- TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS.Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý thêm, thực tế, mới đây, NHNN đã giảm một loạt lãi suất điều hành, cùng với sử dụng nghiệp vụ trên thị trường mở, tăng lãi suất tiền gửi trong dự trữ bắt buộc bằng VND của TCTD tại NHNN thêm 0,2%/năm, từ 0,8%/năm lên 1%/năm, qua đó gián tiếp tạo điều kiện cho NHTM giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu có áp dụng công cụ tái cấp vốn thì cần xem xét trong những điều kiện cụ thể, chẳng hạn khi dịch qua đi, cần khôi phục nhanh lại sản xuất kinh doanh (sức cung) và sức cầu, hỗ trợ được tăng trưởng. Tuy nhiên, sử dụng công cụ tái cấp vốn đòi hỏi sự thận trọng, "như rải một nắm thóc cho đàn gà, trong đó sẽ có những con gà yếu, không hấp thụ được, hiệu quả không cao" - TS. Lê Xuân Nghĩa ví von. Ông nhấn mạnh, khi sử dụng công cụ này, nhà điều hành sẽ phải cân nhắc làm thể nào vẫn đảm bảo kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn.
Về bản chất gói tín dụng 285 nghìn tỷ (nay là 300 nghìn tỷ) không phải là khoản tiền do Ngân sách Nhà nước bỏ ra để hỗ trợ nền kinh tế, mà đó là nguồn vốn của các NHTM, là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp mà các ngân hàng đang phải trả lãi huy động. Chương trình tín dụng này do các NHTM đăng ký triển khai với NHNN trên tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, không có sự hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước. Tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả sẽ được các TCTD xem xét cho vay phù hợp với quy định của pháp luật và chính sách nội bộ của TCTD. Cơ chế, quy trình cho vay của gói tín dụng này cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, trách nhiệm vay - trả thuần túy là giữa các ngân hàng và bên vay vốn, có chăng thủ tục sẽ nhanh gọn hơn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn tùy thuộc vào từng dự án, khách hàng vay vốn.
Theo báo cáo của NHNN, đến nay, các TCTD đã cho vay mới đối với 354.286 khách hàng (trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội 275.000 khách hàng), doanh số cho vay đạt 165.208 tỷ đồng (trong đó NHCSXH 12.000 tỷ đồng).
Linh Phương
Tập đoàn AIA báo lợi nhuận kinh doanh sau thuế năm 2019 tăng 9%, lên hơn 5,74 tỷ USD Tập đoàn AIA vừa thông báo kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng ở các chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm tài chính 2019. Cụ thể, phí bảo hiểm mới quy năm (ANP) tăng 2% lên mức 6,585 tỷ USD, biên giá trị hợp đồng khai thác mới tăng 3 điểm phần trăm lên mức 62,9%; lợi nhuận kinh...