Nên xét nghiệm COVID-19 theo thực tế từng vùng, từng địa phương thay vì ‘đồng loạt’?
Tỉnh Cà Mau có 283 ca mắc COVID-19 cho đến nay, là tỉnh mới nhất thông báo sẽ xét nghiệm COVID-19 toàn dân.
TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành đã liên tục xét nghiệm thời gian qua. Nhưng nên xét nghiệm thế nào?
Người dân phường 2, quận Phú Nhuận được lấy mẫu xét nghiệm kháng thể – Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng, thay vì xét nghiệm diện rộng bóc tách toàn bộ F0, TP.HCM cần tập trung xét nghiệm nhóm có nguy cơ cao như người giao hàng, nhân viên sân bay, nhân viên y tế, người cao tuổi…
Mới đây Bộ Y tế có công điện gửi các tỉnh, thành trực thuộc trung ương “thần tốc” xét nghiệm trên diện rộng, đặc biệt các nơi đang giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội để kịp thời phát hiện nguồn lây.
Có nên thay đổi hình thức xét nghiệm?
Bộ Y tế xác định “thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt”, đề nghị các địa phương trực thuộc trung ương khẩn trương xét nghiệm cho toàn bộ người dân nhằm phát hiện sớm nguồn lây.
Tần suất, thời gian lấy mẫu, xét nghiệm theo các khu vực nguy cơ; huy động tối đa các lực lượng tham gia lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu lưu động và không giới hạn thời gian lấy mẫu.
Căn cứ vào các hướng dẫn và các công điện chỉ đạo, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi ngành y tế và các quận huyện tiếp tục triển khai xét nghiệm tại các địa bàn dân cư đến ngày 30-9.
Ban chỉ đạo đề nghị các đơn vị lấy mẫu xét nghiệm liên tục, cách ly ngay nguồn lây. Tại các vùng đỏ, cam thực hiện lấy mẫu toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần/7 ngày theo hộ gia đình bằng test nhanh và RT-PCR. Tại vùng vàng, xanh, cận xanh, tổ chức xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng.
Đối chiếu chiến lược xét nghiệm này trên thực tế tình hình dịch cụ thể ở TP.HCM, nhiều chuyên gia đề nghị dừng xét nghiệm trên diện rộng, bởi vừa tốn kém nhân lực, chi phí, trong khi hiệu quả mang lại không cao.
Video đang HOT
Tại Hà Nội, tính từ ngày 8 đến 16-9, toàn thành phố đã lấy trên 4,12 triệu mẫu xét nghiệm, trên 2,96 triệu mẫu xét nghiệm bằng RT-PCR, gần 1,29 triệu mẫu thực hiện bằng test nhanh, kết quả phát hiện được 21 mẫu dương tính.
Trong đó, hai ngày 16 và 17-9 không ghi nhận ca cộng đồng, nhiều ngày liên tục chỉ ghi nhận bệnh nhân tại vùng phong tỏa, vùng đỏ. Tuy nhiên việc lấy mẫu vẫn tiến hành diện rộng, toàn thành phố.
Ngày 18-9, Hà Nội có phát hiện một chùm bệnh nhân tại vùng xanh và là chùm ca bệnh cộng đồng, tuy nhiên ca bệnh đầu tiên trong chùm ca (ca chỉ điểm) có dấu hiệu ho sốt từ 12-9, gia đình tự mua thuốc điều trị không đỡ. Đến 17-9 bệnh nhân khó thở, chuyển vào Bệnh viện đa khoa Đức Giang và xét nghiệm dương tính.
Tính tổng số trên 4,12 triệu mẫu xét nghiệm tính đến 16-9, chi phí tìm ra một ca dương tính thông qua xét nghiệm là khoảng 20 tỉ đồng. Trong đó, nhóm vùng xanh không ghi nhận ca bệnh nào ngoại trừ trường hợp kể trên, nhưng đây lại là ca có dấu hiệu ho, sốt và thuộc nhóm nguy cơ cao, bắt buộc xét nghiệm 100%.
Như vậy, mức phí cho “vùng xanh” là quá cao và hoàn toàn có thể tiết kiệm được nếu có chiến lược xét nghiệm hiệu quả.
Áp dụng tùy tình hình từng địa phương
Phát biểu tại hội nghị tiếp thu ý kiến chuyên gia về kế hoạch phòng chống dịch ngày 17-9, PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM – đề xuất thay vì xét nghiệm diện rộng bóc tách toàn bộ F0, TP.HCM cần tập trung xét nghiệm nhóm có nguy cơ cao như người giao hàng, nhân viên sân bay, nhân viên y tế, người cao tuổi…
Phân tích thêm, bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia dịch tễ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM – cho rằng chiến lược xét nghiệm diện rộng là cần thiết để xác định vùng “xanh” hay “đỏ”, từ đó đưa ra quyết định nên “đóng” hay “mở”.
Tuy vậy chọn hình thức xét nghiệm phải được đánh giá dựa trên thực tế, tùy vùng, không nên tùy tiện xét nghiệm diện rộng tràn lan.
“Xét nghiệm diện rộng chỉ áp dụng khi chưa đánh giá được mức độ lây nhiễm ở một khu vực. Khi xác định vùng đỏ rồi không cần phải xét nghiệm diện rộng, giải pháp là phải đẩy mạnh tiêm vắc xin bảo vệ nhóm nguy cơ.
Chỉ nên xét nghiệm với người có triệu chứng, có mật độ di chuyển nhiều để tách và bảo vệ người xung quanh, đặc biệt cao tuổi, nhiều bệnh lý nền”, bác sĩ Khanh nói và khẳng định với thực tế như TP.HCM hiện nay, không cần phải áp dụng chiến lược xét nghiệm diện rộng.
Đồng quan điểm này, một chuyên gia dịch tễ cho rằng đang có hiện tượng “áp đặt” chiến lược xét nghiệm này với tất cả mọi tình huống, mọi địa phương. Ở góc độ quản lý chưa được nhìn nhận và điều chỉnh kịp thời, dẫn đến tình trạng áp dụng một cách máy móc về xét nghiệm diện rộng, gây lãng phí tiền bạc, thời gian và không mang lại hiệu quả.
“Cần phải có kiến nghị thay đổi, tùy vào tình hình dịch bệnh thực tế của mỗi địa phương”, vị này nói.
Theo vị này, hiện nay chi phí bỏ ra cho việc xét nghiệm khá tốn kém. Nếu tính giá sỉ 1 test nhanh có giá khoảng 90.000 đồng (lẻ giá trên 100.000 đồng); chưa kể công sức huy động người đi lấy mẫu, sinh phẩm, hóa chất…
Vị này khẳng định: “Có người sẽ lập luận là vật tư xét nghiệm được tài trợ nhưng thực tế cũng chỉ một phần, lâu dài vẫn phải chi ngân sách để mua rất tốn kém”.
Báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cho thấy tính từ ngày 27-4 đến 16-9, TP.HCM lấy tất cả 1.980.495 mẫu xét nghiệm RT-PCR; 9.780.982 mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên. Chi phí cho xét nghiệm lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Thay đổi quy mô xét nghiệm, 1 tỉnh đã tiết kiệm 100 tỉ đồng
Trong cuộc làm việc với tỉnh Tiền Giang ngày 17-9, ông Nguyễn Vũ Thượng – phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM – cho biết qua đánh giá giữa mức độ nguy cơ và yếu tố dịch tễ, tỉnh Tiền Giang đưa ra hai phương án xét nghiệm.
Phương án 1, xét nghiệm theo quy mô xã cần gần 824.000 test, với 383 đội xét nghiệm. Phương án 2, xét nghiệm theo quy mô ấp cần khoảng 497.000 test và chỉ cần tổ chức 264 đội.
Việc lựa chọn xét nghiệm theo phương án 2 đã tiết kiệm 40% số lượng test và giảm 40% đội xét nghiệm và đạt những kết quả nhất định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo tính toán, phương án này đã tiết kiệm hơn 100 tỉ đồng so với phương án xét nghiệm đến cấp xã.
Tại Hà Nội, từ 17-9 Sở Y tế đã có hướng dẫn gửi các đơn vị trực thuộc, thực hiện lấy mẫu đúng đối tượng, lấy mẫu 100% đối tượng có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, rát họng, mệt mỏi, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác, thực hiện xét nghiệm “đúng khu vực, đúng tần suất” theo chỉ đạo của thành phố và Bộ Y tế.
Như vậy Hà Nội vẫn chưa thay đổi rõ ràng về chiến lược xét nghiệm, phương án của Hà Nội như vậy là vẫn còn tốn kém. Chia sẻ với báo chí, một chuyên gia cho rằng xét nghiệm tất cả nhà dân, cả quận không “bắt” được ca nào, trong khi người sốt, ho đi khám “bắt” luôn được 6 ca.
“Chúng tôi triển khai phát hiện bệnh thụ động, tức là có dấu hiệu mới làm xét nghiệm và cũng thí điểm cho nghiên cứu là chính xét nghiệm chủ động trong cộng đồng như đại trà COVID-19 hiện nay nhưng phát hiện chủ động hiệu quả rất thấp và tốn kém. Nhưng nói mãi mà không ai nghe”, chuyên gia này nói.
Chúng ta đã tính đến việc “sống chung với COVID-19″, nghĩa là sẽ còn xét nghiệm rất nhiều, cần nhiều nguồn lực, nhưng nếu giữ quan điểm và cách làm như hiện nay thì sẽ tốn kém nhiều nguồn lực, trong khi không có tiền chi cho nâng chất lượng điều trị, phòng dịch, chi cho nâng cao năng lực hệ thống y tế…
Điều đáng nói, cho đến nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn khi nào nên xét nghiệm quy mô nào, như tỉnh Cà Mau số mắc thấp gần nhất nước nhưng cũng đang chuẩn bị xét nghiệm toàn dân!
Đề xuất đưa kit xét nghiệm Covid-19 vào diện bình ổn giá
14 hiệp hội vừa kiến nghị Thủ tướng đưa kit xét nghiệm Covid-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá nhằm giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.
Thư kiến nghị được gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chiều tối 16/9. 14 hiệp hội doanh nghiệp gồm: Lương thực thực phẩm TP HCM, Thực phẩm minh bạch, Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam; Doanh nghiệp điện tử Việt Nam; Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam; Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Da giày - Túi xách Việt Nam; Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM; Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Giấy và bột giấy Việt Nam; Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Đồng thời, họ cũng đề nghị Chính phủ cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh.
Các đề xuất này, theo các hiệp hội, là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm giá xét nghiệm, hạ chi phí cho dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, cộng đồng các doanh nghiệp này mong được khấu trừ chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng, sẽ do ngân sách chi trả; Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.
Hiện chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động là một trong những gánh nặng lớn của doanh nghiệp. Ông Lê Xuân Tân, thành viên ban giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Gỗ Hạnh Phúc ở Đồng Nai cho biết, chưa đến 2 tháng, doanh nghiệp đã có 1.600 lần test cho 300 công nhân. Như vậy, trung bình, mỗi công nhân nhà máy được xét nghiệm 3 lần một tháng. Các hình thức xét nghiệm được doanh nghiệp này sử dụng gồm: PCR mẫu đơn 750.000 đồng một lần test một người; PCR gộp 5 (5 người lấy mẫu cho cho chung vào một lọ, nếu kết quả dương tính thì tách từng người ra xét nghiệm lại) giá 300.000 đồng một người và test nhanh là 280.000 đồng một người.
Theo ông, đấy là "một khoản tiền khủng khiếp" bởi công ty có thể mất một chi phí lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi lần kiểm tra.
Tương tự, bà Nguyễn Minh Trang, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải Delta cho biết, khoảng 2-3 tháng nay, doanh nghiệp mất 300 triệu đồng mỗi tháng cho việc xét nghiệm PCR. Tuỳ theo mẫu gộp (từ 1 đến 10), phổ giá từ 750.000 đồng xuống 193.000 đồng một người một lần xét nghiệm.
Gần đây nhất, 11 doanh nghiệp (sở hữu 1.337 nhà hàng với gần 41.000 nhân viên) trong ngành bán lẻ và F&B cũng bày tỏ lo ngại tăng chi phí hoạt động trước yêu cầu người lao động phải xét nghiệm nhanh Covid-19 hai ngày một lần, với mức phí doanh nghiệp tự chi trả. Điều này có thể tác động tiêu cực đến việc quay trở lại kinh doanh của doanh nghiệp khi kinh tế mở dần.
Sở Y tế Hà Nội: 'Không bắt buộc xét nghiệm COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi' Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết hiện một số địa phương áp dụng cứng nhắc, hiểu khác nhau về chủ trương lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của TP, tiến hành xét nghiệm cho trẻ em dưới 12 tuổi, gây bức xúc trong dư luận. Ngành y tế lấy mẫu test COVID-19 cho trẻ nhỏ -...