Nền ‘kinh tế ly hôn’ chớm nở tại Trung Quốc
Tan Mengmeng cho biết cô đã chuyển hướng dịch vụ chụp ảnh của mình sang các vụ ly hôn sau khi chứng kiến hàng dài người xếp hàng bên ngoài các văn phòng chính quyền xử lý ly hôn.
Một cặp đôi ngồi câu cá dọc một con kênh ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Là một nhiếp ảnh gia chụp ảnh cưới, cuộc sống của Tan Mengmeng phụ thuộc rất nhiều vào việc những cặp đôi kết hôn muốn ghi lại niềm vui, hạnh phúc của tình yêu.
Tuy nhiên, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang giảm dần và cô gái 28 tuổi, chủ một studio chụp ảnh ở tỉnh Hà Nam, cảm thấy thôi thúc phải mở rộng nguồn thu nhập của mình để tận dụng xu hướng ly hôn đang gia tăng.
Ngoài việc ghi lại khoảnh khắc đôi tình nhân trao nhau lời thề ước, giờ đây Tan còn chụp ảnh các cặp đôi muốn tổ chức các lễ kỷ niệm, thậm chí đánh dấu cả ngày kết thúc cuộc hôn nhân của họ.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang giảm mạnh, từ mức khoảng 13 triệu vào năm 2013 xuống dưới 7 triệu vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi nhận vào năm 1985.
Năm ngoái, Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng nhẹ cặp đôi kết hôn, lên tới 8 triệu, nhưng các nhà chức trách vẫn lo ngại về xu hướng này.
Trong khi đó, số vụ ly hôn đã tăng vọt, đạt mức cao kỷ lục 4,7 triệu vụ vào năm 2019, cao gấp hơn 4 lần so với hai thập kỷ trước.
Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng đảo ngược sự gia tăng số vụ ly hôn, áp đặt luật mới vào năm 2021 yêu cầu các cặp đôi phải trải qua giai đoạn “hoà giải” 30 ngày trước khi chia tay. Dữ liệu cho thấy nỗ lực này đã dẫn đến sự sụt giảm tạm thời, nhưng sau đó số vụ ly hôn lại tăng vọt, tăng 25% vào năm 2023 so với năm trước.
Hai sự thay đổi này đã góp phần làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt, một cuộc khủng hoảng đã trầm trọng hơn do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, dân số già đi nhanh chóng và thực tế là ngày càng ít phụ nữ muốn sinh con.
Tan Mengmeng cho biết cô đã chuyển hướng dịch vụ chụp ảnh của mình sang các vụ ly hôn sau khi nhìn thấy hàng dài người xếp hàng bên ngoài các văn phòng xử lý việc ly hôn.
Kể từ năm ngoái, Tan đã chụp ảnh cho khoảng 30 cặp đôi, ghi lại những khoảnh khắc đau lòng và cả vui mừng khi họ cắt đứt quan hệ hôn nhân.
“Đây là một công việc kinh doanh tốt. Suy cho cùng, niềm vui hay nỗi buồn đều đáng ghi lại”, Tan nói.
Thay đổi thái độ về ly hôn
“Bước đột phá” của Tan Mengmeng vào “nền kinh tế ly hôn” đang chớm nở của Trung Quốc tiết lộ rất nhiều điều về thái độ đang thay đổi của người dân đất nước này đối với hôn nhân.
Trong khi việc ly hôn từng bị xã hội Trung Quốc kỳ thị, khi họ luôn đặt trọng tâm vào sự đoàn kết và ổn định của gia đình, thì nhiều người trẻ hiện nay đã lựa chọn không kết hôn. Đối với những người quyết định kết hôn, họ cũng sẽ dễ chấp nhận ly hôn hơn nếu cuộc hôn nhân không thành công.
Video đang HOT
Sự thay đổi văn hóa đã tạo ra sự bùng nổ trong lĩnh vực chụp ảnh ly hôn không chỉ đối với Tan mà còn đối với các nhiếp ảnh gia khác đang hy vọng kiếm được thêm thu nhập.
Những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc cho thấy một số cặp đôi đang ký giấy ly hôn, trong khi những người khác chụp ảnh với giấy chứng nhận ly hôn.
“29 tuổi. Ly hôn vui vẻ nhé”, một người dùng Xiaohongshu viết kèm theo bức ảnh giấy chứng nhận kết hôn và ly hôn của cô đặt cạnh nhau.
Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng đảo ngược sự gia tăng số vụ ly hôn, áp đặt luật mới vào năm 2021 yêu cầu các cặp đôi phải trải qua giai đoạn “hoà giải” 30 ngày trước khi chia tay.Ảnh: Tân Hoa xã
Các công ty hiện cũng cung cấp dịch vụ loại bỏ những vật lưu niệm cũ trong cuộc hôn nhân của người đã ly hôn và bất kỳ vật lưu niệm không mong muốn nào khác theo một cách có “nghi lễ”.
Peng Xiujian, nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Victoria ở Australia, cho biết thời thế đang thay đổi phản ánh thế hệ trẻ ưu tiên tự do cá nhân và phát triển nghề nghiệp.
Bà nói: “Ý tưởng tiếp tục một cuộc hôn nhân không hạnh phúc ‘vì vẻ bề ngoài’ hoặc vì nghĩa vụ đang mất dần sức ảnh hưởng”.
Là người nghiên cứu các xu hướng nhân khẩu học ở Trung Quốc, bà Peng cũng cho rằng sự suy giảm hôn nhân là do các yếu tố kinh tế và xã hội, bao gồm môi trường làm việc áp lực cao, thị trường lao động cạnh tranh và chi phí sinh hoạt cao.
Một cặp đôi ly hôn đứng trước Sở dân chính ở Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Tan Mengmeng
Đối với những người lựa chọn ly hôn, điều đó không còn được coi là đáng xấu hổ nữa, Tan Mengmeng nói: “Không có gì đáng xấu hổ khi dũng cảm ly hôn. Cả hai bên vẫn còn tình nghĩa… và muốn kỷ niệm mối quan hệ”.
Một cặp đôi thuê Tan chụp ảnh đã chọn một nhà hàng nơi họ hẹn hò lần đầu tiên. Cặp đôi gọi vài món ăn hoài niệm, ngồi đối diện nhau bất động. “Cuối buổi chụp hình, cả hai đều khóc”, Tan kể.
Tan cho biết, mặc dù hai người quan tâm lẫn nhau, nhưng người vợ quá mệt mỏi vì quan hệ căng thẳng với bố mẹ chồng, còn chồng cô thì quá bận rộn với công việc nên không thể giúp giải quyết mâu thuẫn.
Tất nhiên, một số cuộc chia tay ít tương tác với nhau hơn. Tan cho biết có lần một người đàn ông dành cả buổi chụp ảnh để nghịch điện thoại. Người phụ nữ bắt đầu khóc. Khi người phụ nữ nhận lại những bức ảnh, cô thấy không có nhiều bức ảnh có hình chồng cũ của mình. “Tôi không dám nói với cô ấy rằng chính người chồng đã yêu cầu tôi không chụp mặt anh ấy”, Tan nói.
Ngay sau đó, cô phát hiện người đàn ông đó đã thuê một nhiếp ảnh gia khác đến chụp ảnh cưới với bạn đời mới.
“Nhà máy ly hôn”
Trong một nhà máy cách thủ đô Bắc Kinh của 90km, Liu Wei và nhóm của anh điều hành một doanh nghiệp giúp các cặp vợ chồng đã ly hôn tiêu hủy bằng chứng về cuộc hôn nhân của họ.
Hình ảnh trên những bức ảnh cưới cũ được phun sơn để đảm bảo sự riêng tư được tôn trọng trước khi bị ném vào máy nghiền cùng với các vật kỷ niệm khác. Toàn bộ quá trình tiêu hủy sẽ được quay video.
Liu cho biết đôi khi anh cảm thấy mình giống như một bác sĩ, phải vượt qua những cuộc chia ly mà không quá xúc động. “Ly hôn có thể không hẳn là điều xấu. Nó có thể là một điều tốt. Vì vậy, không cần phải buồn về điều đó”, Liu nói với CNN.
Liu Wei cho biết, các dịch vụ của anh có giá từ 8 đến 28 USD, và nhu cầu cao giúp việc kinh doanh đang phát đạt. Kể từ khi mở nhà máy vào năm 2021, anh đã hủy ảnh cưới của khoảng 2.500 cặp đôi.
Gary Ng, nhà kinh tế học của ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp), cho biết mặc dù khó dự đoán quy mô thị trường và dư địa tăng trưởng nhưng tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc tăng cao đồng nghĩa với việc “chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động kinh tế xung quanh nó”.
Nhiếp ảnh gia Tan Mengmeng đã suy nghĩ trước về cách phát triển công việc kinh doanh của mình. Kế hoạch mới nhất của cô liên quan đến việc thu hút khách hàng quay trở lại trong trường hợp số phận đưa các cặp vợ chồng đã ly hôn quay lại với nhau. “Tôi sẽ giảm giá 18% nếu hai người tái hôn và nhờ tôi chụp ảnh”, cô nói.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
Tăng tuổi nghỉ hưu có thể tháo ngòi 'bom hẹn giờ' nhân khẩu học của Trung Quốc?
Cuối tháng 7, Trung Quốc đã thông qua nghị quyết tăng dần độ tuổi nghỉ hưu trong 5 năm tới. Theo đó, người lao động Trung Quốc có thể sớm phải làm việc lâu hơn.
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu
Người cao tuổi tập thể dục với sự giúp đỡ của nhân viên tại trung tâm phúc lợi xã hội ở huyện Hanshou, thành phố Trường Đức, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo hãng tin CNA, độ tuổi nghỉ hưu cuối cùng vẫn chưa được nêu rõ, nhưng một thông tin chính thức trước đó cho rằng có khả năng là khoảng 65 tuổi. Điều này sẽ đưa tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc cao ngang với các nền kinh tế lớn khác, bao gồm cả Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc là một trong những nước có độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất thế giới, ở mức 60 đối với nam giới và 55 đối với phụ nữ lao động trí óc hoặc 50 đối với lao động chân tay.
Giới chức đã cân nhắc cải cách kế hoạch nghỉ hưu của Trung Quốc trong nhiều năm. Nhưng tính cấp thiết hiện tại đang phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về tác động của tình trạng dân số giảm và già hóa đối với quỹ lương hưu đang dần cạn kiệt của đất nước này.
Vài năm trước, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán quỹ dành riêng để trang trải chi phí nghỉ hưu ở Trung Quốc có thể sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2035. Và việc tăng tuổi nghỉ hưu chắc chắn sẽ kéo dài quỹ này thêm nhiều năm nữa.
Song các chuyên gia lo ngại đây không phải là giải pháp lâu dài và không giải quyết được vấn đề nhân khẩu học cơ bản nghiêm trọng mà Trung Quốc đang phải đối mặt.
Ông Dudley L Poston Jr, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Texas A&M, nói với The Conversation: "Tôi đã nghiên cứu dân số Trung Quốc trong hơn 40 năm. Tôi tin rằng vấn đề nhân khẩu học mà Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà đất nước này phải đối mặt trong nhiều thế kỷ".
Với tỷ lệ sinh là 1,1 trẻ em trên một phụ nữ - thấp hơn nhiều so với 2,1 ca sinh trên một phụ nữ cần thiết để duy trì dân số bản địa - và số ca tử vong mỗi năm nhiều hơn số ca sinh, Trung Quốc sẽ còn đối mặt với tương lai dân số giảm, với số người cao tuổi tăng mạnh.
"Quả bom hẹn giờ" nhân khẩu học
Năm 1950, dân số của Trung Quốc ở mức 539 triệu người. Sau đó, con số này tăng lên hàng năm trong gần 70 năm, đạt 1,43 tỷ người vào năm 2021.
Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, Trung Quốc có số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh và dân số đã suy giảm. Hơn nữa, dự báo dân số của Liên hợp quốc cho thấy nếu xu hướng hiện tại tiếp tục diễn ra, dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 1 tỷ vào năm 2070, dưới 800 triệu vào năm 2086 và xuống còn 633 triệu vào năm 2100.
Giới chức lưu ý tình trạng suy giảm dân số mạnh mẽ này sẽ phá huỷ lực lượng lao động của đất nước này, gây ra những vấn đề kinh tế không thể kể xiết.
Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản là sụt giảm về tổng số dân, đáng lo ngại hơn là thay đổi về cách cấu thành dân số. Theo số liệu của Liên hợp quốc, vào năm 2023, chỉ dưới 20% dân số trên 60 tuổi của Trung Quốc nằm trong nhóm nghỉ hưu. Nhưng đến năm 2100, con số này dự kiến sẽ tăng lên mức cao đáng kinh ngạc là hơn 52%.
Dữ liệu cũng cho thấy hiện tại, khoảng 12% dân số Trung Quốc là lao động trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 29, trong khi 46% là lao động từ 30 đến 59 tuổi. Nhưng đến năm 2100, lực lượng lao động này dự kiến sẽ giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 7% đối với lao động trẻ và khoảng 29% đối với những người từ 30 đến 59 tuổi.
Tương tự, số lượng trẻ em và thanh niên ở Trung Quốc (nhóm dưới 19 tuổi) sẽ giảm từ 21% vào năm 2023 xuống còn 11% vào năm 2100.
Nhìn chung, các dự báo đều không cho thấy tín hiệu tốt về tương lai dân số của Trung Quốc. Nước này sẽ có ít người lao động hơn để hỗ trợ số lượng người phụ thuộc ngày càng tăng, chủ yếu là người cao tuổi.
Tìm kiếm giải pháp lâu dài
Một lớp học mẫu giáo ở Trung Quốc. Ảnh: TTXVN phát
Giới chuyên gia cho rằng kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc sẽ chỉ có tác động nhỏ đến việc giảm bớt các vấn đề liên quan đến xu hướng này. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không giúp Trung Quốc làm chậm quá trình suy giảm dân số và sẽ chỉ có tác động nhỏ đến tỷ lệ người trong độ tuổi lao động và người nghỉ hưu.
Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực thực hiện các chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh, nhưng dường như đều không hiệu quả.
Cụ thể, nước này đã thay thế chính sách 1 con được áp dụng từ năm 1980 bằng chính sách phổ cập 2 con vào năm 2016 và đến năm 2021, mỗi cặp vợ chồng được phép sinh 3 con. Tuy nhiên, thay đổi chính sách dường như không giúp ích gì khi ngày càng nhiều người trì hoãn kết hôn và vẫn do dự về việc có con trong bối cảnh chi phí ngày càng tăng, lối sống đa dạng cùng sự phổ biến về nữ quyền.
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần một môi trường xã hội thân thiện hơn để khuyến khích các gia đình có thêm con.
Ông Hu Zhan, Giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Phúc Đán, nhận định: "Việc nới lỏng các chính sách sinh sản và các biện pháp khuyến khích sinh sản sẽ không mang lại sự thay đổi lớn về số lượng sinh tuyệt đối. Vấn đề là xã hội cần hỗ trợ nhiều hơn đối với các bà mẹ và trẻ em".
Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng có thể học hỏi nhiều quốc gia lớn trên thế giới có tỷ lệ sinh rất dựa vào người nhập cư quốc tế để bổ sung lao động trẻ. Những người nhập cư trẻ này cũng sinh nhiều con hơn người dân địa phương.
Vy Hân/Báo Tin tức (Theo CNA, SCMP)
Xu hướng chăm sóc sức khỏe bằng liệu pháp truyền thống bùng nổ ở giới trẻ Trung Quốc Uống thuốc bổ, trà thảo mộc và đăng ký các lớp học về lối sống, giới trẻ Trung Quốc đang ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe toàn diện trong bối cảnh áp lực công việc đè nặng và ký ức về đại dịch COVID-19 vẫn luôn hiện hữu. Khách hàng mua trà thảo mộc tại một quán cà phê...