Nên giãn, hoãn các khoản nợ cho doanh nghiệp
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ trở nên khó khăn hơn. Điều đó đang đặt ra vấn đề cơ chế, chính sách để giúp doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất trong thời điểm này.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, không nên giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng mà nên giãn, hoãn, các khoản nợ cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
PV: Thưa ông, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn hiện nay, có ý kiến cho rằng các ngân hàng thương mại nên giảm lãi suất cho vay. Quan điểm của ông như thế nào ?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Giảm lãi suất là vấn đề quan trọng trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhưng cá nhân tôi cho rằng không nên giảm lãi suất cho vay mà nên giãn, hoãn các khoản nợ của một số doanh nghiệp gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời cho một số doanh nghiệp khó khăn chưa trả được nợ vay nợ tiếp với điều kiện đơn giản hơn so với trước đây để từ đó họ có thể phục hồi sản xuất. Bởi nếu ưu tiên cho cả nền kinh tế sẽ khó khăn, cho nên không nên và không cần nới lỏng chính sách tiền tệ, hay nói cách khác là hạ thấp lãi suất cho vay một cách đột ngột. Chỉ ưu đãi cho một số ngành gặp khó khăn quá lớn bằng cách giãn hoặc hoãn nợ, có thể cho vay thêm với điều kiện tương đối ưu đãi so với trước đây. Vì giảm lãi suất cả nền kinh tế, đồng nghĩa với việc nới lỏng tiền tệ, lượng tiền bơm ra phải nhiều thì lãi suất mới hạ được. Nếu lượng tiền bơm ra nhiều lên sẽ trực tiếp tác động xấu tới nền kinh tế, trước hết là lạm phát, lạm phát sẽ tăng lên.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh . Ảnh: HV
Thứ hai, khi bơm tiền ra thị trường dẫn đến hàng loạt các mối quan hệ thay đổi, đặc biệt vấn đề liên quan đến vay nợ, các điều khoản, điều kiện về quản lý nợ có thể bị xem lỏng. Do hạ lãi suất, các doanh nghiệp sẽ tăng cường vay nhiều hơn, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh nhau trong cho vay, tìm doanh nghiệp có khả năng sản xuất tốt để cho vay. Từ đó cạnh tranh tìm người cho vay sẽ khiến quản lý về chất lượng cho vay của các ngân hàng giảm đi. Như vậy nguy cơ nợ xấu ngân hàng sẽ tăng lên, phức tạp, làm cho nền kinh tế có thể chệch hướng, chậm lại trong thời gian dài do lạm phát, nợ xấu trong nền kinh tế có thể tăng cao. Chỉ vài ba tháng nợ xấu sẽ tăng ngay vì thế chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ thấp lãi suất là không nên.
PV: Vậy chúng ta cần có cơ chế, chính sách nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp ?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, chính sách kinh tế cần có ưu tiên. Đó là xem ngành nào bị ảnh hưởng lớn của khủng hoảng như du lịch, có thể xem xét giãn, hoãn thời gian trả nợ để những doanh nghiệp chấn chỉnh, sửa sang, tạo điều kiện kích hoạt lại các hoạt động du lịch. Sau khi dịch chấm dứt cũng cần xem xét cho họ vay với điều kiện đơn giản, dễ dàng hơn là cái cần lưu tâm để từ đó họ có sự chuẩn bị sẵn sàng, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời điểm dịch đã được khống chế. Ví như chính sách thuế có thể xem xét, gia hạn, hoãn, hoặc miễn các loại thuế liên quan đến hoạt động phòng chống dịch, doanh thu của một số loại hình doanh nghiệp bị sụt giảm do dịch một cách hợp lý như chi phí tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Từ đó đảm bảo chi phí hợp lý cho doanh nghiệp để giảm mức thuế là cái cần làm.
Video đang HOT
PV: Thủ tướng đã từng đề cập phải biến “nguy” thành “cơ”. Trong bối cảnh này, theo ông chúng ta có dư địa nào để tin tưởng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển, và đạt 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ tới nền kinh tế đặc biệt một số ngành như du lịch, dịch vụ, bán lẻ, vận tải, ngành sản xuất thiếu nguồn hàng. Thế nhưng doanh nghiệp của ta đang tìm cách thích ứng với các điều kiện này tương đối tốt. Chúng ta vừa được Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt Hiệp định EVFTA là cơ sở để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU khi họ gần như giảm 100% thuế cho chúng ta. Thêm nữa, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ năm ngoái và hiện các doanh nghiệp của ta có hướng tìm hiểu, và cơ hội đang được đẩy mạnh lên. Khi các Hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp đã có sự thăm dò, có sự tìm hiểu trong thời gian trước đây sẽ thích ứng nhanh hơn, và triển khai việc xuất nhập khẩu với các quốc gia trong phạm vi hai Hiệp định này tốt hơn. Từ đó, sẽ khắc phục được những điểm yếu trong thời gian đầu năm, và chuyển hướng nền sản xuất sang hướng mong muốn là có thể nhập khẩu được các hàng hóa chất lượng cao từ các nước trong CPTPP, cũng như Liên minh EU. Vì các Hiệp định này yêu cầu các hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ trong CPTPP hoặc từ các nước trong Hiệp định Liên minh EU, do đó buộc doanh nghiệp của ta tìm nguyên vật liệu đầu vào của các nước này rồi. Bây giờ bắt buộc họ phải đẩy mạnh hơn nguồn nguyên vật liệu, là cơ hội để ta xuất khẩu tốt hơn. Hy vọng trong năm 2020 cũng có thể hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế như Quốc hội đã đề ra.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Vy Thảo – H.Vũ (thực hiện)
theo dangcongsan.vn
Hội thảo về đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế
Hôm qua (31/10), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều". Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) và Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp tổ chức.
Các chuyên gia đối thoại với Tổng cục Thống kê
Ý kiến băn khoăn
Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế, TCTK cho biết GDP giai đoạn 2011-2017 mỗi năm tăng thêm 25,4% do bổ sung hơn 76.000 doanh vào đánh giá lại quy mô GDP. Việc tính toán lại quy mô GDP vừa qua đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, GS. TS Hoàng Văn Hoa (ĐH KTQD) đặt vấn đề: Tại sao cứ các nước đang phát triển như Việt Nam khi điều chỉnh lại quy mô GDP lại tăng lên rất nhiều trong khi các nước phát triển như Canada, Mỹ thì tỷ lệ này rất nhỏ. Chuyên gia này nghi ngờ có sự bất cập trong tính toán.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lại cho rằng con số tăng thêm 25,4%/năm của TCTK còn thấp bởi nhiều khu vực kinh tế chưa đánh giá được như kinh tế hộ gia đình. "Tôi e rằng 3 - 5 năm nữa, TCTK đánh giá lại, con số này còn có khả năng tăng thêm nữa...", chuyên gia này phát biểu.
GS Hoa cũng thẳng thắn đặt vấn đề về tính độc lập của cơ quan thống kê. Liên quan đến quy mô GDP đã được tính lại, chuyên gia này chất vấn: "Xin hỏi đại diện TCTK, khi nào công bố? Có công bố không? Việc công bố có bị can thiệp không?".
PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý rằng số liệu thống kê là cực kỳ quan trọng. "Năm nào tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng cao mà tại sao chúng ta vẫn tụt hậu? Cải thiện chất lượng thế nào, cần đánh giá sâu hơn", ông Long đề nghị và cho rằng số liệu thống kê phải tạo niềm tin cho công chúng.
"Nó là cơ sở hoạch định chính sách chứ hỏi anh Lâm có độc lập hay không thì bao giờ anh Lâm cũng trả lời là độc lập", chuyên gia này phát biểu.
Tổng cục Thống kê nói gì?
Trước chất vấn của các chuyên gia, Tổng cục trưởng TCTK, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, theo thông lệ quốc tế, các nước đều đánh giá lại quy mô GDP, kể cả các nước tiên tiến. Ông Lâm cũng khẳng định đây không phải là áp dụng cách đánh giá mới, cách tính mới. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên TCTK đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam.
Nhưng lần trước (năm 2013) , khi đánh giá quy mô GDP giai đoạn 2008- 2012, chỉ tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, trong khi nền kinh tế có 21 ngành kinh tế cấp 1. Còn lần này là đánh giá toàn diện.
"Dựa vào kết quả điều tra, dữ liệu hành chính thì khi đánh giá lại, chúng tôi đưa ra con số tăng thêm 24,5%/năm. Đây là con số phù hợp!", ông Lâm nói.
Giải thích về việc các nước phát triển khi đánh giá lại quy mô GDP con số tăng lên thường thấp, ông Lâm dẫn báo cáo của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cho biết ở các nước này luật pháp tốt, chế tài nghiêm nên không ai dám báo cáo sai. Do đó họ điều chỉnh chỉ là cập nhật mới.
Mặt khác, do quy mô nền kinh tế các nước phát triển rất lớn, ví dụ ở Mỹ, nên khi cập nhật tăng 356 tỷ USD cũng chỉ tương đương 3,6%. Trong khi các nước phát triển như Việt Nam, chưa có chế tài với báo cáo sai và với quy mô nền kinh tế cực nhỏ, nên khi thay đổi thì số thay đổi lớn.
Về ý kiến nghi ngại tính trung thực, độc lập, khách quan của số liệu thống kê, Tổng cục trưởng TCTK nói: "Với trách nhiệm của người làm thống kê, công tác thống kê và biên soạn số liệu thống kê là hoàn toàn độc lập, không chịu sức ép của bất kỳ ai. Bộ KH&ĐT hay Chính phủ hoàn toàn tôn trọng tính độc lập của chúng tôi. Quan điểm làm thống kê của chúng tôi là trung thực, vì đất nước và đổi mới".
Liên quan đến phương pháp đánh giá lại quy mô GDP, ông Lâm nói phương pháp tính của Việt Nam hoàn toàn theo thông lệ quốc tế. "Chúng tôi tiến hành đánh giá lại quy mô GDP vào năm 2018, đến đầu năm 2019 đã đánh giá xong. Chúng tôi đã báo cáo Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ. Và để khách quan, TCTK đã mời các tổ chức quốc tế vào thẩm tra lại như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chuyên gia độc lập, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc...", ông Lâm nói.
"GDP là thước đo quan trọng để đánh giá tình hình kinh tế. Điều quan trọng là việc tính toán GDP phải chắc chắn, phương pháp tính toán phải minh bạch.
Nền kinh tế Việt Nam đang trải qua những thay đổi nhanh chóng, thể hiện ở: Tốc độ tăng trưởng cao; Cải cách kinh tế, hội nhập đầu tư và thương mại mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu; Cơ cấu kinh tế cũng thay đổi nhanh, từ nông nghiệp sang công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ... Cho nên thống kê tài khoản quốc gia là chìa khóa để theo dõi và hiểu những chuyển dịch kinh tế, những chuyển dịch làm cho việc đo lường trở nên khó khăn hơn.
Cập nhật thống kê tài khoản quốc gia là việc bình thường và được khuyến nghị khi biên soạn tài khoản quốc gia. Căn cứ cập nhật là thay đổi gốc, các cuộc điều tra mới hoặc sử dụng dữ liệu hành chính, sửa đổi phương pháp luận, nắm bắt các ngành mới nổi. Tuy nhiên, các yếu tố chính thúc đẩy việc điều chỉnh số liệu là tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia. TCTK điều chỉnh các tài khoản quốc gia là một bước tiến đáng hoan nghênh". - Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam
Thanh Thanh
Theo Baophapluat.vn
London - Mô hình trung tâm tài chính quốc tế chuẩn mực Chiếm tới 37% lượng giao dịch tiền tệ trên toàn cầu và có khoảng 5.100 tỷ USD giao dịch mỗi ngày, Trung tâm tài chính London (Anh) có tác động một cách toàn diện đến hoạt động của các thị trường tài chính khác, là mô hình trung tâm tài chính chuẩn mực. Trao đổi với TG&VN, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh -...