Nếm phở bát đá tận hưởng tinh hoa ẩm thực theo cách khác biệt
Với giới sành ăn thì món phở bát đá đã không còn quá xa lạ, món ăn này không chỉ kế thừa vị phở xưa mà còn nâng tầm cho phong vị ẩm thực của một món ngon truyền thống khiến người ta phải say mê.
Phở từ lâu vẫn luôn là món ăn đặc trưng cho ẩm thực Việt và cũng là món ăn nổi tiếng vươn tầm thế giới, được nhiều người ưa thích. Bên cạnh phở truyền thống thì theo nhịp sống hiện đại, phở cũng đã có những biến tấu khác nhau tạo nên sự đa dạng cũng như nét cuốn hút độc đáo cho món ăn này, một trong số đó phải kể đến phở bát đá. Vẫn là món phở Việt với hương vị hấp dẫn, nhưng phở bát đá có cách thưởng thức đặc biệt cũng như cách giữ nhiệt mang đến hương vị hoàn hảo và nóng hổi đến những giọt cuối cùng.
Phở bát đá là món ăn hấp dẫn nâng tầm vị phở Việt. Ảnh: OK Con Dê
Phở bát đá biến tấu nâng tầm phong vị phở Việt
Phở Việt xuất hiện từ khoảng cuối thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20 và được cho là biến thân của món xáo trâu, một món ăn thuần Việt xưa thường được phục vụ cho tầng lớp bình dân. Món ăn truyền thống này đã xuất hiện trên rất nhiều diễn đàn ẩm thực, tạp chí uy tín và cũng đã trở thành món ăn quen thuộc tại rất nhiều nơi trên thế giới. Phở là niềm tự hào của người Việt và ngày nay bên cạnh phở truyền thống với hương vị không thay đổi sau hàng trăm năm phở cũng đã được biến tấu để tạo nên hương vị thơm ngon, hấp dẫn hơn và phở bát đá chính là một biến tấu có thể coi là nâng tầm phong vị phở Việt.
Phở bát đá giúp thực khách tận hưởng trọn vẹn vị phở. Ảnh: Pho 37
Sở dĩ gọi phở bát đá chính là biến tấu giúp nâng tầm phong vị phở Việt bởi món ăn được sáng tạo theo một cách thưởng thức hoàn toàn khác biệt giúp phở luôn nóng hỏi ngay cả khi đã thưởng thức xong, từ đó giữ nguyên vẹn hương vị tinh tuý cũng như sự hào hứng của người thưởng thức. Điểm khác biệt đầu tiên của món phở bát đá Việt so với món phở truyền thống chính là thay vì dùng tô người ta sẽ sử dụng một chiếc bát đá lớn, đó cũng chính là lý do mà món ăn có tên gọi như hiện tại.
Những chiếc bát đá giúp phở nóng lâu hơn. Ảnh: @Skyler410
Sự kỳ công tạo nên hương vị phở hấp dẫn
Cách chế biến phở bát đá cũng kỳ công không thua kém phở truyền thống bởi đây chỉ là một phiên bản nâng cấp của phở truyền thống mang đến cách thưởng thức độc đáo và vị phở được lưu giữ trọn vẹn hơn.
Quy trình tạo nên những tô phở bát đá cũng rất kỳ công với nhiều bước khác nhau. Nước phở thường được ninh từ xương bò trong thời gian từ 12 đến 15 tiếng cho thê quế, hồi và các loại thảo dược, gia vị để lấy mùi. Nước dùng là một trong những yếu tố quyết định đến độ ngon của món phở nên mỗi quán thường sẽ có một bí quyết riêng để tạo nên sự hấp dẫn và thu hút thực khách. Ngoài nước dùng thì các nguyên liệu khác cũng phải được chuẩn bị rất chỉn chu và kỳ công với sợi phở, các thành phần thịt thường dùng cho phở như gầu, lõi bò, gân, xương… kèm theo đó là các loại rau gia vị, chanh, ớt để gia tăng hương vị.
Các công đoạn nấu phở bát đá rất kỳ công. Ảnh: @hangryange_
Điều khác biệt ở món phở bát đá so với món phở truyền thống là người ta sẽ sử dụng những chiếc bát đá hay còn gọi là thố đá lớn thay vì tô sứ truyền thống cùng với đó là cách thưởng thức cũng hoàn toàn khác biệt. Đầu tiên, để bát đá có được nhiệt độ ổn định và giúp giữ nóng món ăn trong suốt quá trình thực khách thưởng thức, người ta sẽ mang bát đá đi nung qua ở nhiệt độ lên đến 300 độ C sau đó sẽ đổ nước phở đang sôi sùng sục rồi mang ra cho khách. Tiếp đến các nguyên liệu khác như sợi phở, rau, thịt, gia vị các loại sẽ được dọn riêng chứ không cho trực tiếp vào tô rồi mới mang ra như cách ăn phở truyền thống.
Các nguyên liệu sẽ được dọn riêng. Ảnh: ST
Để thưởng thức trọn vẹn hương vị của món ăn này, khi các nguyên liệu được mang ra thực khách nên cho ngay thịt vào tô và căn khéo léo để có được độ tái hoặc chín theo sở thích của mình. Việc thả thịt vào bát phở nóng cũng giúp nước dùng thêm độ ngọt. Sau thịt, thực khách tiếp tục thả lần lượt bánh phở, rau thơm, hành, chanh trộn đều. Thường các quán cũng chuẩn bị sẵn thêm mắm, muối và tương phở để thực khách điều chỉnh hương vị theo sở thích. Độ nóng của những chiếc bát đá được nung hàng trăm độ sẽ làm cho thịt dần chín và vị ngọt của bò được lưu giữ nguyên vẹn.
Nguyên liệu phối trộn đa dạng và hoà hợp. Ảnh: Phở Nai 37
Thực khách sẽ tự mình phối trộn nguyên liệu để tạo nên vị phở mình ưa thích. Ảnh: @binbinwarsaw__
Video đang HOT
Một tô phở bát đá được đánh giá là thơm ngon chuẩn vị khi có nước dùng trọng, không có váng dầu mỡ và ẽo vị ngọt thanh đặc trưng của xương bò hầm, khi đem nhúng thịt vào nước phở thì thịt mềm, ngọt và thơm ngon xoắn lưỡi, bánh phở không bị nát. Đặc biệt, tô phở ngon phải có được nét đặc trưng của phở bát đá chính là độ nóng của tô phở luôn được duy trì từ đầu cho đến khi thực khách đã thưởng thức xong để giữ được hương vị thơm ngon nhất của món ăn. Phở bát đá được xem là sự kết hợp hoàn hảo của hương vị phở truyền thống và nét ẩm thực hiện đại, tạo nên một điểm nhấn rất riêng, nơi thực khách có thể tự coi mình là một đầu bếp để tạo nên những tô phở thơm ngon, đậm vị.
Tô phở nóng hổi từ đầu đến cuối mang đến hương vị trọn vẹn. Ảnh: Maison
Những loại phở bát đá hấp dẫn mê hoặc thực khách
Với phở bát đá, người ta đã biến tấu thành rất nhiều loại phở hương vị đa dạng để đáp ứng sở thích và khẩu vị phong phú của thực khách. Bên cạnh phở bò truyền thống thì còn có thêm các phiên bản mới đầy hấp dẫn.
Phở bò
Đây là phiên bản phở bát đá giữ nguyên hương vị của món phở truyền thống, nét khác biệt chỉ là cách thưởng thức và bát sử dụng bằng đá để giữ độ nóng. Với phở bò, thực khách có thể lựa chọn các topping rất đa dạng từ gầu bò, bò tái, bò nạm, bò gân…mỗi loại mang đến một phong vị khác nhau vừa hấp dẫn vừa lôi cuốn khiến thực khách khó có thể rời bước.
Phở bò là hương vị thường thấy của các món phở. Ảnh: ST
Phở dê
Ở nhiều quán phở bát đá, người ta sử dụng hoàn toàn các thành phần từ dê để nấu phở như nướng dùng từ xương dê, thịt dê để làm topping. Khác với phở bò, với món phở bát đá dê người ta sẽ mất nhiều công sức hơn để sơ chế và tạo nên những tô phở hấp dẫn. Nước dùng từ xương dê đậm đà, thịt dê ngọt thơm và bánh phở ngon sẽ là hương vị quanh quẩn khiến bạn nhớ mãi.
Phở dê vị ngọt thơm phức. Ảnh: Ok Con Dê
Phở nai
Không quá phổ biến như phở bò nhưng phở nai vẫn là món phở bát đá được nhiều người yêu thích. Món phở này là một biến tấu hoàn toàn khác biệt với nai là thành phần chính tạo nên món ăn. Phần thịt nai dùng để nấu phở thường là phần ba chỉ, thịt nạc vai à phần thịt bắp tươi. Thịt sẽ được thái rất mỏng để tạo vị ngọt, mềm nhưng vẫn lưu sự chút vị giòn của lớp bì mỏng. Đặc trưng của thịt nai là ít gân, ngọt và thơm, mùi cũng không gây lại bổ dưỡng nên khi dùng nấu phở rất được yêu thích. những bát phở nai đá vẫn luôn khiến thực khách phải thèm thuồng mỗi khi nhắc đến.
Thịt nai tạo nên hương vị rất riêng cho món phở bát đá. Ảnh: Phở Nai 37
Phở bát đá từ trâu cũng rất được yêu thích bởi hương vị thịt thơm ngon. Cũng tương tự các món phở bát đá khác món ăn cũng được cho vào tô đá nóng hổi, điểm nhấn chính là thịt trâu rất mềm, nếu dùng phần thịt bắp thì còn có vị sần sật thậm chí được đánh giá ngon hơn cả thịt bò. Theo những thực khách sành ăn thì nên ăn phở trâu tái để tận hưởng vị ngọt thanh rất đặc trưng.
Gợi ý các quán phở bát đá ngon ở Sài Gòn – Hà Nội
Phở bát đá với cách thưởng thức và chế biến kỳ công vẫn luôn nhận được sự yêu thích đặc biệt của các tín đồ ẩm thực. Ngày nay món phở này đã phủ sóng ở nhiều nơi, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chính là những nơi có nhiều quán phở bát đá hấp dẫn thu hút nhiều thực khách tìm đến thường thức.
Có nhiều quán phở bát đá ngon ở Hà Nội và Sài Gòn. Ảnh: phobatda37_
Phở thố đá Tô Hiệu Sài Gòn
Quán phở bát đá này rất nổi tiếng ở Sài Gòn bởi chất lượng món ăn ngon, phục vụ tốt. Phở bát đá ở quán này có nướng dùng rất ngon được ninh từ xương bò và xương heo. Chủ quán vốn là con của gia đình có truyền thống nấu phở nổi tiếng hơn 50 năm nên biết cách nêm nếm chuẩn vị. Món phở bát đá mang hương vị thơm ngon, thịt mềm tạo sự yêu thích cho nhiều thực khách. Giá mỗi tô phở bát đá ở quán này là 100,000đ.
Phở thố đá Hội Sài Gòn
Phở Hội thố đá đặc trưng với nước lèo 100 được ninh từ xương bò, bánh phở của quán được làm với cách truyền thống, các nguyên liệu đều chuẩn sạch nên thực khách có thể an tâm thưởng thức. Đặc trưng của phở bát đá quán này là nước lèo vị đậm đà, ngọt thanh vừa miệng, thịt bò được thái mỏng, mềm, sợi phở dai rất hoà quyện. Giá phở ở đây có giá từ 60,000đ trở lên.
Phở Hội Thố Đá sang chảnh và hấp dẫn. Ảnh: Phở Hội Thố Đá
Phở Bát đá 37 Hà Nội
Phở bát đá 37 là thương hiệu rất nổi tiếng ở Hà Nội, tới đây bạn sẽ được thưởng thức set phở được bài trí rất hấp dẫn và sang chảnh. Ngoài xương bò thì thành phần của nước phở ở đây còn có thêm cả gân nai và sá sùng nên rất bổ dưỡng. Thực đơn quán rất đa dạng từ phở bò thố đá, phở bò wagyu siêu sang, phở nai rừng thố đá hay phở gà sâm Ngọc Linh. Giá bán món phở bát đá ở đây từ 65.000 VND trở lên.
Phở bát đá MAISON Hà Nội
Đây vốn là một thương hiệu ẩm thực rất nổi tiếng ở Hà Nội, phở thố đá ở đây phục vụ với nước dùng ngon lúc nào cũng nóng hổi, thịt bò cắt mỏng vừa phải và rất mềm. Những nguyên liệu của bát phở được bài trí trong chiếc thuyền xinh vừa truyền thống vừa hiện đại. Phở bát đá của quán có giá từ 80.000 VND đến 150.000 VND.
Phở Maison rất nổi tiếng ở Hà Nội. Ảnh: @hangryange
Phở bát đá là một điểm nhấn rất độc đáo cho ẩm thực Việt, từ món phở truyền thống đã quá vang danh được biến tấu thành món ngon hấp dẫn hơn với hương vị được giữ trọn vẹn làm rung động khẩu vị của biết bao tín đồ ẩm thực mê phở.
Giữ 'linh hồn' phở
Những cây viết nổi tiếng về Hà Nội không "thần thánh hóa" món phở như một món ăn khó nấu, khó thực hiện và chỉ dành cho lớp nhà giàu, sành điệu.
Phở đã trở thành tinh hoa của ẩm thực Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN
Ngược lại, họ cho rằng giữ lại những nét tinh túy nhất và để phở dung nạp những sáng tạo mới như hàng trăm năm phát triển của phở.
Phở - món ăn có "mã nguồn mở"
Nhà báo Phạm Trung Tuyến - phó giám đốc kênh VOV Giao thông - được xem như một KOL luôn có góc nhìn độc đáo. Anh mê "xê dịch", mê những cung đường và món ăn dân dã, có thêm danh xưng Bếp Phạm và hàng nghìn bài viết về những món ăn ở khắp mọi miền, đủ mọi trường phái, phong cách.
"Bếp Phạm" gọi phở là Uptopia food - món ăn cộng đồng. Anh thích đọc văn của các cụ Nguyễn Tuân, Băng Sơn, kính nể các cụ nhưng lắc đầu với cách mà các cụ thần thánh hóa món phở. Đọc tùy bút Phở của cụ làm người ta thèm nhỏ dãi! Thế nhưng nếu phở "cao siêu" như cụ miêu tả thì cánh bình dân, cần lao chắc chỉ dám ước và nuốt nước miếng cho đỡ thèm. Phạm Trung Tuyến cho rằng nếu "thần thánh" như vậy thì phở không thể có sức sống mạnh mẽ như bây giờ.
"Điều tuyệt vời của phở, theo mình, bởi nó là một món ăn có "mã nguồn mở", một nền tảng để bất cứ ai cũng có thể mặc sức sáng tạo ra một bát phở theo sự tưởng tượng của bản thân. Dù có khác nhau thế nào thì chúng vẫn là phở" - anh nói.
Một tô phở nhiều thịt, nhiều hành cho buổi sáng mùa thu dịu ngọt - Ảnh: NAM TRẦN
Theo cây viết có hơn 24.000 người theo dõi trên Facebook này, phở của người Nam Định có từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau, nơi nào cũng có. Phở Nam Định mang mùi nước mắm đặc trưng của món ăn đồng biển. Nhưng bát phở không có nước mắm vẫn cứ là phở! Thậm chí, món thịt bò xào chan nước dùng của nhà cụ Thìn cũng chẳng ai bảo không phải là phở.
Đến món bánh đa chan nước luộc thịt lợn ở chợ Mèo Vạc mà mấy chàng trai Mông mua về để trộn cơm nguội cũng vẫn là phở! Ai cũng nấu được phở, cứ có bánh gạo, có thịt, có hành và chan ngập nước là thành phở!
"Vậy tại sao một món ăn dễ dãi, tùy tiện như thế lại trở thành trân bảo của ẩm thực Việt Nam, được thế giới công nhận hẳn hoi? Câu trả lời thực ra không nằm ở phở mà nằm ở người ăn phở. Dù có người "ăn phở không bao giờ thấy ngon" như nhà văn Trương Quý thì anh ta vẫn ăn phở ngay khi có cơ hội. Dù có người ăn phở ngay sau khi cai sữa như nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến hay như tôi thì cũng luôn vui vẻ ăn phở mỗi khi lỡ bữa!" - Tuyến cười.
Phở đã có hàng trăm năm phát triển. Từ món xáo trâu ăn với bún rồi chuyển thành xáo bò ăn với bánh cuốn thái nhỏ và bây giờ là phở. Từ phở bò cổ xưa đến phở gà, phở heo, phở vịt, phở thịt quay... phở dung nạp mọi nguyên liệu để chiều khẩu vị của đông đảo thực khách ở từng vùng miền khác nhau.
Theo anh, tùy khẩu vị, thời tiết mà mỗi người có những chuẩn mực khác nhau về phở. Những bát phở có thể rất khác nhau về hình thức, chất liệu hay sự gia giảm nhưng rốt cuộc vẫn là các thành phần dinh dưỡng cơ bản ninh nhừ.
Tùy khẩu vị, thời tiết mà mỗi người có những chuẩn mực khác nhau về phở - Ảnh: NAM TRẦN
Sản vật từ rừng đến biển trong tô phở
Gia vị nấu phở - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nói chuyện phở, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - tác giả của hàng chục đầu sách khảo cứu về Hà Nội - lại muốn xây dựng một tài liệu để khẳng định sự ra đời và phát triển của phở. Một cuốn biên niên kỹ lưỡng để bớt đi những tranh cãi về nguồn gốc, thậm chí là tranh cãi nguồn gốc với nước ngoài.
Ông cho rằng chủ đề của Ngày của phở 12-12 là "Tinh hoa hội tụ", muốn tôn vinh tinh hoa cũng cần xây dựng một cuốn biên niên để ngày của phở càng thêm ý nghĩa. Biên niên để khẳng định nguồn gốc món ăn của dân tộc, xuất phát từ cộng đồng và các mốc thời gian. Có thể mốc thời gian chỉ là "khoảng" nhưng cần khẳng định.
"Biên niên không khẳng định của ai mà khẳng định thời gian này, có món này bán ở đâu" - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.
Ông cho hay ông vừa hoàn thành bản thảo một cuốn khảo cứu về trang trại đầu tiên trồng cà phê ở Việt Nam. Những tư liệu liên quan trả lời được rất nhiều câu hỏi liên quan đến phở của ông.
Theo khảo cứu của Nguyễn Ngọc Tiến, cuối thế kỷ XIX người Pháp nuôi rất nhiều trâu ở Ba Vì. Họ cần sức kéo và cả phân bón cho đồn điền cà phê.
Ngày ấy đã có những chợ buôn bán trâu bò nổi tiếng như chợ Nghệ (Sơn Tây). Trâu rất đắt, nhất là sau những lệnh cấm giết mổ trâu để bảo vệ nguồn sức kéo. Còn bò thì ngược lại, xương bò bán rẻ như cho. Vì thế, những gánh hàng xáo trâu nhanh chóng chuyển sang xáo bò để đáp ứng nhu cầu no cái bụng của tầng lớp lao động ít tiền.
Rồi để cho tiện lợi, những người bán xáo bò thay bún ăn kèm bằng bánh cuốn thái nhỏ, rồi hình thành nên món phở. Thế nhưng nấu thế nào để không còn cái mùi ngây ngây của xương bò, thịt bò lại thành câu chuyện khác.
"Phở tinh tế ở chỗ là nó có đủ sản vật từ vùng núi, đồng bằng và miền biển. Ở miền núi là quế, hồi, thảo quả. Đồng bằng có thịt, có gạo, và miền biển có sá sùng, ngày trước còn có cá quả và bây giờ là nước mắm" - ông Nguyễn Ngọc Tiến giải thích.
Phở có nhiều biến thể theo nguyên liệu, vùng miền - Ảnh minh họa: NAM TRẦN
Phở có thể có nhiều "biến thể" từ nguyên liệu phở bò rồi sau này có phở gà, phở thịt quay... vào thời chiến tranh loạn lạc. Những người dân đô thị đi sơ tán, họ mang theo món phở về các miền quê. Nước dùng ít xương, không đủ ngọt, họ cho mì chính để đánh lừa cảm giác.
Phở ở miền Nam lại ngọt, họ cho đường, ăn với rau sống... nhà văn cho rằng có biến thể như vậy để phù hợp với văn hóa, khẩu vị, thói quen ăn uống của từng vùng miền. Tuy nhiên, trong bát phở cũng có quy luật "tương sinh, tương khắc, tương hòa".
"Nhiều loại gia vị, nhiều loại nguyên liệu có tính hàn, tính nhiệt khác nhau nhưng phải hòa trộn thế nào? Nấu ra làm sao để không bị cái này lấn át cái kia, hoặc lấy cái này để trung hòa cái kia, đó mới chính là bát phở ngon! Nguyên liệu có thể thay đổi nhưng cách nấu, cách để có nước dùng hợp với sợi phở chính là giá trị cơ bản của phở" - ông Nguyễn Ngọc Tiến nói.
Phở bát đá biến tấu nâng tầm phong vị phở Việt Nếm phở bát đá tận hưởng tinh hoa ẩm thực theo cách khác biệt.Phở từ lâu vẫn luôn là món ăn đặc trưng cho ẩm thực Việt và cũng là món ăn nổi tiếng vươn tầm thế giới, được nhiều người ưa thích. Bên cạnh phở truyền thống thì theo nhịp sống hiện đại, phở cũng đã có những biến tấu khác nhau...