NDT giảm giá – thương mại của Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Sau quãng thời gian tạm dừng lao dốc trong gần hai tháng (từ ngày 15-8 đến 7-10-2018), đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đang có xu hướng giảm giá mạnh trở lại so với đô la Mỹ ( USD) kể từ ngày 8-10 đến nay. Cuối tuần qua, tỷ giá USD/NDT đã tăng lên quanh mức 6,96 NDT/USD, vượt mức đỉnh thiết lập hồi trung tuần tháng 8, đồng thời cũng là mức cao nhất kể từ phiên 4-1-2017. Đỉnh lịch sử của cặp tiền tệ này là hơn 6,98 NDT đổi 1 đô la và giới hạn đỏ tiếp theo được giới chuyên gia đánh giá sẽ là 7 nhân dân tệ đổi 1 đô la. Nếu vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý này, đồng NDT được dự báo sẽ giảm giá mạnh thêm, thậm chí có thể lên mức 7,3 NDT/USD trong năm 2019.
Đồng NDT giảm giá mạnh trở lại trong hai tuần gần đây chủ yếu do diễn biến lao dốc của thị trường chứng khoán thế giới.
Việc đồng NDT giảm giá mạnh trở lại trong hai tuần gần đây không hẳn là do những rủi ro liên quan đến chiến tranh thương mại với Mỹ (giới phân tích đánh giá tác động của thông tin này đã ngấm vào diễn biến đồng NDT từ giai đoạn trước tháng 8) mà chủ yếu do diễn biến lao dốc của thị trường chứng khoán thế giới (chỉ số Dow Jones mất gần 5% giá trị chỉ trong một tuần, còn chỉ số Shang hai Composite đã thủng đáy bốn năm) đã khiến giới đầu tư rút vốn mạnh ra khỏi các thị trường mới nổi (trong đó có Trung Quốc).
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (ba lần kể từ đầu năm đến nay với tổng biên độ 1,5%) cũng khiến kỳ vọng đồng NDT giảm giá tiếp vẫn còn.
Trái ngược với xu hướng mạnh lên của đồng USD, tỷ giá VND/USD bán ra tại các ngân hàng thương mại trong nước tuần qua khá ổn định, quanh mức 23.400 đồng/USD. So với thời điểm cuối năm 2017, tiền đồng hiện đã lên giá khoảng 4,3% so với đồng NDT. Diễn biến này mang đến lo ngại hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, để xem hàng xuất khẩu Việt Nam có giảm lợi thế cạnh tranh xét riêng bởi ảnh hưởng của tỷ giá hay không, tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa (NEER) và tỷ giá hữu hiệu thực (REER) nên được tham khảo.
Video đang HOT
So với thời điểm giữa tháng 4-2018 (trước khi đồng NDT giảm giá mạnh) thì chỉ số NEER và REER của Việt Nam hiện đã tăng khoảng 4%. Sự gia tăng của NEER và REER phản ánh hàng hóa Việt Nam đắt hơn một cách tương đối so với hàng hóa của các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Mặc dù vậy, nếu so với cuối năm 2017, chỉ số NEER và REER hiện tại cao hơn không nhiều (lần lượt chỉ khoảng 0,3% và 1,5%).
Như vậy, biến động tỷ giá hiện nay đang theo chiều hướng: đồng tiền của các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc) mất giá mạnh, và đồng tiền ở các quốc gia Việt Nam xuất khẩu tăng giá (điển hình là Mỹ). Đây được coi là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vì sẽ nhập được hàng hóa rẻ hơn tương đối, trong khi xuất khẩu vẫn đảm bảo được sức cạnh tranh.
Mặc dù vậy, hàng hóa của Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với hàng hóa đến từ các quốc gia khác có cùng nhóm hàng xuất khẩu do đồng tiền nhiều quốc gia đang mất giá mạnh hơn so với tiền đồng. Do vậy, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, trong thời gian tới tỷ giá vẫn cần được điều chỉnh linh hoạt.
Ở góc độ khác, trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm trên 70% trong khi khu vực trong nước chỉ chiếm chưa đến 30%. Do hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chủ yếu mang tính chất gia công nên dù xuất khẩu nhiều nhưng đồng thời cũng phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên vật liệu. Trong chuỗi thanh toán của họ, đồng USD đóng vai trò chính nên vấn đề đồng Việt Nam tăng hay giảm giá so với USD có thể không phải là vấn đề lớn. Do đó, có thể nói, thực chất tiền đồng lên giá sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, trong đó trọng tâm là ảnh hưởng đến xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong chín tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 23 tỉ đô la Mỹ với một số mặt hàng chủ lực là thủy sản (6,4 tỉ), rau quả (3 tỉ), cà phê (2,8 tỉ), gạo (2,4 tỉ), cao su (1,4 tỉ)…
Đáng chú ý trong tổng số 23 tỉ đô la Mỹ giá trị xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản nói trên, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng gần 30%. Việc đồng NDT giảm giá so với tiền đồng đã và sẽ phần nào làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Cũng cần lưu ý là xuất khẩu nông lâm thủy sản có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam trong vấn đề ổn định kinh tế xã hội do khu vực này hiện vẫn đang thâm dụng nhiều lao động.
Sắp tới, nếu đồng NDT tiếp tục lao dốc so với đô la Mỹ trên thị trường thế giới thì việc điều hành tỷ giá USD/VND trong nước cũng cần có ứng phó linh hoạt để không gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.
Linh Trang
Theo thesaigontimes.vn
Đồng NDT của Trung Quốc rớt giá mạnh nhất trong một thập kỷ
Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã rớt giá xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua giữa lúc nhiều mối quan ngại gia tăng xung quanh tình trạng tăng trưởng chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.
Kiểm tiền 100 tệ tại ngân hàng ở Liên Vận Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong phiên giao dịch ngày 30/10, giá trị của đồng NDT đã sụt xuống mức 6,96 NDT/1 USD, gần sát mức 7 NDT/1USD và là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngưỡng tâm lý đối với thị trường là mức 7 NDT/1 USD và nếu vượt qua ngưỡng này có thể làm suy yếu niềm tin thị trường và khiến Mỹ tiếp tục cáo buộc Trung Quốc đang cho phép hạ giá đồng NDT nhằm đối phó với những tác động của các biện pháp thuế mà Washington áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo một bài bình luận được đăng trên nhật báo Thông tin kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, giới chức nước này nhiều khả năng sẽ không để đồng NDT vượt tỷ giá 7 NDT/1 USD và tình hình cán cân thanh toán của nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.
Trước đó một ngày, hãng tin Bloomberg đưa tin Washington đã chuẩn bị công bố gói thuế quan đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc vào Mỹ vào đầu tháng 12 tới, nếu các cuộc đàm phán trong tháng tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không giúp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại.
Sau đó, trong chương trình "The Ingraham Angle" của kênh Fox News, Tổng thống Trump cũng để ngỏ sẽ áp đặt gói thuế quan trị giá 267 tỷ USD nếu không đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc.
Cho đến nay, Mỹ đã áp đặt các mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD và Bắc Kinh cũng đáp trả bằng các gói thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 110 tỷ USD.
Washington đe dọa sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt thuế nếu Bắc Kinh không đáp ứng những yêu cầu mà Mỹ đưa ra nhằm thay đổi các chính sách thương mại, trợ giá công nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Phương Oanh (TTXVN)
Tỷ giá ngoại tệ ngày 29/10: USD, Bảng Anh cùng tăng Tỷ giá ngoại tệ ngày 29/10 giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cao. Trong ngắn hạn, USD và chứng khoán Mỹ cũng đang đối mặt với rủi ro lớn từ cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ. Tính đến đầu phiên giao dịch (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động...