NCB và con đường tìm về mệnh giá
Ngân hàng TMCP Quốc dân ( NCB) là một trong số những ngân hàng có quy mô vốn nhỏ, nên hoạt động kinh doanh vẫn chưa nhiều đột biến. Đặc biệt, cổ phiếu NVB của ngân hàng này vẫn đang “chật vật” dưới mệnh giá.
NCB đang nỗ lực tăng vốn.
Nhiều mảng kinh doanh chưa thoát lỗ
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của NCB cho biết, tính đến cuối tháng 6/2019, vốn của ngân hàng này vào khoảng 4.070 tỷ đồng, đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2018, nhưng tổng tài sản lại giảm còn hơn 70.695 tỷ đồng, giảm khoảng 2,4% so với thời điểm 31/12/2018. Kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm của ngân hàng này ghi nhận giá trị huy động khách hàng đạt 57.886 tỷ đồng, tăng hơn 14%, hoạt động cho vay khách hàng đạt 36.261 tỷ đồng, tăng 1,6%. Tuy nhiên, trước áp lực phải kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm dự phòng rủi ro, con số lợi nhuận của ngân hàng này dù đã tăng hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn “lẹt đẹt”, thuộc nhóm cuối của ngành ngân hàng.
Báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý II/2019 của NCB chỉ vỏn vẹn hơn 7,2 tỷ đồng, nhưng như vậy cũng đã tăng tới 233% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt hơn 20,5 tỷ đồng, tăng hơn 31,4% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của NCB cũng tăng lên 4,1 tỷ đồng. Như vậy, nửa đầu năm, NCB đã thực hiện được 29% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm mà ban quản trị đặt ra.
Đặc biệt, xét chi tiết các hoạt động kinh doanh chính của NCB sẽ cho thấy sự sụt giảm khá mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần giảm 11,4% chỉ đạt 432,1 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm gần 26% còn hơn 10,2 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối vẫn tiếp tục lỗ 5,3 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 1,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Hoạt động đầu tư chứng khoán ghi nhận 9,7 tỉ đồng lãi thuần, tăng 51%.
Video đang HOT
Chính vì những khoản lỗ này mà trong 6 tháng qua, NCB đã phải cắt giảm nhiều chi phí để có được khoản lợi nhuận hơn 20 tỷ đồng. Đầu tiên là giảm chi phí hoạt động hơn 26% so với cùng kỳ năm trước, còn khoảng 389 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng được ngân hàng này cắt giảm từ 39,6 tỷ đồng xuống hơn 23 tỷ đồng, giảm các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc ngân hàng từ hơn 51 tỷ đồng xuống 30 tỷ đồng.
Phải chăng việc giảm chi phí dự phòng rủi ro này đã kéo mạnh tỷ lệ nợ xấu của NCB? Tính đến cuối tháng 6/2019, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 2,74% trên tổng dư nợ, tuy vẫn đạt tiêu chuẩn dưới 3% của Ngân hàng Nhà nước, nhưng tỷ lệ này đã tăng mạnh so với mức 1,67% hồi cuối năm 2018. Không những thế, các nhóm nợ xấu đều có mức tăng so với cuối năm trước. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đã tăng mạnh 163%, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 29%…
Tìm về mệnh giá
Trên thực tế, lợi nhuận ít và có nhiều con số tiêu cực trong kết quả kinh doanh là tình trạng chung của không ít ngân hàng “vốn mỏng”. Điều này khiến các ngân hàng vừa phải “chạy đua” cạnh tranh trên thị trường, vừa phải loay hoay tìm cách xử lý nợ xấu, tăng vốn, tìm kiếm thêm nguồn lực.
Với NCB, ngân hàng này cũng đang nỗ lực tìm mọi cách để “thoát khó”. NCB đang triển khai một loạt dự án về ngân hàng số nhằm giảm nguồn lực nhân sự và tạo tiện ích cho khách hàng. Bên cạnh đó, NCB cũng tìm cách mở rộng hợp tác và phát triển hệ sinh thái khách hàng. Đáng chú ý nhất là vào đầu tháng 7 vừa qua, NCB đã ký kết với một trong năm tổ chức tín dụng nhà ở lớn nhất Nhật Bản hướng tới hợp tác trong nhiều hoạt động gồm đầu tư, chuyển giao sản phẩm và công nghệ, triển khai mô hình quản trị hiện đại. Với những hoạt động này, NCB kỳ vọng tăng vốn điều lệ lên mức 10.000 tỷ trong giai đoạn 2019-2020 và kiện toàn hệ thống quản trị điều hành – quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II nhằm tiến lên nhóm ngân hàng thương mại có quy mô vốn tầm trung.
Mặt khác, nỗ lực trên của NCB còn để giúp cổ phiếu của ngân hàng này (mã NVB) thoát khỏi mệnh giá. Tính đến thời điểm giao dịch ngày 15/8, thị giá cổ phiếu NVB đang ở mức 7.100 đồng/cổ phiếu. Nhưng đánh giá gần 9 năm niêm yết trên sàn của cổ phiếu này, thì số thời điểm NVB vượt mệnh giá đếm trên đầu ngón tay. Lần gần nhất cổ phiếu NVB vượt 10.000 đồng/cổ phiếu là từ tháng 11 đến tháng 12/2018, nhưng sang đến năm 2019 thì cổ phiếu này chỉ dâng lên được cao nhất 9.300 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 5, sau đó liên tục hạ đến thị giá như hiện nay.
Có thể thấy, sau quá trình vật lộn tái cơ cấu, cổ phiếu NVB vẫn chưa thoát khỏi cảnh giá dưới mệnh giá. Dù trong tháng 7 vừa qua, ngân hàng này liên tục niêm yết số lượng lớn cổ phiếu bổ sung và lãnh đạo ngân hàng này mua vào hơn 4,77 triệu cổ phiếu, nhưng tình hình vẫn chưa thể kéo cổ phiếu này đi lên. Như vậy, trong bối cảnh nhiều mảng kinh doanh còn chưa khởi sắc như trong 6 tháng qua, đường về mệnh giá của NVB vẫn là dấu hỏi cho nhiều nhà đầu tư và cổ đông.
Hương Dịu
Theo haiquanonline.com.vn
Lãnh đạo NCB vừa mua vào lượng lớn cổ phiếu
Phó Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng giám đốc NCB vừa mua vào tổng cộng gần 5 triệu cổ phiếu NVB.
Ảnh minh họa.
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố thông tin giao dịch cổ phiếu của lãnh đạo cấp cao Ngân hàng TMCP Quốc Dân - NCB (mã NVB).
Cụ thể, trong ngày 17/7/2019, bà Dương Thị Lệ Hà, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng đã mua hơn 2,87 triệu cổ phiếu NVB.
Cùng ngày, ông Vũ Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT cũng đã mua vào 1,9 triệu cổ phiếu, tương đương 0,47% vốn điều lệ ngân hàng.
Được biết, trong ngày 17/7, trên sàn có 2 giao dịch thỏa thuận với khối lượng 4,77 triệu cổ phiếu, đúng bằng số lượng bà Hà và ông Tiến mua vào, với giá trị giao dịch đạt 36,27 tỷ đồng.
Tính ra, số cổ phiếu trên đã được trao tay với giá giao dịch bình quân là 7.600 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá bình quân 8.000 đồng/cổ phiếu được giao dịch trên sàn.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng thu nhập hoạt động của NCB đạt 463 tỷ đồng, giảm 22,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ cắt giảm chi phí hoạt động 21%, chi phí dự phòng giảm 42% nên lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 21 tỷ, tăng 32% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của NCB là gần 70,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 1,6% đạt 35,8 nghìn tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng mạnh 14,4% lên 53,9 nghìn tỷ đồng.
TRẦN THÚY
Theo bizlive.vn
Bắt đầu xuất hiện lãi suất huy động VND vượt 8%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng Thông thường, để được hưởng lãi suất trên 8%, khách hàng thường phải gửi với kỳ hạn dài hơn, trên 12 tháng và chỉ tại một số ngân hàng mà thôi. Sau khoảng hai năm lãi suất huy động VND có xu hướng tăng lên, đến nay thị trường mới chỉ lần đầu tiên ghi nhận ở kỳ hạn dưới 12 tháng có...