“Này con gái, hãy yêu đi, đừng sợ”
“Sẽ có những thời điểm trong cuộc đời con chẳng còn mong muốn những thứ lớn lao mà chỉ ước khi mệt mỏi trở về nhà sẽ có người đang đợi con ở đó”.
Đã rất nhiều lần con nói rằng con muốn được suốt đời bên cạnh mẹ, được là bờ vai bình yên cho mẹ lúc tuổi xế chiều. Đã rất nhiều lần con nói rằng sao mình không thể cứ hồn nhiên mà cứ phải yêu nhau, cứ phải kết hôn, phải ràng buộc nhau vì vô vàn lo toan và trách nhiệm. Con gái, mẹ sẽ không nói với con “Là con gái, nhất thiết phải lấy chồng”. Kết hôn hay không đều là do con lựa chọn.
Mẹ là một bà mẹ đơn thân. Đó không phải là lựa chọn của mẹ, mà là do bởi mẹ đã không may mắn gặp đúng người. Từ khi có con, mẹ vừa là mẹ, vừa là cha, luôn cố gắng để con không cảm thấy thiệt thòi thiếu thốn.
Có nhiều lần bà ngoại nói mẹ nên đi bước nữa, nhưng mẹ đã chối từ. Không phải vì không còn khao khát yêu đương, chỉ là sợ người ta không thể thương con khiến đời con buồn tủi.
Mẹ con mình đã cùng nhau đi hết bốn mùa từ năm này qua năm khác, từ khi con đỏ hỏn đến nay đã ra dáng thiếu nữ trưởng thành. Bao lần con khóc cười, bao lần mẹ giấu nước mắt vào tay, cả hai chúng ta đều hiểu nhau rất rõ.
Mẹ đã chứng kiến con đi qua những xao động đầu tiên trong đời, khóc vì nhớ, khóc vì yêu, khóc vì niềm tin trao đi rất nhiều nhưng nhận về chỉ là thất vọng. Ừ, yêu thì cứ yêu. Hết yêu thì chia tay, làm sao lại cứ phải cưới, đúng không con? Cưới nhau rồi không còn là yêu đương, còn là bổn phận, là lo toan, là trách nhiệm. Cưới nhau rồi vì muôn thứ ràng buộc mà cứ cố chịu đựng nhau, rồi làm nhau đớn đau, làm nhau sầu khổ.
Là khi con trẻ, con nghĩ thế. Khi ước mơ con còn dài rộng, đôi chân con đang như đôi cánh tự do. Con muốn đi khắp nơi, muốn sống hết mình cho tuổi trẻ. Nhưng tuổi thanh xuân không dài mãi, cuộc đời cũng không phải toàn những niềm vui. Sẽ có những thời điểm trong cuộc đời con thật sự cần một người có thể ngồi bên lắng nghe, đưa bàn tay nắm lấy tay con khi con buồn, đưa bờ vai cho con dựa khi mệt mỏi, dùng bàn tay thô ráp của họ để lau nước mắt cho con. Có những thời điểm trong cuộc đời con sẽ chẳng còn mong muốn những thứ lớn lao mà chỉ ước khi mệt mỏi trở về nhà sẽ có người đang đợi con ở đó.
Nếu ai đó chưa từng khóc vì yêu, có thể là do họ chưa yêu người đó đủ nhiều khiến họ phải khóc. Nếu con vẫn còn xem việc sống bên cạnh một người đến hết cuộc đời là việc không cần thiết thì chỉ là vì con chưa gặp được người khiến con thay đổi suy nghĩ ấy mà thôi.
Mẹ không có cơ hội được làm vợ, làm dâu. Nhưng từ khi có con, mẹ biết rằng làm vợ, làm mẹ không hề đáng sợ như những gì các con đang nghĩ. Nếu không có con, mẹ đã không trưởng thành và mạnh mẽ như hôm nay. Nếu không có con, mẹ chưa chắc đã dễ dàng vượt qua nỗi đau bị ruồng bỏ. Rồi sẽ có ngày con nhận ra bất cứ một ai đó xuất hiện trong đời con đều vô cùng ý nghĩa. Và những nỗi đau con có sẽ giúp con trưởng thành hơn.
Con gái, mẹ sẽ không nói với con rằng con gái nhất thiết phải lấy chồng. Mẹ cũng sẽ không giục giã con kết hôn chỉ để cho hoàn thành trách nhiệm. Không có một áp lực nào đè nặng lên vai con gái rằng phải thế nọ thế kia. Hãy yêu và hãy sống như con muốn, miễn con cảm thấy thoải mái, cảm thấy vui, miễn mọi lựa chọn trong đời không làm con hối tiếc.
Video đang HOT
Nhưng mẹ vẫn luôn tin rằng sẽ có lúc con gặp một người mà ngay cả trái tim mình con cũng sẽ không ngần ngại mà trao đi, dẫu người đó khiến con tổn thương, khiến con khóc cười vô cớ. Yêu chính là như thế, là chẳng thể tính toán được mất điều chi. Yêu chính là sẵn sàng để người khác điều khiển con tim mình một cách cam tâm tình nguyện. Vậy nên con gái ơi, hãy dũng cảm yêu đi, đừng sợ. Yêu và được yêu chính là thứ cảm xúc tuyệt diệu nhất trong cuộc đời này.
Theo Dân trí
Khi nhà thành... tổ lạnh
Những người tự cho mình độc quyền người lớn, hãy dừng lại một chút trong nhịp sống hối hả, hãy dằn xuống những giận dữ lo toan để lắng nghe những đứa con chia sẻ lòng mình trong tổ ấm đang bắt đầu nguội đi theo tháng năm...
1. Tôi có cô bạn đồng nghiệp tên Thu, xinh đẹp giỏi giang nhưng mãi không chịu lấy chồng. Sau những giờ làm, cô thường lang thang cà phê, shopping, hoặc la cà đâu đó đến tối muộn mới về. Hôm nào cũng thấy mẹ cô điện thoại giục giã, hôm nào cũng thấy Thu gắt gỏng: Con có việc bận, mẹ chờ làm gì. Rồi cũng với thao tác đầy cáu kỉnh như thế, cô tắt máy.
Ảnh minh họa
Đến nhà Thu vài lần, tôi biết mẹ cô ấy. Một người phụ nữ Việt Nam truyền thống: chăm chỉ, chịu khó, thương chồng con hết mực. Nhưng cái sự thương của bà không có khái niệm dành cho chính bản thân mình. Bố Thu là người đàn ông gia trưởng, thậm chí là vũ phu. Những áp lực công việc, hoặc cứ tâm trạng không thoải mái là ông quăng vào vợ con những lời cay nghiệt. Những lần động chân động tay với mẹ, Thu cũng đã tứng chứng kiến và không ít lần cô đứng giữa bố mẹ hét lên: Bố không được đánh mẹ, bố đánh chết con trước đi rồi hãy đánh mẹ! Tất nhiên người đàn ông, Thu gọi là cha sẽ vung tay cho cô cái tát điếng người.
Tuổi thơ của chị em Thu đã trôi đi không mấy yên ả trong căn nhà họ vẫn gọi là tổ ấm. Mẹ quá hiền lành và nhẫn nhịn. Chưa bao giờ mẹ dám nghĩ đến giải thoát, đến vùng lên đòi lấy một chút quyền lợi cho riêng mình. Người đàn bà được dạy dỗ rất cơ bản từ bé về lễ nghĩa, gia phong theo tư tưởng đã cũ chưa bao giờ dám nghĩ đến đến bỏ chồng. Có lần em trai Thu bực bội: Mẹ giải thoát cho chính mẹ đi, sống như thế này mẹ thì đau khổ mà chúng con có hạnh phúc gì đâu. Bà lặng người khóc: Mẹ không thể... Thu cũng giận mẹ. Khóc lóc thì có giải quyết được gì. Mẹ cố níu kéo một cuộc hôn nhân không còn lành lặn để làm gì? Mẹ muốn hai chị em có đầy đủ bố mẹ, nhưng thực ra sống trong cuộc hôn nhân của bố mẹ, cả hai đứa con đều sợ... Nỗi sợ đến vô cùng những trận đòn roi của bố. Lỡ bố mạnh tay quá với mẹ thì sao? Lỡ mình lấy chồng, hôn nhân cũng xám xịt như bức tranh của bố mẹ, nhỡ...
Và cho đến giờ, sau những giờ tan tầm, Thu sợ về nhà. Sợ những tiếng bấc tiếng chì ném qua ném lại, sợ khi cánh cửa khép lại ngôi nhà trở nên xa lạ và đáng sợ hơn bao giờ hết. Cô chỉ thèm tiếng cười, thèm nhà mình thực sự là tổ ấm, thực sự là nơi yêu thương để trở về mà sao mà không thể?
2. Bạn của con trai đến học nhóm. Tôi lụi cụi làm món bánh khoai cho chúng ăn. Ép thêm chút nước hoa quả cho chúng uống. Đứa nào cũng ồ lên tấm tắc. Khi đang lúi húi dưới bếp, một cậu chàng to cao chạy xuống:
- Cô có cần cháu giúp gì không?
- Không, các con cứ học đi. Cô rảnh mà.
- Bạn Thái nhà cô thật sướng. Cháu ghen tị với bạn ấy quá.
- Sao thế? Các con đến nhà khác cũng vậy mà. Vài thứ đồ ăn vặt đáng kể gì đâu?
- Không, cháu muốn nói đến không khí gia đình cô ấy ạ. Nó rất ấm cúng.
Giọng cậu bé chợt chùng xuống.
- Nhà cháu, cháu đi về, mẹ chỉ hỏi mỗi một câu: hôm nay được điểm mấy? Có hôm cháu mệt, nhìn thấy cháu uể oải mẹ cháu lập tức đã quát: Mày bị điểm kém phải không?
- Thì cũng vì mẹ lo lắng cho việc học hành và tương lai của con thôi mà...
- Không ạ, từ ngày cháu học cấp một đến giờ câu hỏi ấy vẫn không thay đổi. Mỗi lần bị điểm kém mẹ cháu đay nghiến cháu đến mức cháu chỉ muốn chết quách đi. Chẳng bao giờ mẹ quan tâm cháu nghĩ gì thích gì, chỉ cần biết mỗi điểm số...
Ảnh minh họa
Tôi giật mình nhìn cậu con trai mười sáu tuổi. Tôi cũng nhiều lần mắng mỏ con trai. Cũng bực bội vì con lười học điểm kém, vì lỗi nọ kia không đáng kể ở cái tuổi nhất quỉ nhì ma... Nhiều khi dặn mình phải dằn lòng lại, để cố gắng lắng nghe chia sẻ với những cậu bé cô bé bắt đầu muốn nổi loạn và chỉ thích khẳng định cái tôi cá nhân này. Nhưng còn biết bao nỗi lo khác nữa, cảm xúc đâu phải luôn sẵn sàng để thông cảm với các con.
- Con đừng nghĩ thế, mẹ nào cũng rất yêu thương và lo lắng cho con mình...
- Mẹ cháu chỉ sợ cháu bị điểm kém thì xấu mặt mẹ cháu thôi. Chứ mẹ cháu có quan tâm đến cảm giác của cháu đâu...
Tôi lặng người đi, lòng chùng xuống vì thương con trẻ. Có lẽ nào chúng ta, những người lớn, vì quá kì vọng vào con cái, mà vô tình đặt lên vai chúng một áp lực khủng khiếp đến thế? Những đứa trẻ như thế hẳn khi ở nhà bên người thân yêu nhất là mẹ, chúng vô cùng mệt mỏi...
3. Nhà anh Minh hàng xóm nhà tôi lại khác. Hai vợ chồng thành đạt, đều có vị trí cao ngoài xã hội. Cậu con trai duy nhất đang học ở một trường đại học danh tiếng. Sau lần cậu ăn uống ở ngoài bị ngộ độc thức ăn, tôi bảo anh chị lẫn cậu bé: Bố mẹ về muộn thì con sang nhà cô ăn cơm cho vui, các em cũng quí anh. Chỉ là thêm bát thêm đũa thôi đáng kể gì đâu. Cậu có vẻ thích thú với điều đó. Cậu bảo:
- Cháu về nhà buồn lắm. Bố mẹ cháu cứ đi suốt, bữa cơm cũng chẳng về.
Lời bộc bạch nhẹ nhàng mà nghe xa xót. Bố mẹ cậu hẳn là biết chứ. Cậu con trai cần những buổi sum họp quây quần bên bữa cơm gia đình, cần một nơi đi về thực sự là tổ ấm. Nhưng công việc, mưu sinh, vị trí... đại loại không thể nào dứt ra khỏi cái guồng sẵn có. Cái guồng mà bao năm phấn đấu hết mình họ mới ngồi vào đó được. Cậu bảo bố mẹ cháu thương cháu nhưng không sắp xếp được đâu, cháu biết bố mẹ cháu cũng vất vả chứ cũng chẳng sung sướng gì... Tôi hiểu, cậu bé rất ngoan, rất thương bố mẹ mình. Nhưng đôi khi nhìn sang bên nhà, thấy căn nhà thênh thang một mình cậu lẻ bóng cũng thấy xót lòng thương con trẻ...
Ảnh minh họa
4. Xã hội ngày càng phát triển, ai cũng bị cuốn vào cái vòng xoáy mưu sinh cơm áo không thể cưỡng lại. Mỗi cá nhân lại mang những cá tính khác nhau, và mỗi người một cách hành xử cũng khác... Nhưng tựu chung khi lập gia đình, ai cũng sẵn một tâm thế sẵn sàng vun vén xây đắp một tổ ấm vẹn tròn. Mục tiêu thì vậy, hành động cũng sẵn sàng.... chỉ có điều khi sống chung, những tủn mủn vụn vặt của cơm áo gạo tiền, những cái tôi riêng không dung hòa nhường nhịn, những kì vọng quá lớn lao... vô tình biến tổ ấm nóng rát rồi thành tổ lạnh. Và điều ấy khiến những đứa con cũng thấy ngại về chính ngôi nhà của mình. Về, để yêu thương, để nghỉ ngơi chứ đâu phải dằn hắt, đẩy nhau vào tận cùng của cô độc chán chường. Và tôi cứ nghĩ mãi về câu nói của cậu bé mười sáu tuổi, bạn của con trai: mẹ cháu có bao giờ quan tâm đến cảm xúc của cháu đâu?
Có lẽ mỗi chúng ta, những người tự cho mình một cái độc quyền: người lớn, hãy dừng lại một chút trong nhịp sống hối hả này, hãy dằn xuống những giận dữ lo toan, dằn lại tất cả để học lại một điều: lắng nghe những đứa con chia sẻ lòng mình trong tổ ấm đang bắt đầu nguội đi theo tháng năm...
Theo Tinmoi24
40 tuổi tôi vẫn hạnh phúc vì được đón Tết theo cách truyền thống Tôi sẽ không chọn cách trốn Tết, vì như thế chẳng khác nào từ chối món quà vô giá thiên nhiên và tổ tiên đã trao tặng. Tôi 40 tuổi, gia đình gốc Bắc nhưng định cư ở Sài Gòn từ năm 1980, còn gia đình chồng vẫn ở ngoài Bắc. Sau khi lập gia đình, chúng tôi sinh sống ở Hà Nội...